Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Thực trạng công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc

25/11/2014

     Trong những năm qua, do tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa và dân số gia tăng, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt ngày càng gia tăng, đang trở thành áp lực đối môi trường tỉnh Vĩnh Phúc.

     Thực trạng công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt

     Theo tính toán, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh hiện nay khoảng 753 tấn/ngày (tương đương gần 274.845 tấn/năm), trong đó, rác phát sinh tại TP. Vĩnh Yên và thị xã Phúc Yên gần 173 tấn/ngày, tại 7 huyện lỵ trên toàn tỉnh khoảng 580 tấn/ngày.

     Hoạt động thu gom tại TP. Vĩnh Yên được giao cho 2 đơn vị là Liên danh Công ty CP đầu tư Quốc Bảo - Công ty CP Dịch vụ môi trường Thăng Long (phụ trách thu trên địa bàn 4 phường, xã: Đồng Tâm, Hội Hợp, Tích Sơn, Định Trung) và Công ty CP môi trường và dịch vụ đô thị Vĩnh Yên (thu trên địa bàn còn lại) thực hiện với tần suất thu gom 2 lần/ngày. Sau khi thu gom, rác thải được Công ty CP môi trường và dịch vụ đô thị Vĩnh Yên xử lý bằng phương pháp chôn lấp tạm thời tại bãi rác tạm Khai Quang, TP.Vĩnh Yên.

 

Xây dựng thí điểm mô hình thu gom và xử lý rác thải tại xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc

 

    Tại thị xã Phúc Yên, việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải do Công ty CP môi trường và dịch vụ đô thị Vĩnh Yên thực hiện với tần suất thu gom 2 lần/ngày. Rác thải sau khi thu gom được được chôn lấp tại bãi rác xứ Đồng Lát, phường Xuân Hòa, thị xã Phúc Yên.

     Đối với hầu hết các xã, thị trấn ở khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện đã có HTX dịch vụ VSMT hoặc tổ VSMT thực hiện việc thu gom và xử lý rác thải với tần suất khoảng 1- 3 lần/tuần. Tuy nhiên, do các tổ chức này mới được thành lập và thu nhập của người lao động vẫn thấp nên tần suất, phạm vi thu gom ở nhiều địa phương chưa đảm bảo, tỷ lệ rác được thu gom chưa cao và trung bình mới chỉ đạt khoảng 40 - 50%. Tại các khu vực nông thôn và đô thị nhỏ hiện đã quy hoạch 74 điểm xử lý chất thải tạm, tổng công suất 152 tấn/ngày, tổng diện tích xây dựng 13,36395 ha.

     Trong công tác xử lý rác thải, ngoài 2 xã, thị trấn đã có bãi chôn lấp hợp vệ sinh (Đồng Cương, Thanh Lãng), 3 xã, thị trấn được đầu tư lò đốt rác Sankyo Nfi05, công suất 10 tấn/ngày (Tam Hồng, Thổ Tang, Hương Canh) và một số xã áp dụng xử lý rác thải hữu cơ bằng phương pháp ủ thành phân vi sinh, còn lại phương pháp xử lý rác thải chủ yếu là phương pháp chôn lấp thủ công, đổ lộ thiên hoặc đốt tự do, không đảm bảo vệ sinh môi trường và gây ô nhiễm môi trường.

     Định hướng xử lý chất thải rắn

     Theo Quyết định số 673/QĐ-UBND ngày 11/3/2014 phê duyệt Quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020, Vĩnh Phúc sẽ quy hoạch 4 khu xử lý chất thải rắn tập trung liên vùng huyện xử lý chất thải rắn thông thường và chất thải rắn nguy hại (công nghiệp, y tế...), gồm: Khu xử lý chất thải rắn tập trung tại huyện Bình Xuyên, công suất 500 tấn/ngày (phạm vi phục vụ gồm: TP. Vĩnh Yên; thị xã Phúc Yên; huyện Bình Xuyên); Khu xử lý chất thải rắn tại huyện Tam Dương, công suất 500 tấn/ngày (huyện Tam Dương và Tam Đảo); Khu xử lý chất thải rắn tại huyện Vĩnh Tường, công suất 300 tấn/ngày (huyện Vĩnh Tường; Yên Lạc); Khu xử lý chất thải rắn tại huyện Lập Thạch, công suất 500 tấn/ngày (huyện Lập Thạch; Sông Lô).

     Ngoài ra, đến năm 2020, quy hoạch 55 khu xử lý chất thải rắn quy mô liên xã (trong đó có 4 khu hiện có và 51 khu dự kiến xây dựng mới).

     Trong thời gian tới, Vĩnh Phúc khuyến khích áp dụng công nghệ tiên tiến, xử lý triệt để chất thải, giảm thiểu khối lượng chất thải rắn phải chôn lấp,tiết kiệm quỹ đất bảo đảm vệ sinh môi trường. Đối với việc xử lý chất thải rắn nguy hại, lựa chọn công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, chi phí đầu tư và vận hành phù hợp với điều kiện kinh tế của tỉnh.

     Với chủ trương, định hướng trên, trong thời gian tới Vĩnh Phúc sẽ sớm hình thành các khu xử lý chất thải rắn đảm bảo vệ sinh môi trường.

 

Phạm Mạnh Cường

Chi cục Bảo vệ môi trường Vĩnh Phúc

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 10/2014

 

Ý kiến của bạn