Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Lập cụm công nghiệp làng nghề là mở rộng phạm vi ô nhiễm

11/02/2014

     Khi thực hiện không kiên quyết đã bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập, dẫn tới kết quả và hiệu quả hạn chế; tại nhiều nơi các CCN này dần trở thành khu dân cư mới, là hình thức mở rộng phạm vi ô nhiễm.

     PGS - TS Bùi Cách Tuyến - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho rằng: “Chủ trương quy hoạch các cụm công nghiệp (CCN) tập trung cho làng nghề để di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm vào một khu vực tập trung để quản lý là đúng. Tuy nhiên, khi thực hiện không kiên quyết đã bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập, dẫn tới kết quả và hiệu quả hạn chế; tại nhiều nơi các CCN này dần trở thành khu dân cư mới, là hình thức mở rộng phạm vi ô nhiễm”.

 

 

     Chia sẻ về những bất cập, khó khăn trong công tác xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề, PGS - TS Bùi Cách Tuyến cho biết, việc phân công trách nhiệm bảo vệ môi trường (BVMT) làng nghề giữa một số bộ, ngành có liên quan còn chồng chéo và tồn tại nhiều bất cập dẫn đến chưa phát huy hết vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước. Chính quyền địa phương các cấp, đặc biệt là cấp xã còn thiếu quan tâm tới BVMT làng nghề, chỉ chú trọng thuần túy phát triển sản xuất, trông chờ để được hỗ trợ kinh phí mà bỏ qua các trách nhiệm quản lý môi trường, đôn đốc nhắc nhở thực hiện các nghĩa vụ về BVMT; thậm chí, tại một số nơi khi được Nhà nước đầu tư các công trình xử lý môi trường thì chính quyền địa phương lại không muốn tiếp nhận. Một số địa phương nhận thức được hậu quả của ô nhiễm môi trường nhưng lúng túng, không biết cách xử lý và đùn đẩy trách nhiệm.

     Về việc quy hoạch, định hướng phát triển làng nghề, theo PGS-TS Bùi Cách Tuyến, do không được quy hoạch, định hướng phát triển và quản lý hiệu quả cùng với kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời, dẫn tới làng nghề phát triển một cách thiếu định hướng. Ngoài những làng nghề truyền thống, có giá trị cần được bảo tồn và phát triển, đã xuất hiện sự phát triển hàng loạt cụm “cơ sở công nghiệp nhỏ” ở địa bàn nông thôn, thực chất là một loại “làng nghề” trá hình, lấy danh nghĩa làng nghề để trốn tránh các nghĩa vụ đối với xã hội, trốn các loại phí, thuế, lệ phí nói chung và BVMT nói riêng, trốn tránh các chế tài về BVMT. Đã đến lúc, phải kiên quyết loại bỏ các loại hình sản xuất này khỏi danh mục làng nghề, để đưa các hoạt động làng nghề vào đúng vị trí truyền thống của nó.

 

Theo Danviet.vn

Ý kiến của bạn