Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Các mô hình cộng đồng tiêu biểu tham gia vào công tác bảo vệ môi trường

25/12/2013

     Trong thời gian qua, có nhiều mô hình cộng đồng tham gia vào công tác BVMT thành công, góp phần đáng kể vào việc đẩy mạnh xã hội hóa (XHH) BVMT. Việc nhân rộng các mô hình nhằm phát huy các sáng kiến của cộng đồng trong BVMT, tăng cường vai trò của cộng đồng giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách và pháp luật về BVMT của các địa phương… là một trong những việc làm cần thiết hiện nay. Sau đây là một số mô hình cộng đồng thực hiện công tác BVMT có hiệu quả:

     1. Mô hình cộng đồng tiêu biểu trong công tác XHH BVMT về thu gom, vận chuyển , xử lý rác thải sinh hoạt tại xã Cổ Nhuế - Hà Nội

     Xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm được TP. Hà Nội chọn để thí điểm thực hiện XHH BVMT. Đây là xã sản xuất nông nghiệp, có tốc độ đô thị hóa nhanh nên gây nhiều tác động xấu đến môi trường. Tình trạng thoát nước là vấn đề lớn của xã, nhiều nơi nước thải tràn ra đường do cống bị tắc. Mùa mưa thì hầu như các thôn đều bị ngập, mức nước ngập lên đến 40 cm, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

     Bên cạnh đó, lượng rác thải của xã trung bình khoảng 5 tấn/ngày (trong đó khoảng 1 tấn là do các cơ sở sản xuất thải ra). Thành phần chủ yếu là rác hữu cơ chiếm 70 - 80%. Trong đó, khoảng 70% số rác được Xí nghiệp Môi trường Đô thị Từ Liêm vận chuyển đến bãi chôn lấp của thành phố, số còn lại tồn đọng trôi nổi khắp nơi.

 

Đường làng, ngõ xóm thay đổi nhờ mô hình cộng đồng tham gia BVMT

 

     Để khắc phục tình trạng trên, hàng năm xã đã dành 15% nguồn thu để chi cho công tác môi trường. Đồng thời, vận động nhân dân trong xã thực hiện BVMT. Cụ thể như:

     Công tác thu gom và phân loại rác: Do lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn không lớn, nên Chính quyền xã vận động nhân dân phân loại rác tại từng hộ gia đình. Mỗi hộ đều có thùng đựng để phân loại, tách riêng rác hữu cơ với các loại rác khác để tái sử dụng hoặc tái chế. Việc làm này giảm được khối lượng thu gom và có biện pháp xử lý dễ dàng, tránh được ô nhiễm. Mỗi hộ đều có thùng đựng để phân loại, tách riêng rác hữu cơ với các loại rác khác để tái sử dụng hoặc tái chế.

     Công việc thu gom và vận chuyển rác đến địa điểm tập trung được giao cho một đơn vị dịch vụ thu gom rác do người dân lựa chọn, thông qua đấu thầu do Ban Môi trường của xã đứng ra tổ chức.

     Rác được thu gom theo từng tổ dân cư, mỗi tổ cử ra đại diện để tham gia thu phí và nộp cho Ban Môi trường xã hoặc đóng trực tiếp cho chủ thầu, đồng thời là người giám sát việc thu gom rác. Sau khi rác được thu gom, Ban Môi trường xã ký hợp đồng vận chuyển và xử lý rác với Xí nghiệp Môi trường Đô thị Từ Liêm.

     Công tác xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình: Các cán bộ kỹ thuật phổ biến công nghệ đơn giản cho từng hộ dân trong việc xử lý rác hữu cơ tại nguồn. Mỗi hộ được trang bị một thùng để chứa các loại rác hữu cơ sau khi đã chọn để riêng. Rác hữu cơ được xử lý bằng chế phẩm vi sinh (EM), làm mất mùi hôi và tạo thành phân hữu cơ giàu chất dinh dưỡng phục vụ cho trồng trọt (nhất là cho rau sạch và trồng hoa, cây cảnh).

     Việc phân loại và xử lý rác tại nguồn sẽ giảm được chu kỳ thu gom (7 - 10 ngày mới phải thu gom một lần), giảm chi phí và tăng hiệu quả của việc vận chuyển. Sau một thời gian, lượng rác phân hủy có thể khai thác mùn làm phân bón. Đối với rác vô cơ có thể tái sử dụng hoặc tái chế thành đồ dùng cho sản xuất đời sống.

     Ngoài ra, xã đã phát động phong trào hạn chế dùng bao, túi ni lông, dùng làn, túi lưới, túi cói hoặc bao bì bằng giấy khi đi mua hàng. Đồng thời, khuyến khích sản xuất và sử dụng các loại bao bì gói bằng vật liệu khác dễ tiêu hủy và không độc hại. Tổ chức các đợt hoạt động làm sạch đường phố, ven bờ sông, khơi thông cống rãnh trên địa bàn xã; Tổ chức sắp xếp hợp lý việc buôn bán ở chợ Cổ Nhuế; Thu dọn vệ sinh môi trường ở chợ và các nơi công cộng của xã.

