Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động bảo vệ môi trường - Một năm nhìn lại

02/03/2015

     Những năm qua, hoạt động thanh tra, kiểm tra luôn được Bộ TN&MT xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của quản lý nhà nước song song với việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường. Trong lĩnh vực BVMT, công tác thanh tra, kiểm tra hàng năm được lãnh đạo Bộ, lãnh đạo Tổng cục Môi trường quan tâm để triển khai một cách sâu rộng, toàn diện và đạt kết quả tốt. Qua đó, nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong vấn đề BVMT gắn với các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

     Năm 2014, hoạt động thanh tra, kiểm soát môi trường đã được triển khai một cách toàn diện. Nếu như trước đây, chỉ thanh tra đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, lần đầu tiên, Bộ TN&MT, Tổng cục Môi trường đã triển khai kiểm tra đối với lĩnh vực đa dạng sinh học (ĐDSH). Để đánh giá đầy đủ công tác BVMT của địa phương, từ đó đề xuất, kiến nghị chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về môi trường. Trong hoạt động thanh tra, kiểm tra về BVMT thường kết hợp thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các cơ sở sản xuất, kinh doanh với kiểm tra, rà soát trách nhiệm quản lý nhà nước của UBND các tỉnh/TP.

     Do số lượng các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên cả nước rất lớn, nên việc lựa chọn đối tượng thanh tra cũng phải có tiêu chí lựa chọn rõ ràng, đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả, tập trung chủ yếu vào các cơ sở có lượng xả thải lớn, thuộc loại hình hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao như: Hóa chất, dệt nhuộm, cơ khí, rượu bia - nước giải khát, khai thác khoáng sản, những cơ sở thuộc danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, bệnh viện...

     Mặc dù, trong bối cảnh tổ chức và hoạt động thanh tra chuyên ngành môi trường đang trong quá trình chuyển đổi, hoàn thiện theo Luật Thanh tra năm 2010, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của lãnh đạo Bộ TN&MT, Tổng cục Môi trường, cùng với sự nỗ lực của toàn ngành, công tác kiểm soát hoạt động BVMT đã được triển khai trên phạm vi cả nước với 814 cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ và hàng chục Vườn quốc gia/khu bảo tồn thiên nhiên. Đến nay, đã phát hiện và xử lý vi phạm về BVMT đối với 351 đối tượng, tổng tiền phạt gần 86 tỷ đồng. Các hành vi vi phạm phổ biến là: Vi phạm về quản lý CTNH chiếm 85%; Xả thải vượt quy chuẩn chiếm 55%; Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) chiếm 52%; Không có xác nhận hoàn thành công trình biện pháp BVMT chiếm 90% đối tượng phải xác nhận… Đồng thời, phát hiện và bắt quả tang 14 cơ sở xả thải ra môi trường, tạm đình chỉ hoạt động sản xuất có phát sinh chất thải gây ô nhiễm của 38 cơ sở theo quy định pháp luật.

     Về quản lý môi trường, qua công tác kiểm tra cũng cho thấy, việc triển khai các quy định về BVMT tại các địa phương còn nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục như: Hầu hết các địa phương chi sự nghiệp môi trường không đúng nội dung hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 45/2010/TTLT-BTC-BTNMT; Chất lượng thẩm định, phê duyệt báo cáo ĐTM, xác nhận cam kết BVMT thấp, nội dung chung chung, chưa phù hợp với hướng dẫn lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo ĐTM, cam kết BVMT. Bên cạnh đó, một số địa phương cấp sổ đăng ký chủ nguồn thải không đúng quy định, áp sai mã, thiếu các nội dung theo hướng dẫn của Thông tư số 12/2011/TT-BTNMT của Bộ TN&MT.

     Ngoài ra, trong quá trình  thanh tra cũng cho thấy, các vi phạm về BVMT của cơ sở dịch vụ công ích được thanh tra, kiểm tra là khá phổ biến, bao gồm: Bệnh viện, Công ty môi trường đô thị, chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp (KCN)/cụm công nghiệp (CCN) thuộc Ban Quản lý các KCN… Hầu như những cơ sở này không thực hiện các quy định về BVMT, mặc dù đã được nhắc nhở, yêu cầu nhiều lần. Thêm vào đó, nhiều địa phương chưa kiên quyết xử lý vi phạm, thậm chí có trường hợp UBND cấp tỉnh có văn bản xin không xử phạt dẫn tới tình trạng nhờn luật, trông chờ, ỷ lại, không quan tâm đầu tư xử lý môi trường của các cơ sở.

 

Đoàn Thanh tra kiểm tra, khảo sát tại Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Đồng Nai

 

     Với sự phối hợp chặt chẽ của các Sở TN&MT/UBND cấp huyện trong quá trình thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về môi trường, các Đoàn thanh tra có điều kiện để chia sẻ kinh nghiệm, từng bước nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, thanh tra viên và chuyên viên tại địa phương; Hướng dẫn, yêu cầu các doanh nghiệp phải hoàn thiện hồ sơ, thủ tục về BVMT còn thiếu, giúp các cơ sở khắc phục thiếu sót, chấn chỉnh những nội dung thực hiện không đúng quy định BVMT.

     Song song với đó, hoạt động thanh, kiểm tra còn là cầu nối, là kênh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BVMT khá hiệu quả thông qua việc rà soát tình hình thực thi pháp luật tại địa phương để lồng ghép, phổ biến quy định mới, giải đáp vướng mắc của địa phương, doanh nghiệp. Đồng thời, tiếp nhận những phản hồi của doanh nghiệp và địa phương về bất cập trong chính sách, pháp luật về môi trường để đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn. Từ thực tế hoạt động kiểm soát môi trường trong thời gian qua còn phát hiện nhiều quy định pháp luật chưa phù hợp với thực tiễn như quy định về thời hạn/gia hạn lập đề án BVMT, thời hạn xác nhận hoàn thành công trình biện pháp BVMT... Công tác kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình, biện pháp BVMT hoàn toàn bị động theo chủ dự án. Nhiều trường hợp không gửi hồ sơ vẫn đưa dự án vào vận hành chính thức mà không cần có xác nhận hoàn thành công trình, biện pháp BVMT.

     Bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, qua hoạt động kiểm soát môi trường năm 2014, còn nhiều tồn tại, hạn chế cần được quan tâm giải quyết.

     Thứ nhất, hoạt động thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp còn chồng chéo giữa lực lượng cảnh sát môi trường và cơ quan quản lý môi trường các cấp, dẫn đến phiền hà cho doanh nghiệp, có doanh nghiệp hàng năm phải tiếp tới 12 đoàn thanh, kiểm tra công tác BVMT. Trong khi hoạt động thanh tra, kiểm tra còn thiếu chủ động, linh hoạt. Mặt khác, Luật Thanh tra chưa tháo gỡ được những ràng buộc mang tính thủ tục hành chính như phải có quyết định, phải thông báo trước… vô tình đã hạn chế việc phát hiện vi phạm, đặc biệt là vi phạm về xả thải. Khi nhận được quyết định thanh, kiểm tra, các cơ sở đã có đủ thời gian để chuẩn bị đối phó.

     Thứ hai, nhiều quy định về BVMT thiếu tính ổn định, nặng về thủ tục hành chính và thiếu khả thi… gây khó khăn cho doanh nghiệp khi thực hiện. Ví dụ, Luật BVMT quy định các cơ sở phát sinh CTNH phải đăng ký chủ nguồn thải với cơ quan chuyên môn về BVMT cấp tỉnh, nhưng việc đăng ký chủ nguồn thải thường khác xa so với thực tế phát sinh nên kết quả đăng ký không sát với thực tế, số liệu không đủ tin cậy; hay  theo Thông tư 12/2011/TT-BTNMT, doanh nghiệp vận chuyển phải có tối thiểu số lượng xe vận chuyển CTNH, khiến doanh nghiệp phải đầu tư đủ số lượng xe quy định, trong khi nhu cầu vận chuyển ít; hoặc doanh nghiệp có thể thuê, mượn những xe vận chuyển được đăng ký, đủ điều kiện vận chuyển CTNH để đối phó.

