Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Chuyển đổi sang nền Kinh tế Xanh - Nhu cầu cấp thiết của nhân loại

07/11/2013

                                                

                                           Ngành sản xuất xi măng chiếm tới 6% mức phát thải CO2 toàn cầu

 

     Quy mô và sự thay đổi trong phương thức ứng xử với tự nhiên sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp và những nhà đầu tư sự khác biệt bằng cách tối ưu hóa chuỗi cung ứng và chiến lược đầu tư.

     Hội nghị thượng đỉnh thường niên Doanh nghiệp vì Môi trường lần thứ 8 tổ chức tại New Delhi, Ấn Độ đã công bố bản báo cáo “Vốn tự nhiên đang nguy cấp - 100 yếu tố bên ngoài cần quan tâm của doanh nghiệp”. Báo cáo này ước tính, 100 những yếu tố bên ngoài về môi trường đang gây ra tổn thất khoảng 4,7 tỷ tỷ đô la mỗi năm trên phạm vi toàn cầu. Giá trị tổn thất được tính toán trên cơ sở các chi phí cho việc xử lý phát thải khí nhà kính, mất các nguồn tài nguyên thiên nhiên, mất các dịch vụ dựa trên tự nhiên như các kho dự trữ cacbon tại các cánh rừng, biến đổi khí hậu và những chi phí cho sức khỏe do ô nhiễm không khí.

     Ngày nay, các công ty và những nhà đầu tư đang đứng trước cơ hội và thách thức khi nhu cầu cung ứng sản phẩm, hàng hóa của người tiêu dùng có chiều hướng tăng đáng kể trong vài năm tới, với sự gia tăng nhóm những người tiêu dùng ở tầng trung, đặc biệt tại các thị trường mới nổi. Tuy nhiên, điều này tương phản với khả năng đáp ứng của các doanh nghiệp trong bối cảnh các nguồn lực ngày càng khan hiếm và các hệ sinh thái tự nhiên ngày càng suy thoái. Một trong những nhiệm vụ khó khăn của doanh nghiệp là cần phải hiểu về giá trị của hệ thống tự nhiên nuôi dưỡng con người và xem xét hệ thống đó được quản lý như thế nào. Bởi lẽ hiện nay, mỗi hình mẫu kinh doanh đã và đang tạo ra những vấn đề bên ngoài về môi trường như khi định giá nước, chúng ta dường như quên tính toán đến mức độ khan hiếm tài nguyên nước.

     Báo cáo chỉ ra các rủi ro về tài chính từ những yếu tố bên ngoài về môi trường như những thiệt hại do biến đổi khí hậu, ô nhiễm, chuyển đổi đất và cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên đã và đang tác động tới các doanh nghiệp ở cấp độ khu vực. Đồng thời, cũng chứng minh các ngành kinh doanh có tác động lớn tới tự nhiên gây ra nhiều tổn thất về kinh tế do các ngành này làm thiệt hại về môi trường như tiêu tốn tài nguyên thiên nhiên và tổn thất do ô nhiễm. Tuy vậy, các doanh nghiệp và nhà đầu tư có thể tính đến các tác động của vốn tự nhiên trong việc đưa ra các quyết định kiểm soát rủi ro nhằm đạt được lợi thế cạnh tranh.

      Trong suốt thập kỷ qua, giá cả hàng hóa đang dần được đánh giá đúng với giá trị thực của nó và việc khai thác quá mức các nguồn vốn tự nhiên vô giá đang ngày càng khan hiếm đã làm gia tăng rủi ro. Sự suy kiệt hàng hóa và dịch vụ từ hệ sinh thái như những tổn thất do biến đổi khí hậu, ô nhiễm, chuyển đổi đất đã tạo ra những yếu tố bên ngoài về môi trường, xã hội và kinh tế. Sự gia tăng các nhu cầu kinh doanh đối với các nguồn vốn tự nhiên và việc sụt giảm nguồn cung cấp do suy thoái môi trường, sự cố môi trường đã tạo nên sức ép đối với nguồn tài nguyên thiên nhiên.

