Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Các nguồn phát thải và định hướng giảm phát thải khí nhà kính

12/08/2014

     Theo báo cáo đánh giá của Nhóm công tác I thuộc Ủy ban Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) đưa ra vào đầu năm 2013, BĐKH là một trong những thách thức lớn nhất của nhân loại. Những ảnh hưởng của BĐKH đến con người và các thay đổi của hệ thống khí hậu cũng đã được ghi nhận từ những năm 1950. Nguyên nhân chính của BĐKH là do phát thải khí nhà kính (KNK), trong đó, các hoạt động sinh sống và sản xuất của con người là nguồn phát thải chính. KNK được định nghĩa là những thành phần của khí quyển, được tạo ra do tự nhiên và các hoạt động của con người. Chúng có khả năng hấp thụ các bức xạ sóng dài được phản xạ từ bề mặt Trái đất khi được chiếu sáng bằng ánh sáng mặt trời, sau đó phân tán nhiệt lại cho Trái đất, gây nên hiệu ứng nhà kính. Tiếp tục phát thải KNK sẽ làm nặng nề thêm những thay đổi của khí hậu toàn cầu cũng như những ảnh hưởng tiêu cực của nó lên tự nhiên và con người.

     According to a report by Working Group 1 of Intergovernmental Panel for Climate Change in early 2013, climate change is one of the biggest challenges to humankind. Impact of climate change on humans and climate systems has been noted since 1950. A major cause of climate change is green house gases (GHGs) which come mainly from production and human activities. The GHGs are defined as climate components generated natural and human activities. They can absorb long waves emitted from the earth surface under the sun light and retains some heat on the earth which creates green house gas effects. To continue to emit GHGs will worsen global climate change and create negative impact on the nature and people.

     Các nguồn phát thải KNK

     Căn cứ theo nguồn gốc phát sinh, mức độ phát thải tuyệt đối và xu hướng phát thải cũng như mức độ ảnh hưởng đến tổng tiềm năng phát thải KNK của các quốc gia, các nguồn phát thải được chia thành 4 nhóm chính:

     Năng lượng: Là một trong những nguồn phát thải KNK lớn nhất hiện nay. Lĩnh vực này thường đóng góp đến trên 90% lượng CO2 và 75% lượng KNK khác phát thải ở các nước đang phát triển. 95% các khí phát thải từ ngành năng lượng là CO2, còn lại là CH4 và NO với mức tương đương. Phát thải trong lĩnh vực năng lượng chia thành 3 nhóm: phát thải do đốt cháy nhiên liệu hóa thạch (trong các ngành công nghiệp năng lượng, hoạt động giao thông vận tải...); Phát thải tức thời (tức là lượng khí, hơi thải ra từ các thiết bị nén do rò rỉ, không mong muốn hoặc không thường xuyên từ quá trình khai thác, chế biến, vận chuyển nhiên liệu...) và hoạt động thu hồi và lưu trữ các bon. Trong đó, phát thải từ đốt nhiên liệu hóa thạch đóng góp đến 70% tổng lượng phát thải, tiêu biểu là từ các nhà máy điện và nhà máy lọc dầu.

     Quy trình công nghiệp và sử dụng sản phẩm (IPPU): Phát thải từ lĩnh vực IPPU phát sinh trong các quy trình xử lý công nghiệp; việc sử dụng KNK trong các sản phẩm và sử dụng các bon trong các nhiên liệu hóa thạch không nhằm mục đích sản xuất năng lượng. Trong đó, nguồn phát thải chính là các quy trình công nghiệp xử lý nguyên liệu về mặt hóa học hoặc vật lý. Trong suốt các quy trình này, nhiều loại KNK được tạo ra bao gồm: CO2, CH4, N2O, HFCs và PFCs. Lĩnh vực IPPU đóng góp khoảng 7% lượng khí thải tạo ra từ các nước phụ lục I (UNFCCC, 2008) và xấp xỉ 6% ở các nước không thuộc phụ lục I (UNFCCC, 2005).

