Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Phát triển công nghiệp sinh học ngành môi trường đến năm 2030

27/10/2023

    Ngày 25/10/2023, tại Hà Nội, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đã chủ trì cuộc họp về Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành môi trường đến năm 2030.

Quang cảnh cuộc họp

    Theo đó, tại Quyết định số 553/QĐ-TTg ngày 21/4/2017 về việc phê duyệt kế hoạch tổng thể phát triển công nghiệp sinh học đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ TN&MT xây dựng nội dung, lộ trình, nhiệm vụ phát triển công nghiệp sinh học lĩnh vực môi trường đến năm 2030, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, tiếp tục rà soát, triển khai các nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1660/QĐ-TTg ngày 7/11/2012 về "Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đến năm 2020". Trong trường hợp cần thiết trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh mục tiêu, nhiệm vụ của Quyết định trên.

    Thực hiện nhiệm vụ Bộ giao, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường đã xây dựng dự thảo Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành môi trường đến năm 2030 và lấy ý kiến của các địa phương, Bộ, ngành, cơ quan liên quan. Đề án tập trung thúc đẩy ứng dụng công nghệ sinh học môi trường trong quan trắc và đánh giá chất lượng môi trường; sản xuất chế phẩm, vật liệu sinh học xử lý chất thải gây ô nhiễm môi trường; sản xuất sản phẩm sinh học và xử lý chất thải trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tái chế và sản xuất các sản phẩm, vật liệu thân thiện với môi trường. Qua đó, tạo ra sản phẩm sinh học và sản xuất ở quy mô công nghiệp để phục vụ cho lợi ích của con người, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.

    Tại cuộc họp, các đơn vị liên quan đều nhấn mạnh sự cần thiết của Đề án trong giai đoạn phát triển hướng đến bền vững, gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phục hồi hệ sinh thái. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, trong bối cảnh có nhiều thay đổi như hiện nay, Đề án cần có cách tiếp cận theo hướng bổ sung các mục tiêu về chuyển đổi xanh, phát triển bền vững và chú trọng hơn các sản phẩm công nghệ sinh học có tính ứng dụng cao như nhiên liệu sinh học hướng tới giảm phát thải khí nhà kính, nhựa sinh học, nguyên liệu sinh học thân thiện môi trường.

    Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT TS. Nguyễn Trung Thắng kiến nghị, Ban soạn thảo Đề án cần đánh giá các kết quả triển khai Quyết định số 1660/QĐ-TTg và chỉ ra các hạn chế, nguyên nhân; làm cơ sở đề ra nhiệm vụ, giải pháp đúng, trúng; bổ sung nhiệm vụ của các Bộ, ngành liên quan cùng tham gia thực hiện Đề án.

    Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Việt Phong lại cho rằng, cơ quan soạn thảo cũng nên nghiên cứu các văn bản khác để tăng cường mối liên kết giữa công nghiệp sinh học ngành môi trường với các cả những ngành, lĩnh vực khác. Từ đó, xác định các giải pháp kịp thời và đóng góp cho mục tiêu phát triển chung của đất nước đến 2030, tầm nhìn 2045…

    Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh, việc xây dựng Đề án cần đảm bảo thực thi Quyết định số 553/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong quan điểm mới từ Nghị quyết số 36-MQ/TW của Bộ Chính trị. Thứ trưởng cũng yêu cầu Cục Kiểm soát ô nhiễm làm rõ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, công nghệ nào cần xử lý sinh học, lượng sử dụng chế phẩm sinh học hằng năm, thậm chí cụ thể loại chế phẩm nào nhập khẩu, loại nào Việt Nam có thể sản xuất, loại nào có hiệu quả, giá thành xử lý chất thải bằng công nghệ sinh học để khi đưa ra phương án công nghệ sinh học phải đi đôi giá thành và chất lượng…

Vũ Hồng

Ý kiến của bạn