Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Một số nội dung chính được chỉnh sửa và bổ sung của Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)

11/03/2014

     In August 2013, the Government submitted to the Standing Committee of the National Assembly version 5.0 of revised Law on Environmental Protection with 19 chapters and 160 articles. The discussion on the bill took place in a plenary session of the Assembly in November 2013.

     Taking into account comments by the National Assembly’s Standing Committee, the bill preparation agency has continued with revising the bill and prepared  version 5.2 with 20 chapters and 186 articles. Compared with Law on Environmental Protection 2005, this version has some key modifications. These include environmental planning, two tier environmental impact assessment, environmental protection commitments, climate change responses, environmental protection in river basins, soil and air environment protection, environmental protection in scarp import activities, craft villages and production villages, responsibility division of state management agencies, environmental responsibilities of heads of organizations and time limitation of environmental litigation.

     The bill will be submitted to the National Assembly’s Standing Committee and discussed in the National Assembly plenary this May.

 

     Dựa trên việc đánh giá kết quả thực hiện Luật BVMT năm 2005 và tham khảo một số Luật về môi trường và BVMT của một số nước trên thế giới, Cơ quan soạn thảo đã xây dựng Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi). Sau nhiều hội thảo, tọa đàm, lấy ý kiến của các Bộ, ngành và chuyên gia, Dự thảo Luật đã được chỉnh sửa, bổ sung.

     Tháng 8/2013, Chính phủ trình Thường vụ Quốc hội Dự thảo Luật số 5.0 với 19 chương và 160 điều (Luật BVMT năm 2005 có 15 chương và 136 điều; Luật BVMT năm 1993 có 7 chương và 55 điều). Dự thảo Luật đã được các tổ đại biểu Quốc hội góp ý và sau đó đã được thảo luận tại Phiên họp toàn thể của Quốc hội tháng 11/2013.

     Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu Quốc hội, Cơ quan soạn thảo đã tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thành Dự thảo Luật số 5.2 với 20 chương và 186 điều. Dự thảo Luật sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, xin ý kiến tất cả các đại biểu Quốc hội và thảo luận tại Phiên họp toàn thể của Quốc hội trong tháng 5 tới.

     So với Luật BVMT năm 2005, Dự thảo Luật số 5.2 có một số nội dung cơ bản đã được chỉnh sửa và bổ sung.

     1. Bổ sung các quy định về Quy hoạch BVMT

     Quy hoạch BVMT được định nghĩa là việc phân tích, đánh giá thực trạng môi trường và đề xuất các biện pháp BVMT nhằm gắn kết giữa phát triển kinh tế - xã hội với BVMT và ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH).        

     Quy hoạch BVMT có 2 cấp độ: quốc gia và cấp tỉnh. Kỳ quy hoạch là 10 năm. Dự thảo đã quy định về nội dung quy hoạch, trách nhiệm lập quy hoạch, tham vấn quy hoạch, thẩm định và phê duyệt quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch.

 

Bộ trưởng  Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang chỉ đạo tại buổi làm việc với
Tổng cục Môi trường về nội dung Dự án Luật BVMT (sửa đổi)

 

     Tuy nhiên, vẫn còn có một số ý kiến về tên và nội dung của quy hoạch; cân nhắc quy hoạch BVMT hay quy hoạch môi trường; sự liên quan giữa quy hoạch BVMT với các quy hoạch khác, trong đó có quy hoạch đa dạng sinh học, và các quy hoạch về các lĩnh vực của BVMT như quy hoạch quan trắc môi trường, xử lý chất thải... Có ý kiến cho rằng, đã có đánh giá môi trường chiến lược thì không cần quy hoạch BVMT hoặc quy hoạch BVMT nên chỉ là một trong những nội dung của quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Những vấn đề trên sẽ phải được làm rõ trong các văn bản dưới luật về quy hoạch BVMT.

     2. Đánh giá tác động môi trường 2 bước

     Để tránh tình trạng một số dự án sau khi có chủ trương đầu tư đã thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và tiến hành một số hoạt động chuẩn bị nhưng không được triển khai, dẫn đến sự lãng phí cho chủ đầu tư và xã hội, đặc biệt là các dự án thủy điện và khai thác khoáng sản quy mô lớn, Cơ quan soạn thảo đề nghị việc thực hiện ĐTM đối với các dự án thuộc quyền quyết định của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, phải thực hiện ĐTM 2 bước, bao gồm ĐTM ban đầu và ĐTM. Để bảo đảm chất lượng của ĐTM, báo cáo ĐTM ban đầu vẫn phải được Bộ TN&MT thẩm định.

     Đồng thời, Dự thảo Luật quy định các điều kiện đối với tổ chức thực hiện ĐTM để bảo đảm chất lượng của các báo cáo ĐTM.

     3. Cam kết BVMT

     Dự thảo Luật kế thừa nội dung về cam kết BVMT (CKBVMT) của Luật BVMT năm 2005 và quy định rõ hơn đối tượng, nội dung, thời điểm, trách nhiệm của chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và trách nhiệm của cơ quan quản lý đối với CKBVMT.

     Để giúp chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của cả 2 nhóm đối tượng phải lập ĐTM và CKBVMT sau khi dự án đi vào vận hành, Dự thảo Luật quy định về kế hoạch BVMT (KHBVMT). Theo Điều 69 của Dự thảo Luật, các dự án đầu tư, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phát sinh chất thải sản xuất tác động xấu đến môi trường đều phải lập KHBVMT. KHBVMT được lập theo hướng dẫn cụ thể của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, là căn cứ pháp lý cho việc cấp phép xả thải, các hoạt động kiểm tra, thanh tra. Dự thảo Luật cũng có các quy định cụ thể về thời điểm lập KHBVMT, nội dung KHBVMT và triển khai thực hiện KHBVMT. KHBVMT sẽ thay thế việc lập Đề án BVMT cho các cơ sở hiện tại chưa có ĐTM hoặc CKBVMT.

     4. Ứng phó với BĐKH

     Theo yêu cầu của một số Ủy viên Thường vụ Quốc hội và đại biểu Quốc hội, Cơ quan soạn thảo đã xây dựng 1 chương riêng về ứng phó với BĐKH trên cơ sở tích hợp các điều, khoản của Dự thảo Luật 5.0 và luật hóa một số nội dung cơ bản của các nghị quyết của Đảng có liên quan và Chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với BĐKH.

     Chương ứng phó với BĐKH có 10 điều quy định chung về ứng phó với BĐKH; yêu cầu lồng ghép ứng phó với BĐKH trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; quản lý phát thải khí nhà kính; quản lý chất thải làm suy giảm tầng ô zôn; phát triển năng lượng tái tạo; sản xuất và tiêu thụ bền vững; tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng từ chất thải; quyền hạn và trách nhiệm của cộng đồng; phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ; hợp tác quốc tế trong ứng phó với BĐKH.

     Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng không nên có 1 chương riêng về chủ đề này mà nên để phân tán trong các chương có liên quan khác của Dự thảo Luật hoặc cụ thể hóa và rộng hơn. Cơ quan soạn thảo nhận thấy, nội dung ứng phó với BĐKH rất rộng, ngoài phạm vi điều chỉnh của Luật BVMT (sửa đổi), đã được quy định trong nhiều luật chuyên ngành khác. Việc tích hợp nội dung liên quan đến ứng phó với BĐKH từ các luật khác là không thể thực hiện được trong bối cảnh pháp lý hiện nay. Mặt khác, nên quy định thành 1 chương về những nội dung ứng phó với BĐKH trong mối liên quan chặt chẽ với BVMT để hệ thống hóa các nội dung có liên quan và luật hóa những nội dung của ứng phó với BĐKH có liên quan đến BVMT.

