Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Thực trạng gây nuôi động vật hoang dã tại Bắc Giang, Vĩnh Phúc và đề xuất một số khuyến nghị

19/02/2024

    Nhiều năm trở lại đây, nuôi động vật hoang dã (ĐVHD) trở thành một trong những mô hình sinh kế phổ biến tại nhiều địa phương, thậm chí có nơi phát triển thành nghề/làng nghề nuôi ĐVHD. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm nuôi đúng mục đích, hoạt động này vẫn tồn tại một số bất cập, chưa tuân thủ quy định về nuôi thương mại ĐVHD. Nhằm tìm hiểu về thực trạng này, trong thời gian qua, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) đã tiến hành nghiên cứu hoạt động gây nuôi thương mại ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm (chủ yếu là loài IIB thuộc Nghị định số 84/2021/NĐ-CP) tại Bắc Giang và Vĩnh Phúc. Kết quả ban đầu ghi nhận hoạt động quản lý, giám sát, báo cáo tình trạng gây nuôi ĐVHD tại hai địa phương còn một số hạn chế nhất định, dễ tạo điều kiện cho hoạt động xuất, nhập ĐVHD có nguồn gốc không rõ ràng thông qua các cơ sở gây nuôi. Dưới đây, Tạp chí xin trích dẫn một số kết quả chính từ báo cáo nghiên cứu này.

    Thực trạng nuôi ĐVHD tại Bắc Giang, Vĩnh Phúc

    Tại Việt Nam, mặc dù các trang trại ĐVHD thương mại bắt đầu xuất hiện từ cuối những năm 1980 nhưng gần 20 năm sau mới phát triển nhanh cả về số lượng, quy mô và số loài. Các loài được gây nuôi chủ yếu tại thời điểm đầu những năm 2000 là cá sấu, trăn, ba ba, gấu, khỉ, nhím, hươu, rắn hổ mang nhằm phục vụ cho cả thị trường trong nước và quốc tế [5], trong đó, thị trường xuất khẩu giai đoạn 1995 - 2005 là các nước châu Âu (Anh, Thụy Sỹ, Thụy Điển, Tây Ban Nha, Ý, Đức, Bỉ, Hà Lan, Hungary, Pháp, Cộng hòa Séc), khu vực châu Á (Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Nhật bản, Hàn Quốc, Singapore…) và một số quốc gia như Mỹ, Canada, Úc [5]..

    Theo các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, hoạt động gây nuôi ĐVHD có thể được thực hiện theo 3 hình thức: nuôi vì mục đích thương mại, nuôi không vì mục đích thương mại, và nuôi vì mục đích bảo tồn đa dạng sinh học. Đáng chú ý là tất cả các loài động vật, từ động vật rừng thông thường cho tới các loài thuộc Phụ lục I, II và III CITES; các loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm theo Nghị định số 06/2019/NĐ-CP; danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm theo Nghị định số 26/2019/NĐ-CP; và danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ theo Nghị định số 64/2019/NĐ-CP (trừ loài chồn bay) đều có thể được nuôi ở cả ba loại hình trong trường hợp đáp ứng các điều kiện liên quan [1].

    Thống kê của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) cho thấy hiện có khoảng 9.000 cơ sở gây nuôi thương mại ĐVHD được cấp phép tại Việt Nam, chưa kể các cơ sở không được cấp phép hoặc đang trong quá trình xin cấp phép [3]. Trên thực tế, có một số ý kiến ủng hộ gây nuôi ĐVHD vì cho rằng hoạt động này góp phần đáp ứng nhu cầu các sản phẩm từ ĐVHD và giảm thiểu nạn săn trộm [4]. Tuy nhiên, hầu hết các quan điểm bảo tồn đều bày tỏ lo ngại với quy định cho phép nuôi các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm vì mục đích thương mại. Theo quan điểm này, không phải mọi loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm đều có khả năng (i) sinh sản và phát triển tốt trong môi trường có kiểm soát và (ii) đem lại lợi ích kinh tế khi nuôi thương mại. Trên thực tế, rất ít loài có thể đảm bảo được một trong hai mục tiêu này, chưa kể điều kiện, yêu cầu liên quan đến việc cho phép nuôi thương mại, không vì mục đích thương mại hay nuôi bảo tồn ĐVHD chưa đảm bảo cơ chế giám sát chặt chẽ của các cơ quan quản lý, từ khâu đưa động vật về nuôi, đảm bảo nguồn giống hợp pháp, giám sát quá trình sinh sản, xuất bán, trao đổi… Khoảng trống này được cho là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng không ít cơ sở gây nuôi trở thành vỏ bọc để hợp pháp hóa ĐVHD có nguồn gốc bất hợp pháp [1].

