Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Triển khai thực hiện Đề án tổng thể bảo vệ môi trường làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030

13/10/2013

Hoạt động sản xuất tại các làng nghề đã và đang là bộ phận quan trọng cấu thành nền kinh tế và luôn được chú trọng trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn nước ta. Bên cạnh những giá trị to lớn từ sản xuất làng nghề mang lại, các làng nghề Việt Nam đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức như phát triển không có định hướng, trình độ sản xuất thấp, chất lượng sản phẩm không ổn định... và nghiêm trọng hơn là tác động đến chất lượng môi trường và sức khỏe cộng đồng do hoạt động sản xuất của làng nghề gây ra.

Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm, chỉ đạo công tác BVMT làng nghề. Năm 2011, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Nghị quyết số 19/2011/QH13 về kết quả giám sát và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực BVMT, trong đó BVMT làng nghề được xác định là một trong những vấn đề cấp bách cần được giải quyết.

 Làng nghề đúc đồng Phước Kiều (Quảng  Nam) - mô hình làng nghề du lịch bền vững

 Ngày 11/4/2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tổng thể BVMT làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 (Đề án), thể hiện quyết tâm của Nhà nước trong công tác kế hoạch hóa các nhiệm vụ BVMT đối với làng nghề, nhằm thực hiện các yêu cầu của Đảng, Quốc hội.

Đề án được phê duyệt với hai mục tiêu tổng quát là tăng cường mạnh mẽ công tác BVMT trong quản lý và phát triển làng nghề trên phạm vi toàn quốc, ngăn chặn việc phát sinh các làng nghề ô nhiễm mới; từng bước khắc phục, cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, bảo vệ sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống dân cư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn một cách bền vững. Đồng thời, Đề án cũng đề ra bốn nhóm nhiệm vụ chủ yếu gồm: Hoàn thiện cơ chế, chính sách về BVMT; Thực thi có hiệu quả các công cụ quản lý môi trường; Triển khai các mô hình công nghệ, các biện pháp kỹ thuật nhằm định hướng cho việc xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề trên quy mô toàn quốc; Tăng cường công tác truyền thông, đào tạo và nâng cao năng lực BVMT làng nghề.

Nhằm đạt được mục tiêu đặt ra, Đề án đưa ra 6 nhóm giải pháp cần thực hiện, phân công cụ thể trách nhiệm cho các Bộ, ngành có liên quan (gồm Bộ TN&MT, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), Bộ Công Thương… và làm rõ trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương. Đặc biệt, để có nguồn kinh phí triển khai thực hiện các nhiệm vụ ở địa phương, một trong những giải pháp mang tính đột phá của Đề án là tại các địa phương có làng nghề, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm phân bổ không dưới 10% tổng kinh phí sự nghiệp môi trường cho công tác BVMT làng nghề.

Để triển khai thực hiện Đề án, Bộ TN&MT đã đề nghị các Bộ, ngành và địa phương xây dựng, tổ chức thực hiện Kế hoạch triển khai Đề án, bám sát mục tiêu theo từng giai đoạn, tập trung vào một số nội dung:    

Đối với UBND các tỉnh/TP: Tăng cường quản lý làng nghề đáp ứng các điều kiện về BVMT trên địa bàn; Quản lý chặt chẽ về môi trường đối với các cơ sở hoạt động trong làng nghề; Tập trung xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức về BVMT làng nghề và khẩn trương xây dựng Kế hoạch triển khai xử lý các làng nghề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc Danh mục do Bộ TN&MT công bố (nếu có).