     Báo cáo đánh giá trên 100 tác động đối với môi trường với việc sử dụng mô hình môi trường Trucost - đây là mô hình cô đọng 6 thành tố quan trọng nhất trong tiêu dùng vốn thiên nhiên gồm sử dụng nước, phát thải khí nhà kính GHG, chất thải, ô nhiễm không khí, đất, nước và sử dụng đất. Những chỉ số môi trường này được xác định theo khu vực với trên 500 ngành kinh doanh. Các ngành có tác động cao nhất tính theo khu vực trên phạm vi toàn cầu bao gồm: Ngành năng lượng than đá ở Đông Á và Bắc Mỹ chiếm vị trí số 1 và số 3, ước tính khoảng 453 tỷ USD mỗi năm ở khu vực Đông Á và 317 tỷ USD ở khu vực Bắc Mỹ. Các chi phí này bao gồm phí tổn cho phát thải GHG, phí tổn về sức khỏe và các loại phí tổn khác do ô nhiễm không khí;  Ngành có tác động cao khác là nông nghiệp, xét theo khía cạnh về sự khan hiếm nguồn nước thì chi phí cho việc sử dụng nguồn nước và sử dụng đất ở mức độ cao. Ngành chăn nuôi ở khu vực Nam Mỹ chiếm vị trí số 2 với ước tính chi phí khoảng 354 tỷ USD. Ngành sản xuất gạo và bột mì ở Nam Á chiếm vị trí thứ 4 và thứ 5; Ngành sản xuất sắt, thép, hợp kim sắt chiếm vị trí thứ 6 với chi phí khoảng 225 tỷ USD. Ngành sản xuất xi măng chiếm tới 6% mức phát thải CO2 toàn cầu và vị trí thứ 7 thuộc về ngành sản xuất xi măng ở Đông Á nơi chiếm tới 55% sản lượng xi măng toàn cầu.

     Theo kết quả nghiên cứu, ước tính chi phí bên ngoài về môi trường của các ngành sản xuất sơ cấp (nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, khai mỏ, khai thác dầu khí) và các ngành chế biến sơ cấp (xi măng, thép, giấy và bột giấy, hóa dầu) là 7,3 tỷ tỷ USD, tương đương với 13% tổng giá trị kinh tế toàn cầu năm 2009. Tỷ lệ các yếu tố bên ngoài về môi trường như sau: 38% từ phát thải khí nhà kính; 25% từ việc sử dụng nước; 24% từ việc sử dụng đất; 7% từ ô nhiễm không khí, 5% từ ô nhiễm đất và nước và 1% từ chất thải.

     Báo cáo chỉ ra rằng, quy mô và mức độ thay đổi phương thức tác động tới tự nhiên sẽ đưa lại cơ hội cho các công ty và những nhà đầu tư tự tạo ra sự khác biệt bằng cách tối ưu hóa chuỗi cung ứng và chiến lược đầu tư của họ. Một số khuyến nghị được đưa ra cho các công ty là: Thực hiện quy trình sản xuất nhằm đo lường và quản lý nguồn vốn tự nhiên được sử dụng; Tăng cường các mô hình kinh doanh giảm thiểu tác động của những rủi ro toàn cầu như khan hiếm nước, biến động về giá nông nghiệp và năng lượng, gia tăng phát thải khí nhà kính và những tác động của biến đổi khí hậu. Đây là những trọng tâm của nền Kinh tế Xanh.

     Thuyết trình về bản báo cáo, các chuyên gia của tổ chức Doanh nghiệp vì Môi trường cho rằng: “Sự thay đổi về giá cả hàng hóa gần đây do hạn hán, những tác động của thay đổi môi trường tới lợi nhuận của công ty, lạm phát và cán cân thương mại quốc gia đã nhấn mạnh sự phụ thuộc của lợi nhuận đầu tư vào vốn tự nhiên. Xu hướng này sẽ tăng nhanh trong tương lai trên một số lĩnh vực. Hiểu biết các cơ hội và những rủi ro về vốn tự nhiên là điều cần thiết đối với doanh nghiệp nhằm khẳng định vị trí trong một thế giới có nguồn tài nguyên ngày càng hạn chế. Rõ ràng là chúng ta cần thay đổi cách thức kinh doanh, nhưng chúng ta không thể quản lý những gì không đo đếm được - và hiện nay mới chỉ có một số ít doanh nghiệp đo đếm những yếu tố bên ngoài. Giải quyết được điều này là trọng tâm của nền Kinh tế Xanh và phát triển bền vững”.

      Ông Achim Steiner, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc và là Giám đốc điều hành Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phát biểu: “Các công ty tiên tiến cần nhận ra rằng chìa khóa để cạnh tranh trong một thế giới đang cạn kiệt các nguồn tài nguyên sẽ gia tăng hiệu suất sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên và cắt giảm các dấu chân ô nhiễm - những con số trong báo cáo đã nhấn mạnh mức độ cấp thiết nhưng cũng đưa ra cơ hội cho tất cả các nền kinh tế trong chuyển đổi sang nền Kinh tế Xanh trong tiến trình phát triển bền vững và xóa đói giảm nghèo”.

 

            Lê Minh Ánh

(Theo http://www.teebforbusiness.org)

Nguồn: Tạp chí MT, số 9/2013

 

Ý kiến của bạn