Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Hạch toán giá thành nhiệt điện ở Việt Nam khi khí các bon sinh ra trong quá trình đốt nhiên liệu không được xử lý

26/11/2014

     Hiện nay, phần lớn các nhà máy nhiệt điện đã lắp đặt các thiết bị xử lý các chất thải rắn công nghiệp. Tuy nhiên, trường hợp khí các bon sinh ra trong quá trình đốt nhiên liệu vẫn là một bài toán nan giải và hiện chưa được xử lý trước khi phát thải ra môi trường. Trong bối cảnh Luật BVMT 2014 được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015, trong đó có nội dung quản lý phát thải khí nhà kính, lưu ý hình thành và phát triển thị trường tín chỉ các bon trong nước và tham gia thị trường tín chỉ các bon thế giới, đã đặt ra yêu cầu cần phải tính lại giá thành nhiệt điện trong nước một cách kỹ lưỡng, có tính tới thuế các bon. Bài viết trình bày phương pháp hạch toán giá thành nhiệt điện trong trường hợp khí các bon không được xử lý và thuế các bon được áp dụng chính thức ở Việt Nam.

     1. Đặt vấn đề

     Với chính sách năng lượng ở mỗi quốc gia đều xuất phát từ tiềm năng về năng lượng của chính quốc gia đó, thì lâu nay Việt Nam vẫn sử dụng các dạng năng lượng truyền thống như thủy điện và nhiệt điện, trong đó, nhiệt điện chiếm tỷ trọng tới 57,8% (năm 2010). Đối với nhiệt điện, quá trình đốt than đá sinh ra các chất khí gây ra hiệu ứng nhà kính như CO2, SO2, NO, bụi khí... Trước vấn đề biến đổi khí hậu và gia tăng ô nhiễm môi trường đang tạo sức ép lên các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, thì vấn đề buộc phải thay đổi những chính sách năng lượng, chuyển từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang các dạng năng lượng tái tạo là việc làm cần thiết.

 

Ống xả khói của Nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh gây phát thải khí các bon ra môi trường

 

     Thách thức hiện nay đối với các nhà máy nhiệt điện sẽ là vấn đề đầu tư công nghệ để xử lý khí thải các bon. Với những công nghệ sản xuất ở các nhà máy nhiệt điện hiện nay thì mới xử lý được SO2 và một phần bụi, chưa xử lý được CO2 phát thải ra môi trường.

     Như vậy, trong trường hợp không đầu tư về công nghệ, giá thành điện có thể sẽ tăng lên đáng kể khi áp dụng cách tính thuế các bon theo các nước trên thế giới.

     2. Cơ sở để tính toán lại giá thành nhiệt điện

     2.1. Phương pháp hạch toán đúng giá thành nhiệt điện

     Nghiên cứu áp dụng phương pháp hạch toán đúng giá thành nhiệt điện. Việc xây dựng phương pháp tính giá điện xuất phát từ các quy định của hệ thống văn bản pháp lý hiện hành và thiết kế thị trường điện. Bên cạnh đó những quy định về phát triển thị trường điện và hoạt động kinh doanh tín chỉ các bon đã được thông qua và nêu rõ trong các văn bản pháp lý.

     Việc tính toán lượng các bon phát thải khi nhiên liệu hóa thạch bị đốt cháy được áp dụng tính theo các phương trình hóa học sau:

     C + O2 -> CO2        (1)

     Việc tính toán lượng C tham gia phương trình hóa học (1) dựa trên nguồn nguyên liệu than đầu vào, tỷ lệ % C có trong than, hiệu suất của lò đốt. Từ phương trình (1) sẽ tính được lượng CO2 phát thải ra môi trường.

     Ngoài việc tính lại giá thành từ sự tính đến việc kinh doanh tín chỉ các bon, giá thành nhiệt điện cũng cần phải được tính toán lại thông qua việc đánh giá lại tác động môi trường của các nhà máy nhiệt điện. Ngoài ra, các bài học kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới và tài liệu nghiên cứu của các tác giả trong nước và nước ngoài cũng là nguồn tham khảo cho phương pháp xác định giá thành thực tế của các nhà máy nhiệt điện ở Việt Nam.

