Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Dự án Quản lý ô nhiễm khu công nghiệp thuộc lưu vực sông Ðồng Nai, sông Nhuệ - sông Ðáy

21/01/2014

Dự án Quản lý ô nhiễm KCN thuộc lưu vực sông Đồng Nai, sông Nhuệ - sông Đáy (VIPMP) do Ngân hàng thế giới (WB) tài trợ, với tổng kinh phí 58,85 triệu USD. Trong đó, vốn vay hỗ trợ phát triển (ODA) là 50 triệu USD và vốn đối ứng là 8.85 triệu USD được thực hiện trong 5 năm, bắt đầu từ tháng 4/2013.

Mục tiêu của Dự án là góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo hướng bền vững thông qua hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, tăng cường năng lực thể chế, kỹ thuật và huy động sự tham gia tích cực của cộng đồng trong giám sát và tuân thủ thực thi pháp luật về BVMT ở lưu vực sông Đồng Nai, sông Nhuệ - sông Đáy.

Dự án do Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ quản chung và được chia thành 3 Hợp phần. Hợp phần 1: Tăng cường thể chế và thực thi do Tổng cục Môi trường - Bộ TN&MT chủ trì thực hiện; Hợp phần 2: Thí điểm cho vay đầu tư xây dựng các trạm xử lý nước thải tập trung tại các KCN do Quỹ BVMT Việt Nam - Bộ TN&MT chủ trì thực hiện; Hợp phần 3: Tăng cường năng lực cán bộ về quản lý ô nhiễm nước thải công nghiệp, hỗ trợ kỹ thuật và quản lý dự án do Vụ Quản lý các khu kinh tế - Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thực hiện.

Dự án được triển khai thí điểm ở 4 tỉnh Hà Nam, Nam Định (lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy), tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu (lưu vực sông Đồng Nai). Các mục tiêu và hoạt động của Dự án được thiết kế với ba lĩnh vực, cụ thể:

Tăng cường năng lực, thể chế và nâng cao hiệu quả của công tác tuân thủ thực thi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về môi trường: Rà soát, sửa đổi và bổ sung hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về kiểm soát ô nhiễm công nghiệp, BVMT nước ở các vùng lưu vực sông và phát triển bền vững các KCN.

     Hoàn thiện khung pháp lý cho quản lý ô nhiễm các KCN, VIPMP đang chuẩn bị triển khai các hoạt động nhằm hỗ trợ cho việc xây dựng các văn bản dưới luật trong khuôn khổ hoạt động sửa đổi Luật BVMT năm 2005, nhằm tăng cường quản lý và kiểm soát ô nhiễm công nghiệp đối với chất lượng nước xả thải vào các lưu vực sông.

     Tập trung tăng cường năng lực thanh tra, kiểm tra và giám sát tuân thủ các quy định hiện hành về xử lý nước thải của các doanh nghiệp kinh doanh cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp. Trong đó, thiết lập hệ thống quan trắc tự động chất lượng nước và cảnh báo sớm mức độ ô nhiễm ở các vùng lưu vực sông Đồng Nai, sông Nhuệ - sông Đáy trên địa bàn các tỉnh triển khai Dự án.

     Đồng thời, triển khai các hoạt động chia sẻ vào báo cáo thông tin/dữ liệu quan trắc môi trường nước, giám sát thực hiện quy định hiện hành về BVMT của các doanh nghiệp liên quan. Ngoài ra, Dự án cũng đặt mục tiêu thể chế hóa công tác tuyên truyền, phổ biến, công khai thông tin môi trường và huy động sự tham gia của cộng đồng trong các hoạt động quản lý ô nhiễm môi trường công nghiệp và BVMT lưu vực sông.

 

Hội thảo khởi động Dự án VIPMP tháng 4/2013

 

     Đối với Hợp phần này sau khi Dự án hoàn thành sẽ có 7 văn bản pháp luật liên quan đến quản lý ô nhiễm nước công nghiệp và KCN được cơ quan có thẩm quyền ban hành và thực hiện; xây dựng 17 trạm quan trắc nước tự động (AMS) tại 2 lưu vực sông Đồng Nai và sông Nhuệ - sông Đáy.

     Giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước ở vùng lưu vực các sông Đồng Nai, sông Nhuệ - sông Đáy thông qua hoạt động thí điểm cho vay ưu đãi đối với một số KCN đầu tư xây dựng và vận hành thử nghiệm hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn quốc gia.

     Đây là hoạt động tạo cơ chế và nguồn tài chính ưu đãi của Dự án hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh cơ sở hạ tầng các KCN nhằm khuyến khích xây dựng và vận hành hiệu quả các hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các KCN.

     Quỹ BVMT Việt Nam là đơn vị chủ trì thực hiện cho vay thí điểm 8 KCN thuộc lưu vực sông Đồng Nai, sông Nhuệ - sông Đáy đầu tư xây dựng các hệ thống xử lý nước thải tập trung. Cho đến thời điểm cuối năm 2013, Quỹ BVMT Việt Nam đã giải ngân cho 3 KCN thuộc hai lưu vực sông Đồng Nai (KCN Nhơn Trạch 3; KCN An Phước, tỉnh Đồng Nai), sông Nhuệ - sông Đáy (KCN Bảo Minh, tỉnh Nam Định). Hiện Quỹ BVMT Việt Nam đã và đang tiếp nhận hồ sơ vay vốn của các KCN Hòa Mạc, tỉnh Nam Định; KCN Phú Mỹ 3 và KCN Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, dự kiến sẽ ký kết hợp đồng vay vốn và giải ngân trong quý 1 và quý 2/2014.

     Tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ trong các cơ quan quản lý, lực lượng giám sát và cán bộ môi trường ở các doanh nghiệp thuộc 4 tỉnh tham gia Dự án thông qua các hoạt động đào tạo, khảo sát và hội nghị/hội thảo trao đổi, thực hiện các nghiên cứu và chia sẻ thông tin về quản lý BVMT nói chung và kiểm soát ô nhiễm công nghiệp cũng như BVMT nước nói riêng.

     Dự án sẽ thực hiện 4 mô-đun với 22 khóa đào tạo về quản lý môi trường, quan trắc môi trường, thông tin môi trường... Dự kiến sau khi kết thúc Dự án sẽ có khoảng 2.500 lượt cán bộ ở Trung ương và địa phương sẽ được tham gia các khóa đào tạo nâng cao trình độ. Ngoài các khóa đào tạo trong nước, Dự án cũng sẽ cử các cán bộ kỹ thuật tham gia các khóa đào đạo chuyên sâu nước ngoài, tổ chức các chuyến học tập nghiên cứu cho các cán bộ cấp Trung ương và địa phương.

     Nhằm hỗ trợ cho mục tiêu phát triển bền vững các KCN và kiểm soát hiệu quả nước thải từ các KCN ra hai lưu vực sông Đồng Nai và sông Nhuệ - sông Đáy, Dự án cũng triển khai các nghiên cứu về xây dựng chính sách, các mô hình phát triển bền vững, kiểm soát ô nhiễm, xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật nhằm hỗ trợ quản lý ô nhiễm công nghiệp hiệu quả ở Việt Nam.

 

Trần Duy Đông

Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế;

Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án

Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 1/2014

 

 

 

 

Ý kiến của bạn