    Trong số các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc, Vĩnh Phúc và Bắc Giang là hai địa phương có số lượng cơ sở nuôi ĐVHD khá lớn. Trong đó, Vĩnh Phúc vốn nổi tiếng với làng nghề nuôi rắn tại xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Tường với lịch sử hơn 40 năm, còn Bắc Giang cũng là địa phương có lợi thế về diện tích đất tự nhiên, khí hậu, môi trường, tạo điều kiện cho sự phát triển của ĐVHD. Cả hai địa phương không chỉ có số lượng cơ sở nuôi ĐVHD lớn mà còn nuôi khá đa dạng loài bao gồm các loài IIB thuộc Nghị định số 84/2021/NĐ-CP. Đặc biệt, cả hai địa phương đều ưu tiên nuôi một số loài IIB trọng điểm như rắn ráo trâu, rắn hổ mang thường – vốn là những loài có giá trị kinh tế, thủ tục nuôi đơn giản và khó có thể kiểm soát chính xác về nguồn gốc, số loài, số lượng cá thể.

    Số liệu của Chi cục Kiểm lâm Bắc Giang năm 2022 cho thấy toàn tỉnh hiện có 80 cơ sở gây nuôi ĐVHD, trong đó có 69 cơ sở nuôi ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm (chiếm 86,3%) và 11 cơ sở nuôi ĐVHD thông thường (13,7%). Tổng số loài nuôi là 18 loài với hơn 20.000 cá thể, trong đó loài được nuôi phổ biến nhất là rắn, chiếm khoảng 70% số lượng cá thể, còn lại là các loài như: cầy vòi mốc, cầy vòi hương, kỳ đà hoa, nhím... Toàn bộ số cơ sở gây nuôi ĐVHD trên địa bàn là nuôi thương mại. Trong tổng số 18 loài ĐVHD được gây nuôi trên địa bàn tỉnh, có 10 loài nguy cấp, quý, hiếm thuộc Nhóm IB, IIB của Nghị định số 84/2021/NĐ-CP hoặc Phụ lục CITES, trong đó, loài có số lượng cá thể lớn nhất là rắn hổ mang thường, rắn ráo trâu, tắc kè hoa, cầy.

    Tương tự Bắc Giang, Vĩnh Phúc cũng nằm trong khu vực chuyển tiếp giữa vùng đồng bằng sông Hồng với các tỉnh trung du miền núi phía Bắc nhưng có diện tích nhỏ hơn, chỉ 1.236 km2. Là cái nôi của nghề nuôi rắn, Vĩnh Phúc nổi tiếng từ cuối những năm 70 của thế kỷ XX trong việc thuần hóa, nhân nuôi thành công các loài rắn hoang dã. Từ nền móng này, Vĩnh Phúc phát triển làng nghề nuôi rắn tại xã Vĩnh Sơn, trở thành một trong những tỉnh gây nuôi ĐVHD nổi bật ở khu vực miền Bắc với hơn 800 hộ tham gia nuôi rắn, chiếm 60% số hộ trong xã [2].

    Theo số liệu của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Vĩnh Phúc năm 2022, toàn tỉnh hiện có 539 cơ sở nuôi ĐVHD, trong đó có 533 cơ sở nuôi ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm (chiếm 98,9%), chủ yếu là loài rắn hổ mang thường và 6 cơ sở nuôi ĐVHD thông thường (chiếm 1,1%). Trong số các cơ sở nuôi ĐVHD tại Vĩnh Phúc, có tới 535 cơ sở gây nuôi thương mại, chiếm 99,3% và 4 cơ sở gây nuôi mục đích khác, chiếm 0,7%. Trong số 9 huyện, thành phố có hoạt động gây nuôi ĐVHD tại Vĩnh Phúc, huyện Vĩnh Tường có nhiều cơ sở gây nuôi nhất (430 cơ sở), trong đó chủ yếu là các cơ sở nuôi rắn tại xã Vĩnh Sơn với quy mô làng nghề nuôi rắn lớn nhất cả nước.