     2.2. Thị trường trao đổi khí các bon

     Thuế các bon là một loại thuế môi trường, đánh vào lượng CO2 phát thải của nhiên liệu, đây là một hình thức định giá cácbon. Thuế các bon là công cụ được áp dụng cho việc đốt các loại nhiên liệu hóa thạch - những sản phẩm dùng than và nhiên liệu như xăng dầu, nhiên liệu hàng không và khí tự nhiên - tương ứng với hàm lượng các bon thải ra. Theo đó, thuế các bon vô tình đã làm tăng khả năng cạnh tranh của ngành công nghệ không các bon với những ngành đốt nhiên liệu hóa thạch truyền thống, bằng cách đẩy giá nhiên liệu hóa thạch tăng như một hệ quả tất yếu. Mặc dù có nhiều tranh luận, nhưng nhìn chung thuế các bon vẫn góp phần thúc đẩy công tác BVMT, đồng thời nâng cao doanh thu cho mỗi quốc gia.

     Thuế các bon đã trở thành một trong những chính sách cải cách về thuế gây nhiều tranh cãi trên chính trường nhiều nước, đặc biệt ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi tiêu thụ tới 80% lượng than của thế giới và 85% nguồn năng lượng then chốt đến từ nguồn nhiên liệu hóa thạch. Theo báo cáo của Ủy ban Kinh tế - Xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Liên hợp quốc (UESCAP) cho biết, các nước phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương quy định về cách tính thuế các bon như sau, mỗi doanh nghiệp khi thải ra một tấn CO2 thì phải nộp 10 USD. Mức thuế các bon mà Ấn Độ đưa ra là 50 Rupi (90 cent Mỹ) cho mỗi tấn than.

 

Cần phải hạch toán lại giá thành nhiệt điện dựa trên tính toán lượng các bon phát thải

 

     Ở các nước châu Âu, với mô hình đang được áp dụng ở Anh và Đan Mạch thì chính sách thuế các bon vào khoảng 10 USD/1 tấn CO2.

     Tại Ôxtrâylia, ngày 1/7/2012 đã chính thức thông qua Luật thuế cácbon. Theo đó, những doanh nghiệp thải ra hơn 25.000 tấn các bon mỗi năm sẽ bị đánh thuế. Ước tính sẽ có khoảng 500 doanh nghiệp phát thải khí CO2 nhiều nhất nước Ôxtrâylia phải trả 23 USD Ôxtrâylia/1 tấn CO2 thải vào khí quyển trong 3 năm đầu tiên, mức thuế mà các doanh nghiệp phải trả các năm sau sẽ tăng từ 25,94 - 27,2 USD/1 tấn CO2. Thuế các bon tại Ôxtrâylia được cho là mức cao nhất thế giới - cao hơn nhiều so với các nước châu Âu, khoảng từ 8,70 - 12,60 USD.

     Tại Mỹ, mức thuế các bon được đề xuất rất khiêm tốn, chỉ vào khoảng 10 USD - 35 USD /MT (metric ton) với một vài mức tăng của thuế hàng năm từ 2% - 8% mỗi năm (John, 2013). Những nghiên cứu về tác động thuế các bon khác nhau đã cho những kết quả trên các lĩnh vực khác nhau, hộ gia đình cá nhân hay nền kinh tế.         

3. Cách tính giá thành điện ở Việt Nam hiện nay

  Đối với các nhà máy điện, các đặc điểm kinh tế đầu tiên và quyết định chính tới giá điện là chi phí về vốn đầu tư xây dựng nhà máy. Đối với các công trình nhiệt điện áp dụng công nghệ có các loại công suất tổ máy khác nhau thì điều chỉnh theo chỉ tiêu suất vốn đầu tư theo loại công suất tổ máy chuẩn.

     Theo tài liệu tham khảo của ngân hàng thế giới (được Việt Nam tham khảo áp dụng) về kinh nghiệm quy đổi suất vốn đầu tư công trình nhiệt điện các loại tổ máy như sau:

      (2)

Trong đó:

C: Suất vốn đầu tư loại tổ máy cần tính quy đổi (đồng/kW)

Cknow: Suất vốn đầu tư loại tổ máy chuẩn đã biết (Đồng/kW)

Sknow: Công suất loại tổ máy chuẩn đã biết (kW)

S: Công suất loại tổ máy cần tính quy đổi (kW)

n: Hệ số tính đến cho loại nhà máy

Hệ số n được quy đổi theo bảng 1.

