Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Diễn biến chất lượng môi trường không khí khu vực miền Trung trong năm 2023 và đề xuất một số giải pháp trong thời gian tới

09/05/2024

    Năm 2023, Trung tâm Quan trắc môi trường miền Trung và Tây Nguyên thuộc Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường được giao thực hiện quan trắc môi trường không khí theo không gian và thời gian, kịp thời phát hiện và cảnh báo các trường hợp ô nhiễm, các sự cố ô nhiễm môi trường không khí nhằm đề xuất giải pháp khắc phục. Chương trình quan trắc không khí được thực hiện tại 33 điểm thuộc địa bàn các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định) với tần suất là 8 đợt. Chất lượng môi trường không khí được đánh giá, so sánh với QCVN 05:2013/BTNMT (TB 01h) và QCVN 26:2010/BTNMT. Bài viết đánh giá chất lượng không khí và tiếng ồn thực hiện từ tháng 3 - 11/2023, từ đó đề xuất một số giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí trong thời gian tới.

1. Hiện trạng chất lượng môi trường không khí và tiếng ồn năm 2023 của khu vực miền Trung

    Ô nhiễm môi trường không khí luôn là một trong những vấn đề nóng về môi trường. Trong giai đoạn này, ô nhiễm bụi vẫn tiếp tục là vấn đề nổi cộm tại nhiều khu vực đô thị. Giá trị thông số bụi (TSP) chịu tác động rất rõ rệt bởi yếu tố khí hậu, tạo nên quy luật diễn biến chất lượng môi trường không khí theo các mùa trong năm. Bên cạnh các thông số bụi, chất lượng môi trường không khí còn được đánh giá bởi một số thông số khí đặc trưng khác như NO2, O3, CO, SO2. Trong đó tại các đô thị, NO2 và CO là các khí phát sinh chủ yếu từ các phương tiện tham gia giao thông, SO2 là khí phát thải chủ yếu từ hoạt động đốt than và nhiên liệu (dầu) chứa lưu huỳnh và khí O3 trong tầng mặt hình thành chủ yếu phụ thuộc vào cường độ ánh sáng mặt trời, hàm lượng NOx và các chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC).

    Ở khu vực miền Trung, ô nhiễm môi trường không khí chủ yếu là ô nhiễm bụi lơ lửng tại Khu công nghiệp (KCN) và trục giao thông lớn và diễn biến thường tăng cao vào mùa khô. Ngoài ra, tình trạng ô nhiễm  tiếng ồn cũng thường ghi nhận trên các trục giao thông chính, các khu dân cư (KDC) có mật độ dân số cao, nhiều công trình đang xây dựng. Kết quả quan trắc môi trường không khí, tiếng ồn và cường độ dòng xe tại 33 điểm thuộc địa bàn các tỉnh thuộc khu vực miền Trung năm 2023 cho thấy, môi trường không khí chủ yếu bị ô nhiễm tổng bụi lơ lửng (TSP) và tiếng ồn với tỷ lệ trung bình là 24,2% giá trị TSP vượt QCVN 05:2013/BTNMT (300 µg/m3) và 48,1% giá trị tiếng ồn vượt QCVN 26:2010/BTNMT (70 dBA) tại các trục giao thông lớn và khu công nghiệp (KCN); các thông số SO2 và NO2 thấp hơn giới hạn cho phép.

Bảng 1. Tỷ lệ % thông số vượt ngưỡng trong môi trường không khí tại khu vực miền Trung năm 2023

TT

Thông số

Tổng số giá trị

Giá trị lớn nhất

Tổng số giá trị vượt QCVN 05: 2013/BTNMT

Tỷ lệ % vượt chuẩn

Đợt 1

Đợt 2

Đợt 3

Đợt 4

Đợt 5

Đợt 6

Đợt 7

Đợt 8

TB

1

TSP

264

385

64

18,2

21,2

33,3

36,4

24,2

21,2

18,2

21,2

24,2%

2

SO2

264

56

0

0,0

0,0

0,0

0,0

0,0

0,0

0,0

0,0

0,0

3

NO2

264

51

0

0,0

0,0

0,0

0,0

0,0

0,0

0,0

0,0

0,0

4

Tiếng ồn

264

132,7

127

48,5

48,5

48,5

48,5

51,5

48,5

45,5

45,5

48,1%

Ghi chú: tiếng ồn theo QCVN 26: 2010/BTNMT

    Về diễn biến các thông số ô nhiễm môi trường không khí qua 8 đợt quan trắc năm 2023 tại 33 điểm cho thấy, giá trị TSP trung bình dao động từ 138 - 340 µg/m3, với giá trị TSP trung bình cao nhất tại điểm đo trước ô tô Trường Hải - Quảng Nam (340 µg/m3) vượt QCVN 05:2013/BTNMT (300 µg/m3) là 1,1 lần. Nguyên nhân đây là nút giao thông ngay đường Quốc lộ 1A nên lưu lượng xe cộ qua lại rất đông làm gia tăng giá trị TSP. Các điểm quan trắc có giá trị vượt quy chuẩn tập trung chủ yếu tại các trục đường giao thông và gần các khu vực có hoạt động sản xuất công nghiệp, cụ thể: Đông Nam KCN Phú Bài, chợ Đông Ba (Thừa Thiên - Huế); Tây KCN Liên Chiểu, Đông KCN Hòa Khánh, ngã 5 đường Trần Bình Trọng (Đà Nẵng); điểm trước ô tô Trường Hải (Quảng Nam); ngã tư Quang Trung - Hùng Vương (Quảng Ngãi) và phía Đông KCN Phú Tài, phường Quang Trung - TP. Quy Nhơn (Bình Định).

    Giá trị TSP trung bình năm 2023 vượt QCVN 05:2013/BTNMT (300 µg/m3) với 9/33 điểm quan trắc, chiếm tỷ lệ 27,3%. Nhìn chung, giá trị TSP tại các địa phương khu vực miền Trung có xu hướng tăng cao vào mùa khô: từ đợt 1- 5 (tháng 3 - 7) và giảm dần vào mùa mưa: từ đợt 6 - 8 (tháng 8 - 11). Nguyên nhân, do ảnh hưởng của thời tiết tại miền Trung, mùa khô có nhiệt độ cao, độ ẩm thấp, nắng nóng kéo dài và ít mưa làm gia tăng hàm lượng bụi TSP trong không khí xung quanh.

Biểu đồ 1. Giá trị TSP vùng KTTĐ miền Trung năm 2023

    Ô nhiễm tiếng ồn tập trung tại các điểm quan trắc trên tuyến giao thông lớn và điểm gần KCN, đặc biệt vào các giờ cao điểm, mức độ ồn trung bình dao động trong khoảng 55,3 - 81,9 dBA. Giá trị tiếng ồn giữa các đợt quan trắc ít có sự biến động. Các điểm quan trắc có giá trị tiếng ồn vượt ngưỡng QCVN 26:2010/BTNMT (70 dBA) cả 8 đợt quan trắc năm 2023 được xác định tại: Đông Nam KCN Phú Bài, Tây Bắc KCN Phú Bài, chợ Đông Ba (Thừa Thiên - Huế); Tây KCN Liên Chiểu, Đông KCN Hòa Khánh, ngã 5 đầu đường Trần Bình Trọng (Đà Nẵng); trước ôtô Trường Hải, KDC Tân Hy (Quảng Nam); KDC trước KCN Sài Gòn - Dung Quất, Đông Bắc KCN Quảng Phú, Tây Nam KCN Quảng Phú, ngã tư Quang Trung - Hùng Vương (Quảng Ngãi); khu KTTH Nhơn Hội, phía Đông KCN Phú Tài, ngã tư Ý Lan - Lê Hồng Phong, phường Quang Trung (TP. Quy Nhơn, Bình Định). Riêng vị trí quan trắc tại KDC Tân Hy (đợt 5) có giá trị tiếng ồn tăng cao đột biến, nguyên nhân là do thời điểm lấy mẫu có công trình đang tháo gỡ.

Biểu đồ 2.Giá trị tiếng ồn vùng KTTĐ miền Trung năm 2023

2. Một số đề xuất giải pháp thời gian tới

    Qua kết quả quan trắc 8 đợt trong năm 2023 tại 5 tỉnh vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cho thấy, môi trường không khí chủ yếu bị ô nhiễm tổng bụi lơ lửng (TSP) và tiếng ồn tại các trục giao thông lớn và KCN; các thông số SO2 và NO2 thấp hơn giới hạn cho phép. Nhìn chung, chất lượng môi trường không khí năm 2023 có xu hướng suy giảm nhẹ so với năm 2022 đối với thông số TSP. Nguyên nhân khách quan là các hoạt động kinh tế - xã hội phát triển mạnh tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên làm cho các hoạt động sản xuất, vận chuyển hành khách và hàng hoá tăng cao, vì thế chất lượng môi trường không khí toàn vùng có xu hướng suy giảm. Tuy nhiên, thông số tiếng ồn có sự cải thiện đáng kể tại các trục giao thông lớn. Để kiểm soát các thông số ô nhiễm trên, cần triển khai các giải pháp sau:

     Thứ nhất, tiếp tục theo dõi và xây dựng hệ thống giám sát môi trường thông qua việc bố trí nguồn lực đầu tư, lắp đặt bổ sung hệ thống các trạm quan trắc môi trường nhằm cung cấp thông tin kịp thời và chính xác về các chỉ số môi trường không khí tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

    Thứ hai, đảm bảo việc quan trắc, thu nhận, truyền dẫn số liệu giúp các cơ quan quản lý có thể theo dõi, giám sát, cảnh báo, dự báo được chất lượng môi trường không khí, đặc biệt là tại các đô thị lớn; đa dạng hoá phương thức công bố thông tin về chất lượng môi trường nói chung, môi trường không khí nói riêng.

    Thứ ba, tổ chức và duy trì hoạt động phun nước rửa đường nhiều lần trong ngày tại các trục, tuyến đường giao thông chính. Thu gom triệt để rác, bụi bẩn trên các trục, tuyến, giải phân cách đường giao thông, đặc biệt vị trí quan trắc gần các KCN và trục giao thông lớn. Điều phối các phương tiện giao thông lưu thông theo khung giờ tại các trục giao thông lớn để giảm thiểu ô nhiễm bụi và tiếng ồn trong giờ cao điểm.

    Thứ tư, tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát các nguồn phát thải gây ô nhiễm môi trường không khí, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; yêu cầu chủ dự án các công trình đầu tư xây dựng phải tuân thủ nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động thi công, xây dựng.

    Thứ năm, rà soát, đánh giá lại công tác quy hoạch tại các tỉnh/thành phố bảo đảm tính hợp lý, chú trọng quy hoạch cây xanh, mặt nước trong đô thị; trồng nhiều cây xanh tạo thành các vành đai xanh, khu phố xanh cũng là một biện pháp thiết thực góp phần kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí tại khu vực.

Nguyễn Quang Vinh

Trung tâm Quan trắc môi trường miền Trung và Tây Nguyên

Hồ Thị Đang Trang

Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 4/2024)

Ý kiến của bạn