Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Bảo tồn và phát triển hệ sinh thái ngập nước ven biển Thái Thụy

02/03/2015

     Vùng đất ngập nước (ĐNN) ven biển huyện Thái Thụy (Thái Bình) nằm trong Khu Dự trữ sinh quyển thế giới đồng bằng sông Hồng, được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và văn hóa (UNESCO) công nhận vào năm 2004, gồm 3 tỉnh: Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình. Vùng ĐNN Thái Thụy có dải rừng ngập mặn (RNM) với diện tích khoảng 3.500 ha tập trung tại các xã Thụy Trường, Thụy Xuân, Thái Thượng, Thái Đô, có tác dụng lớn trong phòng hộ đê biển, điều hòa khí hậu và có giá trị lớn về cảnh quan môi trường, bảo tồn hệ sinh thái ngập nước ven biển. Những năm gần đây, do dân số đông gây sức ép lớn lên tài nguyên của vùng nên việc quản lý, giữ gìn nguồn tài nguyên quý giá là vấn đề cần thiết đối với vùng ven biển này.

     Một số nguyên nhân suy thoái RNM

     Theo nghiên cứu của Hội chữ Thập đỏ Đan Mạch, diện tích RNM trưởng thành của huyện Thái Thụy trong 12 năm (từ 1986 - 1998) đã giảm 70%. Rừng đã bị suy thoái nặng nề do nhiều nguyên nhân: Khai hoang lấn biển, mở rộng đất canh tác và giãn dân; Khoảng 600 ha RNM trưởng thành đã bị phá trong quá trình đắp đê Xuân Hải vào đầu những năm 1980. Bên cạnh đó, do sự phát triển mạnh mẽ của nghề nuôi tôm nước lợ ở vùng cửa sông ven biển nên người dân địa phương phá RNM để nuôi tôm.

     Hơn nữa, việc chặt phá RNM để sản xuất nông nghiệp, làm đầm nuôi tôm quảng canh đã biến đất mặn giàu chất dinh dưỡng thành đất phèn mặn. Dưới tác động của khí quyển, pyrit bị ôxy hóa sinh ra H2SO4. Axít này có tác động giải phóng ion sắt và nhôm gây độc đối với cây. Phốtpho sẽ bị kết tủa tạo thành phốtphát sắt và phốtphát nhôm không hòa tan nên cây không hấp thụ được. Ion nhôm còn gây độc hại với cá, động vật trong nước và trên bãi lầy.

 

RNM Thái Thụy được phục hồi, góp phần bảo vệ sản xuất nông lâm nghiệp và nuôi trồng hải sản

 

     Ngoài ra, các hoạt động khai thác RNM không theo quy hoạch cũng đã tác động mạnh mẽ đến RNM. Các hoạt động khai thác hải sản trên bãi triều như dùng cào để cào cua, đào bới các loài hai mảnh vỏ đã làm hư hại, thậm chí phá hủy nhiều cây ngập mặn.

     Trước thực trạng trên, với sự hỗ trợ kinh phí của Hội Chữ Thập đỏ Đan Mạch và một số tổ chức từ thiện khác, từ năm 1998 đến nay, huyện Thái Thụy đã trồng mới 585 ha RNM. Sau khi RNM được trồng và phục hồi, những vạt đất ngập mặn thường được bồi đắp, nâng cao, có tác dụng phòng hộ tích cực, trực tiếp bảo vệ đê điều, cản sóng biển, bão gió, chống xói mòn sập lở dải cát ven biển, bảo vệ sản xuất nông lâm nghiệp và nuôi trồng hải sản. Đến nay, nhờ có vành đai RNM che chở, các đầm nuôi tôm và các đê chắn sóng ở các xã Thụy Hải, Thụy Xuân, Thụy Trường được bảo vệ tốt khi có bão. Đồng thời, RNM cũng nuôi dưỡng các nguồn lợi hải sản, hỗ trợ nghề cá. Theo thống kê, trong vùng RNM hiện có 64 loài thực vật nổi và 59 loài động vật nổi, 100 loài động vật đáy, trong đó một số loài có giá trị kinh tế cao như tôm, cua, ốc hương, ngao, bông thùa… Do môi trường nước biển ở vùng RNM giàu chất dinh dưỡng với độ muối ổn định theo mùa tạo điều kiện thuận lợi cho các loại sinh vật phù du, các loại vi sinh vật, các loại ấu trùng, giun tròn, giun nhiều tơ… làm nguồn thức ăn phong phú cho các loài động vật đáy, trong đó nhiều loài có giá trị kinh tế cao.

     Đề xuất một số giải pháp

     Hiện nay, phần lớn người dân địa phương ở Thái Thụy đã có những nhận thức đúng đắn về vai trò và tầm quan trọng của hệ sinh thái (HST) RNM, tuy nhiên để phát triển bền vững HST RNM Thái Thụy cần có các giải pháp sau: Hoàn thiện cơ chế chính sách về quản lý và quy hoạch chi tiết các dạng tài nguyên đất đai, sông rạch, RNM, động thực vật, khu du lịch, giao thông…; Quy hoạch đất bãi bồi ven biển phù hợp hơn với các bên liên quan, chú trọng đến lợi ích người nghèo; Cần khoanh định không gian - diện tích những khu vực lõi, đệm và chuyển tiếp với mục đích bảo tồn đa dạng sinh học, RNM và BVMT trên đất liền, sông, biển; Thực hiện thường xuyên công tác tuyên truyền, giáo dục về BVMT và đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; Huy động sự tham gia và đóng góp của cộng đồng dân cư và các bên liên quan vào công tác quy hoạch, quản lý và khai thác sử dụng các loại tài nguyên; Huy động mọi nguồn lực, liên kết và phối hợp với các tổ chức nghiên cứu phát triển, trường đại học, tổ chức quốc tế trồng mới các cây ngập mặn, bảo vệ và phát triển RNM; Nghiên cứu đa dạng sinh kế cho cộng đồng dân cư quanh vùng đệm bằng việc khảo sát các đối tượng sống xung quanh; Đào tạo kỹ năng làm việc, liên kết các trường dạy nghề đào tạo nghề du lịch và nấu ăn; Phối hợp với các công ty du lịch để triển khai dịch vụ du lịch sinh thái; Thiết lập các chốt bảo vệ rừng ở nơi xung yếu và tất cả các tiểu khu, tạo lập mối quan hệ giữa các lực lượng bảo vệ rừng và nhân dân quanh vùng đệm; Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương huyện, xã, các lực lượng vũ trang trên địa bàn để tổ chức quản lý, bảo vệ rừng, làm tốt công tác khuyến lâm, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động qua trồng rừng.

 

 

Dư Văn Toán

Viện Nghiên cứu Biển và hải đảo

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 1+2/2015

 

 

Ý kiến của bạn