 

Nguồn: Thông báo quốc gia lần thứ nhất và lần thứ hai của Việt Nam cho Công ước khung

của Liên hợp quốc về BĐKH

 

     Nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất (AFOLU): Các nguồn chủ yếu gây phát thải bao gồm phát thải CH4 và N2O từ chăn nuôi, trồng lúa nước, đất canh tác nông nghiệp, hoạt động đốt trong sản xuất nông nghiệp; Phát thải/hấp thụ CO2 trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thay đổi sử dụng đất. Nói chung, lĩnh vực AFOLU đóng góp khoảng 30% lượng phát thải KNK toàn cầu, chủ yếu là do CO2 phát thải từ những thay đổi trong sử dụng đất (phần lớn là do phá rừng nhiệt đới) và CH4, N2O từ trồng trọt và chăn nuôi gia súc.

     Chất thải: Các loại KNK có thể phát sinh trong lĩnh vực chất thải bao gồm: CO2, CH4 và N2O. Các nguồn phát sinh KNK chính trong lĩnh vực chất thải được ghi nhận là: chôn lấp chất thải rắn; xử lý sinh học chất thải rắn; thiêu hủy và đốt mở chất thải; xử lý và xả nước thải. Thông thường, CH4 phát thải từ các bãi chôn lấp chất thải rắn (SWDS) chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng lượng KNK của lĩnh vực này. CH4 trong xả và xử lý nước thải cũng đóng một vai trò tương đối quan trọng. Bên cạnh đó, xả thải, xử lý chất thải rắn và nước thải cũng đồng thời tạo ra các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi không metan (NMVOCs), NOx, CO và NH3. NOx chủ yếu sinh ra khi đốt chất thải, còn NH3 sinh ra trong quá trình compost. NOx và NH3 có thể gián tiếp tạo ra N2O. Tuy nhiên, lượng N2O này chiếm một tỷ lệ nhỏ, không đáng kể.

     Thực trạng phát thải KNK ở Việt Nam

     Trong giai đoạn 2001 - 2010, kinh tế Việt Nam đã đạt được một số thành tựu nhất định. Các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế đều có bước phát triển khá. Tuy nhiên, cùng với sự tăng trưởng của nền kinh tế cũng như những bước đi lên trong đời sống xã hội, Việt Nam đang ngày càng gia tăng lượng KNK phát thải trong tất cả các lĩnh vực.

     Căn cứ theo kết quả kiểm kê quốc gia KNK vào các năm 1994, 2000 và 2005, lượng khí thải tại Việt Nam được thể hiện trong Bảng, trong đó, các khí thải tại các năm cơ sở được quy đổi thành CO2 tương đương.

     Trong lĩnh vực năng lượng, tại Việt Nam, KNK chủ yếu được phát thải từ quá trình đốt nhiên liệu và phát thải tức thời trong khai thác, vận chuyển. Trong đó, hoạt động đốt nhiên liệu xảy ra phổ biến ở các ngành sản xuất điện; công nghiệp và xây dựng; giao thông vận tải; thương mại/dịch vụ; dân dụng; nông nghiệp/lâm nghiệp/thủy sản và một số ngành khác. Phát thải do phát tán KNK chủ yếu do khai thác than, dầu, khí và rò rỉ khí. Trong đó, KNK từ quá trình đốt nhiên liệu chiếm tỷ trọng khoảng 85 - 90%.

 

Biểu đồ xu thế phát thải KNK theo các lĩnh vực tại Việt Nam

 

     Các loại hình sản xuất công nghiệp chính thường sinh khí thải trong lĩnh vực này là: sản xuất xi măng; sản xuất vôi; sản xuất amoni; sản xuất carbide và sản xuất sắt, thép.

