Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Cộng đồng xã Phúc Sen bảo vệ và phát triển rừng nhằm bảo vệ môi trường

24/12/2013

     Là xã đi đầu của tỉnh Cao Bằng trong việc trồng và quản lý rừng, Phúc Sen có 808,51 ha diện tích đất lâm nghiệp, trong đó đã giao đến hộ gia đình và cá nhân 29,61ha, giao cho cộng đồng dân cư là 444,12ha, giao cho nhóm hộ gia đình đồng sản lượng 99,2ha. Do địa bàn chủ yếu là núi đá vôi nên công tác khoanh nuôi, bảo vệ rừng luôn được chính quyền và nhân dân xã xác định là nhiệm vụ trọng tâm, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, độ che phủ đạt trên 90%. Ghi nhận những đóng góp xuất sắc trong công tác BVMT, năm 2013, Bộ TN&MT đã trao tặng Giải thưởng Môi trường Việt Nam cho cộng đồng xã Phúc Sen.
     Bia ký đặt trong miếu thờ của làng, dưới một gốc cây nghiến cổ thụ được gọi là Cây Tổ, ghi rõ: "Hai anh em có tên Kỳ Lộc và Kỳ Thái từ phương xa dắt díu cộng đồng dòng tộc di cư về chốn này nương thân (lánh xa các biến cố lịch sử ở quê hương). Nơi đây là một vùng núi đá vôi hiểm trở, rừng già bạt ngàn, có mó nước ngầm từ khe đá tuôn chảy ngày đêm. Cộng đồng họ Kỳ vốn thuộc tộc người Nùng An, thuở cắm đất tái định cư chưa có ruộng, cộng đồng phát huy nghề truyền thống rèn nông cụ và các đồ gia dụng kim loại, bán khắp các vùng của xứ Cao Bằng".

     Tính theo bia ký, đến nay cộng đồng họ Kỳ đã lập làng nơi quê mới này hơn 200 năm (12 đời người). Nghề rèn ưa than gỗ nghiến, nhiệt lượng cao, ít khói, ít tàn, đồ làm ra vừa bền, vừa đẹp. Cây nghiến chỉ mọc trên núi đá, gỗ cứng và rất quý. Từ đời thứ tư trở đi lập thêm 10 làng nữa và trở thành một xã người Nùng An với tên là xã Phúc Sen, thuộc huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng. Ngày đêm rộn ràng tiếng búa đe xen với tiếng bễ rèn và cây nghiến trên núi đá được chặt lấy gỗ hầm than... Đến đời thứ 10, cả 12 làng của xã Phúc Sen lâm vào nạn khô kiệt nguồn nước mó, đất hoang hóa và rừng trên núi đá xác xơ tàn lụi.

     Vào năm 1960 của thế kỷ XX, Bác Hồ kêu gọi toàn dân hưởng ứng Tết trồng cây. Nhận thức được tầm quan trọng và sự cần thiết phải khôi phục lại rừng, chính quyền và nhân dân xã Phúc Sen đã đồng tâm hiệp lực đưa ra giải pháp thực hiện, trước hết là giao đất rừng cho các hộ gia đình và mỗi xóm giành một phần diện tích rừng thích hợp làm rừng cộng đồng. Từ đó, tập thể nhân dân trong xóm đã đưa ra quy ước quản lý bảo vệ rừng phù hợp với điều kiện thực tế và tập quán của từng xóm. Cùng với sự nhiệt tình, cần cù, chịu khó và sáng tạo, người dân Phúc Sen đã phát hiện một loại hạt có thể gieo trồng và mọc trên núi đá rất tốt, đó là cây mác rạc. Cây mác rạc là cây tiên phong và chủ đạo tạo nên rừng. Người dân có thể gieo hạt và sau 3-5 năm cây đã phát triển xanh tốt. Đặc biệt, người dân nơi đây đã có sáng kiến mang đất lên núi để trồng cây xuống hốc đá, khi cây có hạt sẽ tự rơi và mọc từ trên xuống. Phần lớn, cây trồng khôi phục rừng gồm hai cây bản địa, là cây mác rạc đi trước tạo bóng, tạo nền cho đá, sau đó là nghiến dặm vào dưới nền xanh tiên phong để rồi rừng nghiến được phục hồi trên dãy núi đá vôi cháy bỏng đã bao nhiêu năm. Đến nay, nhiều cây trồng đã trở thành cây cổ thụ như rừng nghiến trên 20 ha thuộc xóm Lũng Vài.

