Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Chế tài xử phạt phải nghiêm khắc hơn để tạo sức răn đe

09/01/2014

     Thời gian qua, Bộ TN&MT, Tổng cục Môi trường đã tăng cường công tác thanh, kiểm tra về BVMT và coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Hàng năm, Thanh tra Tổng cục thường xuyên chủ trì và phối hợp với các đơn vị và các địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra, kiểm tra định kỳ, cũng như đột xuất khi có đơn thư khiếu nại của người dân để phát hiện và ngăn chặn tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn cả nước.

     Kết quả hoạt động thanh tra

     Tính đến ngày 31/10/2013, Tổng cục Môi trường đã triển khai 22 Đoàn thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về BVMT đối với 489 đơn vị, ban hành kết luận đối với 255 cơ sở, khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn các tỉnh: Bắc Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Bến Tre, Khánh Hòa, Thừa Thiên - Huế, Gia Lai, Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái, Bình Thuận, Đắc Lắc. Các đoàn thanh tra đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với 125/255 đối tượng vi phạm, chuyển cấp có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 10.542.000.000 đồng và ban hành 8 kết luận kiểm tra trách nhiệm quản lý nhà nước về BVMT đối với UBND cấp tỉnh.

     Trong quá trình thanh tra, các đoàn đã phát hiện và xử lý kịp thời nhiều vụ vi phạm, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về BVMT, trong đó có một số vụ vi phạm nghiêm trọng pháp luật về BVMT, gây bức xúc trong nhân dân như: Công ty CP Nguyên phụ liệu Dệt may Bình An thuộc Tổng Công ty Việt Thắng, Công ty TNHH Sản xuất Cơ khí và Dịch vụ Đại Phúc xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường; Công ty CP giấy An Hòa xả 1.500 m3 nước thải chưa qua xử lý ra sông Lô; vụ việc 4 Công ty luyện, cán thép từ thép phế liệu gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (Công ty TNHH Thép FuCo, Công ty Thép Miền Nam, Công ty CP Thép Pomina 2 và Nhà máy luyện phôi thép - Chi nhánh Công ty Cổ phần Thép Pomina); vụ chôn lấp hàng trăm tấn chất thải nguy hại (CTNH) không đúng quy định của Công ty TNHH Nhà nước MTV xử lý và chế biến chất thải Phú Thọ…

     Đặc biệt là vụ việc của Công ty CP NICOTEX Thanh Thái (Yên Định, Thanh Hóa) xảy ra trong thời gian gần đây. Công ty NICOTEX hoạt động từ năm 1999, trong lĩnh vực sang chai đóng gói thuốc bảo vệ thực vật (thuốc trừ sâu, thuốc trừ cỏ và thuốc phòng bệnh). Trong tháng 8/2013, nhân dân trong khu vực đã tố cáo Công ty chôn lấp một khối lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) quá hạn sử dụng và chất thải bao bì đóng gói thuốc BVTV trong khuôn viên Công ty. Ngày 10/9/2013, Bộ TN&MT đã có Công văn số 3481/BTNMT-TCMT đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các Sở, ban ngành liên quan khẩn trương thực hiện một số nội dung như: Thành lập đoàn thanh tra giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của công dân; điều tra, xác minh các thông tin liên quan đến việc chôn lấp hóa chất, BVTV, thuốc trừ sâu; yêu cầu Công ty khẩn trương xây dựng phương án khắc phục, xử lý ô nhiễm và phục hồi môi trường tại các khu vực bị ô nhiễm; điều tra, củng cố chứng cứ để xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức có liên quan đến vụ việc theo quy định pháp luật; điều tra, xác định mức độ thiệt hại về kinh tế và môi trường do hành vi vi phạm của Công ty gây ra làm căn cứ đền bù cho nhân dân khu vực bị ảnh hưởng theo quy định.

     Tiếp theo đó, ngày 20/9/2013, Bộ có Công văn số 3620/BTNMT-TCMT hướng dẫn địa phương về quy trình điều tra, xác định phạm vi, mức độ ô nhiễm và cung cấp danh sách một số đơn vị có chức năng xử lý chất thải nguy hại (CTNH) là hóa chất BVTV tồn lưu hết hạn sử dụng đã được cấp phép; thành lập đoàn khảo sát thực tế tại Công ty và làm việc với UBND tỉnh Thanh Hóa. Kết quả buổi làm việc, UBND tỉnh Thanh Hóa và Bộ TN&MT thống nhất phối hợp chặt chẽ để chỉ đạo và hỗ trợ địa phương khắc phục, xử lý ô nhiễm môi trường, đồng thời, Bộ đã cử cán bộ tham gia Tổ giám sát và hỗ trợ kỹ thuật xử lý ô nhiễm môi trường của Công ty. Tính đến ngày 25/10/2013, các cơ quan chức năng đã khai quật, đóng gói bảo quản và lưu giữ an toàn trong kho khoảng 20 tấn thuốc BVTV do Công ty chôn lấp, dự kiến sẽ chuyển lượng CTNH này cho Công ty CP Tập đoàn Thành Công (là đơn vị hành nghề quản lý CTNH đã được Tổng cục Môi trường cấp phép) để xử lý theo quy định. Hiện Bộ đang tiếp tục phối hợp với UBND tỉnh chỉ đạo, xử lý vụ việc, đồng thời xác định khu vực môi trường bị ô nhiễm để xây dựng phương án xử lý triệt để, đảm bảo không ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống nhân dân.

