Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Nâng cao ý thức, trách nhiệm về nhiệm vụ bảo vệ môi trường lưu vực sông

02/12/2013

 

Ông Mai Tiến Dũng

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam; Chủ tịch Ủy ban BVMT LVS Nhuệ - sông Đáy

 

     Kế thừa và phát huy những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ thứ nhất, Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực sông (UBBVMT LVS) Nhuệ - sông Đáy tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương thuộc lưu vực đã tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức trong xã hội về nhiệm vụ BVMT LVS Nhuệ - sông Đáy nói riêng và nhiệm vụ tham gia công tác BVMT nói chung” - đó là ý kiến của ông Mai Tiến Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam; Chủ tịch Ủy ban BVMT LVS Nhuệ - sông Đáy khi trao đổi với Tạp chí Môi trường sau gần một năm đảm nhiệm vị trí Chủ tịch UBBVMTLVS.

     Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) có để cập đến trách nhiệm của UBND cấp tỉnh đối với BVMT nước LVS. Với cương vị Chủ tịch tỉnh, đồng thời là Chủ tịch UBBVMT LVS, ông có ý kiến đóng góp gì về vấn đề này?

     Ông Mai Tiến Dũng: Theo Điều 33, Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) quy định trách nhiệm của UBND các tỉnh, thành phố đối với BVMT nước trong LVS không có gì thay đổi so với Luật BVMT năm 2005. Tuy nhiên, đối với các LVS thì vấn đề ô nhiễm môi trường thường có tính chất liên vùng và khi xảy ra ô nhiễm rất khó phân định rõ mức độ ô nhiễm đó là trách nhiệm của các dòng thải trên thượng nguồn hay là do những dòng thải dưới hạ nguồn. Việc điều tra, phát hiện, xác định nguồn gây ô nhiễm nước sông và áp dụng các biện pháp xử lý thường rất khó và có nhiều bất cập. Trong Điều này, Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) cần quy định rõ tỉnh nào có quyền và trách nhiệm chủ trì trong việc điều tra, đánh giá, xác định mức độ ô nhiễm, mức độ thiệt hại khi ô nhiễm xảy ra và yêu cầu các đối tượng gây thiệt hại phải bồi thường.

     Riêng đối với địa bàn tỉnh Hà Nam, mỗi năm thường hứng chịu từ 6-12 đợt ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên hệ thống sông Nhuệ - sông Đáy và sông Duy Tiên, nước thải từ trên thượng nguồn sông Nhuệ qua hệ thống cống Thanh Liệt vào Hà Nam. Những năm gần đây hạn hán liên tục xảy ra nên tần suất xảy ra ô nhiễm nước sông ngày càng tăng, có những đợt ô nhiễm kéo dài cả tháng. Qua lấy mẫu phân tích nước sông cho thấy, một số chỉ tiêu như COD, NH4+ đều vượt quy chuẩn cho phép từ hàng chục đến hàng trăm lần. Các đợt ô nhiễm đều gây những hậu quả không nhỏ cho người dân sinh sống và hoạt động nuôi trồng thủy sản của người dân xung quanh khu vực.

     Chính vì vậy, việc xác định nguồn gây ô nhiễm, mức độ thiệt hại và trách nhiệm bồi thường thiệt hại của các đơn vị có liên quan đối với UBND cấp tỉnh nơi xảy ra ô nhiễm là rất khó. Trong Dự thảo Luật (sửa đổi) cần quy định rõ những đơn vị có liên quan.

     Xin ông cho biết tình hình thực thi pháp luật BVMT trên địa bàn tỉnh Hà Nam trong thời gian qua. Theo ông, từ thực tiễn 8 năm thực hiện Luật BVMT năm 2005 đến nay có những khó khăn, vướng mắc cần sửa đổi?

