Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Một năm thực hiện Quyết định số 577/2013/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Ðề án tổng thể bảo vệ môi trường làng nghề đến năm 2020, định hướng đến năm 2030

26/09/2014

     Ngày 11/4/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 577/2013/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tổng thể BVMT làng nghề đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 577/2013/QĐ-TTg) với mục tiêu tăng cường công tác BVMT trong quản lý và phát triển làng nghề trên phạm vi toàn quốc; Ngăn chặn việc phát sinh các làng nghề ô nhiễm mới; Từng bước khắc phục, cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, bảo vệ sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội khu vực nông thôn.

     Ngay sau khi Quyết định số 577/2013/QĐ-TTg được ban hành, nhiều địa phương đã triển khai xây dựng và trình phê duyệt kế hoạch thực hiện Đề án. Tính đến tháng 6/2014, 21 địa phương đã ban hành Quyết định phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án BVMT làng nghề, điển hình là các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Điện Biên, Hà Nam, Hải Phòng, Lào Cai, Nam Định, Phú Yên, Sơn La, Tiền Giang, Vĩnh Phúc… Ngoài ra, một số địa phương đã xây dựng Kế hoạch và đang lấy ý kiến các cơ quan, ban, ngành có liên quan để hoàn thiện và trình ban hành. Một số địa phương, đặc biệt là các tỉnh miền núi phía Bắc, khu vực Tây Nguyên và Tây Nam bộ, do tỷ lệ các cơ sở sản xuất trên địa bàn một đơn vị hành chính cấp xã chưa đủ tiêu chí công nhận làng nghề, nên không có làng nghề, vì vậy không xây dựng kế hoạch.

     Ở cấp Trung ương, một số Bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công an, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam… đã rất tích cực và chủ động xây dựng nội dung và triển khai Đề án. Hiệp Hội làng nghề Việt Nam đã và đang chuẩn bị tổ chức Triển lãm - Hội chợ du lịch làng nghề xanh và Lễ tôn vinh các đơn vị tập thể, cá nhân và sản phẩm thủ công thân thiện với môi trường, tổ chức năm du lịch quốc gia về làng nghề lần thứ nhất trong năm 2015; Bộ Công an đã xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện Quyết định số 577/2013/QĐ-TTg, tập trung vào nhiệm vụ phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các vi phạm pháp luật về BVMT làng nghề...

     Về phía Bộ TN&MT, với trách nhiệm là cơ quan được Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT, các Bộ, ngành và địa phương có liên quan thực hiện Đề án, ngay sau khi Đề án được ký quyết định ban hành, Bộ TN&MT đã gửi công văn đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương xây dựng, tổ chức thực hiện Kế hoạch triển khai Đề án; Làm việc với Bộ NN&PTNT, Hiệp hội làng nghề Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam… nhằm trao đổi, thống nhất kế hoạch thực hiện nhiệm vụ và cơ chế phối hợp. Bên cạnh đó, tổ chức các đoàn công tác làm việc với các địa phương, đặc biệt là các địa phương "nóng" về ô nhiễm môi trường làng nghề để kiểm tra về tình hình triển khai Quyết định số 577/2013/QĐ-TTg và Thông tư số 46/2011/TT-BTNMT của Bộ TN&MT về BVMT làng nghề.

     Theo số liệu thống kê mới nhất của Bộ NN&PTNT, tính đến hết ngày 31/3/2014, cả nước có 1.577 làng nghề được công nhận (tăng 259 làng so với tháng 3/2011, khi Quốc hội tổ chức Đoàn giám sát tối cao về BVMT làng nghề). Điều này cho thấy, công tác quản lý làng nghề đang được triển khai tích cực tại các địa phương.

     Báo cáo sơ kết 3 năm của Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), hiện nay cả nước đã có 185 xã đạt tiêu chí quốc gia về NTM, trong đó có tiêu chí về BVMT. Một trong các giải pháp để thực hiện hiệu quả Đề án BVMT làng nghề là gắn kết Đề án vào quá trình triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, nhằm xây dựng, cải tạo hệ thống cơ sở hạ tầng BVMT làng nghề như hệ thống tiêu thoát nước, các điểm thu gom, xử lý chất thải rắn...

 

Tăng cường công tác BVMT trong quản lý và phát triển làng nghề

là một trong những mục tiêu của Quyết định số 577/2013/QĐ-TTg

 

     Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác triển khai Quyết định số 577/2013/QĐ-TTg còn gặp một số khó khăn: Sự đồng thuận, quyết tâm của các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực BVMT làng nghề chưa cao; Tại nhiều địa phương, cơ quan quản lý chuyên ngành về môi trường và cơ quan quản lý làng nghề chưa có tiếng nói chung, chưa đồng nhất quan điểm vì mục tiêu phát triển bền vững kinh tế - xã hội ở nông thôn; UBND cấp xã (cấp được giao trách nhiệm trực tiếp trong công tác BVMT làng nghề) chưa nhận thức được trách nhiệm của mình mà còn phụ thuộc vào sự chỉ đạo của cấp trên; Kinh phí sử dụng cho giải quyết ô nhiễm môi trường làng nghề hạn chế và không được sử dụng có hiệu quả. Bên cạnh đó, công tác thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với làng nghề còn gặp nhiều khó khăn; Ý thức, trách nhiệm của các hộ sản xuất về BVMT chưa cao. Ngoài ra, do tính chất đặc thù vùng miền, nên các phương thức quản lý và quy định môi trường đối với làng nghề và làng nghề truyền thống không giống nhau giữa các địa phương trên cả nước.

     Để đạt được các mục tiêu của Quyết định số 577/2013/QĐ-TTg, thời gian tới, các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm:

     Bộ TN&MT cần tăng cường làm việc với các Bộ, ngành, địa phương chưa có phương án triển khai thực hiện Quyết định số 577/2013/QĐ-TTg để tìm hiểu nguyên nhân và đề xuất các biện pháp, giải pháp phù hợp; Thống nhất cách hiểu đúng về làng nghề, cơ sở ngành nghề nông thôn và phương thức quản lý phù hợp. Bên cạnh đó, phối hợp với Bộ NN&PTNT kiểm tra các địa phương có các làng nghề mới công nhận từ tháng 3/2011 đến nay để tìm hiểu sự phù hợp giữa các quy định về BVMT làng nghề và quy trình, thủ tục công nhận làng nghề; Quy trình thủ tục xác nhận địa phương đạt tiêu chuẩn quốc gia về NTM, phát hiện những tồn tại, bất cập để đề xuất biện pháp xử lý phù hợp. Đặc biệt là phối hợp để xây dựng, nhân rộng các mô hình "làng nghề xanh" thân thiện với môi trường; Khẩn trương hoàn thiện các công cụ quản lý thông tin; Kế hoạch giám sát môi trường; Công nghệ xử lý chất thải quy mô hộ gia đình; Quy chuẩn môi trường phù hợp với làng nghề, cơ sở sản xuất trong làng nghề…

     Bộ NN&PTNT (Bộ có vai trò quan trọng nhất đối với công tác quản lý phát triển làng nghề) cần sớm nghiên cứu đề xuất kế hoạch và nội dung sửa đổi các văn bản quản lý làng nghề.

     Bộ Công an hỗ trợ Bộ TN&MT trong việc tìm kiếm các biện pháp xử lý phù hợp, trước mắt là tập trung vào các đối tượng sản xuất thuộc nhóm ngành nghề tái chế giấy, nhựa, kim loại tại khu vực nông thôn.

     UBND các cấp khẩn trương và quyết liệt trong việc triển khai thực hiện Quyết định số 577/2013/QĐ-TTg. Trong trường hợp gặp khó khăn trong quá trình thực hiện, cần báo cáo kịp thời lên Thủ tướng Chính phủ để có những giải pháp điều chỉnh phù hợp. Đồng thời, coi hiệu quả triển khai các mục tiêu của Quyết định số 577/2013/QĐ-TTg là một trong những tiêu chí đánh giá hiệu quả thực thi công tác quản lý nhà nước trên từng địa bàn cụ thể.

 

Phạm Trọng Duy

 Cục Kiểm soát ô nhiễm - Tổng cục Môi trường

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 8/2014

 

 

 

 

Ý kiến của bạn