     5. BVMT lưu vực sông

     Dự thảo Luật đã quy định BVMT nước sông là bảo vệ tài nguyên nước; là nội dung của mọi quy hoạch, kế hoạch khai thác, sử dụng nước sông; mọi nguồn thải vào lưu vực sông (LVS) phải được kiểm soát, ngăn chặn và phù hợp với khả năng chịu tải của LVS; chất lượng nước sông và trầm tích phải được kiểm soát và đánh giá.

     Theo Dự thảo Luật, Bộ TN&MT phải có trách nhiệm tổ chức đánh giá chất lượng nước, trầm tích của LVS liên tỉnh và xuyên biên giới; điều tra, đánh giá khả năng chịu tải của các LVS liên tỉnh. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm tương tự với LVS nội tỉnh.

     6. BVMT đất  và không khí

     Dự thảo Luật đã xây dựng mục về BVMT đất và mục BVMT không khí để tạo điều kiện pháp lý xây dựng văn bản dưới luật quy định cụ thể hơn về BVMT đất và không khí; là tiền đề xây dựng những luật BVMT thành phần trong tương lai.

     Dự thảo Luật quy định tổ chức, cá nhân được giao quyền sử dụng đất phải có trách nhiệm BVMT đất; gây ô nhiễm đất phải có trách nhiệm xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đất; chất lượng môi trường đất phải được điều tra, đánh giá và được công bố thông tin; phát thải vào môi trường đất không được vượt quá khả năng tiếp nhận của môi trường đất; các vùng đất suy thoái phải được khoanh vùng, giám sát và phục hồi.

 

Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến chủ trì  buổi làm việc với các đơn vị về việc

xây dựng các Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật BVMT (sửa đổi)

 

     Môi trường không khí cũng đã được quy định có tính nguyên tắc, yêu cầu mọi nguồn phát thải khí phải được đánh giá, kiểm soát; việc xem xét và phê duyệt dự án có phát thải khí phải căn cứ vào khả năng chịu tải của môi trường không khí; các nguồn phát thải lớn, tác hại đến môi trường và con người phải được xem xét và cấp phép.

     7. BVMT đối với nhập khẩu phế liệu

     Khái niệm về phế liệu đã được xem xét và chỉnh sửa để không bị hiểu lẫn với chất thải. Các quy định về nhập khẩu phế liệu được xây dựng theo hướng phải hạn chế nhập khẩu phế liệu thông qua các quy định làm rõ nguồn gốc, quy mô, tính chất của phế liệu; phế liệu phải đạt tiêu chí về môi trường; nhập khẩu phế liệu là loại hình kinh doanh có điều kiện. Dự thảo Luật giao Bộ TN&MT phối hợp quy định danh mục phế liệu được phép nhập khẩu.

     8. Làng nghề và làng có nghề

     Dự thảo Luật đã quy định rõ trách nhiệm cụ thể của cơ sở, hộ gia đình, cá nhân tại các làng nghề và làng có nghề; trách nhiệm của làng nghề và làng có nghề; trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã, cấp huyện và cấp tỉnh nơi có làng nghề và làng có nghề. Dự thảo Luật giao Bộ TN&MT có trách nhiệm quy định cụ thể các nội dung về BVMT làng nghề và làng có nghề.

     9. Quan trắc môi trường

     Các quy định về quan trắc môi trường (QTMT) đã được tách thành 1 chương riêng với mục tiêu hình thành một hệ thống QTMT thống nhất, toàn diện và có hiệu quả tốt. Chương này bao gồm các quy định về hoạt động QTMT, thành phần môi trường và chất thải cần được quan trắc; chương trình QTMT; hệ thống QTMT; nội dung quy hoạch QTMT; trách nhiệm QTMT; điều kiện QTMT; quản lý số liệu QTMT. Dự thảo Luật giao cho Chính phủ quy định cụ thể các điều kiện hoạt động QTMT nhằm xã hội hóa QTMT nhưng phải đảm bảo chất lượng quan trắc.