     Thông qua các hoạt động trên có thể rút ra bài học kinh nghiệm, cụ thể: Công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao hiểu biết của người dân về chính sách luật pháp và các biện pháp BVMT là nền tảng cho sự thành công của việc thực hiện XHH BVMT.

     Thực hiện XHH phải gắn bó với chính quyền cơ sở và có sự phối hợp với cơ quan chức năng của Nhà nước về nguồn lực, kỹ thuật và văn bản pháp luật có liên quan.

     Đồng thời, cần phải tổ chức làm thí điểm XHH ở một vài điểm dân cư nhằm rút kinh nghiệm để bổ sung chỉnh lý mô hình rồi mới có kế hoạch mở ra trên diện rộng.

     2. Mô hình xây dựng hương ước BVMT của làng Chiết Bi - xã Thủy Tân - huyện Hương Thủy - tỉnh Thừa Thiên Huế

     Làng Chiết Bi là một vùng trũng, thấp, nên hàng năm vào mùa mưa bão thường bị ngập lụt. Bên cạnh đó, một số hộ gia đình chăn nuôi gia súc, gia cầm, xây dựng chuồng trại không đảm bảo, làm một số ao, hồ trong làng bị ô nhiễm, gây nên dịch bệnh làm ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống sinh hoạt hàng ngày của nhân dân.

     Trước thực trạng trên, Đội thanh niên Tình nguyện xanh của xã Chiết Bi đã thành lập Ban điều hành xây dựng và thực hiện hương ước BVMT. Đến nay, sau 3 năm thực hiện, hương ước BVMT làng Chiết Bi đã đạt được hiệu quả nhiều mặt về công tác BVMT. Môi trường trong làng đã được cải thiện. Ý thức, trách nhiệm của bà con được nâng cao, đã ngăn ngừa được tình trạng ô nhiễm, suy thoái và cạn kiệt các nguồn tài nguyên và môi trường.

     Tuy nhiên, để hương ước BVMT phát huy hiệu quả lâu dài, Đội thanh niên kiến nghị: Cần đầu tư về cơ sở vật chất như hố rác công cộng, các dụng cụ vệ sinh môi trường...; Hỗ trợ các hộ gia đình xây dựng hố xí hợp vệ sinh, giếng nước...; Cần có sự chỉ đạo đồng bộ của các cấp ủy, chính quyền và sự phối hợp, thống nhất, chặt chẽ của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong cộng đồng địa phương về BVMT.

     3. Xã Nậm Loỏng xây dựng hương ước BVMT

     Xã Nậm Loỏng, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu là một xã có trình độ dân trí thấp, đời sống còn gặp nhiều khó khăn, sản xuất độc canh chủ yếu phụ thuộc vào thiên nhiên, trình độ canh tác còn lạc hậu, bên cạnh đó nạn chăn thả gia súc gia cầm còn bừa bãi… làm mất vệ sinh ở các khu dân cư, ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt và môi trường; đặc biệt là do chặt phá rừng, đốt nương làm giảm độ che phủ của rừng, tăng sự xói mòn và thoái hóa đất canh tác, suy giảm nguồn tài nguyên thiên nhiên.

 

Hương ước BVMT được cộng đồng ủng hộ vì đem lại lợi ích

thiết thực cho nhân dân

 

     Để khắc phục tình trạng trên, chính quyền xã Nậm Loỏng lập Dự án “Xây dựng hương ước BVMT có sự tham gia của cộng đồng”. Hương ước quy định: Không thả rông gia súc, không chặt phá rừng bừa bãi; Tiến hành trồng cây xanh, không đốt rừng làm rẫy; Từng bước áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như đưa giống mới, nuôi trồng các loại cây con có hiệu quả chất lượng cao, quy hoạch giao đất giao rừng, trồng mới, bảo vệ khoanh nuôi rừng hiện có, tăng độ phủ xanh đất trống đồi núi trọc, giảm độ xói mòn đất...

     Sau khi thực hiện Dự án cho thấy, hương ước BVMT được cộng đồng ủng hộ vì đem lại lợi ích cho nhân dân. Tạo ra các quy tắc ứng xử trong đời sống của từng cá nhân, gia đình, thôn bản và toàn xã nhằm xây dựng bản văn hóa, xanh, sạch, giữ gìn bản sắc văn hoá, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ sức khoẻ; Đồng thời, nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng động về BVMT.

     Tuy nhiên, cũng có một số khó khăn trong quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện, do địa hình phức tạp nên quá trình khảo sát mất nhiều thời gian; Trong xã hầu hết là đồng bào dân tộc ít người, trình độ văn hóa thấp, nhận thức còn hạn chế, còn nhiều phong tục tập quán lạc hậu nên việc tuyên truyền, vận động gặp nhiều khó khăn; Trình độ và năng lực của đội ngũ cán bộ từ thôn bản, xã còn hạn chế…

     4. Cộng đồng tham gia vào công tác bảo tồn tại Khu bảo tồn thiên Hang Kia- Pà Cò

     Khu bảo tồn (KBT) thiên nhiên Hang Kia - Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình có 6 xã, nguồn thu nhập chủ yếu dựa vào nông nghiệp và khai thác rừng tự nhiên. Do bị khai thác quá mức nên tài nguyên thiên nhiên rừng bị suy giảm đáng kể. Trong đó, thôn Pò Liêm (xã Tân Sơn) giáp danh giới của KBT, có tới 70% dân số khai thác trái phép các sản phẩm như gỗ, củi, mật ong, mây, lá… từ rừng tự nhiên.

 

Cán bộ Khu bảo tồn thiên nhiên Hang Kia - Pà Cò hướng dẫn người

dân chuyển đổi từ nghề làm rừng sang làm vườn

 

     KBT đã xây dựng Chương trình bảo tồn có sự tham gia của cộng đồng địa phương (Chương trình 327). Mục tiêu của Chương trình nhằm vận động nhân dân thôn Pò Liêm tham gia bảo vệ rừng và các loài động vật hoang dã. Thông qua Chương trình nhiều đơn vị và cá nhân trên địa bàn thôn Pò Liêm đã nhận rừng tự nhiên trong KBT để bảo vệ và khai thác. Chính quyền thôn đã thành lập các nhóm thực hiện công việc được giao như trồng rừng mới, bảo vệ rừng hiện có, chăm sóc rừng… Tiền công khoán trồng rừng và bảo vệ được chia theo công sức đóng góp của các thành viên trong nhóm. Ngoài điều kiện môi trường được cải thiện, nguồn nước đảm bảo hơn, người dân không khai thác rừng bừa bãi.

     Sau nhiều năm thực hiện chương trình nhận khoán bảo vệ rừng tại thôn Pò Liêm, KBT đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ, người dân trong thôn đã chuyển đổi từ nghề làm rừng sang trồng trọt chăn nuôi và làm vườn. Ngoài ra, người dân còn vận động và ngăn chặn có hiệu quả người ngoài địa phương vào khai thác rừng trong KBT. Trước đây, 100% hộ dân thôn Pò Liêm đều sử dụng củi làm chất đốt, nhưng đến nay 20% số hộ đã tận dụng trấu xay để thay thế. Mô hình bảo tồn có sự tham gia của cộng đồng tại thôn Pò Liêm được xem là mô hình tốt nên được áp dụng rộng rãi.

     5. Mô hình Năng suất xanh phát triển kinh tế - xã hội và BVMT

     Ấp Định Phước, xã Định Môn, huyện Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ, phát triển kinh tế tập trung chủ yếu là sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi. Do Ấp Định Phước chưa có hệ thống thu gom rác thải tập trung nên chất thải sinh hoạt và chăn nuôi hầu như chưa được xử lý. Để khắc phục tình trạng trên, Ấp đã triển khai Dự án mô hình Năng suất xanh (NSX) trên địa bàn. Ấp thành lập 1 nhóm NSX, nhiệm vụ của nhóm là: Thực hiện giải pháp NSX, đào tạo, tập huấn, truyền thông nâng cao nhận thức của bà con trong Ấp về BVMT; Đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào các hoạt động sản xuất nông nghiệp góp phần tăng năng suất, giảm chi phí sản xuất và BVMT.

 

Mô hình biogas được nhiều hộ gia đình chăn nuôi áp dụng hiệu quả

 

     Sau khi Ban Chủ nhiệm mô hình được thành lập, các thành viên trong nhóm NSX triển khai các công việc, các hạng mục cụ thể. Kết quả: Nhận thức của người dân về BVMT được nâng cao; Nhiều hộ sản xuất chăn nuôi thực hiện mô hình biogas; Một số hộ dân đã ứng dụng các phương pháp mới để xử lý nước dùng cho sinh hoạt tại gia đình; Xây dựng thêm các ngăn lắng lọc hoặc lu chứa nước, khử trùng nguồn nước bằng Cloramin B trước khi sử dụng…; Rác thải sinh hoạt được chôn lấp tại gia đình hoặc phân loại, thu gom vận chuyển xử lý…

     Tuy nhiên, do trình độ của các thành viên trong nhóm NSX không đồng đều, một số thành viên trong nhóm phải đảm nhiệm công tác của cơ quan nên cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, việc huy động sự đóng góp của người dân để thực hiện các mô hình NSX quá cao (60% kinh phí) nên nhiều hộ dân không có khả năng kinh phí đóng góp để thực hiện.

 

Châu Loan

Chuyên đề Cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường

 

Ý kiến của bạn