Nhiệm vụ của các Bộ, ngành khác được xác định như sau: Bộ NN&PTNT, bổ sung, hoàn thiện các văn bản về quản lý làng nghề chú trọng đến công tác BVMT; Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra tình hình thực hiện các văn bản đã được ban hành; Theo dõi việc thực hiện các Chương trình, dự án và nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm liên quan đến làng nghề và BVMT nông thôn; Bộ Công Thương: Xây dựng và ban hành các văn bản về khuyến công và sản xuất sạch hơn cho làng nghề; Theo dõi, giám sát việc hình thành và quản lý các khu cụm công nghiệp tuân thủ các quy định về BVMT; Xây dựng và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, dự án về BVMT trong lĩnh vực công thương có liên quan đến làng nghề; Bộ Tài chính: Xây dựng và ban hành các văn bản về chính sách hỗ trợ, ưu đãi xử lý ô nhiễm, BVMT làng nghề; Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Xây dựng Kế hoạch quản lý, điều phối các nguồn kinh phí hỗ trợ triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án; Lồng ghép các nội dung, nhiệm vụ trong quá trình xem xét, trình phê duyệt các chương trình, dự án có liên quan; Bộ Khoa học và Công nghệ: Nghiên cứu, giới thiệu, phổ biến công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường, công nghệ xử lý chất thải phù hợp với làng nghề; Bộ Công an: Theo dõi phát hiện, ngăn ngừa và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT làng nghề; Bộ Nội vụ: Xây dựng và ban hành các văn bản liên quan đến phân công chức năng, nhiệm vụ quản lý môi trường làng nghề.

Ngoài ra, các tổ chức chính trị, xã hội liên quan cũng có các nhiệm vụ cụ thể như: Hiệp hội làng nghề Việt Nam: Nghiên cứu, xây dựng kế hoạch tổ chức Hội chợ triển lãm giới thiệu sản phẩm của làng nghề thủ công truyền thống hàng năm; Lựa chọn và xây dựng kế hoạch triển khai Năm du lịch làng nghề Việt Nam; Xây dựng tiêu chí lựa chọn các điểm làng nghề du lịch vừa gắn với các sản phẩm truyền thống, mang bản sắc văn hóa dân tộc vừa đảm bảo các điều kiện môi trường; Áp dụng và công bố danh sách các điểm du lịch làng nghề Việt Nam; Hội Nông dân: Xây dựng mô hình Hội nông dân tham gia BVMT làng nghề; Xây dựng và thực hiện Chương trình đào tạo tay nghề thủ công gắn với BVMT lồng ghép với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Liên minh Hợp tác xã Việt Nam: Phát huy vai trò quản lý môi trường dựa vào cộng đồng của các Hợp tác xã trong BVMT làng nghề.

Về phía Bộ TN&MT, là đơn vị đầu mối, Bộ đã và đang chủ động triển khai thực hiện một số nhiệm vụ theo phân công tại Quyết định số 577/QĐ-TTg, trong đó, đã công bố Danh mục 47 làng nghề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cần xử lý theo Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2012 - 2015 và tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu về môi trường làng nghề; Tổ chức thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất tại các làng nghề tái chế, giết mổ gia súc và làng nghề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; Ban hành Hướng dẫn kỹ thuật về xử lý nước thải và khí thải cho các cơ sở thuộc một số loại hình làng nghề.

Trong thời gian tới, với trách nhiệm là cơ quan chủ trì thực hiện, Bộ TN&MT sẽ đôn đốc các Bộ, ngành và địa phương khẩn trương xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án; tổ chức làm việc với một số Bộ, ngành và địa phương trọng điểm để bàn bạc, thống nhất về các nội dung của Kế hoạch nói trên; tổng hợp tình hình triển khai thực hiện Đề án để báo cáo Thủ tướng Chính phủ kịp thời chỉ đạo.

            Đề án là một khung cơ bản trong Kế hoạch hóa công tác BVMT đối với làng nghề, là công cụ thúc đẩy và hỗ trợ cho việc triển khai các quy định hiện hành của pháp luật về BVMT làng nghề, đặc biệt là Thông tư số 46/2011/TT-BTNMT ngày 26/12/2011 của Bộ TN&MT quy định về BVMT làng nghề. Tuy nhiên, để những quyết tâm này trở thành hiện thực, các cấp chính quyền địa phương cần phát huy vai trò và trách nhiệm; các Bộ, ngành cần quyết liệt cùng với Bộ TN&MT trong triển khai thực hiện Đề án nhằm tìm được hướng đi đúng, bền vững cho phát triển kinh tế hộ sản xuất cá thể khu vực nông thôn mà không làm tổn hại nghiêm trọng đến các thành phần môi trường, cũng như hậu quả lâu dài cho sức khỏe của con người vì một môi trường an toàn cho các thế hệ mai sau.  

Nguyễn Hoàng Ánh

Cục Kiểm soát ô nhiễm

Nguồn: Tạp chí MT, số 8/2013

Ý kiến của bạn