Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Những thành tựu và thách thức sau hơn 5 năm triển khai Luật Ða dạng sinh học

04/11/2014

     Luật Đa dạng sinh học (ĐDSH) được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ IV thông qua ngày 13/11/2008 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2009. Đây là Luật đầu tiên quy định về bảo tồn và phát triển bền vững ĐDSH, bộ luật có tính khoa học chuyên ngành rất cao và là nền tảng cơ bản về mặt pháp lý cho bảo tồn, sử dụng bền vững ĐDSH ở Việt Nam. Sau hơn 5 năm triển khai Luật ĐDSH, công tác bảo tồn ĐDSH ở Việt Nam đã đạt những thành tựu nhất định.

     1. Những thành tựu đạt được

     Về công tác xây dựng chính sách, văn bản quy phạm pháp luật: Nhiều văn bản quản lý, chính sách về ĐDSH đã và đang được xây dựng, góp phần củng cố hệ thống văn bản, chính sách và cung cấp các công cụ quản lý cho các cấp. Theo đó, những nỗ lực và quyết tâm bảo tồn ĐDSH đã được hiện thực hóa, thể hiện trong một số quyết sách quan trọng của Đảng và Nhà nước như Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT; Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 18/3/2013 của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực BVMT; Quyết định số 1287/QĐ-TTg ngày 2/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phân công nhiệm vụ triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ; Quyết định số 1250/QĐ-TTg ngày 31/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về ĐDSH đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

     Với vai trò là cơ quan đầu mối của Chính phủ về ĐDSH, Bộ TN&MT cũng đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 8/1/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn ĐDSH của cả nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và ban hành nhiều thông tư/thông tư liên tịch hướng dẫn triển khai trong lĩnh vực quản lý sinh vật ngoại lai xâm hại, quản lý an toàn sinh học...

     Bên cạnh đó, các nội dung bảo tồn ĐDSH đã được lồng ghép trong các văn bản pháp luật khác (Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai và các Thông tư hướng dẫn Luật, các Nghị định), các chương trình liên ngành của Việt Nam như Chương trình xóa đói giảm nghèo, Chương trình phát triển bền vững, Chương trình phát triển Lâm nghiệp...

     Về hệ thống tổ chức quản lý về ĐDSH: Cục Bảo tồn ĐDSH - được thành lập từ năm 2008 là cơ quan tham mưu duy nhất hiện nay cho Lãnh đạo Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT trong lĩnh vực bảo tồn ĐDSH - ngày càng phát triển về nhân lực, củng cố về chuyên môn và kinh nghiệm công tác.

     Tại Trung ương, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 21/2013/NĐ-CP ngày 4/3/2013 quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Bộ TN&MT và Quyết định số 25/QĐ-TTg ngày 25/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Môi trường trực thuộc Bộ TN&MT. Sự khác biệt nổi bật của các văn bản này so với các văn bản cùng loại của nhiệm kỳ trước là các chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về ĐDSH của Tổng cục Môi trường được bổ sung và làm rõ hơn rất nhiều căn cứ theo các văn bản quy phạm pháp luật về ĐDSH nhằm thực thi Luật ĐDSH, tránh tối đa việc trùng lắp nhiệm vụ với Bộ NN&PTNT. Đến nay, Bộ TN&MT đã hoàn tất các thủ tục thành lập Ban chỉ đạo liên ngành điều phối, tổ chức các hoạt động của Chiến lược quốc gia về ĐDSH đến 2020, tầm nhìn 2030. Sự tăng cường hợp tác liên ngành với các cơ quan Trung ương, các Bộ/ngành liên quan và tổ chức phổ biến, tuyên truyền sâu rộng tới các địa phương sẽ góp phần thúc đẩy việc thực hiện hiệu quả các nội dung ưu tiên về ĐDSH.

 

Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau - Khu Ramsar thứ 5 của Việt Nam

 

    Tại nhiều địa phương, tuy chưa có cơ quan chuyên môn về bảo tồn ĐDSH nhưng các Sở TN&MT đã phân công cán bộ chuyên trách về bảo tồn ĐDSH. Theo kế hoạch, năm nay, Thông tư liên tịch của Bộ TN&MT và Bộ Nội vụ về các cơ quan chuyên môn BVMT tại địa phương sẽ được ban hành. Đây sẽ là cơ sở để Chi cục BVMT ở các địa phương thành lập bộ phận (cấp phòng) quản lý ĐDSH. Nếu như vậy, hệ thống quản lý ĐDSH trong lĩnh vực TN&MT sẽ được thiết lập thành hệ thống trên quy mô toàn quốc ở các cấp, từ Trung ương tới địa phương.

    Một số kết quả cụ thể:

     Theo Báo cáo tổng kết 13 năm triển khai Chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng (1998 - 2010), độ che phủ rừng tăng lên hàng năm. Chương trình đã đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu đặt ra, độ che phủ rừng tăng từ 32% năm 1998 lên 39,5% năm 2010, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm về bảo vệ, phát triển rừng của người dân, cải thiện môi trường sinh thái, tạo nhiều vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ và các sản phẩm lâm sản khác;

     Công tác bảo tồn dựa vào cộng đồng đã có những bước tiến bộ đáng kể. Nhiều mô hình bảo tồn có cộng đồng tham gia đã được triển khai với kết quả khả quan, thể hiện hiệu quả của chính sách này trong bảo tồn ĐDSH.

