Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Triển khai các Dự án Thuận thiên giúp giảm tác động biến đổi khí hậu và thảm họa thời tiết

04/07/2022

    Ngày nay, các cộng đồng khắp nơi trên thế giới đang phải hứng chịu những tác động nghiêm trọng do BĐKH, trong đó đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là những nhóm người dễ bị tổn thương tại các quốc gia có thu nhập thấp, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Chỉ tính riêng từ năm 2010 đến năm 2019, các thảm họa đột ngột do thời tiết và BĐKH đã cướp đi sinh mạng của hơn 410.000 người. Trước thực trạng đó, các giải pháp thuận thiên đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm rủi ro thiên tai và tăng khả năng chống chịu với khí hậu trong cộng đồng. Theo đó, các giải pháp thuận thiên là những dự án vừa bảo vệ, quản lý bền vững và phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên/hoặc đã bị biến đổi một cách hiệu quả và linh hoạt; giải quyết những thách thức xã hội và tác động của BĐKH; đồng thời cung cấp phúc lợi cho con người và giải quyết tình trạng mất đa dạng sinh học.

    Báo cáo “Tận dụng Thiên nhiên để bảo vệ con người: Cách các Dự án Thuận thiên giúp giảm tác động BĐKH và thảm họa thời tiết” do Liên đoàn Chữ thập đỏ, Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế (IFRC) và Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) thực hiện đã chỉ rõ làm thế nào các giải pháp thuận thiên có thể giảm thiểu nguy cơ xảy ra BĐKH và các hiện tượng thời tiết cực đoan. Theo Báo cáo, các giải pháp thuận thiên có thể giúp giảm tới 26% cường độ các thảm họa khí hậu và thời tiết; giúp các cộng đồng giảm bớt thương vong, tăng khả năng phục hồi trước những rủi ro gây ra bởi Trái đất đang nóng dần lên. Báo cáo nêu rõ khả năng của thiên nhiên trong việc bảo vệ con người, đặc biệt trong bối cảnh hơn 3,3 tỷ người đang sống tại những khu vực dễ bị ảnh hưởng bởi BĐKH. Đây là lần đầu tiên một phân tích cho thấy, các giải pháp thuận thiên có thể bảo vệ các nước đang phát triển khỏi những thiệt hại kinh tế do BĐKH gây ra, giúp họ tiết kiệm được ít nhất 104 tỷ USD vào năm 2030 và 393 tỷ USD vào năm 2050.

    Trên thực tế đã có một số giải pháp thuận thiên được triển khai góp phần thích ứng với BĐKH như: Bảo tồn rừng để khôi phục đất bạc màu, cung cấp thực phẩm, phòng chống hạn hán và bảo vệ cộng đồng trước những đợt gió mạnh; Khôi phục các đồng bằng và vùng đất ngập nước để giảm tác động của lũ lụt và thúc đẩy nông nghiệp bền vững để phòng hạn hán; Phục hồi rừng ngập mặn và rạn san hô để tạo hàng rào bảo vệ tự nhiên khỏi bão lũ, hấp thụ cacbon đioxit - tác nhân gây nóng lên toàn cầu và cung cấp lương thực cho cộng đồng và môi trường sống cho sinh vật biển… Dưới đây là một số mô hình cụ thể đã được triển khai ở một số quốc gia.

    Quản lý đất đai bền vững ở Honduras

    Tình trạng chặt phá rừng ở Olancho, Honduras đã dẫn đến suy thoái và xói mòn đất, làm tăng nguy cơ sạt lở đất. Olancho cũng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi các cơn bão nhiệt đới và các trận cuồng phong đến từ đại Tây Dương. Sự kết hợp của việc tiếp xúc với các yếu tố bất lợi điều kiện thời tiết và việc khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên đã gây ra thiệt hại đáng kể về người và vật chất ở Olancho, Honduras.

Trồng rừng ngập mặn bảo vệ bãi ven biển tại đồng bằng sông Cửu Long

    Để giảm thiểu sạt lở đất và rủi ro thiên tai, Hội Chữ thập đỏ Thụy Sĩ và chính quyền Honduras đã thực hiện dự án quản lý đất bền vững, trong đó hỗ trợ cộng đồng sử dụng các phương pháp kỹ thuật sinh học. Các biện pháp kỹ thuật sinh học, bao gồm cải tạo hệ thống thoát nước và ổn định mái dốc, để làm giảm nguy cơ sạt lở đất. Dự án đã hỗ trợ cộng đồng kiểm soát hệ thống thoát nước bề mặt chảy ra, điều này đã giúp ngăn ngừa và giảm tác động của suy thoái đất và sạt lở đất, kể cả trong các cơn bão nhiệt đới. Phần lớn cộng đồng chuyển đổi các mái dốc và bờ bao ổn định thành các khu vực sản xuất bền vững, chẳng hạn như vườn cây ăn quả hoặc vườn dược liệu gia đình nông nghiệp. Từ đó, cộng đồng có thể đa dạng hóa chế độ ăn uống và tạo thu nhập bằng cách bán sản phẩm từ vườn cây ăn trái của họ. Dự án cũng đã trao quyền cho phụ nữ địa phương bằng cách đưa họ vào vai trò quản lý và đào tạo các kỹ năng cần thiết để quản lý vườn thuốc và vườn cây ăn quả của gia đình.

    Xây dựng các vùng đất ngập nước đô thị tại Colombo

    Các vùng đô thị Colombo là khu vực phát triển nhanh với tốc độ đô thị hóa ngày càng tăng đáng kể trong những thập kỷ gần đây. Quá trình đô thị hóa đã gây ra suy thoái và chuyển đổi các vùng đất ngập nước. Việc mất đi các vùng đất ngập nước cùng với những tác động của BĐKH và nước biển dâng đã làm cho vùng đô thị của Colombo có nguy cơ lũ lụt cao.

