Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Những điểm mới trong dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản hướng tới phát triển bền vững

15/07/2024

    Tài nguyên địa chất, khoáng sản vừa là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, vừa là nguồn dự trữ lâu dài của quốc gia. Việc quản lý bảo vệ, khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên địa chất và khoáng sản góp phần quan trọng trong bảo đảm hướng tới sự phát triển bền vững của đất nước.

    Sau giai đoạn thực thi Pháp lệnh về Tài nguyên khoáng sản năm 1989, Việt Nam đã trải qua 3 thế hệ Luật Khoáng sản, bắt đầu từ Luật Khoáng sản năm 1996, tiếp đó được sửa đổi, bổ sung vào năm 2005 và hiện nay, Luật Khoáng sản năm 2010 đang có hiệu lực thi hành. Có thể nói, theo từng giai đoạn phát triển của Đất nước, pháp luật về khoáng sản đã được điều chỉnh phù hợp và có nhiều đóng góp quan trọng trong công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, Luật Khoáng sản năm 2010 đã thể hiện rõ quan điểm khai thác khoáng sản phải lấy hiệu quả kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường làm tiêu chuẩn cơ bản để quyết định đầu tư, khuyến khích các tổ chức, cá nhân có năng lực về vốn, công nghệ, thiết bị đầu tư vào khai thác khoáng sản; điều tiết nguồn thu từ khoáng sản để hài hòa lợi ích của “Nhà nước - Doanh nghiệp - Người dân”; thúc đẩy cơ chế đấu giá để hạn chế việc “xin - cho” trong cấp phép hoạt động khoáng sản. Sau 13 năm thực hiện, Luật Khoáng sản năm 2010 đã từng bước góp phần đưa hoạt động khoáng sản đi vào nề nếp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về khoáng sản.

    Tuy nhiên, sau 13 năm thi hành Luật Khoáng sản năm 2010, một số chế định pháp lý không còn phù hợp với thực tế; một số nội dung trong hoạt động khoáng sản phát sinh đòi hỏi phải được bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh mới và bảo đảm hướng tới phát triển bền vững.

Một số bất cập của Luật Khoáng sản năm 2010

    (i) Về tài nguyên địa chất, khoáng sản; điều tra cơ bản địa chất, điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản; thông tin, dữ liệu địa chất, khoáng sản

    Địa chất là một ngành khoa học kỹ thuật tổng hợp, là khoa học về trái đất. Khi thực hiện công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản phải điều tra, đánh giá toàn diện cấu trúc địa chất, điều kiện địa chất trong diện tích điều tra. Theo đó, kết quả điều tra địa chất không chỉ để làm rõ thông tin, dữ liệu đánh giá tài nguyên khoáng sản, định hướng thăm dò khoáng sản mà còn làm rõ thông tin, dữ liệu tài nguyên địa chất khác như: di sản và công viên địa chất; các cấu trúc địa chất thuận lợi để lưu trữ tài nguyên nước, lưu giữ CO2, chôn lấp chất thải độc hại; về tai biến địa chất; về địa chất công trình,... được sử dụng cho các ngành xây dựng, công nghiệp, giao thông vận tải, nông nghiệp, du lịch,.... Tuy nhiên, nhận thức về vai trò, vị trí của ngành Địa chất trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội đất nước chưa đầy đủ, chưa tương xứng với những đóng góp của ngành. Trong khi đó, Luật Khoáng sản năm 2010 mới chỉ điều chỉnh các quy định liên quan đến công tác điều tra, đánh giá tiềm năng khoáng sản (điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản), còn các hoạt động về điều tra địa chất tai biến, địa chất môi trường, địa chất công trình... chỉ được xem như hoạt động phụ được thực hiện đồng thời với công tác lập bản đồ và điều tra khoáng sản, theo đó, chưa phản ánh đúng bản chất của công tác điều tra cơ bản địa chất như đã nêu trên. Luật cũng chưa quy định nội dung quản lý nhà nước đối với tài nguyên địa chất khác, đặc biệt là quy định nhằm thống nhất quản lý thông tin, dữ liệu địa chất như yêu cầu của Nghị quyết số 10-NQ/TW. Do đó, cần thiết phải bổ sung đầy đủ các quy định để điều chỉnh các hoạt động liên quan đến công tác điều tra cơ bản địa chất, về thông tin, dữ liệu địa chất trong quy định của Luật Khoáng sản.