     10. Phân công trách nhiệm cho các cơ quan quản lý nhà nước

     Dự thảo Luật đã quy định rõ nội dung quản lý nhà nước về BVMT; phân biệt thống nhất quản lý nhà nước về BVMT và quản lý các hoạt động BVMT. Theo đó, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về BVMT và Bộ trưởng Bộ TN&MT có trách nhiệm giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về BVMT. Các Bộ, ngành có trách nhiệm quản lý hoạt động BVMT trong lĩnh vực do Bộ, ngành quản lý. Bộ TN&MT có trách nhiệm chủ trì và phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng, ban hành và trình ban hành chính sách và các văn bản quy phạm pháp luật (Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ) về BVMT; các Bộ chủ trì và phối hợp với Bộ TN&MT xây dựng, ban hành các thông tư hướng dẫn hoạt động BVMT trong lĩnh vực do Bộ quản lý.

     11. Về quyền hạn và trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp và cộng đồng dân cư

     Dự thảo Luật đã có 1 chương riêng về quyền hạn, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp và cộng đồng dân cư.

     Theo quy định của chương này, các tổ chức nói trên và cộng đồng dân cư có quyền được cung cấp thông tin, có quyền được yêu cầu cung cấp thông tin về BVMT; có quyền tham gia kiểm tra công tác BVMT; có quyền đối thoại với chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ về BVMT; có quyền tham gia các hoạt động BVMT. Dự thảo cũng đã quy định cơ quan quản lý nhà nước các cấp có trách nhiệm tổ chức cho các tổ chức nói trên và cộng đồng dân cư thực hiện quyền hạn và trách nhiệm của mình.

     12. Nguồn lực BVMT

     Theo quy định của Luật Ngân sách, Luật Thuế BVMT và các luật có liên quan khác, Dự thảo Luật không thể quy định riêng về các nguồn chi cho BVMT và thuế BVMT. Vì vậy, Dự thảo Luật chỉ quy định các hoạt động BVMT được chi từ nguồn ngân sách sự nghiệp môi trường và các nguồn ngân sách khác để bảo đảm tính ưu tiên và không lạm dụng trong việc chi ngân sách cho BVMT.

     13. Trách nhiệm người đứng đầu các tổ chức liên quan đến BVMT

     Dự thảo Luật có 1 điều riêng quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở gây ô nhiễm, trách nhiệm người đứng đầu cơ quan quản lý môi trường và người đứng đầu cơ quan liên quan đến cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Với quy định này, trách nhiệm cá nhân của những người có liên quan đã được làm rõ.

     14. Thời hiệu khởi kiện vi phạm pháp luật về BVMT

     Vì có những vi phạm về BVMT có thể để lại hậu quả lâu dài, có khi hàng chục năm sau mới phát hiện, khác với thời hiệu khởi kiện trong Luật Dân sự, Dự thảo Luật quy định thời hiệu khởi kiện được tính từ lúc người bị xâm hại phát hiện mình bị xâm hại do vi phạm pháp luật của tổ chức và cá nhân khác. Với quy định này, thời hiệu khởi kiện vi phạm pháp luật BVMT đã trở nên không bị giới hạn.

     Ngoài những nội dung cơ bản nêu trên, còn có nhiều chi tiết khác đã được chỉnh sửa, bổ sung để bảo đảm tính toàn diện, cụ thể và thực thi của Luật BVMT (sửa đổi). Tuy nhiên, từ nay đến khi Dự thảo Luật được Quốc hội thông qua, Cơ quan soạn thảo vẫn lắng nghe, tiếp thu và chỉnh sửa để Dự thảo Luật hoàn chỉnh hơn. Nhưng dù thế nào, Dự thảo Luật không thể tránh được những khiếm khuyết do bối cảnh pháp lý nói chung và khả năng của Cơ quan soạn thảo. Hy vọng trong tương lai, chúng ta sẽ có một Bộ Luật về môi trường, trong đó có các luật bảo vệ các thành phần môi trường.

 

PGS. TS Lê Kế Sơn

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường

Tổ trưởng Tổ công tác sửa Luật Bảo vệ môi trường

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 2/2014

 

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn