Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Ðánh giá rủi ro sinh thái tại xã Phù Long và Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà

15/01/2014

     Tài nguyên thiên nhiên có vai trò quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của con người. Tuy nhiên, chính hoạt động sản xuất và sinh hoạt thiếu kiểm soát của con người, như khai thác quá mức nguồn tài nguyên, chặt phá rừng, sử dụng hóa chất trong nông nghiệp, xả chất thải bừa bãi… đang đe dọa trực tiếp đến cấu trúc và chức năng của các hệ sinh thái vốn là cơ sở của hệ thống tài nguyên thiên nhiên. Để có thể xác định mức độ rủi ro về sinh thái, nhằm đưa ra cách thức quản lý phù hợp, các chuyên gia Khoa Sinh thái học hệ thống - Đại học Stockholm Thụy Điển đã giới thiệu Công cụ “Đánh giá rủi ro sinh thái (ERA)”có thể áp dụng với bối cảnh Việt Nam, giúp các nhà quản lý Việt Nam xác định được các vấn đề đối với hệ sinh thái một cách logic và khoa học, từ đó lựa chọn phương án quản lý phù hợp.

     Những ứng dụng ERA điển hình trên thế giới

     Công cụ ERA được áp dụng nhằm lượng hóa tác động của những thay đổi do con người gây ra (phát triển công nghiệp, nông nghiệp, du lịch và các hoạt động nuôi trồng thủy sản có liên quan) cũng như những thay đổi tự nhiên (biến đổi khí hậu, nước biển dâng…) đến các đối tượng sinh thái, để từ đóđưa ra các khuyến nghị hợp lý có căn cứ khoa học cho các nhà hoạch định chính sách và các bên liên quan ứng phó với các tác động đó một cách phù hợp và hiệu quả. ERA gồm 2 nội dung: Đánh giá rủi ro dự báo là những rủi ro có thể sinh ra bởi tác nhân đang tồn tại hoặc sẽ được đưa vào vào môi trường; Đánh giá rủi ro hồi cốlà đánh giá mối liên hệ nhân quả giữa các tác động sinh thái quan sát được và các tác nhân trong môi trường.

     Để tính toán các thông số rủi ro về môi trường, ERA dựa trênnguyên tắc đánh giá 3 dòng bằng chứng độc lập: Chứng cứ sinh thái học; chứng cứ vật lý- hóa học; chứng cứ kinh tế - xã hội. Nguyên tắc này gọi là phương pháp bộ ba (gọi tắt là TRIAD).

     Công cụ ERA được áp dụng đầu tiên tại các nước phát triển từ năm 1992. Một trong những ứng dụng của ERA điển hình phải kể đến là Đề tài “Đánh giá rủi ro sinh thái đối với đất bị nhiễm độc” ở Đan Mạch, năm 2006, do nhóm các nhà khoa học Thụy Điển thực hiện. Đề tài này đã sử dụng phương pháp TRIAD/ ERA để tính toán các hệ số rủi ro đối vớiđất. Vùng nghiên cứu là một khu vực có đất bị nhiễm độc ở Skagen,phía bắc Đan Mạch. Các nhà khoa học đã đưa ra các thông số định lượng về hóa học, độc học và sinh thái học của đất, từ đó tính toán mức độ rủi ro dựa vào các dòng bằng chứng khác nhau, tiếp đến là tính hệ số rủi ro tổng hợp và độ tin cậy để chỉ ra đâu là vùng có nguy cơ rủi ro cao, trung bình và thấp. Việc sử dụng TRIAD trong nghiên cứu này cho thấy đây là một công cụ phù hợpvà hữu ích trong việc đánh giá tác động của các chất độc đến môi trường đất.

     Có thể nói, ERA là một công cụ đã được đưa vào ứng dụng thực tiễn ở nhiều nước trên thế giới, tại mỗi thời điểm khác nhau, nó xuất hiện dưới dạng những công cụ hỗ trợ khác nhau, được cập nhập để phù hợp với quá trình đánh giá.

     Áp dụng thí điểm ERAtại xã Phù Long

     Tại Việt Nam, đánh giá rủi ro môi trường một trong những hoạt động có điểm chung với Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC)được thực hiện tại một số dự án.Các ĐTM chỉ được thực hiện khi có một dự án quy hoạch sắp diễn ra, khác với ERAlà công cụ nhằm xác định những tác động tiêu cực đến môi trường ở bất cứ thời điểm nào, kể cả từ khi chưa có hoạt động dự án, hoặc sau khi dự án đi vào hoạt động. Có thể hiểu là ERA mang tính chất chủ động, phòng ngừa. Nó lượng hóa các tác động rủi ro, từ đó có thể xây dựng các can thiệp về quản lý nhằmbảo vệ hệ sinh thái, BVMT trước những tác động tiêu cực do con người gây ra hoặc có nguồn gốc tự nhiên.

     Trong giai đoạn 2011 - 2013, được sự tài trợ của Cơ quan Hợp tác phát triển Quốc tế Thụy Điển (Sida), Dự án “Nâng cao sức đề kháng và khả năng phục hồi của các khu dự trữ sinh quyển ven biển Việt Nam trước biến đổi khí hậu và tai biến môi trường thông qua quản lý tài nguyên và phát triển sinh kế bền vững cho cộng đồng” được Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển Cộng đồng (MCD) và Khoa Sinh thái, Môi trường và Thực vật học, Đại học Stockholm (Thụy Điển) phối hợp thực hiện.

     Dự án gồm 4 hợp phần: Đánh giá tính dễ bị tổn thương và tác động của BĐKH đến hệ sinh thái và sinh kế của cộng đồng ven biển, Áp dụng thử nghiệm công cụ ERA; Quản lý tài nguyên vùng ven biển hiệu quả; Phát triển sinh kế bền vững (xây dựng mô hình đồng quản lý rừng ngập mặn, nuôi trồng sinh thái, du lịch sinh thái cộng đồng); Truyền thông và vận động chính sách.

     Dự án được triển khai thí điểm tại xã Phù Long là một trong 5 xã của huyện Cát Hải, thuộc Khu Dữ trữ Sinh quyển (KDTSQ)Cát Bà, là nơi có đa dạng sinh học cao với khoảng 700 ha rừng ngập mặn, cung cấp nhiều dịch vụ sinh thái cho người dân, với số dân sống bằng nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy sản chiếm 70%.

 

Đoàn khảo sát tour du lịch sinh thái cộng đồng tại xã Phù Long

 

     Các chuyên gia của Dự án đã áp dụng phương phápTRIAD/ ERA để tính toán các thông số rủi rođối với môi trường tự nhiên của rừng ngập mặn KDTSQCát Bà và môi trường đầm nuôi tôm của xã Phù Long.

     Do nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và những áp lực khác tại xã Phù Long và KDTSQ Cát Bà, qua tham vấn ý kiến của chuyên gia và các bên liên quan (chính quyền địa phương và cộng đồng), nhóm nghiên cứu đã điều chỉnh TRIAD/ERA phù hợp với bối cảnh và điều kiện thực tế ở địa phương, với các đánh giá về 3 dòng bằng chứng: sinh thái học, vật lý - hóa học và kinh tế - xã hội tại vùng thí điểm.

     Các nhà nghiên cứu đã lấy mẫu phân tích các thành phần và mật độ các loài thực vật, động vật phù du, động vật đáy, ấu trùng tôm, cá trong môi trường nước biển ven bờ của xã Phù Long trong 2 mùa (mùa mưa và mùa khô). Chỉ số đa dạng loài (H’) được dùng để đánh giá các mức độ ô nhiễm, với các cấp độ ô nhiễm từ cao đến thấp. Kết quả cho thấy, chỉ số H’ ở khu vực nước biển ven bờ và nuôi trồng thủy sản ở mức ô nhiễm nặng, tuy nhiên cấp độ ô nhiễm thay đổi theo mùa (mùa khô nặng hơn mùa mưa), nguyên nhân do vào mùa mưa nồng độ các chất dinh dưỡng cao, độ muối và đục tăng làm suy giảm các loài động, thực vật. Ngoài ra, mật độ loài trong quần xã động vật đáy đã bị giảm so 5-20 năm trước (các loại ấu trùng tôm, cá bị giảm mạnh, trong khi ấu trùng cua gia tăng). Điều này cho thấy, sự thay đổi rõ rệt về cấu trúc loài của quần xã sinh vật.

     Ngoài ra, các hoạt động nuôitôm công nghiệp và rác thải sinh hoạt của các hộ gia đình, cũng làm phát sinh ô nhiễm, đây là nguyên nhân trực tiếp làm suy giảm chất lượng môi trường nước ven bờ đã tác động đến rừng ngập mặn, suy giảm đa dạng sinh học và ảnh hưởng đến sinh kế của người dân xã Phù Long.

     Từ các đánh giá trên, các chuyên gia đã đề xuất một số giải pháp để quản lý hiệu quả môi trường sinh thái, cung cấp kiến thức, hỗ trợ người dân địa phương phát triển các mô hình sinh kế bền vững như hình thành các tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản kết hợp trồng rừng ngập mặn; du lịch sinh thái cộng đồng… góp phần BVMT và tăng thu nhập cho người dân địa phương.

     Sau 3 năm triển khai Dự án tại xã Phù Long, các mô hình sinh kế đã mang lại hiệu quả cao. Điển hình như: Mô hìnhtrồng rừng ngập mặn kết hợp với nuôi trồng thủy sản. Dự án đã tổ chức hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng ngập mặn kết hợp với nuôi trồng thủy sản và giao khoán cho các hộ dân trong xã. Kết quả bước đầu, các hộ dân tham gia mô hình đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ việc nhận bảo vệ hàng chục ha rừng kết hợp nuôi tôm, cua quảng canh. Mô hình đã góp phần bảo tồn đa dạng sinh học cho hệ động - thực vật ven biển của xã Phù Long và KDTSQ Cát Bà.

     Bên cạnh đó, mô hình du lịch sinh thái cộng đồng Phù Long - Cát Bà cũng được coi là nguồn thu nhập chính của người dân địa phương. Ban đầu, Dự án đã hỗ trợ xây dựng Ban điều hành du lịch sinh thái cộng đồng Phù Long với 8 thành viên cộng đồng nòng cốt. Sau đó, mở rộng lên 30 thành viên, tổ chức thành các nhóm văn nghệ, nhà nghỉ, nấu ăn, hướng dẫn viên du lịch, vận chuyển khách du lịch… Các thành viên của nhóm đã hướng dẫn kỹ năng làm du lịch sinh thái cộng đồng cho người dân địa phương; thiết kế các biển quảng cáo giới thiệu các điểm tham quan du lịch. Các sản phẩm tour du lịch sinh thái cộng đồng đã thu hút được khách du lịch trong và ngoài nước, mang lại nguồn lợi lớn cho người dân. Từ thành công của các mô hình điểm tại xã Phù Long, Dự án đã nhân rộng ra 11 xã tại 2 KDTSQ Cát Bà và sông Hồng, hướng dẫn các biện pháp hỗ trợ sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu cho gần 8.000 người dân, giúp người dân có sinh kế bễn vững, môi trường sinh thái biển được gìn giữ, nâng cao ý thức BVMT.

     Kết quả của Dự án cho thấy, công cụ ERA được các chuyên gia Thụy Điển chuyển giao cho Việt Nam, trên cơ sở áp dụng nguyên tắc TRIAD được điều chỉnh phù hợp với điều kiện địa phương đã mang lại hiệu quả cao và giúp chính quyền địa phương đưa ra những quyết định quản lý thích hợp. Bên cạnh đó, trong quá trình tiến hành TRIAD/ERA, các bên tham gia cũng nhận thấy nhu cầu bổ sung thông tin để hiểu biết đầy đủ hơn về môi trường, từ đó xác định được kế hoạch quan trắc môi trường hiệu quả. Đồng thời, qua quá trình tham gia TRIAD/ ERA cộng đồng và các cơ quan địa phương được cung cấp kiến thức, xây dựng năng lực, chủ động vận hành các sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu như nuôi trồng thủy sản, du lịch sinh tái cộng đồng, các sinh kế hỗ trợ khác.

 

           Nhật Minh

Nguồn: Tạp chí môi trường, số 12/2013

 

 

Ý kiến của bạn