Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Nội dung cơ bản của Nghị định số 03/2015/NÐ-CP quy định về xác định thiệt hại đối với môi trường

02/03/2015

     1. Sự cần thiết ban hành Nghị định

     Thực tiễn trong những năm qua cho thấy, các vụ việc vi phạm pháp luật về BVMT không chỉ làm ảnh hưởng tới tính mạng, sức khỏe và tài sản của cá nhân, tổ chức mà còn gây thiệt hại nghiêm trọng đối với môi trường nói chung.

     Ngày 3/12/2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 113/2010/NĐ-CP quy định về xác định thiệt hại đối với môi trường, trong đó quy định rõ trách nhiệm yêu cầu bồi thường thiệt hại và xác định thiệt hại đối với môi trường tạo cơ sở pháp lý quan trọng để yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với môi trường tự nhiên, góp phần tạo nguồn thu cho địa phương phục hồi, cải thiện chất lượng môi trường, giảm thiểu tác hại ô nhiễm môi trường đến sức khỏe người lao động, đời sống người dân ở các khu vực xung quanh vùng ô nhiễm.

     Qua 4 năm thực hiện, các nội dung của Nghị định số 113/2010/NĐ-CP vẫn phù hợp thực tiễn, tuy nhiên, để đảm bảo hiệu lực thi hành theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Nghị định số 113/2010/NĐ-CP cần được thay thế bằng Nghị định mới có căn cứ pháp lý theo Luật BVMT năm 2014. Do đó, ngày 6/1/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 03/2015/NĐ-CP quy định về xác định thiệt hại đối với môi trường và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/3/2015.

     2. Nội dung chính của Nghị định số 03/2015/NĐ-CP

     Nghị định số 03/2015/NĐ-CP cơ bản kế thừa Nghị định số 113/2010/NĐ-CP, gồm 5 chương, 15 điều và 4 phụ lục quy định về trách nhiệm yêu cầu bồi thường thiệt hại và xác định thiệt hại đối với môi trường. Theo đó, Nghị định yêu cầu thu thập dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường, tính toán thiệt hại đối với môi trường và xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái gây ra trong các trường hợp: Môi trường nước phục vụ mục đích bảo tồn, sinh hoạt, giải trí, sản xuất và mục đích khác bị ô nhiễm, bị ô nhiễm ở mức nghiêm trọng, bị ô nhiễm ở mức đặc biệt nghiêm trọng; Môi trường đất phục vụ cho các mục đích bảo tồn, sản xuất và mục đích khác bị ô nhiễm, bị ô nhiễm ở mức nghiêm trọng, bị ô nhiễm ở mức đặc biệt nghiêm trọng; Hệ sinh thái tự nhiên thuộc và không thuộc khu bảo tồn thiên nhiên bị suy thoái; Loài được ưu tiên bảo vệ theo quy định của pháp luật bị chết, bị thương.

 

Nghị định xác định thiệt hại đối với môi trường là cơ sở pháp lý cho việc tính toán,

xác định thiệt hại và yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với môi trường tự nhiên

 

     Nghị định này không áp dụng đối với các trường hợp thiệt hại đối với môi trường do một trong các nguyên nhân như: Do thiên tai gây ra; Gây ra bởi trường hợp bất khả kháng, tình thế cấp thiết phải tuân theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; Trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

     Việc xác định thiệt hại và bồi thường thiệt hại đối với sức khỏe, tính mạng của con người, tài sản và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân do hậu quả của môi trường bị ô nhiễm, suy thoái được thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự.

     Trách nhiệm yêu cầu bồi thường thiệt hại và xác định thiệt hại đối với môi trường

     Nghị định quy định Bộ TN&MT và UBND các cấp có trách nhiệm yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với môi trường tự nhiên. Cụ thể: UBND cấp xã có trách nhiệm yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái gây ra trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý của mình. Trong trường hợp này, UBND cấp xã có trách nhiệm đề nghị UBND cấp huyện tổ chức thu thập và thẩm định dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái gây ra; UBND cấp huyện có trách nhiệm yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái gây ra trên địa bàn từ hai xã, thị trấn, thị tứ trở lên; UBND cấp tỉnh có trách nhiệm yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái gây ra trên địa bàn từ hai huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh trở lên; Bộ TN&MT có trách nhiệm yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái gây ra trên địa bàn từ hai tỉnh, TP trực thuộc Trung ương trở lên.