      Bảng 1. Hệ số quy đổi suất vốn đầu tư theo công suất nhiệt điện cùng loại

Loại nhiệt điện

n

Tua bin khí (đơn)

0.4

TBK hỗn hợp (CCGT)

0.22

Nhiệt điện ngưng hơi

0.28

 

     Theo công thức (2) tính giá thành nhiệt điện, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy không có sự xuất hiện của thuế CO2 hay các khoản thuế môi trường. Điều đó sẽ đặt ra một câu hỏi: “Giá thành điện sẽ tăng như thế nào nếu tính cả thuế môi trường và thuế CO2?”

     4. Sự tăng lên của giá thành điện khi tính thuế CO2

     Theo công thức tính hiện nay vẫn đang được áp dụng dường như vẫn chưa đầy đủ. Nếu tính cả thuế môi trường và thuế CO2 thì giá thành điện sẽ được thay đổi và tính theo công thức như sau:

     GTNĐ = C + m. T  (3)

Trong đó:

GTNĐ: Giá thành nhiệt điện cho mỗi kW nhiệt điện

C: Suất vốn đầu tư loại tổ máy cần tính quy đổi, được tính theo công thức (2), đơn vị đồng/kW

m: khối lượng CO2 phát thải ra môi trường, được tính theo công thức (1), đơn vị tấn/kW

T: Giá tiền thuế các bon thu được từ sự phát thải một tấn CO2 (đơn vị VNĐ)

     Hệ số T ở Việt Nam hiện chưa được tính toán cụ thể, có thể sử dụng tham khảo theo các phương án của các nước như bảng 2.

Bảng 2. Hệ số T được tính toán cho Việt Nam theo mức quy định của các nước

STT

Tên nước

Mức thuế áp dụng
cho 1 tấn CO2

T (VNĐ)

Chú ý

1

Ôxtrâylia

27.2 USD

576 640

1USD = 21200VNĐ

Tỷ giá quy đổi được niêm yết ở Vietcombank ngày 03/08/2014

2

Anh,

10 USD

212 000

3

Đan Mạch

10 USD

212 000

4

Mỹ

3.5 USD

74 550

 

     Theo giá quy đổi ở bảng 2, chúng ta phải tìm hiểu một cách kỹ lưỡng các chính sách quy định thuế các bon của các nước được đề xuất để tìm ra một mức T phù hợp với bối cảnh của Việt Nam.

     5. Kết luận, đề xuất và khuyến nghị

     Nghiên cứu bước đầu đề xuất phương pháp hạch toán lại giá thành nhiệt điện dựa trên sự tính toán lượng các bon phát thải và giá thành các bon khi được trao đổi.

      Kết quả của nghiên cứu chủ yếu là đưa ra phương pháp tiếp cận vấn đề, hướng giải quyết bài toán giá thành nhiệt điện.

      Việc đề xuất mức thu thuế các bon áp dụng cho Việt Nam sẽ làm thay đổi và ảnh hưởng lớn tới giá thành nhiệt điện.

     Giá thành điện ở các nhà máy nhiệt điện với quy mô tổ máy khác nhau là khác nhau, vì thế khi tính toán phải tính cho từng nhà máy cụ thể chứ không thể áp dụng một mức giá thành như nhau cho nhiệt điện.

     Giá thành nhiệt điện cũng phụ thuộc vào giá thu mua của nguồn nguyên liệu đầu vào (than đá, dầu, khí đốt). Chính vì thế sự biến động về giá điện khi nguồn nguyên liệu phụ thuộc vào nhập khẩu từ nước ngoài là một trong những khó khăn trong sự phát triển ổn định và bền vững ngành nhiệt điện.

     Hiện tại EVN đang giữ vai trò là đầu mối thu mua điện từ các nhà máy và điều độ nguồn điện để cung cấp ra thị trường. Nếu điện được bán theo hướng tự do cạnh tranh, và giá thành điện bao gồm cả chi phí về môi trường, thuế các bon, thì cần phải tính toán kỹ, đồng thời xem xét mức độ cạnh tranh với nhà máy sử dụng các nguồn năng lượng khácn

 

Lưu Thị Toán

Đại học Quốc gia Hà Nội

Dư Văn Toán

Viện Nghiên cứu quản lý biển và hải đảo

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 10/2014

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn