Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Lạng Sơn tăng cường thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường

13/01/2014

     Lạng Sơn là vùng biên giới, cửa khẩu phía Bắc Việt Nam, có lợi thế về phát triển kinh tế thương mại và phát triển các mỏ khai thác khoáng sản như than nâu ở Na Dương (Lộc Bình); than bùn (Bình Gia); phốtphorit (Hữu Lũng); bôxít (Văn Lãng, Cao Lộc); vàng (Tân Văn)… Trong những năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế và quá trình đô thị hóa nhanh, đã kéo theo ô nhiễm môi trường (ÔNMT), ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Để khắc phục tình trạng trên, cùng với việc phát triển kinh tế bền vững, công tác BVMT môi trường đã được cấp ủy, chính quyền Lạng Sơn quan tâm và coi đó là một trong những điều kiện để nâng cao chất lượng cuộc sống.

     Theo báo cáo của UBND tỉnh Lạng Sơn, trong những năm gần đây, công tác BVMT được lồng ghép vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình và dự án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nội dung BVMT luôn được quan tâm, xem xét cụ thể trong quá trình thẩm định, phê duyệt các Dự án. Cụ thể, riêng năm 2012 và 6 tháng năm 2013, tỉnh đã tiến hành thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của 21 dự án, trong đó có 19 dự án cải tạo, phục hồi môi trường; 106 bản cam kết BVMT của các tổ chức, cá nhân; cấp 44 sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại; tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về BVMT 128 đơn vị; thực hiện giám sát công tác quan trắc môi trường hàng năm của các đơn vị.

     Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức về BVMT được tăng cường và đa dạng hóa hình thức. Theo đó, các tổ chức đoàn thể đã và đang tích cực tham gia công tác BVMT, với 100% các hội viên của Hội Nông dân, Hội Phụ nữ và Đoàn Thanh niên. Trong đó, điển hình là Hội Phụ nữ đi đầu trong công tác BVMT của tỉnh với các phong trào “5 không, 3 sạch”, “Phụ nữ tham gia giữ gìn vệ sinh đường làng ngõ xóm”, “Phụ nữ trồng cây lấy lá sử dụng thay thế túi ni lông”...

     Trong năm 2013, tỉnh đã tổ chức các hoạt động mít tinh, phát tờ rơi, trồng cây xanh, hưởng ứng các sự kiện môi trường như: Chương trình Giờ Trái đất, Ngày Nước thế giới 22/3, Ngày Môi trường thế giới 5/6 và Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn với nhiều hình thức phong phú và đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Đồng thời, tỉnh còn hỗ trợ kinh phí xây dựng hầm biogas cho các hộ gia đình, duy trì mô hình tự quản BVMT ở khu dân cư.

     Ngoài ra, tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện các biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường triệt để đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg. Đến nay có 6/9 đơn vị được chứng nhận đã hoàn thành các biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường triệt để, 3 cơ sở còn lại là: Mỏ than Na Dương đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số hạng mục công trình xử lý nước thải, cố gắng hoàn thành trong năm 2013; 2 cơ sở (nền kho thuốc bảo vệ thực vật tại huyện Hữu Lũng và điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật tại xã Hoàng Đồng, TP. Lạng Sơn) đang nỗ lực khắc phục, xử lý triệt để ô nhiễm môi trường để sớm ra khỏi Danh mục cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng.

 

Hội viên Hội Phụ nữ Lạng Sơn tham gia phong trào BVMT

 

     Về hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, đến nay, 100% thị trấn, thị tứ, các phường của tỉnh có hợp đồng với các công ty tư nhân, hợp tác xã để thu gom rác sinh hoạt. Trung bình mỗi ngày toàn tỉnh phát sinh hàng trăm tấn rác thải sinh hoạt, trong đó tỷ lệ thu gom đạt khoảng 50%. Bên cạnh đó, toàn tỉnh cơ bản xóa bỏ các lò gạch thủ công, không còn khói lò gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng hoa màu của nhân dân. Tuy nhiên, công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn còn một số tồn tại do hầu hết các bãi chôn lấp rác thải chưa đảm bảo tiêu chuẩn môi trường, việc đầu tư các hạng mục xử lý chất thải tại bãi rác chưa đồng bộ, do vậy đã ảnh hưởng tới môi trường khu vực xung quanh, gây bức xúc cho người dân. Trong khi đó, năng lực của cán bộ làm công tác môi trường còn hạn chế, chưa đồng đều, nhất là cán bộ cấp cơ sở, số lượng chưa đáp ứng được yêu cầu công việc…

     Từ thực tế của địa phương, UBND tỉnh đã đề ra các giải pháp BVMT trong thời gian tới, trong đó tiếp tục triển khai thực hiện các Dự án: Quy hoạch BVMT giai đoạn 2005 - 2010, tầm nhìn đến năm 2020; Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học thời kỳ 2011-2020; Điều tra đánh giá hiện trạng mức độ ô nhiễm môi trường các cửa khẩu biên giới. Đồng thời, triển khai các giải pháp:

     Tăng cường phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường: Kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất, nhập khẩu và sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa chất dùng trong nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản; các loại phế liệu, máy móc, thiết bị đã qua sử dụng; thực hiện tốt công tác tổ chức thẩm định, phê duyệt báo cáo ĐTM, đề án BVMT, xác nhận bản cam kết BVMT đối với các cở sở sản xuất kinh doanh và dự án cải tạo, phục hồi môi trường sau hoạt động khai thác khoáng sản; Xây dựng kế hoạch hoạt động khoáng sản hàng năm; Khoanh định các khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản; Ban hành các quy định về phân cấp quản lý khoáng sản, BVMT trong hoạt động khoáng sản; Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật BVMT theo quy định; Hỗ trợ xử lý các điểm gây ô nhiễm môi trường bức xúc ở địa phương…

     Đẩy mạnh quản lý chất thải: Điều tra, thống kê chất thải, đánh giá tình hình ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường trên địa bàn tỉnh; Tổ chức đăng ký chủ nguồn thải, cấp giấy phép hành nghề vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại theo quy định; Hỗ trợ vận hành các lò đốt chất thải, hệ thống xử lý nước thải y tế; hoạt động phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý giảm thiểu, tái chế, chôn lấp chất thải thông thường và nguy hại trên địa bàn tỉnh; các mô hình thí điểm của địa phương; vận hành bãi chôn lấp chất thải hợp vệ sinh; hỗ trợ các phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải; Khuyến khích hoạt động tái chế, tái sử dụng chất thải, tiết kiệm và nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên; xây dựng và phát triển mô hình tự quản trong công tác BVMT ở địa phương.

     Tăng cường năng lực quản lý môi trường: Đẩy mạnh công tác đào tạo nâng cao năng lực cán bộ về lĩnh vực môi trường ở tất cả các cấp, đặc biệt là cấp huyện và xã; Nâng cao năng lực, tinh thần chủ động trong công tác tham mưu quản lý nhà nước về BVMT; Tăng cường cơ sở vật chất cho các đơn vị quản lý nhà nước về BVMT; Thực hiện tốt công tác xây dựng, quản lý quy hoạch gắn với BVMT; Tăng cường năng lực quan trắc, đảm bảo giám sát chất lượng môi trường thường xuyên, nắm chắc thực trạng và diễn biến môi trường trên địa bàn tỉnh; Thống kê các chỉ tiêu kế hoạch TN&MT, phát triển bền vững theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

     Thực hiện các dự án, nhiệm vụ hợp tác quốc tế về BVMT ở địa phương: Mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế về môi trường; tranh thủ các nguồn lực tài chính của các tổ chức quốc tế để đầu tư cho công tác BVMT.

     Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về BVMT: Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa thân thiện với môi trường, tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về BVMT; Lồng ghép chương trình truyền thông về BVMT trong nội dung hoạt động và sinh hoạt thường kỳ của các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở; Gắn tiêu chí về giữ gìn vệ sinh và BVMT vào các tiêu chí bình xét gia đình văn hóa, làng văn hóa; Tăng cường hoạt động công khai hóa thông tin về hiện trạng chất lượng môi trường trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân hiểu rõ thực trạng và phối hợp với các cơ quan, tổ chức... trong công tác giữ gìn vệ sinh và BVMT.

 

             Châu Loan

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 12/2013

 

Ý kiến của bạn