     Việc thành lập các khu bảo tồn biển mới đã có kết quả ban đầu. 5 khu bảo tồn biển đã được thành lập trên tổng số 16 khu quy hoạch theo Quyết định số 742/QĐ-TTg ngày 26/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020 (Các khu bảo tồn biển: vịnh Nha Trang, Cù Lao Chàm, Phú Quốc, Cồn Cỏ và Hòn Cau. Ngoài ra, đã có một số KBT rừng đặc dụng trùng với KBT biển hoặc có hợp phần biển đang hoạt động như Bái Tử Long, Núi Chúa, Cát Bà, Côn Đảo).

     Đặc biệt, một hệ thống các khu bảo tồn đất ngập nước đã được Ban thư ký Công ước về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (Ramsar) công nhận với 6 khu: VQG Xuân Thủy - Nam Định; Bầu Sấu - Đồng Nai; Ba Bể - Bắc Cạn; Mũi Cà Mau - Cà Mau, Tràm Chim - Đồng Tháp, Côn Đảo - Bà Rịa - Vũng Tàu và dự kiến sẽ là 8 khu vào năm 2015 (VQG U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang và Khu bảo tồn Láng Sen, tỉnh Long An).

     Ngoài ra, có một dự án vay vốn của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đang được thực hiện nhằm thiết lập hệ thống hành lang ĐDSH trên địa bàn 3 tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam. Bên cạnh đó, một số loài đã được bảo vệ một cách bài bản, có hệ thống như bảo tồn loài rùa biển tại VQG Côn Đảo; linh trưởng tại VQG Cúc Phương, VQG Cát Bà... Một số tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đã xây dựng và phê duyệt quy hoạch bảo tồn ĐDSH cấp tỉnh và chuẩn bị thành lập thêm một số khu bảo tồn, cơ sở bảo tồn mới.

     2. Thách thức và các giải pháp triển khai

     Bên cạnh những thành tựu đạt được, sau 5 năm ban hành, việc triển khai Luật ĐDSH cũng sớm bộc lộ những bất cập do còn nhiều khái niệm khác nhau giữa các luật có liên quan đến ĐDSH (chủ yếu giữa Luật ĐDSH, Luật Bảo vệ và phát triển rừng và Luật Thủy sản). Trong nhiều hoạt động, chưa phân định rõ thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ giữa các Bộ, ngành liên quan dẫn đến công tác quản lý nhà nước về ĐDSH thiếu thống nhất. Sự phối hợp liên ngành trong thực thi pháp luật về bảo tồn thiên nhiên còn hạn chế, trong khi các nguồn lực đầu tư cho ĐDSH còn bị bỏ ngỏ. Bên cạnh đó, việc quy định, chế tài xử phạt vi phạm pháp luật về bảo tồn ĐDSH còn chưa phù hợp. Nhân lực trong công tác bảo tồn còn thiếu và yếu về năng lực, trang thiết bị cần thiết còn hạn chế. Nhận thức của cán bộ quản lý và người dân về công tác bảo tồn ĐDSH còn chưa cao.

     Để tăng cường hiệu quả quản lý về ĐDSH, đồng thời thực hiện tốt các mục tiêu quốc gia cũng như các mục tiêu chung của quốc tế, trong thời gian tới, Việt Nam cần tập trung vào các hoạt động chủ yếu:

     - Hoàn thiện hệ thống các Luật và quy định có liên quan đến ĐDSH, bảo đảm tính khoa học, nhất quán và thực thi cao;

     - Tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về ĐDSH (thống nhất quản lý nhà nước về ĐDSH; thúc đẩy phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các cơ quan khác nhau tham gia vào các hoạt động bảo tồn; nâng cao hiệu quả thực thi hệ thống chính sách về bảo tồn ĐDSH);

     - Khắc phục các nguyên nhân trực tiếp làm suy giảm hoặc mất ĐDSH;

     - Đầu tư nguồn lực thúc đẩy công tác bảo tồn (Điều tra ĐDSH; Hệ thống giám sát toàn diện để theo dõi những thay đổi ĐDSH; xây dựng và vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu và cơ chế chia sẻ, trao đổi và quản lý thông tin; tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ; đẩy mạnh giám sát thực hiện pháp luật về bảo tồn; tăng mức kinh phí thực hiện công tác bảo tồn ĐDSH từ nguồn ngân sách nhà nước);

     - Hệ thống khu bảo tồn thiên nhiên (rừng, ĐNN, biển) và hệ sinh thái điển hình được bảo tồn và phát huy dịch vụ. Ưu tiên tăng cường bảo tồn tại một số khu bảo tồn thiên nhiên ở các vùng sinh thái quan trọng;

     - Lồng ghép các nội dung bảo tồn ĐDSH trong các chương trình, kế hoạch, dự án của Nhà nước, các Bộ, ngành và địa phương;

     - Tăng cường đa dạng hóa và quản lý hiệu quả việc cung cấp tài chính cho công tác bảo tồn; Tiếp tục duy trì và tranh thủ sự hỗ trợ của quốc tế trong công tác bảo tồn.

 

TS. Phạm Anh Cường
Cục trưởng Cục Bảo tồn Đa dạng sinh học

Tổng cục Môi trường

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 10/2014

 

 

Ý kiến của bạn