 

Con đường dẫn vào thôn Lũng Vài, xã Phúc Sen

 

     Suốt thời gian gần 50 năm, nhân dân xã Phúc Sen phủ xanh trên 90% diện tích, trung bình mỗi hộ dân quản lý 3-4 ha. Đặc biệt, việc khôi phục rừng hoàn toàn từ sức người, sức của do cộng đồng toàn xã đóng góp. Từ khi núi đá được phủ xanh thành rừng, điều nhận thấy rõ nhất là không khí mát mẻ trong lành, nguồn nước chảy đều và nhiều hơn, không còn hiện tượng đá lở từ trên núi xuống, muông thú cũng quay trở về, đàn ong đến tìm hoa làm mật, rừng giữ độ ẩm cho đất tạo khí hậu thích hợp cho các loại cây trồng phát triển đạt năng suất và chất lượng cao. Đặc biệt, rừng đã phục vụ thiết thực cho cuộc sống thường ngày của nhân dân như cung cấp chất đốt, đảm bảo nhu cầu về than củi để duy trì và phát triển nghề rèn đúc truyền thống của địa phương. Bên cạnh đó, rừng còn cho gỗ để làm nhà cửa, các loại lá rừng được dùng cho việc phát triển đàn gia súc, các loại rau rừng và một số loại cây dược liệu quý được giữ gìn và khai thác hợp lý đã đem lại nguồn thu nhập kinh tế cho người dân. Nhiều năm nay, rừng đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. So với năm 1980 trở về trước, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện, số hộ nghèo giảm đáng kể. Năm 1995, tỷ lệ hộ nghèo là 49%, đến năm 2005, hộ nghèo giảm xuống còn 37% và năm 2012 giảm còn 10,3%. Đến nay, ý thức bảo vệ rừng và BVMT đã trở thành nếp sống của người dân Phúc Sen.

     Chính vì xã đã quản lý rừng thành công cùng với sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương nên đã được Dự án Phát triển du lịch bền vững tiểu vùng sông Mê Công mở rộng đầu tư xây dựng xóm Pác Rằng thành điểm du lịch sinh thái - làng nghề truyền thống. Hiện nay, Dự án đã hoàn thành các hạng mục công trình như cải tạo gầm nhà sàn cho hợp vệ sinh, xây dựng đường trong xóm và đường cống ngầm thoát nước... Dự án đang tiếp tục đầu tư xây dựng con đường từ Quốc lộ 3 vào trong xóm, dự kiến cuối năm nay sẽ hoàn thành toàn bộ các hạng mục công trình đưa vào sử dụng.

     Ngoài ra, Phúc Sen còn là nơi được các địa phương trong và ngoài tỉnh đến thăm, giao lưu học tập kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý phát triển và bảo vệ rừng. Một số địa phương đến liên hệ mua hạt giống cây mác rạc về trồng, các xã lân cận học tập và làm theo cách thức mô hình quản lý rừng cộng đồng của xã Phúc Sen, nên đa phần rừng ở các xã xung quanh xanh trở lại, góp phần tạo nên cảnh quan môi trường sinh thái bền vững cho địa phương và khu vực, tạo cảnh quan, tiềm năng du lịch nằm trong hệ thống tua du lịch nổi tiếng của Cao Bằng là Động Ngườm Ngao - Thác Bản Giốc (xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh), hồ Thang Hen (xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh.

     Phúc Sen không chỉ là một xã đi đầu trong việc trồng và bảo vệ rừng của tỉnh Cao Bằng, mà còn thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa giống mới vào sản xuất và chăn nuôi đạt hiệu quả. Đồng thời, cũng là địa phương nhiều năm đạt được thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua yêu nước. Năm 2001, xã Phúc Sen được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới”. Vừa qua, xã Phúc Sen là cộng đồng duy nhất trong cả nước đạt Giải thưởng Môi trường Việt Nam năm 2013, với giải pháp bảo vệ, sử dụng hợp lý và phát triển tài nguyên thiên nhiên.

 

      Nguyễn Hằng

Chuyên đề Cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường

Ý kiến của bạn