Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Hiện trạng chất lượng nước lưu vực sông Nhuệ - sông Ðáy tháng 3 năm 2014

26/09/2014

     Để thu thập các thông tin về hiện trạng và diễn biến môi trường nước lưu vực (LV) sông Nhuệ - sông Đáy, liên tục từ năm 2005 đến nay, Trung tâm Quan trắc Môi trường - Tổng cục Môi trường được giao thực hiện chương trình quan trắc định kỳ hàng năm. Chương trình quan trắc tổng thể môi trường nước LV sông Nhuệ - sông Đáy được thực hiện tại 42 điểm qua địa bàn 5 tỉnh/TP gồm: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hòa Bình. Các thông số quan trắc gồm 3 nhóm là thông số đo nhanh tại hiện trường (7 thông số), hóa lý và vi sinh cơ bản (16 thông số) và độc học (5 thông số). Chương trình quan trắc tổng thể triển khai 5 đợt/năm vào các tháng 3, 5, 7, 9 và 11.

     Bảng 1. Chỉ số chất lượng nước WQI

Giá trị WQI

Mức đánh giá chất lượng nước

91-100

Sử dụng tốt cho mục đích cấp nước sinh hoạt

76-90

Sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt nhưng cần các biện pháp xử lý phù hợp

51-75

Sử dụng cho mục đích tưới tiêu và các mục đích tương tự khác

26-50

Sử dụng cho giao thông thủy và các mục đích tương tự khác

0-25

Nước ô nhiễm nặng, cần các biện pháp xử lý trong tương lai

 

     Việc đánh giá chất lượng nước dựa theo chỉ số chất lượng nước (WQI) được tính toán theo Quyết định số 879/QĐ-TCMT ngày 1/7/2011 của Tổng cục Môi trường về việc ban hành sổ tay hướng dẫn tính toán chỉ số chất lượng nước. Theo đó, chất lượng nước được đánh giá với 5 thang: từ mức ô nhiễm nặng (WQI = 0-25) đến mức độ tốt, phù hợp cho mục đích cấp nước sinh hoạt (WQI=91-100). (Bảng 1)

     Hiện trạng môi trường sông Nhuệ - sông Đáy đợt 1 năm 2014

     LV sông Nhuệ - sông Đáy hiện nay đang chịu tác động mạnh mẽ của các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, nhất là hoạt động của các khu công nghiệp, sản xuất làng nghề, khu khai thác và chế biến, khu vực dân cư... Kết quả quan trắc tháng 3/2014 cho thấy, chất lượng nước sông Nhuệ, sông Châu Giang, sông Đào và các sông nội thành hiện đang bị ô nhiễm; môi trường nước sông Đáy và sông Hoàng Long còn khá tốt và có thể sử dụng cho mục đích tưới tiêu. So với cùng kỳ tháng 3/2013, khu vực đầu nguồn sông Nhuệ - sông Đáy, chất lượng nước có được cải thiện nhưng ở khu vực hạ nguồn, chất lượng nước bị suy giảm. Tại các khu vực như: cống Thần, cống Nhật Tựu, cầu Hồng Phú, Thanh Tân, Trung Hiếu Hạ, cầu Đọ Xá, đền Độc Bộ chất lượng nước bị suy giảm.

 

Biểu đồ 1: Giá trị WQI trên sông Nhuệ (Nguồn: TTQTMT, 2014)

 

     Sông Nhuệ

     Khu vực đầu nguồn (hợp lưu nước sông Hồng đổ vào), nước sông hầu như không bị ô nhiễm. Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận nước thải của sông Tô Lịch, sông Nhuệ đã bị ô nhiễm đáng kể. Đoạn sông từ cống Liên Mạc đến Cự Đà có giá trị WQI thấp, nằm trong khoảng 25-50. Nguyên nhân gây ô nhiễm chủ yếu do nước thải sinh hoạt từ các quận nội thành Hà Nội qua sông Tô Lịch, nước thải sinh hoạt và nước thải sản xuất của các cơ sở sản xuất và làng nghề (ví dụ như nước thải từ Công ty dệt Hà Đông) trong khu vực quận Hà Đông đổ trực tiếp vào sông Nhuệ. Một số điểm quan trắc như Đồng Quan, cống Nhật Tựu, Đò Kiều, cầu Hồng Phú có chất lượng nước tốt hơn, giá trị WQI nằm trong khoảng 51-75 và có thể sử dụng cho mục đích tưới tiêu.

 

Biểu đồ 2: Giá trị WQI trên sông Đáy (Nguồn: TTQTMT, 2014)

 

Biểu đồ 3: Giá trị WQI trên các sông khác thuộc LV sông Nhuệ - sông Đáy

(Nguồn: TTQTMT, 2014)

 

     Giá trị WQI đợt 1/2014 so với cùng đợt năm 2013 tại đoạn đầu nguồn sông Nhuệ được cải thiện. Tuy nhiên, tại một số điểm cuối nguồn như cống Thần, cống Nhật Tựu, cầu Hồng Phú chất lượng nước suy giảm, giá trị thông số BOD5 và N- NH4 vượt QCVN 08:2008 loại B1.

 

Thu mẫu thực địa

 

     Sông Đáy

      So với sông Nhuệ, môi trường nước LV sông Đáy nhìn chung bị ô nhiễm ở mức nhẹ và vấn đề ô nhiễm mang tính cục bộ. Giá trị WQI đợt 1/2014 tại hầu hết các điểm quan trắc nằm trong khoảng 51-75 cho thấy, môi trường nước có thể sử dụng cho mục đích tưới tiêu. Giá trị WQI đợt 1/2014 không thay đổi nhiều so với cùng đợt năm 2013. Riêng tại một số điểm đầu nguồn: Mai Lĩnh, Ba Thá, cầu Tế Tiêu và một số điểm khác như: Gián Khẩu, Yên Trị chất lượng nước được cải thiện đáng kể so với cùng đợt năm 2013.

 

Biểu đồ 4. Giá trị WQI trên các sông nội thành thuộc LV sông Nhuệ - sông Đáy

(Nguồn: TTQTMT, 2014)

 

     Các sông khác

      Ngoài các sông nêu trên, chất lượng nước mặt cũng được quan trắc tại sông Long (Nho Quan, cầu Phủ Lý), sông Châu Giang (cầu Sắt, đầm Tái) và sông Đào (Lộc Hạ, đền Độc Bộ). Theo kết quả quan trắc tháng 3/2014, mức độ ô nhiễm của các sông phụ lưu (như sông Hoàng Long, sông Châu Giang, sông Đào...) có sự khác biệt giữa các sông. Tại các điểm quan trắc: cầu Sắt, đầm Tái- sông Châu Giang; Lộc Hạ, đền Độc Bộ - sông Đào giá trị WQI nằm trong khoảng 0-25, cho thấy môi trường nước bị ô nhiễm nặng do giá trị thông số BOD5, N- NH4 và Coliform vượt QCVN 08: 2008 loại B1 từ 2-5 lần. Tại các điểm Nho Quan, cầu Phủ Lý - sông Châu Giang, giá trị WQI nằm trong khoảng 75-90, cho thấy môi trường nước còn tương đối sạch có thể dùng cho mục đích sinh hoạt.

 

     Trung tâm Quan trắc Môi trường công bố hiện trạng chất lượng môi trường nước LV sông Nhuệ - sông Đáy định kỳ (theo đợt quan trắc) thông qua chỉ số WQI. Dưới đây là hiện trạng chất lượng môi trường nước đợt 1 năm 2014 của LV sông Nhuệ - sông Đáy (triển khai từ ngày 10 - 18/3/2014). Bạn đọc có nhu cầu tham khảo kết quả quan trắc chi tiết xin liên hệ với Trung tâm Quan trắc Môi trường để được cung cấp. (Website: quantracmoitruong.gov.vn).

 

Nguyễn Hồng Hạnh, Mạc Thị Minh Trà

Trung tâm Quan trắc Môi trường

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 8/2014

 

 

Ý kiến của bạn