Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Quy hoạch bảo vệ môi trường: Sự thống nhất trong quản lý và tiền đề của phát triển bền vững

04/12/2014

     1. Sự bất cập của công tác quy hoạch và vai trò của Quy hoạch BVMT

     Hiện nay, các loại hình quy hoạch phát triển chưa có sự gắn kết giữa định hướng phát triển kinh tế - xã hội với các yêu cầu về quản lý và BVMT tự nhiên, sinh thái, môi trường sống và các giá trị bảo tồn văn hóa lịch sử... Vì vậy, trên thực tế đã có sự chồng chéo và mâu thuẫn giữa các quy hoạch phát triển dẫn đến sự phá vỡ cân bằng giữa BVMT, bảo tồn đa dạng sinh học, giá trị lịch sử văn hóa và sự lãng phí, kém hiệu quả trong công tác quy hoạch.

     Theo khoản 1, Điều 13, Luật BVMT năm 2014, đối tượng phải thực hiện báo cáo đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) bao gồm 6 loại hình chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển có khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên và tác động đến các thành phần môi trường trong quá trình triển khai thực hiện. Tuy nhiên, việc thực hiện ĐMC đối với các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực gặp không ít khó khăn và vướng mắc do cơ quan thực hiện quy hoạch không có sự chuyên sâu trong công tác quản lý và BVMT, không có công cụ, thông tin, cơ sở dữ liệu để phân tích, đánh giá sự phù hợp của các quan điểm mục tiêu phát triển với các quan điểm, mục tiêu về quản lý và BVMT trong phạm vi vùng lãnh thổ thực hiện quy hoạch. Mặt khác, hiện nay rất nhiều quy hoạch phát triển trên cùng một vùng lãnh thổ có sự mâu thuẫn, chồng chéo về phạm vi, định hướng và giải pháp thực hiện dẫn đến thiếu khả thi khi triển khai thực tế và thường phải điều chỉnh phương án quy hoạch do không đáp ứng các tiêu chí phát triển được đề xuất khi lập quy hoạch.

     Việc phân tích hiện trạng môi trường, điều kiện địa lý, tự nhiên, xã hội và sinh thái trong vùng quy hoạch, phân vùng môi trường sẽ đưa ra các định hướng về quản lý và BVMT, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các giá trị văn hóa, lịch sử trong vùng quy hoạch; đồng thời xác lập các tiêu chí chung nhằm quản lý thống nhất về môi trường, tạo hành lang để các quy hoạch phát triển phù hợp với điều kiện địa lý, tự nhiên, sinh thái, đảm bảo hài hòa giữa các định hướng và giải pháp thực hiện dựa trên 3 trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường (KT-XH-MT).

     Việc thực hiện ĐMC cho các loại hình quy hoạch hiện nay gặp nhiều khó khăn do cơ quan thực hiện quy hoạch phát triển không xác định được hiện trạng, diễn biến của các thành phần môi trường và định hướng quản lý và BVMT. Do vậy việc thực hiện quy hoạch BVMT sẽ tạo điều kiện để nâng cao hiệu quả của ĐMC trong vai trò là công cụ phân tích, dự báo các tác động đến môi trường của các quy hoạch phát triển trong quá trình lập quy hoạch và đánh giá mức độ phù hợp của các định hướng, mục tiêu, giải pháp phát triển với các yêu cầu về quản lý và BVMT nhằm đảm bảo phát triển bền vững.

     Môi trường là phạm trù không gian quan trọng, mang ý nghĩa mở và không thể chia cắt theo địa giới hành chính. Chính vì vậy, công tác quản lý và BVMT đòi hỏi có sự thống nhất theo không gian và vùng lãnh thổ từ Trung ương đến địa phương. Do vậy, các nội dung về quản lý và BVMT phải được xác lập tổng hợp để thực hiện một cách thống nhất trong cả nước và giữa các ngành, lĩnh vực phát triển làm cơ sở phân tích, đề xuất định hướng, giải pháp phát triển hài hòa lợi ích giữa các địa phương và các ngành, lĩnh vực. Với các phân tích nêu trên, việc thực hiện Quy hoạch BVMT có vai trò rất quan trọng, tạo động lực và hành lang cho các hoạt động phát triển đảm bảo hài hòa 3 trụ cột KT-XH-MT.

