Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Chính sách hiện hành và một số đề xuất nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý trong thực hiện nền Kinh tế xanh tại Việt Nam

16/07/2024

    Trước diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu (BĐKH) và nguy cơ cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên, kéo theo đó là các tác động tiêu cực lên môi trường, hầu hết các quốc gia trên thế giới đã và đang coi phát triển Kinh tế xanh (KTX) là bước đi tất yếu trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, vừa đảm bảo mục tiêu hiện đại hóa nền kinh tế, vừa hướng đến phát triển bền vững (PTBV), BVMT và tăng cường khả năng ứng phó với BĐKH, trong đó có Việt Nam. Những năm gần đây, Ðảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, văn bản hướng dẫn triển khai xây dựng nền KTX đảm bảo xuyên suốt, hiệu quả, tuy nhiên, trên thực tế, xu hướng phát triển KTX ở nước ta chỉ đang ở vạch xuất phát điểm, còn thiếu đồng bộ và gặp phải rào cản về nguồn vốn, nhân lực, khoa học và công nghệ... Bài viết khái quát các quy định hiện hành, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý để thúc đẩy nền KTX ở Việt Nam trong thời gian tới.

1. Các khái niệm về KTX

    Khái niệm KTX - Green Economy lần đầu tiên được đề cập trong một báo cáo về PTBV do Chính phủ Anh ủy quyền vào năm 1989, tuy nhiên, chỉ trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu cuối những năm 2000, nền KTX mới được các nước trên thế giới chú ý đến như một chiến lược phục hồi kinh tế. Kể từ đó, khái niệm này dần được mở rộng, với nhiều định nghĩa xuất phát từ góc độ tiếp cận khác nhau nhưng không có một định nghĩa chung thống nhất để áp dụng. Theo Liên minh châu Âu (EU), “KTX là nền kinh tế tăng trưởng thông minh, bền vững và công bằng”; Tổ chức Lao động quốc tế cũng tin rằng, “nền KTX có thể tạo ra hàng triệu cơ hội việc làm cho người lao động” (Ge & Zhi, 2016). Nhóm Liên minh KTX định nghĩa, “KTX là nền kinh tế tạo ra chất lượng cuộc sống tốt hơn cho tất cả mọi người trong giới hạn sinh thái của Trái đất” (Green Economy Coalition, 2012). Xem xét KTX từ góc độ kinh doanh, Phòng Thương mại quốc tế (ICC) nhận định, “KTX là nền kinh tế mà tăng trưởng kinh tế và trách nghiệm môi trường đi đôi với nhau, tương hỗ cho nhau, cùng hỗ trợ quá trình phát triển xã hội”. Theo quan điểm của Ủy hội Kinh tế xã hội châu Á - Thái Bình Dương Liên hợp quốc (LHQ)  (UNESCAP), “KTX là cách tiếp cận để đạt được tăng trưởng kinh tế với mục đích phát triển kinh tế, đồng thời đảm bảo sự bền vững về môi trường”. Ngân hàng Thế giới (WB, 2012b) đưa ra định nghĩa, “KTX là phát triển kinh tế đảm bảo sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, trong đó giảm thiểu ô nhiễm và tác động đến môi trường, tăng cường khả năng phục hồi trước biến đổi tự nhiên, đẩy mạnh vai trò của quản lý nhà nước về môi trường và nguồn lực tự nhiên trong việc ngăn ngừa các thảm họa từ thiên nhiên”. Trong khi đó, định nghĩa của Chương trình Môi trường LHQ (UNEP, 2011) tại cuốn sách Hướng tới nền KTX - Lộ trình cho PTBV và xóa đói giảm nghèo được các học giả trích dẫn nhiều nhất ở Việt Nam cho rằng, “KTX là nền kinh tế nâng cao đời sống của con người và cải thiện công bằng xã hội, giảm thiểu đáng kể rủi ro môi trường và những thiếu hụt sinh thái. Nói một cách đơn giản, nền KTX có mức phát thải thấp, sử dụng hiệu quả tài nguyên, hướng tới công bằng xã hội”. Theo định nghĩa của UNEP, nội hàm KTX bao gồm phát thải các-bon thấp; sử dụng hiệu quả tài nguyên; bảo đảm công bằng xã hội, hoàn toàn đối lập với nền “kinh tế nâu” (là nền kinh tế dựa vào các nguồn năng lượng hóa thạch, bỏ qua các vấn đề xã hội, suy thoái môi trường và suy giảm tài nguyên thiên nhiên). Đây được coi là định nghĩa chính xác, đầy đủ nhất về KTX.