     Thứ ba, hoạt động thanh tra, kiểm tra và thực hiện chức năng quản lý về ĐDSH cũng gặp không ít khó khăn do phạm vi, trách nhiệm quản lý nhà nước về ĐDSH giữa Bộ TN&MT với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) còn mơ hồ. Điều 33, Luật ĐDSH năm 2008 quy định: “Ban quản lý khu bảo tồn (KBT), tổ chức được giao quản lý KBT có trách nhiệm báo cáo hiện trạng ĐDSH của KBT với cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý KBT” như vậy, Ban quản lý Vườn quốc gia có trách nhiệm báo cáo định kỳ hiện trạng ĐDSH về Bộ NN&PTNT chứ không phải về Bộ TN&MT theo trách nhiệm quản lý nhà nước quy định tại Khoản 2, Điều 6, Luật ĐDSH.

     Thứ tư, đối với các vi phạm về BVMT của các cơ sở dịch vụ công ích chủ yếu xuất phát từ sự thiếu quan tâm đến công tác BVMT của chủ cơ sở, lãnh đạo đơn vị, cũng như thiếu đầu tư từ ngân sách cho BVMT và xử lý chất thải, chưa gắn công tác BVMT với đầu tư phát triển, nên có hiện tượng một số bệnh viện được Nhà nước đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng các hạng mục khám, chữa bệnh với quy mô vài trăm giường bệnh nhưng không có dự toán đầu tư hạng mục, công trình xử lý nước thải, chất thải bệnh viện.

     Để hoạt động, kiểm soát môi trường có hiệu lực, hiệu quả trong thời gian tới cần quan tâm triển khai những giải pháp cơ bản sau:

     Tăng cường rà soát, sửa đổi bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật về môi trường theo hướng ổn định; kế thừa những quy định đã đi vào cuộc sống; nghiên cứu, lược bỏ những quy định không phù hợp, xa rời thực tế, hạn chế quy định mang tính thủ tục hành chính không cần thiết, giảm phiền hà cho doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo quản lý môi trường chặt chẽ, hiệu quả.

     Đẩy mạnh xã hội hóa công tác BVMT, xử lý chất thải để huy động tối đa mọi nguồn lực cho công tác BVMT; khuyến khích người dân tham gia giám sát việc chấp hành pháp luật về BVMT của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ để phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm về BVMT.

     Cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 179/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính về BVMT phù hợp với Luật BVMT 2014, tăng cường công khai thông tin vi phạm về BVMT trên các phương tiện thông tin đại chúng để tạo áp lực buộc các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải tuân thủ nghiêm túc quy định về BVMT;

     Thường xuyên tập huấn, triển khai Luật BVMT 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành cho cơ quan quản lý các cấp và doanh nghiệp, đẩy mạnh công tác truyền thông về môi trường với hình thức và nội dung đa dạng, phong phú để từng bước nâng cao nhận thức cho cộng đồng về BVMT. 

     Đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát môi trường có trọng tâm, trọng điểm, giải quyết dứt điểm những nội dung, vấn đề nóng, bức xúc về môi trường, thông qua đó cập nhật những quy định mới về BVMT, hướng dẫn cho các địa phương, doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ, thủ tục về môi trường, xử lý nghiêm các vi phạm gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, tiếp tục củng cố, hoàn thiện cơ cấu tổ chức về BVMT từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt, sớm bổ sung chức năng thanh tra chuyên ngành cho Chi cục BVMT, tăng cường biên chế cán bộ quản lý môi trường cho cấp huyện, xã để đáp ứng yêu cầu quản lý trong thời gian tới.

     Để công tác kiểm soát môi trường đạt được hiệu quả và thực sự là công cụ đắc lực, không thể thiếu trong công tác quản lý nhà nước về môi trường, bên cạnh việc hoàn thiện quy định pháp luật, tạo hành lang pháp lý cần thiết cho hoạt động thanh tra, kiểm tra chủ động, linh hoạt, cần có cơ chế sàng lọc đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra, thanh tra có tâm, đủ tầm, trong sạch, bản lĩnh, hiểu biết pháp luật để vận dụng, xử lý tốt các tình huống cụ thể trong công tác kiểm soát hoạt động BVMT. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo Bộ TN&MT, Tổng cục Môi trường, sự phối hợp, hỗ trợ của các đơn vị trong và ngoài Tổng cục, thời gian tới, công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm soát hoạt động BVMT sẽ tiếp tục phát triển và đạt được nhiều kết quả cao hơn, góp phần BVMT trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cũng như phát triển bền vững.

 

Lương Duy Hanh, Hoàng Văn Vy

Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 1+2/2015

 

Ý kiến của bạn