    Về các loài nguy cấp, quý, hiếm, số liệu Chi cục Kiểm lâm Vĩnh Phúc năm 2022 cho thấy trong số 41 loài ĐVHD được nuôi tại các cơ sở trên địa bàn tỉnh có 34 loài nguy cấp, quý, hiếm thuộc Nhóm IB, IIB theo Nghị định số 84/2021/NĐ-CP hoặc Phụ lục Công ước CITES. Trong đó, rắn hổ mang thường (Naja naja) có số lượng vượt trội với 529.691 cá thể, rắn ráo trâu 11.935 cá thể, rắn hổ mang chúa 368 cá thể, cầy vòi mốc 389 cá thể, cầy vòi hương 230 cá thể. Một số loài được nuôi với mục tiêu bảo tồn như: gấu ngựa, rùa đầu to, rùa sa nhân, rùa núi vàng, rùa núi viền, khỉ mặt đỏ, khỉ đuôi lợn, vượn đen má trắng, khỉ đuôi dài... trong đó tập trung chủ yếu tại hai cơ sở là Trạm Đa dạng sinh học Mê Linh và Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam.

Lực lượng chức năng kiểm tra một cơ sở gây nuôi ĐVHD tại Vĩnh Phúc

    Nhìn chung, cả Bắc Giang và Vĩnh Phúc đều gây nuôi ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm thuộc Nhóm IIB Nghị định 84/2021/NĐ-CP (riêng một số cơ sở ở Vĩnh Phúc nuôi cả loài IB), trong đó, Vĩnh Phúc có quy mô gây nuôi lớn hơn, cả về số lượng cơ sở, số lượng cá thể và số loài ĐVHD gây nuôi.

    Thực trạng quản lý hoạt động gây nuôi ĐVHD tại Bắc Giang, Vĩnh Phúc

    Tại Bắc Giang, Vĩnh Phúc, các cơ sở chủ yếu gây nuôi các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm IIB như các loài rắn (rắn hổ mang, rắn ráo trâu) và các loài cầy (cầy vòi mốc, cầy vòi hương). Ngoài ra, một số cơ sở nuôi thêm nhím, dúi, don, kỳ đà, rùa... Bên cạnh một số điểm tích cực trong công tác quản lý, giám sát các cơ sở gây nuôi ĐVHD cùng mức độ tuân thủ quy định pháp luật về việc kiểm soát nguồn giống, điều kiện chuồng trại, cập nhật sổ theo dõi và xin phê duyệt bảng kê lâm sản, công tác quản lý hoạt động gây nuôi vẫn còn một số tồn tại, bất cập về cơ chế chính sách và thực tế triển khai tại cấp cơ sở, ảnh hưởng tới tính hiệu quả, bền vững của hoạt động gây nuôi ĐVHD về lâu dài.

    Về nguồn giống gây nuôi ĐVHD, Điều 12 và Điều 13 Nghị định số 06/2019/NĐ-CP quy định một trong những nguồn giống ĐVHD hợp pháp là được lấy từ nguồn khai thác hợp pháp. Tuy nhiên, hiện chưa có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục khai thác hợp pháp và đơn vị cấp phép khai thác hợp pháp đối với các loài nguy cấp, quý, hiếm và ĐVHD thuộc Phụ lục CITES, do đó, nguồn giống từ hoạt động khai thác này hiện chưa thể đáp ứng cho các cơ sở gây nuôi. Đáng chú ý là hiện vẫn có cơ sở sử dụng nguồn giống ban đầu từ tự nhiên, thậm chí có cơ sở tiến hành nuôi thử ĐVHD, khi sinh sản thành công mới thông báo cho Cơ quan Kiểm lâm. Một trong những lỗ hổng pháp lý dẫn tới tình trạng này là do cả Nghị định số 06/2019/NĐ-CP và Nghị định số 84/2021/NĐ-CP đều không quy định thời hạn khi nào chủ cơ sở phải thông báo cho Cơ quan Kiểm lâm sở tại kể từ thời điểm đưa ĐVHD về nuôi. Hiện Nghị định số 06/2019/NĐ-CP (khoản 3 Điều 11) mới quy định thời hạn chủ cơ sở phải thông báo với Cơ quan Kiểm lâm sở tại từ thời điểm đưa động vật rừng thông thường về nuôi mà chưa quy định đối với các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm. Thậm chí, trong trường hợp phát hiện cơ sở tự ý nuôi thử ĐVHD thì cũng không có chế tài cụ thể để xử lý hành vi vi phạm.

