Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Sự cần thiết ban hành Nghị định của Chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ

02/09/2013

Trong hai thập kỷ qua, Việt Nam đã dành nhiều quan tâm và nguồn lực thực hiện công tác quản lý, bảo vệ và bảo tồn các loài sinh vật, bao gồm các loài hoang dã, các giống cây trồng và giống vật nuôi. Các nỗ lực mà Việt Nam thực hiện đã đưa đến những kết quả đáng ghi nhận, bao gồm cả về hệ thống luật pháp, hệ thống cơ quan quản lý và thực thi luật pháp và các thành tựu trong bảo tồn, bảo vệ loài nguy cấp, quý, hiếm.

            Tuy nhiên, hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, bảo tồn loài sinh vật còn nhiều hạn chế, nhất là đối với các loài đặc hữu và các loài nguy cấp, quý, hiếm. Một trong những nguyên nhân dẫn đến những hạn chế này là hệ thống văn bản về quản lý, bảo vệ loài còn thiếu thống nhất, chưa mang tính hệ thống và chưa bao quát hết các hệ sinh vật tạo nên tính đa dạng sinh học (ĐDSH) của Việt Nam. Hệ thống văn bản này đang khiến công tác quản lý, bảo vệ và bảo tồn loài của Việt Nam đối mặt với các thách thức nghiêm trọng, về cả phương diện quan điểm, chính sách quản lý và các danh mục loài được quản lý, bảo vệ.

            Năm 2008, Việt Nam ban hành Luật ĐDSH – văn bản pháp lý cao nhất điều chỉnh toàn diện hoạt động bảo tồn ĐDSH nói chung và quản lý, bảo vệ loài nói riêng. Việc ra đời của Luật này tạo ra một cơ hội quý báu để Việt Nam hệ thống hóa lại công tác quản lý, bảo vệ loài, trong đó gắn bảo tồn ĐDSH với phát triển, khai thác hợp lý nguồn tài nguyên quan trọng này phục vụ phát triển đất nước.

            1. Hiện trạng loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ

            Được biết đến như là một trong các trung tâm ĐDSH của thế giới, là nơi sinh sống và phát triển của nhiều loài nguy cấp, đặc hữu, có giá trị cao về khoa học, sinh thái, kinh tế, y học và văn hóa - lịch sử. Tuy nhiên, Việt Nam cũng là quốc gia đứng thứ 19 trên thế giới về số loài hoang dã bị đe dọa (Birdlife VN, 2006). Theo Sách đỏ Việt Nam năm 2007, tổng số các loài động vật, thực vật hoang dã đang bị đe dọa của Việt Nam là 882 loài (418 loài động vật và 464 loài thực vật), tăng 161 loài so với thời điểm năm 1992, trong đó một số loài coi như đã tuyệt chủng ngoài tự nhiên như: Tê giác 2 sừng, tê giác 1 sừng, bò xám, heo vòi, cầy rái cá, cá chép gốc, cá chình Nhật, cá lợ thân thấp, hươu sao, cá sấu hoa cà, hai loài lan hài. Giống cây trồng, giống vật nuôi của Việt Nam cũng đang đối mặt với sự suy giảm cả về số lượng và chất lượng. Nhiều giống cây trồng, vật nuôi quý có giá trị cao về khoa học, bảo tồn và kinh tế đang bị đe dọa nghiêm trọng. Một số giống vật nuôi bản địa đang bị đe dọa tuyệt chủng cao như lợn ỉ gộc, lợn ba xuyên, gà hồ... Trên thực tế, số loài bị đe dọa tuyệt chủng có thể còn lớn hơn do danh sách loài được đánh giá mới chỉ là các loài có đủ nguồn thông tin cung cấp.