     Quy hoạch BVMT có vai trò quan trọng đối với các quy hoạch phát triển, cụ thể tạo cơ sở giúp các quy hoạch phát triển có định hướng phù hợp với quy hoạch môi trường, giảm chi phí và thời gian lập quy hoạch phát triển; Đưa ra các định hướng phát triển phù hợp với môi trường nền và diễn biến môi trường trong kỳ quy hoạch; Thực hiện sắp xếp, bố trí các hoạt động, biện pháp BVMT cho các vùng lãnh thổ đảm bảo 3 trụ cột KT-XH-MT.

     Như vậy, Quy hoạch BVMT không có mâu thuẫn và chồng chéo với các quy hoạch phát triển. Với các mục tiêu và nội dung của Quy hoạch BVMT, việc hỗ trợ và hậu thuẫn làm tăng sự thống nhất giữa các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành trong một vùng quy hoạch trên cở sở các nội dung và định hướng về quản lý môi trường là rất rõ ràng. Có thể khẳng định, Quy hoạch BVMT sẽ làm giảm sự mâu thuẫn và chồng chéo giữa các quy hoạch phát triển đã, đang và sẽ thực hiện trong cùng một vùng quy hoạch.

     2. Vai trò chủ đạo của Quy hoạch BVMT trong quản lý, giám sát, BVMT, bảo tồn đa dạng sinh học và bố trí hạ tầng xử lý môi trường

     Hiện nay đã có các quy hoạch liên quan đến quản lý, giám sát, BVMT, bảo tồn đa dạng sinh học và bố trí hạ tầng xử lý môi trường. Tuy nhiên, trên thực tế các quy hoạch này có sự bất cập chưa đáp ứng các mục tiêu về quản lý, BVMT, bảo tồn đa dạng sinh học và các định hướng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

     Việc đưa Quy hoạch BVMT vào Luật BVMT năm 2014 có vai trò chủ đạo trong việc thực hiện quản lý, giám sát, BVMT, bảo tồn đa dạng sinh học và bố trí hạ tầng xử lý môi trường gắn kết chặt chẽ với thực trạng môi trường và các hoạt động phát triển trong vùng quy hoạch.

     Quy hoạch các vị trí quan trắc môi trường hiện nay đã và đang được triển khai thực hiện nhằm đáp ứng các yêu cầu quản lý, giám sát chất lượng môi trường. Tuy nhiên, việc bố trí các trạm quan trắc môi trường cần được gắn kết chặt chẽ với phân vùng môi trường nhằm đưa ra mật độ trạm quan trắc, giám sát phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và các định hướng phát triển phù hợp với mức độ tác động đến môi trường của các hoạt động phát triển trong hành lang các yêu cầu về tiêu chuẩn, quy chuẩn được áp dụng cho từng phân vùng môi trường và đảm bảo các mục tiêu, định hướng được đặt ra trong Quy hoạch BVMT.

 

Các quy hoạch liên quan phải đáp ứng các mục tiêu về quản lý BVMT, bảo tồn đa dạng sinh học

 

     Các quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học, quy hoạch vườn quốc gia, rừng phòng hộ đang có những bất cập và tác động ngược trở lại với hiện trạng và định hướng phát triển kinh tế - xã hội. Rất nhiều khu vực thuộc các quy hoạch này đã được chuyển đổi thành rừng sản xuất hoặc được quy hoạch quỹ dành cho các hoạt động phát triển. Như vậy giữa các quy hoạch này với quy hoạch phát triển cho thấy sự mâu thuẫn và gây khó khăn trong các ngành, lĩnh vực thực hiện các giải pháp của phương án phát triển. Vì vậy, cần có phân vùng và định hướng cụ thể các tiêu chí quản lý, bảo vệ và bảo tồn để hài hòa giữa mục tiêu của các quy hoạch bảo tồn, phát triển rừng với thực trạng và quy hoạch phát triển của các ngành, lĩnh vực. Quy hoạch BVMT sẽ làm chức năng kết nối quá trình thực hiện các định hướng, giải pháp phát triển và bảo tồn.

     Trên thực tế, quy hoạch tài nguyên nước và quy hoạch hệ thống xử lý môi trường chưa thực sự gắn kết với các quy hoạch phát triển tạo ra sự bất hợp lý trong bảo vệ tài nguyên nước và xây dựng hạ tầng hệ thống xử lý môi trường. Việc bố trí các hệ thống xử lý môi trường tại khu vực nhạy cảm hoặc có khả năng chịu tác động của các điều kiện địa hình, địa chất và địa lý tự nhiên đôi khi xảy ra tác động ngược là gia tăng ô nhiễm môi trường, điển hình là việc bố trí công trình xử lý môi trường ở vùng đất trũng thường xuyên chịu tác động của lũ khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Việc định hướng về quản lý, xử lý chất thải và giải pháp chung về bố trí các hệ thống hạ tầng xử lý môi trường theo điều kiện tự nhiên và áp lực của phát triển kinh tế - xã hội sẽ giúp giải quyết các vấn đề có liên quan đến các quy hoạch này.