     Theo kết quả kiểm kê KNK năm 1994, lượng KNK phát thải trong lĩnh vực nông nghiệp là 52,45 triệu tấn CO2 tương đương, chiếm 50,50% tổng lượng KNK phát thải của cả nước; trong lĩnh vực lâm nghiệp, thay đổi sử dụng đất là 19,38 triệu tấn CO2 tương đương, chiếm 18,70% tổng lượng KNK phát thải của cả nước. Đến năm 2005, lượng KNK phát thải trong lĩnh vực nông nghiệp là 80,58 triệu tấn CO2 tương đương, chiếm 49,37% tổng lượng KNK phát thải của cả nước (trong đó, phát thải từ trồng lúa chiếm 44,49%; từ đất nông nghiệp 32,22%; từ lên men tiêu hóa 11,54%, còn lại là từ quản lý phân bón, đốt phụ phẩm nông nghiệp và đốt đồng cỏ); trong lĩnh vực lâm nghiệp, thay đổi sử dụng đất hấp thụ 36,67 triệu tấn CO2 tương đương.

     Phát thải KNK trong lĩnh vực quản lý chất thải được tính toán cho các hoạt động thu gom, xử lý chất thải rắn đô thị và phát thải KNK từ nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp. Tại Việt Nam, những năm gần đây, mỗi năm có khoảng trên 15 triệu tấn chất thải rắn được thải ra từ các nguồn khác nhau, trong đó trên 80% là từ các khu đô thị, còn lại là chất thải công nghiệp. Tuy nhiên, chỉ có một phần trong đó được thu gom và xử lý với mức trên 70% ở khu vực đô thị và khoảng 20% ở khu vực nông thôn. Phát thải chủ yếu bao gồm: Phát thải CH4 từ các bãi chôn lấp chất thải rắn được thu gom; từ nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt; phát thải N2O từ bùn cống nước thải sinh hoạt; phát thải CO2 và N2O từ quá trình đốt chất thải. Nhìn chung, phát thải từ lĩnh vực chất thải chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ (2.5 - 5.3%) trong cơ cấu tổng phát thải quốc gia.

     Hai lĩnh vực hiện đang có tỷ trọng phát thải lớn nhất là nông nghiệp và năng lượng. Tuy nhiên, phát thải từ năng lượng sẽ có xu thế tăng nhanh trong những năm tới cả về tổng lượng cũng như tỷ trọng trong cơ cấu phát thải. Giống như ở đa số các quốc gia khác, năng lượng sẽ là lĩnh vực chiếm tỷ trọng phát thải lớn nhất trong cơ cấu kinh tế quốc gia những năm tới.

     Đề xuất các giải pháp giảm phát thải KNK

     Các giải pháp giảm phát thải KNK có thể được xây dựng căn cứ theo các yếu tố ảnh hưởng đến lượng phát thải trong từng lĩnh vực, ngành. Chẳng hạn, tại Việt Nam, trong lĩnh vực phát thải lớn nhất hiện nay là AFOLU, các yếu tố tác động đến phát thải KNK được chỉ ra là: số lượng vật nuôi (tỷ lệ thuận với lượng phát thải CH4, N2O); đặc điểm loại vật nuôi (ảnh hưởng đến lượng nitơ bài tiết); diện tích thu hoạch lúa và thời gian canh tác lúa (ảnh hưởng đến tiềm năng phát thải CH4); mức độ sử dụng phân bón N tổng hợp, phân chuồng, phân hữu cơ, bùn thải, phụ phẩm cây trồng và hệ số phát thải N2O; khối lượng sinh khối, gỗ chết/rác bị đốt cháy; diện tích bị đốt cháy; lượng vật chất khô/đơn vị diện tích trong các bể chứa các bon; diện tích đất; hệ số phát thải.

