Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Đề xuất biện pháp bảo tồn hệ sinh thái Vườn Quốc gia U Minh Thượng

03/01/2014

 

 

     Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam đang đề xuất tỉnh Kiên Giang áp dụng biện pháp khoa học bảo tồn vốn rừng tại vườn quốc gia U Minh Thượng  nhằm chủ động phòng chống cháy, bảo tồn hệ sinh thái rừng tràm trên đất than bùn, bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần duy trì cân bằng sinh thái, bảo đảm an ninh môi trường trong quá trình biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long.    

     Theo Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam, hàng năm vào cuối mùa mưa (tháng 10), nước mưa tại vùng U Minh Thượng được tích lại ở độ cao khoảng 1,5 m. Sau đó, do bốc hơi, nước giảm dần và thường đạt mức 1 m vào tháng 3 và tháng  4, trước khi bước vào mùa mưa năm sau. Tuy nhiên,  vào tháng 2 và tháng 3, nước tại Vườn U Minh Thượng được tháo nhanh ra ngoài vùng đệm để bắt tôm cá và được bổ sung trở lại bằng bơm vào tháng 5, tháng 6. Nếu thời tiết khô hạn trong thời điểm đó, mực nước sẽ hạ thấp dưới 1 mét, mặt đất khô và cháy rừng sẽ xảy ra. 

     Để khắc phục tình trạng trên, Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam đề xuất tích nước vào mùa mưa để giữ đủ ẩm cho đất trong mùa khô. Do Vườn U Minh Thượng hoàn toàn không có khả năng nhận nước chủ động từ các nguồn bên ngoài, nên việc quản lý nước trong vườn phải thực hiện bằng cách cân bằng giữa nguồn nước mưa với lượng nước bị bốc hơi. Để được như vậy, trong suốt mùa mưa phải luôn sẵn sàng tháo nước ra ngoài và chỉ bắt đầu tích dần vào thời điểm thích hợp để đạt mức hợp lý (1 mét). Vào cuối mùa khô, mực nước trong kênh và trong đất rừng xuống thấp hơn mức hợp lý thì phải bơm bổ sung nguồn nước từ bên ngoài vào vườn cho đạt yêu cầu. Việc bơm bổ sung phải được thực hiện trước tháng Giêng hàng năm, khi nguồn nước vùng đệm còn chưa bị nước mặn xâm nhập. Trường hợp phải bơm bổ sung vào tháng 3, 4 cho tiểu khu trung tâm thì lấy nước từ hệ thống kênh bao với lượng trữ đã được tính toán bổ sung từ tháng 11, tháng 12 năm trước; phải duy trì độ sâu của kênh trung tâm luôn ở mức 5 - 5,2 m, có sức chứa khoảng 350.000 m3, đủ để chữa cháy lớn. Kênh bao được duy trì ở độ sâu từ 3,5 - 4 m để có tổng lượng nước từ 1 - 1,2 triệu m3, đủ để khống chế cháy quanh vùng lõi và bơm bổ sung cho kênh trung tâm khi cần thiết. Với lượng nước như trên, có thể dập tắt bất kỳ vụ cháy lớn nào. Viện cảnh báo không được đào thêm kênh mới vì sẽ chia cắt nhỏ đĩa than bùn, phá vỡ hệ sinh thái đa dạng vừa làm nước bốc hơi nhanh hơn trong mùa khô làm mực nước hợp lý tại U Minh Thượng hạ thấp nhanh, không bảo đảm yêu cầu phòng cháy.                     

     Vườn Quốc gia U Minh Thượng có vùng lõi với hệ sinh thái cơ bản là rừng tràm phát triển tự nhiên trên đất than bùn, là hệ sinh thái đất ngập nước rất đa dạng hiện rất hiếm trên thế giới. Nhiều năm qua việc quản lý nước tại đây còn nhiều bất cập, chưa đạt được mục tiêu phòng chống cháy rừng, làm suy giảm số lượng quần thể động vật thủy sinh, đặc biệt là các loài cá đen, cùng nhiều loài động vật thuộc loại quý hiếm. Kết quả quan trắc mực nước trong kênh và trong đất rừng từ năm 1999 đến nay cho thấy vào mùa khô, mực nước hạ xuống mức rất thấp so với yêu cầu giữ ẩm cho đất, thấp nhất là tháng 2 - 4. Mực nước càng bị hạ thấp nghiêm trọng hơn do việc xả nước trong rừng ra ngoài để khai thác thủy sản trong thời điểm nêu trên. Hiện lớp than bùn ở vùng lõi giữ nước kém, lượng bốc hơi trong mùa khô cao, sự thiếu hụt độ ẩm trong đất lớn nên cháy rừng có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Tổng diện tích các thảm thực vật rừng trước đây là 8.038 ha, trong đó thực vật trên đất than bùn 2.901 ha và trên đất sét 5.137 ha. Các đợt cháy rừng trong thời gian qua đã gây nên hậu quả rất lớn cho hệ sinh thái rừng tràm U Minh Thượng. Thảm thực vật rừng đã bị cháy là 3.212 ha, chiếm 39,96% diện tích vùng lõi, trong đó có 2.300 ha trên đất than bùn và 912 ha là các loại rừng và thực vật trên đất sét.          

     Theo Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam, do điều kiện tự nhiên trong và ngoài Vườn U Minh Thượng bị phá vỡ nên biện quản lý nước nói trên được xem là giải pháp cứu cánh cho sự tồn tại và phát triển của vườn. Nếu không các hệ sinh thái tại đây sẽ nhanh chóng thoái hóa, nạn cháy rừng luôn xẩy ra, vườn sẽ dần biến mất và không còn giá trị.

 

Theo Monre

Ý kiến của bạn