            2. Sự cần thiết ban hành Nghị định của Chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ

             Những bất cập trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và chính sách quản lý đối với các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ          

            Nhằm ngăn chặn nguy cơ đe dọa tuyệt chủng các loài nguy cấp, quý, hiếm, Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ các loài sinh vật nguy cấp, quý, hiếm. Cụ thể như: Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; Quyết định số 82/2008/QĐ-BNN ngày 17/7/2008 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT ban hành Danh mục các loài thủy sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam cần được bảo vệ, phục hồi và phát triển; Quyết định số 80/2005/QĐ-BNN ngày 5/12/2005 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT ban hành Danh mục nguồn gen cây trồng quý hiếm cần bảo tồn; Quyết định số 88/2005/QĐ-BNN ngày 27/12/2005 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT ban hành Danh mục nguồn gen vật nuôi quý hiếm cần bảo tồn và một số văn bản khác có liên quan. Mặc dù các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý các loài sinh vật nguy cấp, quý, hiếm là khá đầy đủ nhưng vẫn tồn tại những bất cập. Cụ thể là:

            Bất cập trong xác định tiêu chí và ban hành Danh mục

            Hiện nay, danh mục các loài sinh vật nguy cấp, quý, hiếm ban hành kèm theo các các văn bản quy phạm pháp luật đều không xây dựng một bộ tiêu chí xác định loài cụ thể, rõ ràng để đưa loài đó vào danh mục. Điều này dẫn tới các danh mục còn phụ thuộc nhiều vào ý chí chủ quan của cơ quan ban hành. Hơn nữa, việc lập và thẩm định loài để đưa vào danh mục còn tiếp cận đơn ngành, thiếu trình tự, thủ tục rõ ràng để các tổ chức, cá nhân thực hiện đề tài, dự án điều tra, nghiên cứu về loài sinh vật của Việt Nam có thể tham gia đề xuất đưa loài vào danh mục các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.

Sự cần thiết ban hành Nghị định của Chính phủ về tiêu chí xác định loài.tif

Là một con vật khá quen thuộc, nhưng hươu sao được coi là đac tuyệt

Chủng ngoài môi trường tự nhiên

            Mặc dù danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm đã và đang được quy định ở nhiều văn bản pháp luật nhưng vẫn còn chưa thống nhất, chồng chéo. Điều này dẫn tới việc thực thi công tác quản lý các đối tượng này còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại.

            Bất cập trong chế độ quản lý các loài nguy cấp, quý, hiếm

            Chế độ quản lý đối với các nhóm loài nguy cấp, quý, hiếm cho đến nay vẫn còn chưa được quy định bao quát, đầy đủ. Một số văn bản quy phạm pháp luật về chế độ quản lý loài mới chỉ dừng lại ở việc liệt kê Danh mục loài được bảo tồn, quy định về chế độ khai thác, mua bán, vận chuyển loài nhưng chưa dựa trên các nhu cầu bảo tồn ĐDSH như bảo đảm môi trường sống của loài, hạn chế các tác động ảnh hưởng tiêu cực, bảo đảm đường di chuyển, nguồn thức ăn, nơi sinh sản...

            Chính việc quy định chế độ, phương pháp bảo vệ, quản lý loài còn thiếu, hoặc có nhưng chưa đầy đủ gây khó khăn cho việc giải thích, thực thi và đảm bảo sự tuân thủ pháp luật về quản lý, bảo vệ các loài sinh vật. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến các loài hoang dã nguy cấp, quý, hiếm ngày càng suy giảm; nhiều giống cây trồng, vật nuôi bị suy giảm nguồn gen, bị đe dọa tuyệt chủng hoặc thậm chí đã tuyệt chủng. Việc thiếu các quy định về chế độ quản lý, bảo vệ cụ thể cũng dẫn đến những khó khăn trong việc kiểm soát nguồn gốc loài nuôi nhốt và việc giải quyết các vấn đề liên quan đến nuôi nhốt hổ, gấu ở Việt Nam trong những năm qua. 

