Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Lâm Đồng: Tăng cường bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai

12/11/2014

     Lâm Đồng là một trong 5 tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên, có vị trí địa lý thuận lợi trong giao lưu phát triển kinh tế - xã hội với vùng Đông Nam bộ và vùng Duyên hải Nam Trung bộ. Lâm Đồng còn là nơi đầu nguồn của 2 hệ thống sông suối chính: sông Krông Nô (một chi lưu của sông Srêpok - Mê Công có diện tích lưu vực 1.248 km2 ) và sông Đồng Nai - La Ngà có diện tích lưu vực 8.524 km2, gồm các sông Đa Dâng, Đa Nhim, Đại Nga, Đạ Huoai và một số phụ lưu phía tả ngạn sông Đồng Nai Thượng, chảy về vùng Đông Nam bộ. Với vị trí này, Lâm Đồng có vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo vệ nguồn nước hệ thống sông Đồng Nai và hệ thống sông Krông Nô.

     Trong những năm qua, Lâm Đồng đã đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế để tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, nâng cao mức sống dân cư góp phần xóa đói, giảm nghèo. Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế đã tạo ra nhiều sức ép đáng kể đối với môi trường nước ở lưu vực hệ thống sông Đồng Nai, đặc biệt là các hoạt động khai thác khoáng sản, phát triển đô thị, du lịch, công nghiệp, nông nghiệp… gây ô nhiễm cục bộ tại nhiều nơi. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh hiện có rất nhiều công trình thủy điện như Đa Nhim, Đại Ninh, Đồng Nai 2, 3, 4, 5… cũng tác động đến nguồn nước trên lưu vực.

 

Môi trường cảnh quan thượng nguồn lưu vực sông Đồng Nai trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng

 

     Trên thực tế, công tác điều tra cơ bản, thống kê nguồn thải trên địa bàn tỉnh cho đến nay chưa được thực hiện một cách hệ thống. Công tác kiểm soát ô nhiễm được thực hiện tại một số doanh nghiệp sản xuất có phát sinh nước thải thoát ra sông Đồng Nai chủ yếu thuộc địa bàn TP Bảo Lộc (một số nhà máy dệt nhuộm), huyện Đức Trọng, Lâm Hà (chế biến cà phê ướt), huyện Đạ Tẻh và Cát Tiên (tập trung là hoạt động khai thác cát trên sông Đồng Nai). Sở TN&MT Lâm Đồng đang xây dựng Dự án Điều tra, đánh giá, phân vùng xả nước thải vào các nguồn tiếp nhận trên địa bàn thực hiện trong năm 2014, trong đó bao gồm nội dung điều tra, khảo sát, xác định cụ thể các nguồn thải chính. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đầu tư và đưa vào vận hành nhà máy xử lý nước thải tập trung cho một số phường của TP Đà Lạt.

     Đề án BVMT lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 187/2007/QĐ-TTg ngày 3/12/2007 là cơ sở pháp lý quan trọng để tỉnh Lâm Đồng và các địa phương khác trên lưu vực xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch hành động cụ thể về BVMT hàng năm và giai đoạn 5 năm. Mới đây, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quyết định số 1643/QĐ-UBND ngày 8/8/2014 phê duyệt Đề án BVMT lưu vực hệ thống sông Đồng Nai trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2020. Mục tiêu tổng quát của Đề án nêu rõ: “Kiểm soát và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm nguồn nước, bảo vệ sinh thái lưu vực hệ thống sông Đồng Nai thuộc địa bàn tỉnh Lâm Đồng” với tổng nhu cầu vốn và nguồn vốn để triển khai là 1.162,187 tỷ đồng.

     Mục tiêu cụ thể của Đề án được phân thành hai giai đoạn: Từ năm 2014 đến năm 2015, kiểm soát và quản lý các nguồn gây ô nhiễm ảnh hưởng trực tiếp đến lưu vực hệ thống sông Đồng Nai thuộc địa bàn tỉnh; kết hợp xử lý, khắc phục từng bước các điểm có khả năng gây ô nhiễm, gồm mở rộng phạm vi thu gom, xử lý nước sinh hoạt đô thị TP Đà Lạt; thu gom, xử lý nước thải cho Khu công nghiệp Lộc Sơn và các cơ sở y tế gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (tập trung vào bệnh viện Y học cổ truyền trên địa bàn TP Đà Lạt và Bảo Lộc); thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường chất thải rắn TP Đà Lạt. Tiếp theo, đến năm 2020, từng bước giảm thiểu ô nhiễm và hạn chế suy thoái môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai thuộc địa bàn tỉnh; tiếp tục triển khai thực hiện nhiệm vụ thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt đô thị cho TP Bảo Lộc và huyện Đức Trọng; thu gom, xử lý nước thải công nghiệp Khu công nghiệp Phú Hội (Đức Trọng); thu gom và xử lý chất thải rắn tại các địa phương thuộc lưu vực hệ thống sông Đồng Nai.

     Để đạt được mục tiêu trên, Đề án đã đưa ra các nội dung và giải pháp chủ yếu cần thực hiện. Đối với nhóm giải pháp công trình, nội dung được đề cập trước tiên là việc xây dựng mới hoặc nâng công suất các hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung, gồm nước thải sinh hoạt đô thị TP Đà Lạt, TP Bảo Lộc và thị trấn Liên Nghĩa (Đức Trọng); nước thải trong hoạt động sản xuất công nghiệp của Khu công nghiệp Lộc Sơn (Bảo Lộc) và Khu công nghiệp Phú Hội (Đức Trọng); nước thải y tế của bệnh viện Y học cổ truyền tại Đà Lạt và Bảo Lộc. Cùng đó là việc rà soát, lập danh mục và xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; thu hút đầu tư xây dựng theo quy hoạch các cơ sở xử lý chất thải rắn thông thường, chất thải rắn nguy hại; xây dựng hệ thống quan trắc môi trường tự động giám sát diễn biến chất lượng môi trường nước tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễn cao trên hệ thống sông Đồng Nai thuộc địa bàn tỉnh.

     Đối với nhóm giải pháp phi công trình, Đề án đặt ra một số nội dung chính như: Tuyên truyền lồng ghép các hoạt động BVMT, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến tầm quan trọng của hệ thống sông Đồng Nai; kiểm soát, quan trắc và giám sát mức độ ô nhiễm môi trường cho từng lưu vực sông; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động xả thải vào nguồn nước; kiểm soát và giám sát chặt chẽ việc thực hiện công tác BVMT đối với các hoạt động khai thác thủy điện, khai thác khoáng sản; thống kê và phân loại các nguồn gây ô nhiễm; thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng khuyến khích các ngành kinh tế thân thiện với môi trường; tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt là rừng phòng hộ đầu nguồn; tăng cường công tác dự báo, cảnh báo các hoạt động làm ảnh hưởng đến môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai...

     Lâm Đồng là một trong những tỉnh đầu nguồn trong lưu vực hệ thống sông Đồng Nai nên có lợi thế lớn trong việc khai thác sử dụng nguồn nước (chủ động về số lượng khai thác và ít bị ô nhiễm hơn về chất lượng so với các tỉnh ở hạ lưu). Tuy nhiên, việc khai thác sử dụng nguồn nước hệ thống sông Đồng Nai cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Đồng có thể sẽ gây ra những tác động xấu đối với các địa phương ở hạ lưu. Vì thế, việc tăng cường quản lý nguồn nước hệ thống sông Đồng Nai trên địa bàn tỉnh là hết sức cần thiết và cấp bách.

 

Hàn Ngọc Tài

Tổng cục Môi trường

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 10/2014

 

Ý kiến của bạn