     Quy hoạch sử dụng đất thực chất cũng là loại hình quy hoạch không gian dựa trên các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch bảo tồn và quy hoạch hệ thống xử lý môi trường. Tuy nhiên do các quy hoạch phát triển, quy hoạch liên quan đến quản lý, giám sát, BVMT, bảo tồn đa dạng sinh học và bố trí hạ tầng xử lý môi trường chưa thực sự gắn kết với công tác quản lý và BVMT nên xảy ra nhiều bất cập trong thực hiện và thường xuyên phải tính đến các phương án điều chỉnh để phù hợp với quá trình phát triển.

     Như vậy, Quy hoạch BVMT sẽ đóng vai trò chủ đạo trong việc định hướng các giải pháp khai thác sử dụng tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ, bảo tồn và bố trí hạ tầng xử lý môi trường phù hợp với quá trình thực hiện các phương án phát triển, đảm bảo phát triển bền vững.

     3. Thực hiện Quy hoạch BVMT

     Trên thực tế trong quá trình xây dựng Luật BVMT năm 1993 và Luật BVMT năm 2005, các nhà quản lý môi trường đã xây dựng ý tưởng về Quy hoạch môi trường. Tuy nhiên, phương pháp luận và sự đồng thuận trong việc lập quy hoạch chưa cho phép xây dựng và triển khai thực hiện quy hoạch về môi trường.

     Trong những năm qua, nhận thức được tầm quan trọng của quy hoạch về môi trường, đã có rất nhiều ngành, lĩnh vực và địa phương tiến hành lập Quy hoạch môi trường hoặc Quy hoạch BVMT. Trên thực tế, các quy hoạch về môi trường này đã đóng góp hữu hiệu trong quản lý và là nền tảng để Bộ TN&MT xây dựng phương pháp luận về Quy hoạch BVMT phù hợp với điều kiện phát triển trong giai đoạn tới của Việt Nam.

     Song hành với các áp lực trong nước đòi hỏi phải có quy hoạch về môi trường để đáp ứng yêu cầu quản lý và bảo vệ song hành với phát triển bền vững, Bộ TN&MT cũng đã nghiên cứu các phương pháp luận về quy hoạch của một số nước châu Âu, châu Mỹ và châu Á. Đặc biệt, mô hình của Nhật Bản, một quốc gia có điều kiện tương đồng về bản sắc văn hóa, dân tộc, địa lý và đã có bài học kinh nghiệm khi đánh đổi giữa phát triển kinh tế - xã hội với sự suy thoái, ô nhiễm môi trường trầm trọng trong thập niên 60 của thế kỷ XX.

     Dưới sự giúp đỡ của Nhật Bản thông qua cơ quan hợp tác phát triển JICA, tỉnh Quảng Ninh đã lập Quy hoạch môi trường, Quy hoạch môi trường vịnh Hạ Long nhằm quản lý và BVMT hài hòa với các mục tiêu phát triển, mục tiêu bảo vệ di sản văn hóa vịnh Hạ Long. Đây là mô hình quan trọng để định hướng các nội dung liên quan đến Quy hoạch BVMT ở Việt Nam trong giai đoạn vừa đảm bảo phát triển vừa từng bước nâng tầm trong quản lý và BVMT.

     Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam đã thông qua Luật BVMT năm 2014, trong đó có đưa nội dung về Quy hoạch BVMT. Bộ TN&MT nhận thấy sự cấp bách cần thực hiện Quy hoạch BVMT để đảm bảo phát triển hài hòa trên 3 trụ cột KT-XH-MT và đây cũng là thời điển chín muồi để luật hóa các nội dung liên quan đến Quy hoạch BVMT. Quy hoạch BVMT cần được thực hiện thống nhất trong cả nước do cơ quan được giao trọng trách quản lý môi trường là Bộ TN&MT chủ trì có sự tham gia và đồng thuận của các Bộ, ngành, địa phương liên quan làm cơ sở để hài hòa giữa các mục tiêu phát triển và mục tiêu quản lý và BVMTn

 

PGS. TS. Bùi Cách Tuyến

Thứ trưởng kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường

Nguyễn Vũ Trung

Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường, Tổng cục Môi trường

Nguyễn Gia Cường

Bộ Tài nguyên và Môi trường

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 11/2014

 

 

Ý kiến của bạn