    Về điều kiện chuồng, trại gây nuôi ĐVHD, do quy định về điều kiện chuồng, trại phù hợp với đặc tính của loài hoặc nhóm loài ĐVHD chưa được cụ thể hóa nên gây khó khăn cho chính cơ sở gây nuôi và cơ quan quản lý nhà nước. Hiện mới có Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13351:2021 về Chuồng nuôi các loài hổ, sư tử, gấu chó và gấu ngựa được ban hành năm 2021 và Tiêu chuẩn ngành 04TCN 86:2006 Quy phạm kỹ thuật nuôi trăn đất và trăn gấm được ban hành năm 2006. Đây là lý do hầu hết các cơ sở nuôi ĐVHD tại địa phương đều tự xây dựng chuồng, trại dựa trên kinh nghiệm cá nhân hoặc học hỏi các cơ sở khác, trong đó nhiều cơ sở xây dựng chuồng nuôi sát hoặc gần khu vực nhà ở nên khó có thể đảm bảo tiêu chí “an toàn cho người và vật nuôi, vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh” theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 06/2019/NĐ-CP. Mặc dù Luật Chăn nuôi 2018 và Thông tư số 23/2019/TT-BNNNT hướng dẫn một số điều của Luật Chăn nuôi về hoạt động chăn nuôi có quy định về khoảng cách an toàn trong chăn nuôi trang trại, tuy nhiên các quy định này mới áp dụng cho các loài gia súc, gia cầm và một số động vật khác (hươu sao, vịt trời, rồng đất, chim yến, dế, bò cạp…).

    Về điều kiện cần xin xác nhận của Cơ quan khoa học CITES Việt Nam đối với các loài ĐVHD thuộc Phụ lục CITES thuộc các lớp thú, chim, bò sát lần đầu tiên đăng ký nuôi, điểm c Khoản 1 Điều 15 Nghị định số 06/2019/NĐ-CP (được sửa đổi tại Nghị định số 84/2021/NĐ-CP) quy định: “Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký mã số cơ sở, Cơ quan cấp mã số theo quy định tại Nghị định này có trách nhiệm gửi văn bản đề nghị xác nhận đến Cơ quan khoa học CITES Việt Nam. Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của Cơ quan cấp mã số, Cơ quan khoa học CITES Việt Nam có trách nhiệm trả lời bằng văn bản nội dung xác nhận…”. Tuy nhiên, cả hai nghị định đều không quy định thời gian cụ thể các cơ sở gây nuôi cần phải chuẩn bị hồ sơ đăng ký mã số cơ sở gửi Cơ quan cấp mã số để Cơ quan này gửi Cơ quan khoa học CITES xin xác nhận loài.

    Về hoạt động kiểm tra, giám sát và theo dõi biến động cơ sở gây nuôi, các cơ quan chức năng chủ yếu dựa vào số liệu trong sổ theo dõi hoạt động nuôi ĐVHD. Điều 38 Nghị định số 06/2019/NĐ-CP quy định Cơ quan Kiểm lâm cấp tỉnh quản lý, kiểm tra các cơ sở nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng các loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và các loài ĐVHD nguy cấp; Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh quản lý, kiểm tra các cơ sở nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng, trồng cấy nhân tạo các loài thủy sản thuộc Phụ lục CITES, trong đó hai cơ quan thực hiện việc quản lý, theo dõi và cập nhật thông tin sau mỗi lần kiểm tra vào sổ theo dõi nuôi ĐVHD. Tuy nhiên, điểm bất cập lớn nhất là cả hai nghị định đều không quy định cụ thể tần suất kiểm tra, cập nhật sổ theo dõi, do đó việc cập nhật sổ này không diễn ra định kỳ và phụ thuộc nhiều vào thông báo từ các chủ cơ sở. Về trách nhiệm của chủ cơ sở nuôi ĐVHD, khoản 3 Điều 15 Nghị định số 06/2019/NĐ-CP (được sửa đổi tại Nghị định số 84/2021/NĐ-CP) quy định: Trong quá trình nuôi ĐVHD, chủ cơ sở phải lập sổ theo dõi, định kỳ báo cáo và chịu sự kiểm tra, giám sát của Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam, cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản, về lâm nghiệp, về môi trường cấp tỉnh.