KTX là xu hướng tất yếu trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, hướng đến mục tiêu PTBV    

Thuật ngữ KTX chính thức được cộng đồng quốc tế sử dụng rộng rãi tại Hội nghị Thượng đỉnh của LHQ về PTBV, tổ chức ngày 22/6/2012 ở Rio de Janeiro, Braxin (Rio +20). Trước đó, tính từ “xanh” đã được sử dụng khá nhiều, gắn với nhiều hoạt động hướng tới PTBV như sản xuất xanh, tiêu dùng xanh (TDX), lối sống xanh, sản phẩm xanh... hàm nghĩa chủ yếu là “thân thiện với môi trường”. Tổng hợp các định nghĩa về KTX của nhiều quốc gia trên thế giới, Báo cáo của Ủy ban các vấn đề kinh tế - xã hội của LHQ (UNDESA, 2012) chỉ ra điểm chung mà một nền KTX cần hướng tới là việc giảm thiểu tác động tiêu cực từ hoạt động phát triển kinh tế đến môi trường và xã hội.

2. Vai trò của BVMT trong thực hiện KTX

    Dù tiếp cận theo hướng nào, các quan niệm đều thống nhất nhận định KTX là nền kinh tế phát triển dựa trên sự kết hợp giữa 3 yếu tố: Phát triển kinh tế (thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cộng đồng, phát triển năng lượng sạch, đáp ứng nhu cầu việc làm của người dân...); bền vững môi trường (đảm bảo sản xuất, tiêu dùng bền vững, giảm thiểu phát thải các-bon và mức độ suy giảm tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ, tái tạo và khuyến khích sử dụng bền vững các hệ sinh thái...); gắn kết xã hội (bảo đảm mục tiêu giảm nghèo, bình đẳng trước các cơ hội mà nền KTX tạo ra, nâng cao chất lượng giáo dục, thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng giới và giảm thiểu bất bình đẳng xã hội...). Điều này có nghĩa KTX là một nền kinh tế cần thiết và mang tính bền vững, các hoạt động trong đó tạo ra lợi nhuận hoặc giá trị có lợi, hướng đến cải thiện chất lượng cuộc sống của cộng đồng xã hội, vừa bảo đảm tăng trưởng kinh tế, vừa ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu, cạn kiệt nguồn tài nguyên và suy thoái môi trường. Vì vậy, 3 yếu tố kinh tế, môi trường, xã hội nếu được cân bằng sẽ thỏa mãn tính bền vững của nền KTX, trong đó BVMT, quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, ứng phó với BĐKH là yếu tố quan trọng, quyết định sự phát triển kinh tế, cải thiện chuỗi giá trị, mang lại sự ổn định và thịnh vượng lâu dài, được xem là vấn đề then chốt của KTX.

    Đối với Việt Nam, hướng đến thực hiện nền KTX, TDX theo hướng xanh và bền vững đã trở thành đường lối, quan điểm, chính sách xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta. Các chủ trương, chính sách, chương trình hành động về TDX được phát triển ở nhiều địa phương trên cả nước, bước đầu đạt kết quả khích lệ, thu hút lượng lớn người dân tham gia, trong đó, TDX là một nội dung trong Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2050. Đặc biệt, trong những năm gần đây, người dân ngày càng quan tâm tới tiêu dùng thông minh, bền vững, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát, người dân cũng như các nhà đầu tư đã chuyển dần thói quen mua sắm, sản xuất thông qua các kênh TDX, ưu tiên cho bảo vệ sức khoẻ, tái tạo năng lượng. Doanh nghiệp (DN) đã thay đổi chiến lược, chọn hướng kinh doanh “xanh, sạch” làm lợi thế cạnh tranh, nhiều DN đầu tư công nghệ, trang thiết bị, dây chuyền sản xuất hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế để cải tiến quy trình, hướng tới sản xuất xanh, PTBV; nhiều nhà máy lựa chọn đầu tư lắp đặt các hệ thống năng lượng tái tạo (NLTT) để chủ động sử dụng năng lượng sạch, bên cạnh các giải pháp tiết kiệm năng lượng điện, nước trong quá trình sản xuất. Xu hướng TDX kéo theo sự xuất hiện của hàng loạt chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch như Bác Tôm, Home Food, Hano Farm… Nhiều cửa hàng thức uống cũng chuyển sang hình thức kinh doanh xanh bằng cách sử dụng ống hút tre, giấy hoặc inox thay cho ống hút nhựa; dùng bình nước bằng thủy tinh, sử dụng cốc giấy thay cốc nhựa, túi vải thay túi ni lông… Một số siêu thị lớn như Co.opmart, Lotte mart, BigC, Aeon… cũng chung tay nỗ lực giảm thiểu sử dụng túi ni lông, hạn chế rác thải nhựa, góp phần BVMT bằng cách sử dụng lá chuối để gói rau củ, thực phẩm; sử dụng, phân phối các sản phẩm bao bì thân thiện với môi trường… Có thể nói, sự dịch chuyển sang cách thức sản xuất xanh, TDX đúng lúc để bắt kịp nhu cầu thị trường chính là cơ sở để DN hướng đến một nền KTX, bền vững, đồng thời, xanh hóa sản xuất cũng là cách thể hiện trách nhiệm của DN đối với cộng đồng - xã hội, nhằm chung tay BVMT và các hệ sinh thái.