    (ii)  Phân loại đối tượng quản lý

    Luật Khoáng sản 2010 không phân nhóm khoáng sản, dẫn đến quy trình, thủ tục hành chính trong quản lý hoạt động khoáng sản là như nhau đối với tất cả các loại, nhóm khoáng sản. Điều này không phù hợp về kỹ thuật và yêu cầu quản lý, vì sẽ không đúng bản chất khi áp dụng quy trình thủ tục thăm dò, khai thác, đóng cửa mỏ của mỏ khoáng sản kim loại như mỏ nước khoáng hoặc mỏ đất sét.

    (iii) Về bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; quy hoạch khoáng sản

    Luật Khoáng sản năm 2010 đã quy định về trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác của chính quyền địa phương với vai trò trực tiếp quản lý địa bàn. Tuy nhiên, qua tổng kết thực tiễn cho thấy khi xảy ra các vụ việc khai thác khoáng sản trái phép ở địa phương thường có hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm giữa chính quyền các cấp, đồng thời, phạm vi trách nhiệm quản lý chưa được quy định rõ ràng nên hiệu quả của việc xem xét, xử lý trách nhiệm chưa thống nhất, chưa rõ ràng giữa các địa phương.

     Đối với quy hoạch khoáng sản: thời điểm lập quy hoạch, công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thực hiện còn hạn chế nên một số thông tin về vị trí, tọa độ, diện tích, địa danh và tiềm năng khoáng sản tại quy hoạch khoáng sản chưa đầy đủ và chính xác, gây khó khăn cho công tác quản lý, cấp phép hoạt động khoáng sản. Do vậy, cần phải cập nhật, bổ sung số liệu về tài nguyên, trữ lượng và khoanh định tọa độ khép góc cụ thể cho phù hợp với quy định của pháp luật về khoáng sản. Việc ấn định công suất khai thác đối với các khu vực mỏ khoáng sản trong quy hoạch (mới có số liệu điều tra, đánh giá sơ bộ) chưa hợp lý, khó khả thi khi cấp phép do công suất khai thác phải được xác định dựa trên kết quả thăm dò, phê duyệt trữ lượng và nghiên cứu khả thi của dự án. Việc chồng lấn giữa quy hoạch khoáng sản (như titan, cát trắng thủy tinh,..) thời gian qua ở một số địa phương đặc biệt là các tỉnh ven biển như: Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Bình Thuận,… với các quy hoạch khác (khu đô thị, khu công nghiệp, du lịch sinh thái…) cần nghiên cứu điều chỉnh cho phù hợp và hài hòa giữa mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của địa phương với nhu cầu khoáng sản cung cấp cho các ngành công nghiệp khác. Trên thực tế, có nhiều loại khoáng sản có thể được sử dụng cho nhiều mục đích, được đưa vào cả 02 quy hoạch gây khó khăn cho việc cấp phép; đối với khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn được tích hợp vào quy hoạch tỉnh (quy định này chưa đáp ứng được yêu cầu về tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, các công trình, dự án quan trọng quốc gia có nhu cầu sử dụng khoáng sản làm vật liệu san lấp).