    Về mô hình nuôi ĐVHD bán hoang dã vì mục đích thương mại, từ hoạt động gây nuôi thương mại ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm dưới tán rừng tại xã Ngọc Thanh, thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc với quy mô 10 ha, cho thấy mô hình này rất khó kiểm soát về mặt số lượng loài và số lượng cá thể, nhiều khả năng có thể tạo kẽ hở cho việc trà trộn các ĐVHD có nguồn gốc không rõ ràng thông qua cơ sở gây nuôi. Nếu tiến hành cấp mã số cho các mô hình này, các cơ quan chức năng cần có các quy định bổ sung để phục vụ công tác theo dõi, kiểm tra, quản lý một cách hiệu quả.

    Về ý thức chấp hành của các cơ sở gây nuôi, một số chủ cơ sở vẫn chưa hiểu đầy đủ, thấu đáo các quy định về quản lý, bảo vệ, gây nuôi ĐVHD, đa phần đều gây nuôi ở quy mô nhỏ, mang tính thử nghiệm hoặc đặt nặng mục tiêu kinh tế mà ít chú ý đến việc tuân thủ quy định về về quản lý ĐVHD gây nuôi. Có cơ sở thừa nhận nếu bán ĐVHD trong phạm vi địa phương với số lượng cá thể ít thì không thông báo Cơ quan Kiểm lâm. Đáng chú ý, 01 cơ sở tại Bắc Giang có dấu hiệu nhập cầy từ Trung Quốc qua đường tiểu ngạch về bán giống và thương phẩm cho các nhà hàng gắn mác “đặc sản” hoặc 01 cơ sở tại Vĩnh Phúc kết hợp gây nuôi và mở nhà hàng phục vụ các món ăn từ ĐVHD dù quy mô nuôi nhốt không nhiều. Đây là những mô hình ẩn chứa nguy cơ xuất, nhập ĐVHD có nguồn gốc bất hợp pháp thông qua cơ sở gây nuôi.

    Về thị trường tiêu thụ, đây là một trong những yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến hiệu quả chăn nuôi cũng như sự thành bại của mỗi cơ sở. Vĩnh Phúc chiếm ưu thế với mô hình nuôi rắn quy mô, chuyên nghiệp trong khi Bắc Giang chú trọng mô hình nuôi cầy hơn. Tuy nhiên, cả hai mô hình chủ chốt này đều chưa phải là những mô hình gây nuôi bền vững, thậm chí tiềm ẩn nhiều rủi ro về cả nguồn giống và thị trường. Với ĐVHD là rắn, Trung Quốc là thị trường số một. Tuy nhiên, thị trường này cũng ẩn chứa nhiều rủi ro bởi hoạt động mua, bán, vận chuyển rắn chủ yếu qua đường tiểu ngạch và phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố khách quan như chính sách, thị trường và yếu tố môi trường, dịch bệnh… Trong giai đoạn đại dịch Covid-19 (2019 – 2022), hoạt động buôn bán rắn gần như ngưng trệ hoàn toàn, ảnh hưởng rất nhiều đến các cơ sở gây nuôi tại hai tỉnh cũng như nhiều địa phương trên cả nước. Với các loài ĐVHD khác, thị trường tiêu thụ chủ yếu trong nước, tuy nhiên thị trường này cũng có thể bão hòa hoặc gặp nhiều rủi ro (về cả pháp lý và dịch bệnh) nếu không kiểm soát tốt nguồn giống.