3. Chính sách hiện hành về KTX tại Việt Nam

    Tại Việt Nam, KTX là một khái niệm còn mới, nhưng Chính phủ rất quan tâm, chú trọng khuyến khích các DN phát triển theo xu hướng này, nhằm phát triển nền kinh tế quốc gia theo chiều sâu và bền vững, bởi Việt Nam được đánh giá là một trong 5 quốc gia trên thế giới đang chịu ảnh hưởng nặng nề của BĐKH và tình trạng nước biển dâng. Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo, nếu không có các biện pháp thích ứng, giảm thiểu phù hợp, BĐKH sẽ khiến Việt Nam mất khoảng 12 - 14,5% GDP mỗi năm vào năm 2050 và có thể khiến tới 1 triệu người vào tình trạng nghèo cùng cực vào năm 2030 (thông tin tại Hội thảo khoa học quốc tế chủ đề “Mô hình mới về chiến lược chống BĐKH toàn cầu, diễn ra ngày 17/4/2024 do Trường Đại học Đông Á và Viện Công nghệ công nghiệp tiên tiến Nhật Bản (AIIT) phối hợp tổ chức). Cùng với đó, trong mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, đặc biệt, một số ngành công nghiệp có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu; tầm nhìn đến năm 2045, trở thành nước công nghiệp phát triển hiện đại… là những lý do làm gia tăng áp lực đối với môi trường và tài nguyên thiên nhiên hiện nay. Chính vì vậy, phát triển KTX là xu thế tất yếu, vừa đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế gắn với BVMT, vừa tăng cường khả năng ứng phó hiệu quả với BĐKH.

    Những năm gần đây, hành lang pháp lý thúc đẩy phát triển KTX ngày càng được Đảng và Nhà nước quan tâm, xây dựng, hoàn thiện, nhiều chính sách, pháp luật liên quan đã được ban hành, tiêu biểu như Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về TTX thời kỳ 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2050, đây là chiến lược quốc gia đầu tiên, toàn diện về lĩnh vực phát triển KTX ở Việt Nam. Theo đó, Chính phủ khẳng định “TTX là một nội dung quan trọng của PTBV, đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững và góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược quốc gia về BĐKH”. Mục tiêu chung được Chính phủ đặt ra trong Chiến lược là “TTX, tiến tới nền kinh tế các-bon thấp, làm giàu vốn tự nhiên trở thành xu hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế; giảm phát thải và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính dần trở thành chỉ tiêu bắt buộc, quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội”.

    Nhận thức được xu hướng tất yếu của phát triển KTX trong PTBV, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định chủ trương “phát triển nhanh, bền vững” và phát triển KTX: “Tiếp tục phát triển nhanh, bền vững đất nước, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Chủ động thích ứng hiệu quả với BĐKH, quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; lấy BVMT sống và sức khoẻ nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học (ĐDSH) và hệ sinh thái (HST); xây dựng nền KTX, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”.