    (iv) Quy định về khu vực dự trữ khoáng sản

    Luật Khoáng sản chưa quy định thời gian dự trữ khoáng sản, cơ sở pháp lý và điều kiện cụ thể của việc triển khai các dự án trên mặt ở các khu vực dự trữ khoáng sản. Trong khi đó Luật Đầu tư, Luật Đất đai chỉ quy định về thời gian hoạt động, diện tích đất sử dụng của dự án nhưng chưa có quy định cụ thể việc triển khai các dự án đầu tư trên mặt mà bên dưới có khoáng sản thuộc khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia. Về thực tiễn, các khu vực dự trữ titan, cát trắng phân bố dọc khu vực ven biển là nơi có điều kiện kinh tế -xã hội thuận lợi để phát triển các dự án như điện gió, điện mặt trời, các khu công nghiệp, các khu du lịch, ..., đặt ra vấn đề phải sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, tài nguyên khoáng sản, đảm bảo vừa dự trữ khoáng sản lâu dài theo quy định của Luật Khoáng sản, mà trên mặt vẫn phát triển được các dự án kinh tế - xã hội tuân thủ các quy định của Luật Đất đai, Luật Đầu tư. Do đó, chính sách về khu vực khoáng sản dự trữ quốc gia phải được điều chỉnh trong Luật Địa chất và Khoáng sản nhằm giải quyết những vấn đề thực tiễn phát sinh trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, nhu cầu phát triển kinh tế.

    (v) Quy định tiền cấp quyền khai thác khoáng sản

    Tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản dựa trên trữ lượng khoáng sản được phê duyệt chưa bảo đảm tính chính xác khi trữ lượng khoáng sản được phê duyệt có sai số theo từng cấp. Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải hoàn thành việc nộp vào nửa đầu thời hạn cấp phép. Số tiền phải nộp trong lần đầu thường rất lớn, trong khi các dự án đầu tư cần có thời gian xây dựng cơ bản mỏ, trong khi chưa sản xuất để tạo ra sản phẩm, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp thu xếp nguồn vốn để triển khai thực hiện dự án đầu tư khai thác khoáng sản. Một số mỏ do vướng mắc trong công tác thỏa thuận, bồi thường giải phóng mặt mặt bằng, chưa thể đưa mỏ vào khai thác, chưa có doanh thu nên khó khăn trong việc thực hiện nộp tiền; chưa có các quy định về hoãn, giãn (lùi) thời gian nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo định kỳ hàng năm đối với các doanh nghiệp chưa thể triển khai hoạt động khai thác khoáng sản do nguyên nhân bất khả kháng; chưa có quy định về việc hoàn trả, trừ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trong trường hợp hết thời hạn khai thác nhưng trữ lượng khoáng sản của mỏ vẫn còn hoặc tổng trữ lượng đã khai thác nhỏ hơn trữ lượng được cấp theo giấy phép khai thác khoáng sản; chưa có quy định về việc điều chỉnh, hoàn trả tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đã nộp trong trường hợp trả lại toàn bộ Giấy phép khai thác khoáng sản, trả lại một phần diện tích khu vực được cấp phép khai thác khoáng sản...

    (vi) Quy định về đầu tư công nghệ, triển khai kinh tế tuần hoàn trong hoạt động khoáng sản

    Thực tế cho thấy các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản thời gian qua chưa thật sự quan tâm đầu tư công nghệ tiên tiến, hiện đại để khai thác, chế biến khoáng sản, bảo vệ môi trường theo mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Luật Khoáng sản năm 2010 chỉ mới quy định về nguyên tắc đối với hoạt động khoáng sản “Khai thác khoáng sản phải lấy hiệu quả kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường làm tiêu chuẩn cơ bản để quyết định đầu tư; áp dụng công nghệ khai thác tiên tiến, phù hợp với quy mô, đặc điểm từng mỏ, loại khoáng sản để thu hồi tối đa khoáng sản”. Tuy nhiên, các doanh nghiệp chưa có sự chuyển biến mạnh mẽ trong đổi mới công nghệ, thiết bị khai thác, chế biến khoáng sản nhằm thu hồi tối đa, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm khoáng sản, nâng cao giá trị khoáng sản sau khai thác, nhất là đối với các loại khoáng sản quy mô trung bình và nhỏ; các nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật, công nghệ khai thác, chế biến chưa có tính ứng dụng thực tiễn cao; còn nhiều doanh nghiệp khai thác không thực hiện nghĩa vụ cải tạo, phục hồi môi trường khi kết thúc khai thác (đóng cửa mỏ) gây tác động xấu đến môi trường. Đối với các mỏ khoáng sản đang hoạt động, chỉ số ít các doanh nghiệp chú trọng đầu tư thiết bị khai thác, chế biến nhằm thu hồi tối đa khoáng sản chính, khoáng sản đi kèm nhằm khai thác triệt để, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản.