     Nghị định cũng quy định cụ thể cơ quan có trách nhiệm thu thập và thẩm định dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường bao gồm: UBND cấp huyện có trách nhiệm tổ chức thu thập và thẩm định dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái gây ra trên địa bàn của mình; UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức thu thập và thẩm định dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái gây ra trên địa bàn từ hai huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh trở lên thuộc phạm vi quản lý của mình; Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh tổ chức thu thập và thẩm định dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái gây ra trên địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.

     Dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường

     Để tính toán, xác định thiệt hại, Nghị định quy định chi tiết các loại dữ liệu, chứng cứ xác định thiệt hại đối với môi trường bao gồm:

     Dữ liệu, chứng cứ cần thu thập để xác định tổ chức, cá nhân làm môi trường bị ô nhiễm, suy thoái là nguồn thải, hoạt động gây sự cố môi trường, xâm hại môi trường trực tiếp hoặc liên quan đến khu vực môi trường bị ô nhiễm, suy thoái; Thông tin cơ bản về tổ chức, cá nhân có liên quan đến khu vực môi trường bị ô nhiễm, suy thoái bao gồm: Loại hình hoạt động; sản phẩm, công suất, nguyên liệu đầu vào; quy trình sản xuất; chất thải; điểm xả thải; biện pháp xử lý chất thải; công tác quan trắc, phân tích các thông số môi trường; Dữ liệu, chứng cứ cần thiết khác có liên quan đến khu vực môi trường bị ô nhiễm, suy thoái.

     Dữ liệu, chứng cứ cần thu thập hoặc ước tính để tính toán thiệt hại đối với môi trường trong trường hợp nước, đất bị ô nhiễm là diện tích, thể tích, khối lượng nước, đất bị ô nhiễm; Chất gây ô nhiễm và hàm lượng của chất gây ô nhiễm trong nước, đất; Quyết định, giấy phép, văn bản của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quy định việc sử dụng hoặc phê duyệt quy hoạch sử dụng các thành phần môi trường nước, đất tại nơi xảy ra ô nhiễm, suy thoái.

     Dữ liệu, chứng cứ cần thu thập hoặc ước tính để tính toán thiệt hại đối với môi trường trong trường hợp hệ sinh thái tự nhiên bị suy thoái là diện tích hệ sinh thái tự nhiên bị suy thoái; Mức độ hệ sinh thái bị suy thoái; Quyết định, văn bản của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quy định mức độ bảo tồn của hệ sinh thái tự nhiên.

     Dữ liệu, chứng cứ cần thu thập hoặc ước tính để tính toán thiệt hại đối với môi trường trong trường hợp loài được ưu tiên bảo vệ theo quy định của pháp luật bị thương hoặc bị chết là loài được ưu tiên bảo vệ bị thương, bị chết; Số cá thể bị thương, bị chết của loài được ưu tiên bảo vệ; Quyết định, văn bản của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quy định mức độ ưu tiên bảo vệ loài.

     Nghị định cũng quy định chi tiết dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường có thể dưới hình thức hình ảnh, băng từ, dữ liệu thu được từ quan trắc, đo đạc, phân tích, viễn thám, hệ thống thông tin địa lý và các hình thức khác. Dữ liệu, chứng cứ để tính toán thiệt hại đối với môi trường phải được thu thập hoặc ước tính tại thời điểm môi trường bị ô nhiễm, suy thoái ở mức cao nhất tính từ khi xảy ra hoặc tại thời điểm phát hiện môi trường bị ô nhiễm, suy thoái.

     Nghị định quy định trình tự thủ tục thu thập và thẩm định dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường, trong đó đã quy định thêm chi tiết về cơ cấu thành viên trong Hội đồng thẩm định dữ liệu, chứng cứ. Theo đó, Hội đồng thẩm định chứng cứ, dữ liệu xác định thiệt hại đối với môi trường phải có không ít hơn 30% số thành viên là các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường; không ít hơn 30% số thành viên là cán bộ làm công tác quản lý; đại diện chính quyền địa phương nơi thu thập chứng cứ, dữ liệu; đại diện cộng đồng dân cư và các thành phần liên quan.