    Bên cạnh đó, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương cũng ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch hành động và văn bản chỉ đạo điều hành về phát triển KTX, trong đó phải kể đến các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, như: Quyết định số 2139/QĐ-TTg ngày 5/12/2011 phê duyệt Chiến lược quốc gia về BĐKH; Quyết định số 1474/QĐ-TTg ngày 5/10/2012 ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về BĐKH giai đoạn 2012 - 2020; Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 phê duyệt Chiến lược quốc gia về TTX thời kỳ 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 2612/QĐ-TTg ngày 30/12/2013 phê duyệt Chiến lược sử dụng công nghệ sạch giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015 phê duyệt Chiến lược phát triển NLTT của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 76/QĐ-TTg ngày 11/1/2016 phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất, tiêu dùng bền vững đến năm 2020 (SCP), với các nội dung triển khai nhằm hỗ trợ cơ sở sản xuất, DN áp dụng mô hình quản lý, kinh doanh, sản xuất ra sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, thân thiện với môi trường, tiết kiệm tài nguyên. Ngoài ra còn phải kể đến Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự PTBV; Quyết định số 1670/QĐ-TTg ngày 31/10/2017 phê duyệt Chương trình mục tiêu ứng phó BĐKH và TTX giai đoạn 2016 - 2020; Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 7/5/2018 điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030... Đặc biệt, ngày 1/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về TTX giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, với mục tiêu tổng quát là TTX góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường, công bằng về xã hội; hướng tới nền KTX, trung hòa các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu. Chiến lược đặt ra 4 nhóm mục tiêu cụ thể, gồm: (i) Giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP; (ii) Xanh hóa các ngành kinh tế; (iii) Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; (iv) Xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu...

4. Một số đề xuất, kiến nghị

    Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về BĐKH (COP 26), Việt Nam cam kết đến năm 2050 đạt phát thải ròng bằng “0”, nâng tỷ lệ NLTT trên 30% trong tổng nguồn cung năng lượng sơ cấp và tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 43%. Điều này thể hiện quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng một nền KTX, tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đề ra, điều quan trọng là cần chuyển hóa những cam kết này thành hành động cụ thể, quan trọng nhất là xây dựng được khung pháp lý hoàn chỉnh, minh bạch, rõ ràng, công khai, mang tính bao quát, song cũng đủ mạnh và cụ thể để bảo đảm thực hiện mục tiêu KTX; tạo lập hành lang pháp lý thông thoáng với các chính sách ưu đãi để khuyến khích DN phát triển KTX. Thiết  nghĩ, để phát triển KTX gắn với PTBV đất nước một cách toàn diện, vừa đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế, vừa bảo đảm an sinh xã hội, BVMT và HST cho tương lai, việc hoàn thiện hành lang pháp lý về KTX ở Việt Nam cần được xem xét ở một số khía cạnh sau:

    Thứ nhất, cần tiến hành rà soát, đánh giá lại toàn bộ các văn bản pháp luật hiện hành; việc sử dụng năng lượng, khoa học và công nghệ, phát triển kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực… liên quan đến phát triển KTX, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, ứng phó BĐKH, BVMT, hướng đến PTBV để điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới. Bên cạnh đó, hiện nay, các quy định về phát triển KTX của Việt Nam nằm rải rác tại nhiều văn bản mà chưa có một văn bản quy phạm pháp luật chính thức quy định tổng thể, đồng bộ về chính sách phát triển KTX, do vậy các cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu, đề xuất, tham mưu Chính phủ, Nhà nước ban hành các văn bản quy định về vấn đề này.

    Thứ hai, chính sách về môi trường cần được điều chỉnh, cải cách cho phù hợp với tình hình mới, nhất là hệ thống thuế tài nguyên, thuế môi trường cần tiếp tục được nghiên cứu để điều chỉnh, hoàn thiện, đồng thời, cần đánh giá đúng mức nguy cơ, tác động của ô nhiễm môi trường và việc khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên thông qua cơ chế như thuế, nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phục hồi tài nguyên và HST; thiết lập chính sách hỗ trợ cho các ngành KTX (giảm thuế, ưu đãi vốn, thúc đẩy nghiên cứu và nâng cao trình độ công nghệ, tạo điều kiện cho hoạt động trao đổi kinh nghiệm giữa DN trong nước và quốc tế).

    Thứ ba, Chính phủ cần đầu tư nguồn lực nhiều hơn vào phát triển và ứng dụng công nghệ cao, phát triển năng lượng, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế; đảm bảo sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam không vi phạm các quy định về môi trường, khí hậu. Song song với đó, có chính sách ưu đãi để khuyến khích những DN đang sử dụng công nghệ lạc hậu, không thân thiện với môi trường chuyển đổi sang công nghệ tiên tiến, góp phần nâng cao năng suất sản xuất, tiết kiệm nguyên liệu, đáp ứng tiêu chuẩn của nền KTX. Ngoài ra, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, hiện đại, nhằm thiết lập cơ sở lý luận, khoa học và thực tiễn để xây dựng cơ chế, chính sách, giải pháp quản lý, đóng góp tích cực vào việc dự báo, phòng ngừa, cải tạo, phục hồi, xử lý ô nhiễm môi trường và bảo tồn ĐDSH, tiến đến nền KTX, bền vững.