 

 

     Những khó khăn, vướng mắc và giải pháp nâng cao hiệu quả thanh tra

     Từ những vụ vi phạm gần đây của các doanh nghiệp có thể thấy, công tác thanh tra, kiểm tra vẫn còn một số vướng mắc tồn tại trong hệ thống pháp luật và công tác quản lý nhà nước về TN&MT. Cụ thể, một số văn bản pháp luật còn bất cập, xa rời thực tế, gây khó khăn cho việc hướng dẫn thực thi pháp luật cho các doanh nghiệp. Trong khi hiện nay, tổ chức Thanh tra Tổng cục đang hoạt động dưới hình thức không có chức danh Lãnh đạo Thanh tra nên dẫn đến việc ban hành văn bản hướng dẫn, chỉ đạo điều hành công tác thanh tra môi trường chưa kịp thời. Trong khi lực lượng thanh tra môi trường mỏng, sự phối hợp giữa các ban, ngành, đơn vị thuộc Bộ và Sở TN&MT các tỉnh, TP đôi lúc, đôi nơi còn chưa nhịp nhàng. Đáng nói, việc thanh tra, kiểm tra phải tuân thủ quy định của Luật Thanh tra đó là phải báo trước cho các doanh nghiệp về kế hoạch và nội dung thanh tra cụ thể. Thế nên, mỗi khi có đoàn thanh, kiểm tra, các doanh nghiệp đều thực hiện BVMT nghiêm chỉnh để đối phó, sau khi kiểm tra xong lại đâu vào đấy. Vì vậy, rất khó bắt được quả tang các hành vi vi phạm của doanh nghiệp.

     Chưa kể các chế tài xử phạt còn thiếu, tạo kẽ hở cho doanh nghiệp né tránh, lách luật, mức độ xử phạt thì lại chưa có tính răn đe. Theo Nghị định số 117/2009/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BVMT, đối với thanh tra chuyên ngành, thanh tra viên chỉ được phạt đến 500 nghìn đồng. Chánh thanh tra Sở chỉ được phạt đến 30 triệu đồng, Chánh Thanh tra Tổng cục Môi trường chỉ được phạt đến 300 triệu đồng, Chánh Thanh tra Bộ chỉ được phạt đến 500 triệu đồng. Với mức phạt này thì nếu là doanh nghiệp sản xuất lớn có gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thì kể cả bị phạt tối đa đến 500 triệu đồng cũng vẫn ít so với lợi nhuận thu được từ việc không xử lý chất thải.

     Thời gian qua, Tổng cục Môi trường đã tổ chức lấy ý kiến của các đơn vị, các Sở, ngành liên quan về Nghị định xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BVMT tại 2 TP là Hà Nội và Hồ Chí Minh, nhằm tăng hiệu lực xử lý, có tính răn đe cao đối với những hành vi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng của các doanh nghiệp. Ngày 14/11/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 179/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT, Nghị định bắt đầu có hiệu lực từ ngày 30/12/2013.

     Để công tác thanh, kiểm tra về BVMT đạt hiệu quả, trước mắt, các quy định pháp luật về BVMT cần được bổ sung, sửa đổi hoàn thiện cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn nhằm khắc phục những bất cập đang tồn tại, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về BVMT. Đồng thời, cần ổn định tổ chức thanh tra chuyên ngành theo hướng lâu dài, tạo tâm lý an tâm công tác, đầu tư trang thiết bị phục vụ hoạt động thanh tra tại hiện trường, hỗ trợ phát hiện nhanh vi phạm và nâng cao nghiệp vụ thanh tra theo hướng chuyên sâu.

 

            Trần Hương

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 11/2013

 

 

     Đại biểu Quốc hội Phạm Huy Hùng
     (Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội)

     “Mức phạt hiện nay nhẹ quá, không thấm vào đâu nên không đủ răn đe đối tượng vi phạm. Theo tôi, doanh nghiệp tái phạm nhiều lần phải rút giấy phép hoạt động, đóng cửa ngay. Mọi dự án khi triển khai đều phải đảm bảo yếu tố môi trường. Chế tài xử phạt phải nghiêm khắc hơn nữa để phòng ngừa vi phạm”.

     Đại biểu Quốc hội Đoàn Nguyễn Thùy Trang
     (Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh)

     “Nhiều doanh nghiệp có hệ thống xử lý xả thải nhưng chỉ vận hành khi có đoàn thanh tra tới, đến khi đoàn đi rồi, họ lại tìm cách xả thải ra môi trường bằng hệ thống khác. Cần bổ sung quy định 2 lần thanh tra theo định kỳ, 1 lần thanh tra đột xuất như thế mới có thể phát hiện vi phạm”.

     Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Lê Kế Sơn

     “Chúng tôi đề nghị đưa quy định về trách nhiệm cá nhân, người đứng đầu các tổ chức quản lý liên quan đến các tổ chức vi phạm vào trong Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi). Các Sở TN&MT, Sở Công Thương, các cơ quan liên quan đến sự tồn tại của Nicotex phải chịu trách nhiệm chứ không thể đứng ngoài được. Không thể vì "bảo vệ một con sói mà để ảnh hưởng đến bầy cừu" được.

 

 

 

    

Ý kiến của bạn