            Yêu cầu cấp thiết trong thực thi Luật ĐDSH và thực tiễn quản lý loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ

            Luật ĐDSH đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 13/11/2008 và có hiệu lực ngày 1/7/2009. Theo Luật ĐDSH, nội dung về bảo vệ các loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ và phát triển bền vững các loài sinh vật được quy định cụ thể tại Mục I, Mục II của Chương IV “Bảo tồn và phát triển bền vững các loài sinh vật”. Theo đó, Luật ĐDSH giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết một số nội dung như: quy định cụ thể tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý, bảo vệ loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; ban hành Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ (khoản 2 Điều 37); quy định cụ thể trình tự, thủ tục thẩm định hồ sơ đề nghị đưa vào hoặc đưa ra khỏi Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ” (khoản 2 Điều 39); quyết định loài được đưa vào hoặc đưa ra khỏi Danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ (khoản 1 Điều 40); quy định cụ thể thẩm quyền, trình tự, thủ tục đưa loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ vào cơ sở bảo tồn ĐDSH hoặc thả vào nơi sinh sống tự nhiên của chúng (khoản 4 Điều 41); quy định việc trao đổi, xuất khẩu, nhập khẩu, mua, bán, tặng cho, vận chuyển một số loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ và các sản phẩm của chúng phục vụ mục đích thương mại (Điều 46); quy định cụ thể việc cứu hộ loài hoang dã thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ (khoản 4 Điều 47).

            Nghị định số 65/2010/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 11/6/2010 đã Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật ĐDSH. Mặc dù, các điều 12 - 16 của Nghị định có hướng dẫn một số nội dung liên quan đến tiêu chí xác định loài, chế độ quản lý, bảo vệ, nuôi, trồng, cứu hộ loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ nhưng nội dung hướng dẫn còn thiếu cụ thể, chưa phù hợp với tình hình quản lý hiện nay và do vậy, chưa đảm bảo tính khả thi trong quá trình triển khai Luật ĐDSH. 

            Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 37/2009/QH12 của Quốc ban hành hội ngày 19/6/2009. Trong đó, Điều 190 quy định về tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Vì vậy, việc Chính phủ ban hành Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ là một yêu cầu cấp thiết nhằm đồng bộ hóa hệ thống pháp luật, đảm bảo căn cứ pháp lý tham chiếu khi áp dụng các quy định của Điều 190 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự.

            Để thực hiện các nội dung của Luật ĐDSH, phù hợp với Điều 190 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự cũng như giải quyết các vấn đề cấp bách trong công tác bảo tồn và phát triển bền vững các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, việc xây dựng Nghị định về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ là rất cần thiết.

3. Nội dung chủ yếu của Dự thảo Nghị định

            Dự thảo Nghị định về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ đang được Chính phủ xem xét, ban hành. Nghị định tập trung vào các nội dung chính: tiêu chí xác định loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, chế độ quản lý loài như quy định về điều tra, đánh giá hiện trạng loài; bảo tồn loài; khai thác loài; trao đổi, mua, bán, tặng cho, thuê, lưu giữ, vận chuyển loài ưu tiên bảo vệ; nuôi, trồng loài; cứu hộ, đưa loài ưu tiên bảo vệ vào cơ sở bảo tồn và thả về nơi sinh sống tự nhiên; xuất khẩu, nhập khẩu loài ưu tiên bảo vệ; trách nhiệm của ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên, chủ cơ sở bảo tồn ĐDSH, tổ chức, cá nhân trong quản lý, bảo vệ loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.

            Bên cạnh đó, Nghị định đã bổ sung các quy định về nguồn tài chính cho bảo tồn và phát triển, cũng như việc phân công trách nhiệm của các Bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các đơn vị liên quan trong quản lý các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ nhằm đảm bảo thực thi hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.

            Nghị định ban hành sẽ tạo cơ sở pháp lý thống nhất đối với công tác bảo tồn, phát triển và sử dụng bền vững tài nguyên ĐDSH, đồng thời thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

 

 

BỘ LUẬT HÌNH SỰ SỬA ĐỔI

Điều 190. Tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.

1. Người nào săn bắt, giết, vận chuyển, nuôi, nhốt, buôn bán trái phép động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc vận chuyển, buôn bán trái phép bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của loài động vật đó, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Sử dụng công cụ hoặc phương tiện săn bắt bị cấm;

d) Săn bắt trong khu vực bị cấm hoặc vào thời gian bị cấm;

đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.      

 

Trần Trọng Anh Tuấn, Mai Hồng Quân, Nguyễn Thị Vân Anh

Cục Bảo tồn Đa dạng sinh học

Nguồn: Tạp chí MT, số 6/2013

Ý kiến của bạn