Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Cao Bằng

13/03/2015

     Bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) là trách nhiệm của Nhà nước và mọi tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên theo kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới, để thực hiện nhiệm vụ bảo tồn ĐDSH có hiệu quả, cần thiết phải tiến hành quy hoạch bảo tồn ĐDSH trên phạm vi cả nước và các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

     Ý thức được tính cấp thiết của vấn đề, UBND tỉnh Cao Bằng đã phê duyệt “Quy hoạch bảo tồn ĐDSH đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”. Như vậy, tính đến thời điểm hiện nay, Cao Bằng được đánh giá là một trong những địa phương của cả nước đi tiên phong trong việc xây dựng quy hoạch bảo tồn ĐDSH.

     1. Bảo vệ và phát triển các hệ sinh thái đặc thù

    Bảo vệ và phát triển các hệ sinh thái (HST) rừng tự nhiên

     Cao Bằng có diện tích rừng lớn, với 372.908,24 ha chiếm 55,59% diện tích tự nhiên toàn tỉnh, bao gồm 5 HST rừng khác nhau, trong đó chứa đựng nhiều nguồn gen động, thực vật quý hiếm cần được ưu tiên bảo vệ và phát triển. Diện tích các HST rừng tự nhiên nằm trong các khu bảo tồn (KBT) và các hành lang ĐDSH được quy hoạch là 44.353,21 ha chiếm 6,62% tổng diện tích rừng. Năm HST rừng tự nhiên của Cao Bằng là:

     Hệ sinh thái rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới, cây lá rộng trên núi thấp (độ cao dưới 600m), có diện tích 115.703 ha. HST này phân bố chủ yếu ở các huyện Thạch An, Hòa An, phía Đông huyện Nguyên Bình, các xã Tiến Thành, Hồng Đại, Cách Linh, huyện Phục Hòa; các xã Cô Ngân, An Lạc, Minh Long, Đồng Loan, huyện Hạ Lang; xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh; các xã Nà Sác, Đào Ngạn và thị trấn Xuân Hòa, huyện Hà Quảng; các xã Ngũ Lão, Bế Triều, Đại Tiến, Nam Tuấn, huyện Hòa An. HST này có 71 loài thực vật quý hiếm được ghi trong Sách đỏ Việt Nam 2007 và Nghị định số 32/2006/NĐ-CP. Hệ động vật có 57 loài quý hiếm được ghi trong Sách đỏ Việt Nam 2007 và Nghị định số 32/2006/NĐ-CP. HST này có chức năng quan trọng trong việc duy trì và nâng cao độ che phủ cho toàn tỉnh, góp phần BVMT.

 

Rừng rêu trên núi Phia Oắc, tỉnh Cao Bằng

 

     Hệ sinh thái rừng kín thường xanh hỗn giao lá rộng- lá kim á nhiệt đới trên núi trung bình (độ cao từ 600 đến 1600m) phân bố chủ yếu ở các huyện Bảo Lâm, Nguyên Bình; phía Nam huyện Bảo Lạc; các xã Kim Loan, Đức Quang, huyện Hạ Lang; các xã Chí Viễn, Cao Thắng, huyện Trùng Khánh; xã Phi Hải, huyện Quảng Uyên; các xã Xuân Nội, Cao Thương, Quốc Toản, Quang Trung, huyện Trà Lĩnh; xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng. Nơi đây có 79 loài thực vật, 57 loài động vật được ghi trong Sách đỏ Việt Nam 2007 và Nghị định số 32/2006/NĐ-CP.

     Hệ sinh thái rừng kín thường xanh ôn đới trên núi cao (độ cao trên 1.600m), có diện tích 613,94 ha, phân bố tập trung ở vùng đỉnh núi Phia Oắc thuộc các xã Phan Thanh, Thành Công và thị trấn Tĩnh Túc, huyện Nguyên Bình. Vùng đỉnh núi Pia Ya thuộc khu vực ranh giới các xã Thái Sơn, huyện Bảo Lâm và xã Sơn Lập, huyện Bảo Lạc. Thực vật nơi đây có 50 loài quý hiếm, đáng chú ý có một số loài lan, đặc biệt là lan hài. Hệ động vật có 48 loài quý hiếm. Điểm đặc trưng của HST này là có rừng rêu, còn gọi là rừng cảnh tiên, một trong những kiểu rừng ít gặp ở nước ta.

     Hệ sinh thái rừng tre nứa thuần loại và hỗn giao, có diện tích 3.567,24 ha, phân bố chủ yếu ở các xã Sơn Lộ, Hưng Thịnh, Huy Giáp, huyện Bảo Lạc; các xã Đức Long, Dân Chủ, Bạch Đằng, Lê Trung, huyện Hòa An; xã Thịnh Vượng, huyện Nguyên Bình. Đây là HST có nguồn gốc thứ sinh được hình thành sau khi rừng bị khai thác. HST có vai trò quan trọng trong việc phục hồi rừng tự nhiên.