    Một số khuyến nghị

    Từ những phát hiện về bất cập chính sách, công tác quản lý và thực tế gây nuôi ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm tại địa phương, báo cáo đề xuất một số khuyến nghị sau:

    Các cơ quan chức năng cần đặc biệt cân nhắc quy định cho phép tất cả các loài động vật nguy cấp, quý, hiếm thuộc Phụ lục CITES, danh mục Nghị định số 06/2019/NĐ-CP, Nghị định số 26/2019/NĐ-CP, Nghị định 64/2019/NĐ-CP có thể được nuôi vì mục đích thương mại bởi không phải mọi loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm đều có khả năng sinh sản và phát triển tốt trong môi trường có kiểm soát cũng như đem lại lợi ích kinh tế khi gây nuôi.

    Đối với hoạt động gây nuôi thương mại ĐVHD, chỉ nên cho phép gây nuôi những loài có căn cứ khoa học chứng minh rõ việc gây nuôi thương mại không ảnh hưởng tới các quần thể loài trong tự nhiên. Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES nên sớm công bố danh mục các loài được phép nuôi vì mục đích thương mại kèm các hướng dẫn cụ thể nhằm hỗ trợ công tác quản lý, giám sát gây nuôi ĐVHD tại địa phương. Việc công bố danh mục này cũng sẽ giúp giảm tải cho quá trình xin xác nhận loài từ Cơ quan khoa học CITES.

    Trong quá trình sửa đổi, bổ sung Nghị định số 06/2019/NĐ-CP và Nghị định số 84/2021/NĐ-CP, các cơ quan chức năng nên cân nhắc bổ sung, cập nhật một số nội dung: Quy định thời hạn chủ cơ sở phải thông báo cho các cơ quan chức năng kể từ thời điểm đưa ĐVHD về nuôi; Sớm hoàn thiện quy định về tiêu chí hoặc yêu cầu kỹ thuật chuồng trại đối với từng loài/nhóm loài ĐVHD để nâng cao hiệu quả gây nuôi ĐVHD, đồng thời tạo điều kiện cho việc quản lý, giám sát ĐVHD; Quy định rõ thời hạn các cơ sở gây nuôi cần phải chuẩn bị hồ sơ đăng ký mã số cơ sở gửi Cơ quan cấp mã số để Cơ quan này gửi Cơ quan khoa học CITES xin xác nhận loài, đồng thời lưu ý tính phù hợp về thời hạn phê duyệt xác nhận loài và thời hạn cấp phép mã số cơ sở bởi Cơ quan cấp mã số thường chờ xác nhận của Cơ quan khoa học CITES trước khi xem xét cấp mã số cơ sở…

    Kiểm soát các mô hình nuôi ĐVHD bán hoang dã vì mục đích thương mại; các cơ sở bán giống ĐVHD và/hoặc kết hợp gây nuôi, mở nhà hàng chế biến món ăn từ ĐVHD nhằm hạn chế tình trạng xuất, nhập ĐVHD có nguồn gốc bất hợp pháp thông qua các cơ sở gây nuôi.

    Thị trường mua, bán ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm vẫn ẩn chứa nhiều rủi ro bất hợp pháp, do đó, các cơ quan chức năng cần chú trọng kiểm tra, giám sát toàn bộ quá trình gây nuôi ĐVHD, từ hoạt động cung ứng, tuyển chọn nguồn giống, gây nuôi và xuất, nhập ĐVHD.

    Thúc đẩy tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho chủ cơ sở gây nuôi về các quy định pháp luật liên quan cũng như định mức xử phạt các hành vi vi phạm về gây nuôi ĐVHD.

Nguyễn Hằng

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 1/2024)

    Tài liệu tham khảo

    [1]. Bùi Thị Hà (2022). Quản lý ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm: Bất cập và khuyến nghị. Bản tin Chính sách số 32/PanNature.

    [2]. Cổng TTĐT Vĩnh Phúc (2019). Làng rắn du lịch Vĩnh Sơn.

    [3]. ENV (2022). Hướng dẫn thực thi pháp luật về bảo vệ ĐVHD 2022, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV).

    [4]. Jessica Bell Rizzolo (2021). Effects of legalization and wildlife farming on conservation, Global Ecology and Conservation.

    [5]. WCS (2008). Gây nuôi ĐVHD vì mục đích thương mại: Có thực sự là giải pháp bảo tồn? Hiệp hội Bảo tồn ĐVHD.

Ý kiến của bạn