     Tính toán thiệt hại và xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với môi trường

     Thiệt hại đối với môi trường được tính toán dựa trên chi phí khắc phục ô nhiễm, suy thoái và phục hồi môi trường tại nơi xảy ra ô nhiễm, suy thoái để đạt các quy chuẩn kỹ thuật về môi trường đối với chất lượng môi trường nước, chất lượng môi trường đất; chi phí để phục hồi hệ sinh thái và loài được ưu tiên bảo vệ về bằng hoặc tương đương với trạng thái ban đầu. Việc tính toán thiệt hại đối với môi trường dựa trên các dữ liệu, chứng cứ đã được thu thập, ước tính, thẩm định theo quy định tại Nghị định này. Thiệt hại đối với môi trường của một khu vực địa lý bằng tổng thiệt hại đối với từng thành phần môi trường của khu vực địa lý đó.

     Nghị định cũng quy định nguyên tắc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với môi trường. Cụ thể việc xác định tổ chức, cá nhân làm môi trường bị ô nhiễm, suy thoái được thực hiện theo các nguyên tắc: Ô nhiễm, suy thoái ở một khu vực địa lý tự nhiên do các nguồn phát sinh chất thải hoặc các hành vi xâm hại tại khu vực đó hoặc không tại khu vực đó nhưng tác động xấu đến khu vực đó; Có cơ sở khoa học về tồn tại mối liên hệ giữa các chất gây ô nhiễm có thể phát sinh từ nguồn thải hoặc hành vi xâm hại với tình trạng suy giảm chức năng và tính hữu ích của môi trường; Việc xác định tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm, suy thoái môi trường phải đảm bảo kịp thời và công bằng.

     Tổ chức, cá nhân làm môi trường bị ô nhiễm, suy thoái phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đối với môi trường do mình gây ra, đồng thời phải chi trả toàn bộ chi phí xác định thiệt hại và thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường thiệt hại cho cơ quan đã ứng trước kinh phí theo quy định tại Khoản 2 Điều 9 Nghị định này.

     Trường hợp có từ hai tổ chức, cá nhân trở lên làm môi trường bị ô nhiễm, suy thoái thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với môi trường, trách nhiệm chi trả chi phí xác định thiệt hại và thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường thiệt hại của từng tổ chức, cá nhân được xác định tương ứng với tỷ lệ gây thiệt hại trong tổng thiệt hại đối với môi trường.

     Tổ chức, cá nhân tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về BVMT, có hệ thống xử lý chất thải đạt yêu cầu và chứng minh được rằng không gây ô nhiễm, suy thoái môi trường thì không phải bồi thường thiệt hại đối với môi trường và không phải chịu các chi phí liên quan đến xác định thiệt hại và thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường thiệt hại.

     Nghị định cũng quy định khoản tiền bồi thường thiệt hại sau khi trừ đi chi phí xác định thiệt hại và thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường thiệt hại sẽ được sử dụng để khắc phục ô nhiễm, suy thoái và cải tạo môi trường nơi xảy ra ô nhiễm, suy thoái.

     3. Kết luận

     Việc ban hành Nghị định về xác định thiệt hại đối với môi trường là rất cần thiết, tạo cơ sở pháp lý cho việc tính toán, xác định thiệt hại và yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với môi trường tự nhiên. Tuy nhiên, để Nghị định này được thực thi hiệu quả, trong thời gian tới Bộ TN&MT sẽ xây dựng hướng dẫn cụ thể về trình tự thủ tục để thực hiện yêu cầu bồi thường thiệt hại; Hồ sơ yêu cầu bồi thường thiệt hại; Tiêu chí lựa chọn và trách nhiệm của đơn vị cung cấp dịch vụ quan trắc, đánh giá, đo đạc để thu thập dữ liệu, chứng cứ; Cơ sở thành lập và hoạt động của Hội đồng thẩm định dữ liệu, chứng cứ; Chi phí xác định thiệt hại và thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường thiệt hại; Định mức chi phí xử lý một đơn vị diện tích, thể tích hoặc khối lượng nước, đất bị ô nhiễm đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường; Định mức chi phí phục hồi một đơn vị diện tích hệ sinh thái bị suy thoái; định mức chi phí cứu hộ, chăm sóc để hồi phục sức khỏe một cá thể loài được ưu tiên bảo vệ bị thương; Trình tự, thủ tục chứng minh tổ chức, cá nhân không gây ô nhiễm môi trường.

 

ThS. Trần Mai Phương
Viện Khoa học Môi trường

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 1+2/2015

Ý kiến của bạn