    Ngoài ra, khái niệm và việc thực hiện kinh tế tuần hoàn đã được xác định trong Luật Bảo vệ môi trường 2020. Khoáng sản được xác định là một trong những lĩnh vực trọng điểm tiên phong áp dụng mô hình “kinh tế tuần hoàn”, tuy nhiên thực tế việc triển khai kinh tế tuần hoàn trong hoạt động khai thác khoáng sản vẫn còn tương đối chậm, thiếu tính đồng bộ.

    (vii) Tồn tại, khó khăn trong việc đóng cửa mỏ

    Cải tạo, phục hồi môi trường, thực hiện đề án đóng cửa mỏ sau khai thác khoáng sản là trách nhiệm, nghĩa vụ bắt buộc đối với mỗi chủ dự án khai thác. Tuy nhiên, hiện nay việc cải tạo, phục hồi môi trường, thực hiện đề án đóng cửa mỏ tại các mỏ khai thác khoáng sản vẫn chưa được các đơn vị, doanh nghiệp quan tâm, thực hiện một cách đúng mức. Đặc biệt, một số trường hợp việc cải tạo, phục hồi môi trường, thực hiện đóng cửa mỏ là không thể thực hiện đối với các doanh nghiệp đã phá sản hoặc không đủ năng lực thực hiện. Tình trạng không thực hiện đề án đóng cửa mỏ sau khai thác khoáng sản gây ảnh hưởng tiêu cực lớn đến công tác quản lý tài nguyên khoáng sản và đời sống sinh hoạt của người dân, thậm chí làm kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương vì không được sử dụng đất chưa đóng cửa mỏ.

Các mục tiêu, quan điểm xây dựng Luật Địa chất và Khoáng sản

    Xuất phát từ kết quả tổng kết, đánh giá 13 năm thi hành Luật Khoáng sản năm 2010, bối cảnh hiện tại, trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản cơ quan soạn thảo đã xác lập rõ các mục tiêu, quan điểm sau: (1) Thể chế hoá đầy đủ các quan điểm của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương, Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị; (2) Các quy định của Luật Địa chất và Khoáng sản phải bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, đồng bộ với các pháp luật liên quan; rõ ràng, dễ hiểu và mang tính khả thi cao, thúc đẩy đầu tư, xã hội hóa đi đôi với tăng cường bảo vệ, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên địa chất, khoáng sản, gắn với yêu cầu phân công, phân cấp rõ ràng, minh bạch; cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, hiệu quả; (3) Kế thừa các quy định của Luật Khoáng sản năm 2010 đang phát huy hiệu quả; bãi bỏ các quy định bất cập; cập nhật, sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành cho phù hợp với thực tiễn và các yêu cầu trong quản lý nhà nước về tài nguyên địa chất, khoáng sản trong tình hình mới; (4) Tạo hành lang pháp lý toàn diện trong việc bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản chưa khai thác; tăng cường công tác bảo vệ môi trường, an toàn lao động trong hoạt động khoáng sản; hài hòa lợi ích giữa Nhà nước với tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản và cộng đồng dân cư nơi có hoạt động khoáng sản; (5) Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương để địa phương chủ động trong việc phát triển kinh tế xã hội, phù hợp với thực tế gắn với trách nhiệm thẩm quyền được giao; đồng thời thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực, giám sát thực hiện; xử lý được những tồn tại, tiêu cực trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản.    

Một số điểm mới của Dự thảo Luật

    (1) Quy định về điều tra cơ bản địa chất: Dự thảo Luật đã quy định rõ nội dung và trách nhiệm của Nhà nước trong điều tra cơ bản địa chất; điều tra, khoanh định, lập bản đồ các khu vực di chỉ địa chất, di sản địa chất, tài nguyên vị thế; điều tra địa chất môi trường, tai biến địa chất; điều tra địa chất công trình, địa chất đô thị; điều tra điều kiện địa chất khác gồm: điều tra, lập bản đồ không gian địa chất, bản đồ không gian lòng đất; tài nguyên địa nhiệt; tài nguyên địa chất tái tạo; quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động điều tra cơ bản địa chất.

    (2) Phân nhóm khoáng sản: Trên cơ sở công dụng và mục tiêu quản lý, khoáng sản được phân chia thành các nhóm I, II, III và IV. Trong đó, khoáng sản nhóm I bao gồm khoáng sản kim loại; khoáng sản năng lượng; đá quý, đá bán quý; khoáng chất công nghiệp; nước khoáng, nước nóng thiên nhiên; khoáng sản nhóm II bao gồm các loại khoáng sản làm vật liệu trong ngành công nghiệp xây dựng phục vụ sản xuất xi măng, gạch ốp lát, sứ vệ sinh, kính xây dựng, đá ốp lát, mỹ nghệ, vôi công nghiệp, vật liệu chịu lửa; khoáng sản nhóm III bao gồm các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; than bùn; khoáng sản nhóm IV bao gồm các loại đất sét, đất đồi; đất lẫn đá, cát, cuội, sỏi hoặc đất, sét có tên gọi khác chỉ phù hợp với mục đích làm vật liệu san lấp; đất đá thải mỏ. Dự thảo Luật cũng giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.  Việc phân nhóm khoáng sản như dự thảo Luật sẽ cho phép xác lập cách tiếp cận phù hợp từ khâu quy hoạch đến cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản, cho phép thu hồi khoáng sản, đóng cửa mỏ. Trên cơ sở này, quy định phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương, cải cách thủ tục hành chính phù hợp với từng nhóm khoáng sản.

    (3) Về tăng cường phân cấp cho chính quyền địa phương: Dự thảo Luật đã bổ sung một số quy định nhằm tăng cường phân cấp cho chính quyền địa phương đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao nǎng lực thực thi của cơ quan cấp dưới kèm theo việc kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, nhất là ở cấp trực tiếp thực hiện. Tiếp tục duy trì việc phân cấp quản lý nhà nước về khoáng sản như Luật hiện hành, cụ thể Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản nhóm III, IV; giấy phép khai thác tận thu khoáng sản nhóm I, II và III; giấy phép khai thác khoáng sản nhóm I và II tại các khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường khoanh định và công bố. Bổ sung việc phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với phê duyệt đề án, báo cáo kết quả điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân tỉnh và được thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách của địa phương và quyết định việc cho phép thu hồi khoáng sản nhóm I, II khi thực hiện dự án đầu tư tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.

    (4) Bổ sung và làm rõ các hoạt động thu hồi khoáng sản, đăng ký khai thác khoáng sản nhóm IV không phải cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản.

    (5) Bổ sung các trường hợp đặc thù cho phép khai thác khoáng sản không phải có quy hoạch khoáng sản (khai thác khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ; thu hồi khoáng sản; khai thác tận thu khoáng sản).

    (6) Bổ sung các quy định nhằm thúc đẩy việc ưu tiên sử dụng công nghệ, thiết bị, vật liệu thân thiện với môi trường; triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản.

