Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Bảo tồn động, thực vật hoang dã: Không thể muộn hơn!

10/01/2014

      Tiêu thụ động vật hoang dã (ĐVHD) không bền vững đang là một trong những mối đe dọa lớn tới công tác bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) tại Việt Nam và các nước lân cận. Một loạt chiến dịch truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, khuyến khích thay đổi hành vi và giảm nhu cầu tiêu thụ trái phép đối với động vật hoang dã trên quy mô cả nước sẽ được triển khai trong năm 2014.

     Khai thác đến… tận diệt

     ĐDSH của Việt Nam đang trên đà suy giảm và suy thoái rất nhanh do nạn phá rừng, phát triển thủy điện, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu. Nếu như năm 1996 mới chỉ có 25 loài động vật của Việt Nam ở mức nguy cấp thì đến nay, con số này đã lên tới 47. Nhiều loài được đánh giá bị đe dọa không cao trên quy mô toàn cầu nhưng lại bị đe dọa ở mức báo động tại Việt Nam như hạc cổ trắng, voọc, cu li…

     ĐDSH ở Việt Nam có ý nghĩa to lớn, các hệ sinh thái với nguồn tài nguyên sinh vật phong phú đã mang lại những lợi ích trực tiếp cho con người và đóng góp to lớn cho nền kinh tế, đặc biệt là trong sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản; là cơ sở đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; duy trì nguồn gene tạo giống vật nuôi, cây trồng; cung cấp vật liệu cho xây dựng và các nguồn dược liệu, thực phẩm…. Ngoài ra, các hệ sinh thái còn đóng vai trò quan trọng trong điều tiết khí hậu và bảo vệ môi trường.

 

Lực lượng chức năng thu giữ động vật hoang dã

 

     Theo thống kê, Việt Nam hiện đã ghi nhận gần 50 nghìn loài động, thực vật, tuy nhiên tình trạng buôn bán trái phép đang diễn ra ngày càng phức tạp và khó kiểm soát. Đây được xem là nguyên nhân chính dẫn đến sự tuyệt chủng của các loài động, thực vật hoang dã. Ước tính từ năm 2000 - 6/2013, Cục Kiểm lâm ghi nhận 18.475 vụ vi phạm, tịch thu 199.339 cá thể tương đương 690.822 kg, tuy vậy, con số này chỉ chiểm 5% - 10% số lượng trên thực tế.

     2014 - đồng loạt xử lý!

     Thứ trưởng Bộ TN&MT Bùi Cách Tuyến đánh giá, động, thực vật hoang dã là một phần quan trọng cấu thành ĐDSH độc đáo của Việt Nam. Sự biến mất của chúng sẽ làm giảm giá trị ĐDSH mà Việt Nam đang nỗ lực bảo tồn và phát triển. Tình trạng tiêu thụ, buôn bán các loài nguy cấp nếu không có những giải pháp quyết liệt thì không những ảnh hưởng đến công tác bảo tồn mà còn tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội, sức khỏe, an ninh quốc gia và đặc biệt là hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế.

     Nhiều năm qua, Chính phủ Việt Nam đã rất nỗ lực tìm kiếm các giải pháp nhằm kiểm soát tình hình buôn bán, tiêu thụ trái phép động, thực vật hoang dã, đặc biệt là các loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ.

     Cụ thể, Việt Nam đã tham gia các công ước quốc tế quan trọng như Công ước về  ĐDSH Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp; tham gia các mạng lưới thực thi kiểm soát buôn bán động, thực vật hoang dã như ASEAN-WEN; điều chỉnh, xây dựng và ban hành mới nhiều văn bản pháp luật như Luật Hình sự sửa đổi năm 2009 nhằm tăng mức hình phạt cho các tội danh liên quan đến động vật hoang dã; Luật ĐDSH năm 2008 và mới đây là Nghị định 160/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ.

     Nhằm kiên quyết khắc phục thực trạng trên, Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XI (số 24-NQ/TW) “Về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”  đặt ra yêu cầu “Bảo vệ nghiêm ngặt các loài động vật hoang dã” và đề ra giải pháp là “Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, tạo dư luận xã hội lên án và thống nhất nhận thức về việc phải xử lý nghiêm các hành vi sử dụng lãng phí tài nguyên, đốt phá rừng, gây ô nhiễm môi trường, săn bắt, tiêu thụ động vật hoang dã”.

     Mục đích của Hướng dẫn nhằm quán triệt đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên và đông đảo người dân về chủ trương “Bảo vệ nghiêm ngặt” động, thực vật hoang dã của Đảng; tạo dư luận xã hội, lên án và thống nhất nhận thức về việc phải xử lý nghiêm các hành vi sử dụng lãng phí tài nguyên, đốt phá rừng, gây ô nhiễm môi trường, săn bắt, tiêu thụ động vật hoang dã. Đồng thời, nâng cao ý thức, thái độ, hành vi tiêu dùng của đảng viên, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên và đông đảo người dân không buôn bán, tiêu dùng bất hợp pháp động, thực vật hoang dã, khuyến khích thực hiện lối sống xanh, tiêu dùng xanh…

     Trong đó, hướng dẫn yêu cầu, vận động tuyên truyền rộng rãi việc thực hiện không buôn bán, tiêu dùng bất hợp pháp động, thực vật hoang dã theo tinh thần Nghị quyết số 24-NQ/TW đến mọi đối tượng, đặc biệt là các cán bộ, công chức và doanh nhân. Cùng với đó, chỉ đạo tăng cường tuyên truyền dịp Tết Nguyên đán năm 2014 sắp tới và xây dựng, triển khai kế hoạch tuyên truyền lâu dài, thường xuyên với các nội dung cụ thể, thiết thực, phù hợp với thực tế của địa phương, đơn vị; tham mưu cấp ủy chỉ đạo hệ thống chính trị, cộng đồng xã hội tích cực thực hiện chủ trương này.

 

Theo Monre

Ý kiến của bạn