    Thứ tư, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về BVMT, từ đó khơi gợi, khuyến khích những hành động thiết thực trong công tác phục hồi HST, bảo tồn ĐDSH, phòng chống BĐKH... ở mỗi người dân, góp phần nâng cao tính hiệu quả của các chiến lược, chương trình, kế hoạch hành động mà Chính phủ đã đề ra, tiến đến thực hiện hiệu quả nền KTX theo đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.

    Thứ năm, tăng cường hợp tác với các nước trên thế giới (Mỹ, Singapo, Trung Quốc, Nhật Bản, Đan Mạch, Hàn Quốc...) để chia sẻ kinh nghiệm và tranh thủ sự hỗ trợ quốc tế trong việc xây dựng hành lang pháp lý thúc đẩy phát triển KTX. Mặt khác, chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, thu hút mọi nguồn lực từ tất cả các thành phần kinh tế, trong đó tập trung huy động nguồn vốn nước ngoài (không chỉ góp phần phát triển KTX, mà còn giúp DN trong nước học hỏi được kinh nghiệm từ phía DN nước ngoài); tạo điều kiện thuận lợi cho những dự án đầu tư quy mô lớn, hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị... Tuy nhiên, cần xây dựng tiêu chí chặt chẽ để lựa chọn những dự án đầu tư thực sự có hiệu quả trong phát triển KTX, đảm bảo yếu tố BVMT.

5. Kết luận

    Có thể nói, nền KTX vừa nâng cao chất lượng cuộc sống cho con người, ổn định cho xã hội, vừa góp phần giảm thiểu các nguy cơ về môi trường và suy giảm HST. Giữa KTX và PTBV có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, trong đó khái niệm KTX ra đời sau, gắn với BĐKH, KTX không chỉ bao gồm mục tiêu kinh tế mà còn mở rộng cả các mục tiêu xã hội và môi trường sinh thái. Thực chất KTX cũng là PTBV, là cách thức thể hiện PTBV trong bối cảnh BĐKH, trong đó nhấn mạnh nhiều tới khía cạnh tài nguyên môi trường. Trong KTX, tài nguyên môi trường được xem là nhân tố có tính quyết định đến tăng trưởng kinh tế, cải thiện chuỗi giá trị, đem lại sự ổn định và thịnh vượng lâu dài. Bền vững về tài nguyên môi trường, ứng phó với BĐKH được coi là tâm điểm của KTX. Khái niệm KTX không thay thế khái niệm PTBV nhưng nó ngày càng được công nhận là mô hình phù hợp, làm nền tảng cho PTBV, nói cách khác, KTX chính là chiến lược kinh tế để đạt được các mục tiêu PTBV. Với những chủ trương, chính sách và kết quả thực tiễn bước đầu triển khai, kỳ vọng phát triển KTX gắn với PTBV ở Việt Nam sẽ đạt được kết quả như mục tiêu đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 138/NQ-CP ngày 25/10/2022 của Chính phủ về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đưa Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khoá XIII của Đảng đi vào cuộc sống.

Vũ Văn Bình, Nguyễn Văn Thành

Bộ Khoa học và Công nghệ

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 6/2024)

Tài liệu tham khảo:

1. Thủ tướng Chính phủ (2012), Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về TTX thời kỳ 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2050.

2. Thủ tướng Chính phủ (2021), Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 1/10/2021 phê duyệt Chiến lược quốc gia về TTX giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.

3. LHQ (1992), Công ước khung của LHQ về BĐKH.

4.  Nguyễn Thị Lan Anh (2021), “Phát triển KTX ở Việt Nam - Thực trạng và giải pháp”, Tạp chí Công Thương, số 25, tháng 10/2021.

5. Nguyễn Đình Đáp (2022), “Giải pháp thực hiện tăng trưởng xanh”, Tạp chí Ngân hàng bản điện tử.

6. Nguyễn Thị Thanh Thương (2023), “Phát triển KTX ở Việt Nam”, kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Phát triển KTX ở Việt Nam”.

7. TS. Lê Vệ Quốc, Bộ Tư pháp (2024), “Hành lang pháp lý thúc đẩy phát triển KTX tại Việt Nam”, tham luận tại Diễn đàn “DN Việt Nam: Đẩy mạnh phát triển KTX”.

Ý kiến của bạn