     Hệ sinh thái rừng trên núi đá, có diện tích 153.210,00 ha, chiếm 22,84% tổng diện tích tự nhiên tỉnh Cao Bằng. Đây là một trong những HST đặc trưng không chỉ của Cao Bằng mà là của cả nước với rất nhiều loài động, thực vật quý hiếm: 67 loài thực vật và 51 loài động vật, trong đó có nhiều loài chỉ có trên núi đá. Các loài thực vật đó là nghiến, trai, thông đỏ bắc, thiết sam giả, thiết sam núi đá, thông Pà Cò, một số loài lan hài… Động vật có vượn Cao Vít.

     Quy hoạch bảo vệ và phát triển các HST tự nhiên không thuộc HST rừng

     Hệ sinh thái đất ngập nước: Bao gồm các hệ thống sông, suối lớn như sông Bằng Giang, Gâm, Bắc Vọng, Quây Sơn, Kẻ Rào, Nguyên Bình, Minh Khai, Nho, suối Lê Nin và một số hồ lớn như Thang Hen (Trà Lĩnh), Bản Nưa, Kẻ Niệt (Hà Quảng), Phia Gào, Khuổi Ang, Nà Tấu (Hòa An). Toàn bộ HST đất ngập nước có diện tích 4.312,00 ha, chiếm 0,64% diện tích tự nhiên tỉnh Cao Bằng. HST đất ngập nước có chức năng bảo tồn các loài thủy sản quý hiếm, góp phần phát triển du lịch, nghiên cứu khoa học, giáo dục, BVMT…

     Hệ sinh thái trảng cây bụi, trảng cỏ: Có diện tích 122.827,32 ha, chiếm 18,31% diện tích tự nhiên tỉnh. Đây là môi trường sống của một số loài chim, thú nhỏ, đồng thời cũng là nơi góp phần phục hồi rừng tăng tỷ lệ che phủ cho toàn tỉnh.

     2. Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn

     Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn bao gồm 1 vườn quốc gia, 5 khu bảo tồn loài sinh cảnh và 5 khu bảo vệ cảnh quan.

     Vườn Quốc gia Phia Oắc - Phia Đén

     Vườn Quốc gia Phia Oắc - Phia Đén được đề xuất trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính của khu rừng cấm Phia Oắc thuộc huyện Nguyên Bình được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phê duyệt theo Quyết định số 194/CT ngày 9/8/1986. Diện tích 11.960 ha, có 9 HST, trong đó HST rừng tự nhiên có diện tích 8.584,85 ha chiếm 71,78% diện tích vùng đề xuất vườn quốc gia. Trong các HST rừng tự nhiên, HST rừng kín thường xanh á nhiệt đới hỗn giao cây lá rộng - lá kim trên núi trung bình có diện tích lớn nhất với gần ½ là rừng nguyên sinh - 3.530,63 ha. HST rừng rêu - rừng lùn đặc trưng của HST rừng thường xanh ôn đới núi cao vùng Đông Bắc Việt Nam có diện tích khá lớn, đạt 467,60 ha. Đã thống kê được 47 loài thực vật quý hiếm có trong Sách đỏ Việt Nam và Nghị định số 32/2006/NĐ-CP và 66 loài động vật quý hiếm.

     Khu bảo tồn loài - sinh cảnh

    Khu bảo tồn loài - sinh cảnh vượn Cao Vít, Trùng Khánh: Bảo tồn và phát triển quần thể vượn Cao Vít và môi trường sống của chúng, là hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi và các HST rừng tự nhiên khác. Diện tích tự nhiên là 6.046,00 ha với 9 HST, 41 loài thực vật, 19 loài động vật quý hiếm.

     Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Trà Lĩnh - Thang Hen: Được đề xuất trên cơ sở mở rộng khu di tích lịch sử cấp quốc gia hồ Thang Hen. Diện tích 5.164,00 ha, có 7 HST với 21 loài thực vật và 29 loài động vật quý hiếm.

     Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Hạ Lang: Được đề xuất trên cơ sở khu rừng nguyên sinh trên núi đá vôi của huyện Hạ Lang. Diện tích 7.343,00 ha, trong đó riêng HST núi đá vôi có diện tích 10.730,4 ha, chiếm 58,96% diện tích KBT; có 37 loài thực vật và 39 loài động vật quý hiếm, 7 HST, đáng chú ý là HST núi đá vôi.

     Khu bảo tồn - loài sinh cảnh Bảo Lạc: Được đề xuất trên cơ sở khu rừng nguyên sinh trên núi đá vôi và rừng tự nhiên trên núi trung bình của 2 xã Khánh Xuân và Xuân Trường thuộc huyện Bảo Lạc. Diện tích 3.996,00 ha. Có 30 loài thực vật và 19 loài động vật quý hiếm.

     Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Bảo Lâm: Được đề xuất trên cơ sở khu rừng nguyên sinh trên núi trung bình và cao của huyện Bảo Lâm. Diện tích 4.569,00 ha. Có 5 HST trong đó, HST rừng kín thường xanh hỗn giao lá rộng – lá kim á nhiệt đới trên núi trung bình, độ cao 600- 1600m với diện tích là3.292,2 ha chiếm 70,7% diện tích KBT. Có 20 loài thực vật và 23 loài động vật quý hiếm.

     Quy hoạch khu bảo vệ cảnh quan

     Khu bảo vệ cảnh quan Pắc Bó: Được đề xuất trên cơ sở mở rộng khu di tích lịch sử Pắc Bó hiện có. Diện tích tự nhiên 6.354,00 ha.

     Khu bảo vệ cảnh quan Thạch An: Trên cơ sở mở rộng khu di tích Lăng Đồn hiện có. Diện tích tự nhiên 3.997,00 ha.

     Khu bảo vệ cảnh quan Bản Giốc: Trên cơ sở khu thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao hiện có, diện tích 566,00 ha.

     Khu bảo vệ cảnh quan Lam Sơn: Đề xuất trên cơ sở cụm di tích hiện có gồm: Hang Tốc Rù, Hang Bó Hoài, Vách núi Lũng Sa, Nền nhà ông Mã Văn Hản, Hang Bó Tháy, Hang Ngườm Bốc, Thành Nhà Mạc, Đền Giẻ Đoóng, Thành Na Lữ; diện tích 75,00 ha.

     Khu bảo vệ cảnh quan Trần Hưng Đạo: Trên cơ sở di tích lịch sử Trần Hưng Đạo với diện tích 1.143,00 ha.

     Khu bảo tồn vùng nước nội địa

     Khu bảo tồn vùng nước nội địa Sông Bằng trên địa phận các huyện Hà Quảng, Hòa An, Phục Hòa và TP. Cao Bằng với diện tích: 575,8 ha.

     3. Quy hoạch hành lang ĐDSH

     Hành lang ĐDSH xuyên biên giới kết nối khu bảo tồn loài sinh cảnh Vượn Cao Vít, Trùng Khánh với Trung Quốc. Nằm sát biên giới, khu bảo tồn loài sinh cảnh vượn Cao Vít, Trùng Khánh có chiều dài 21,7 km, có ý nghĩa trong hợp tác quốc tế về bảo tồn và khôi phục hệ sinh thái rừng; Đẩy mạnh công tác BVMT, hợp tác nghiên cứu khoa học. Đồng thời đảm bảo việc giao lưu, di chuyển, mở rộng đàn và loài vượn Cao Vít tại Cao Bằng và Quảng Tây.

 

Các chuyên gia khảo sát thực địa tại tỉnh Cao Bằng

 

     Hành lang ĐDSH nội tỉnh: Hành lang ĐDSH kết nối Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Hạ Lang với khu bảo tồn loài - sinh cảnh Trùng Khánh nhằm hỗ trợ việc giao lưu dịch chuyển, mở rộng đàn của các loài động vật quý hiếm cần được bảo tồn, đặc biệt là loài vượn Cao Vít.

     4. Quy hoạch hệ thống các khu vực bảo tồn tại chỗ và chuyển chỗ các nguồn gen quý hiếm

     Quy hoạch hệ thống vườn thực vật.

     Kế thừa trạm nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu cây trồng miền núi phía Bắc Việt Nam.

     Vườn cây ăn quả tại khu di tích Pắc Bó.

     5. Quy hoạch hệ thống trung tâm cứu hộ động vật

     Đề xuất thành lập Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã tại Trùng Khánh.

     6. Quy hoạch bảo tồn giống cây trồng, vật nuôi bản địa có giá trị

      Quy hoạch các khu vực bảo tồn tại chỗ: Đề xuất duy trì các khu vực bảo tồn tại chỗ các nguồn gen, cây trồng vật nuôi tại chỗ theo Quyết định số 1113/QĐ-UBND ngày 5/8/2013, phê duyệt Đề án khung các nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh giai đoạn 2014 - 2020, bảo tồn 12 nguồn gen cây trồng, vật nuôi đặc sản, đặc hữu quý hiếm của tỉnh.

     Quy hoạch bảo tồn chuyển chỗ: Đề xuất duy trì cơ sở, bảo tồn chuyển chỗ vật nuôi là trại giống cấp I Đức Chính thuộc Công ty CP giống và thức ăn chăn nuôi Cao Bằng.

     7. Kết luận

     Quy hoạch bảo tồn ĐDSH là vấn đề mới không chỉ đối với tỉnh Cao Bằng mà còn là vấn đề trên phạm vi cả nước. Vì vậy, Quy hoạch là bước đi ban đầu, làm cơ sở cho các quy hoạch bảo tồn ĐDSH trong tương lai nhằm góp phần thiết thực, có hiệu quả trong nhiệm vụ bảo tồn và phát triển ĐDSH của tỉnh Cao Bằng nói riêng và cả nước nói chung.

 

TS. Lê Trần Chấn

CN. Vũ Thị Cúc

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 1+2/2015

 

 

Ý kiến của bạn