    (7) Công nhận kết quả thăm dò khoáng sản thay vì phê duyệt trữ lượng.

    (8) Sử dụng ngân sách Nhà nước để thăm dò khoáng sản chiến lược, quan trọng; khoáng sản có giá trị kinh tế và nhu cầu sử dụng lớn; thực hiện đề án đóng cửa mỏ trong một số trường hợp đặc biệt như chủ dự án bị phá sản hoặc thực sự không đủ năng lực về mặt kinh tế.

    (9) Tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trên cơ sở trữ lượng khoáng sản được phép khai thác hoặc khối lượng khoáng sản được phép thu hồi; tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được thu theo năm và quyết toán theo sản lượng khai thác thực tế.

    (10) Tăng cường quản lý cát, sỏi lòng sông, lòng hồ, khu vực biển.

    Kiến nghị, đề xuất

    Trên cơ sở kết quả thẩm tra của các cơ quan thuộc Quốc hội, ý kiến trao đổi, thảo luận của các đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật cần được tiếp tục nghiên cứu, rà soát, đặc biệt là các nội dung liên quan đến tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (tránh chồng lấn với thuế tài nguyên và bảo đảm theo tinh thần của Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị); đấu giá quyền khai thác khoáng sản; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân thăm dò, khai thác khoáng sản (trong đó có thế chấp quyền khai thác khoáng sản); kiểm soát, giám sát sản lượng khai thác khoáng sản; cơ sở dữ liệu về địa chất, khoáng sản. Ngoài ra, việc xử lý hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động  khoáng sản cần phải được xem xét, đánh giá để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

    Pháp luật sẽ khó đi vào cuộc sống nếu như năng lực thực thi không đáp ứng. Do vậy, Nhà nước cần có đầu tư thích đáng cho hạ tầng kỹ thuật, nhân lực phục vụ quản lý nhà nước về địa chất và khoáng sản, đặc biệt là hệ thống cơ sở dữ liệu số, trang thiết bị, công nghệ phục công tác kiểm soát hoạt động khoáng sản (công nghệ viễn thám, thiết bị bay không người lái UAV....)...; cần có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước từ khâu lập quy hoạch đến cấp phép, đóng cửa mỏ, bảo đảm giảm thiểu tất cả các tác động tiêu cực, rủi ro, sự cố về môi trường và xã hội có thể xảy ra trong suốt vòng đời của dự án khai thác mỏ và sau khi đóng cửa mỏ. Cần gắn công tác quy hoạch, quản lý khai thác khoáng sản với đô thị hóa - cấp nước - giao thông - thủy lợi - lâm nghiệp - du lịch và bảo vệ môi trường trong một thể thống nhất; có chế độ khuyến khích các phương án hoạt động khai thác khoáng sản bền vững (hài hòa lợi ích khai thác khoáng sản và bảo vệ tốt môi trường, lợi ích của thế hệ hôm nay và thế hệ mai sau, lợi ích của các bên liên quan).

    Các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản cần quan tâm áp dụng các công nghệ, giải pháp thân thiện môi trường (tiết kiệm năng lượng, tái sử dụng chất thải như đất đá thải, quặng đuôi) và thực hiện tốt các trách nhiệm, nghĩa vụ theo luật định.

    Hệ thống pháp luật về địa chất và khoáng sản có tính khoa học, toàn diện, thực tiễn và được tuân thủ nghiêm minh sẽ loại trừ được những bất cập liên quan đến hoạt động địa chất, khoáng sản như hiện nay. Với sự vào cuộc có trách nhiệm của tất cả các bên có liên quan, từng bước chúng ta sẽ đạt được mục tiêu phát triển bền vững của ngành công nghiệp khai khoáng theo đúng yêu cầu của Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Mai Thế Toản

Phó Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 6/2024)

Ý kiến của bạn