     Trên cơ sở xác định các yếu tố ảnh hưởng, các giải pháp giảm phát thải KNK nói chung và trong lĩnh vực AFOLU nói riêng sẽ được xây dựng theo hướng tác động đến khả năng hấp thụ và phát thải KNK theo chiều hướng có lợi cho việc giảm phát thải ròng. Theo đó, cơ hội để giảm thiểu KNK trong nông nghiệp gồm 3 nhóm: Giảm phát thải CO2, CH4, N2O bằng các biện pháp quản lý, kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp; tăng cường khả năng dự trữ, hấp thụ các bon trong các bể chứa hệ sinh thái nông, lâm nghiệp; tránh hoặc di dời phát thải bằng cách thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng nhiên liệu sinh học từ cây trồng và phụ phẩm nông nghiệp, tránh và hạn chế canh tác nông nghiệp ở những khu vực có rừng, đồng cỏ, thảm thực vật.

     Để cụ thể hóa các giải pháp giảm phát thải KNK theo hướng trên, các quốc gia thường kết hợp giữa xây dựng, phát triển các chính sách giảm thải với đẩy mạnh nghiên cứu, áp dụng các giải pháp công nghệ. Các chính sách giảm phát thải KNK khá đa dạng và khác nhau ở từng quốc gia. Tuy nhiên, về cơ bản, thường được chia thành 3 nhóm theo công cụ: các chính sách ưu đãi về kinh tế; cách tiếp cận theo quy định và kiểm soát; các hình thức tự nguyện, truyền thông và tiếp cận cộng đồng; nghiên cứu và phát triển. Sự hiệu quả của các công cụ kinh tế và các quy định phụ thuộc đáng kể vào hoàn cảnh của từng quốc gia. Trong khi đó, đầu tư vào nghiên cứu, phát triển và truyền thông có thể đem lại tác động tích cực và lan tỏa đối với giảm nhẹ và thích ứng với BĐKH ở hầu hết các trường hợp.

 

 

     Bên cạnh các giải pháp về chính sách, giải pháp về công nghệ là một mặt không thể thiếu trong chiến lược giảm phát thải KNK của các quốc gia. Các giải pháp này rất đa dạng, nhưng cần được đầu tư nghiên cứu và thử nghiệm để đảm bảo phù hợp với điều kiện của quốc gia nói chung, cũng như ngành nghề, địa bàn áp dụng nói riêng. Các tổ chức, chương trình quốc tế như Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH hay Chương trình phát triển Liên hợp quốc đã đưa ra danh mục các công nghệ giảm thải căn cứ theo các nguồn phát thải. Các công nghệ đưa ra được áp dụng cho từng tiểu ngành, tiểu lĩnh vực cụ thể.

     Ứng phó với BĐKH, giảm phát thải KNK đang là bài toán chung cho tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Để giảm phát thải KNK và đảm bảo các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cũng là câu hỏi mà tất cả các quốc gia đang nỗ lực tìm lời giải đáp. Các phương án, lựa chọn giảm phát thải không những phải góp phần hỗ trợ các quốc gia đảm bảo thực hiện các cam kết quốc tế trong cắt giảm khí thải mà còn cần giữ vững, duy trì an ninh năng lượng, an ninh lương thực cũng như phúc lợi xã hội. Có thể nói, vấn đề này chỉ có thể được giải quyết khi các quốc gia có định hướng đúng trong công tác giảm phát thải KNK, trên cơ sở xác định các nguồn phát thải chính, lĩnh vực giảm phát thải ưu tiên, các yếu tố tác động đến lượng phát thải, từ đó đưa ra các chính sách hợp lý… tác động trên nhiều phương diện, đối tượng cũng như tạo môi trường thuận lợi để triển khai các công nghệ giảm phát thải tiềm năng.

 

 

TS. Nguyễn Văn Tài, Viện trưởng

TS. Nguyễn Tùng Lâm

Hoàng Ngọc Hân

Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 7/2014

 

Ý kiến của bạn