     Ông Mai Tiến Dũng: Thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về “BVMT trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Tỉnh ủy Hà Nam đã ban hành Chỉ thị 25-CT/TU về việc BVMT trong thời kỳ đẩy mạnh, công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước và Kế hoạch hành động số 453/KH-UBND, ngày 31/5/2005 của UBND tỉnh. Sau khi Luật BVMT năm 2005 ra đời, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ngành và các cấp tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn, nhằm góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các ngành, các cấp, các tổ chức trong xã hội về nhiệm vụ tham gia BVMT; Từ đó dẫn đến sự thay đổi nhận thức và hành vi của từng cá nhân, cộng đồng trong việc BVMT ở các địa phương.Tình hình thực thi pháp luật BVMT của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyên biến tích cực.

 

Tỉnh Hà Nam đang cải tạo gia cố kè sông Đáy đoạn qua TP. Phủ Lý

nhằm tạo cảnh quan môi trường Xanh - Sạch - Đẹp

 

     Công tác quản lý nhà nước về BVMT trên địa bàn tỉnh được quan tâm, chỉ đạo sâu sát. UBND tỉnh đã ban hành nhiều Quyết định, kế hoạch quan trọng… Bên cạnh đó, tỉnh đã chỉ đạo Sở TN&MT phối hợp với Sở, ngành, các cấp, các tổ chức đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh (Ký Nghị quyết liên tịch) thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ ngành TN&MT các huyện, thành phố, các cán bộ đoàn thể, cộng đồng dân cư về nội dung liên quan đến công tác BVMT. Mặt khác, công tác phê duyệt các dự án đầu tư xây dựng trong tỉnh luôn đặt nhiệm vụ BVMT là yếu tố quyết định.

     Từ thực tiễn 8 năm thực hiện Luật BVMT năm 2005 đến nay, chúng tôi thấy có một số khó khăn, vướng mắc cần làm rõ trong Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi):

     Thứ nhất, việc phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về BVMT cần được quy định một cách hợp lý, rõ ràng, tránh chồng chéo trong các lĩnh vực như: quản lý chất thải (rác thải, nước thải tại đô thị, nông thôn và các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN)), quản lý môi trường làng nghề (các làng về chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và các làng nghề khác). Điều này cũng gây khó khăn cho việc phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về BVMT ở các lĩnh vực khác nhau của các Sở, ban, ngành của tỉnh, nhiều khoảng trống, nhiều lĩnh vực vẫn còn tồn tại mà không rõ đơn vị nào chịu trách nhiệm.

     Thứ hai, các văn bản pháp luật hướng dẫn thẩm định, phê duyệt, xác nhận báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án trong các KCN của Trung ương còn chồng chéo và nhiều bất cập gây khó khăn cho công tác quản lý và BVMT của địa phương như: Nghị định 29/2008/NĐ-CP quy định về KCN, khu chế xuất, khu kinh tế (KKT) giao Ban quản lý các KCN thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, nhưng trong Thông tư số 48/2011/TT-BTNMT của Bộ TN&MT về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2009/TT-BTNMT quy định quản lý và BVMT KKT, khu công nghệ cao (CNC), KCN và CCN quy định “Ban quản lý các KCN cử đại diện tham gia hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án đầu tư vào KKT, khu CNC, KCN và CCN”.

     Thứ ba, Luật BVMT (sửa đổi) cần có quy định cụ thể về quyền khởi kiện và trách nhiệm bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra. Đặc biệt, đối với ô nhiễm môi trường liên vùng, liên tỉnh. Cần quy định rõ đơn vị nào có quyền và nghĩa vụ xác định thiệt hại gây ra đối với môi trường tự nhiên để làm cơ sở xác định thiệt hại đối với tính mạng, sức khỏe và tài sản của người dân.

     Cuối cùng, việc đưa Quy hoạch môi trường vào nội dung mới trong Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) là rất cần thiết. Tuy nhiên, trong Dự thảo Luật cũng cần làm rõ các đối tượng thực hiện Quy hoạch BVMT và đối tượng thực hiện đánh giá môi trường chiến lược làm cơ sở để UBND các tỉnh, thành phố thực hiện dễ dàng.

     Xin cảm ơn ông!

 

Phạm Đình Tuyên (Thực hiện)

Chuyên đề Xây dựng Luật BVMT (sửa đổi)

 

Ý kiến của bạn