    Để đối phó với nguy cơ lũ lụt gia tăng, kể từ năm 2012, Ngân hàng Thế giới đã phê duyệt Dự án Phát triển Đô thị Colombo nhằm hỗ trợ chính quyền địa phương thực hiện các chiến lược giảm lũ. Dự án đã hỗ trợ xây dựng vùng đất ngập nước đô thị đầu tiên của Colombo dẫn đến những cải tiến đáng kể về cơ sở hạ tầng. Các vùng đất ngập nước mang lại những lợi ích cho người dân địa phương như hấp thụ carbon, điều hòa khí hậu thông qua việc giảm sử dụng điều hòa nhiệt độ, xử lý nước thải… Ngoài ra, Dự án đã nâng cấp và hồi sinh các không gian công cộng để tăng cường khả năng chứa nước. Bên cạnh việc tích trữ nước và giảm nguy cơ lũ lụt, các không gian công cộng cũng cung cấp giải trí cùng với các cơ hội giáo dục và du lịch sinh thái cho người dân. Nhìn tổng thể, chương trình quản lý thoát nước và kiểm soát lũ lụt, xây dựng cơ sở hạ tầng xanh trong Dự án đã giúp khoảng 2,5 triệu người được hưởng lợi trực tiếp hoặc gián tiếp.

    Phục hồi và bảo vệ rừng ngập mặn tại Việt Nam

    Việt Nam dễ bị ảnh hưởng bởi các hiểm họa của thời tiết như bão, nước biển dâng và lũ lụt, đồng thời được xếp hạng trong số các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan. Việc chuyển đổi hàng loạt rừng ngập mặn ven biển thành các cánh đồng lúa và các khu vực nuôi trồng thủy sản từ năm 1980 đến năm 1990 đã làm tăng mức độ ô nhiễm khu vực ven biển và ảnh hưởng tới sinh kế của người dân. Trong thời kỳ này, đê biển làm bằng đất bị vỡ nhiều đoạn dẫn đến nước biển xâm thực vào ruộng lúa và vùng nuôi trồng thủy sản.

    Năm 1994, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam (VNRC) đã phát động sáng kiến ​​phục hồi rừng ngập mặn nhằm bảo vệ đê biển, giảm nguy cơ lũ lụt và bảo vệ sinh kế. Dự án bắt đầu thí điểm tại Thái Bình với việc tập trung trồng rừng ngập mặn. Sau những thành công ban đầu, VNRC đã mở rộng sáng kiến ​​tới các cộng đồng ở một số tỉnh ven biển khác với diện tích ước tính khoảng 9.000 ha. Từ năm 1999 đến năm 2013, diện tích rừng ngập mặn ở Việt Nam tăng khoảng 6,4%, một phần do dự án VNRC; 262 dự án bảo vệ đê biển khỏi triều cường và bão, mang lại lợi ích trực tiếp cho 350.000 người và lợi ích gián tiếp cho 2 triệu người khác. .

    Sự tham gia của cộng đồng địa phương, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, là một khía cạnh quan trọng của thiết kế dự án. Dự án thu hút sự tham gia của những người dễ bị tổn thương nhất vào việc trồng, bảo vệ và phục hồi rừng ngập mặn. Dự án cũng thu hút học sinh đến từ các trường học tham gia, thực hiện các buổi nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của rừng ngập mặn, thông qua các sự kiện khởi động cho mùa trồng rừng ngập mặn nhằm nâng cao kiến thức, nhận thức và trách nhiệm của các em trong việc phục hồi rừng. Bên cạnh đó, sự tham gia của chính phủ và các chính sách hỗ trợ đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thành công của Dự án. Dự án đã làm việc chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (MARD), trong việc lên kế hoạch lựa chọn các địa điểm, loài ngập mặn cũng như quá trình phục hồi liên quan đến tư vấn kỹ thuật chung, thực hiện và giám sát. Theo thời gian, phần lớn các điểm phục hồi rừng ngập mặn đã được bàn giao cho chính quyền địa phương tiếp tục duy trì.

    Hiện nay, tại đồng bằng sông Cửu Long, WWF và Quỹ Khí hậu và Phát triển Hà Lan (DFCD) đang hợp tác cùng với Tập đoàn Thủy sản Minh Phú - nhà xuất khẩu tôm lớn nhất tại Việt Nam áp dụng mô hình tôm - lúa hữu cơ với các kỹ thuật như tăng cường trao đổi nước kết hợp với vi sinh để tăng bồi lắng phù sa và cải thiện quy trình nuôi quảng canh. Mô hình được kỳ vọng sẽ thích ứng với BĐKH, giảm thiểu các rủi ro thiên tai, gìn giữ và phục hồi hệ sinh thái tự nhiên, cải thiện sinh kế và nguồn thu nhập. Các hộ nông dân, những nhân tố quan trọng trong mô hình, dự kiến sẽ thu về gấp đôi sản lượng tôm và sản xuất ra lúa hữu cơ có chất lượng cao hơn - giá bán tốt hơn. Dự án bước đầu thử nghiệm 110 ha diện tích cho nuôi tôm và trồng lúa luân canh. Mục tiêu xa hơn đó là nhân rộng diện tích mô hình này lên 30.000 ha đến năm 2028 - đây là quy mô có thể tạo ra sự thay đổi lâu dài, giúp các cộng đồng dễ bị tổn thương trên khắp vùng đồng bằng.

    Như vậy, từ những mô hình cụ thể có thể chứng minh hiệu quả của các dự án thuận thiên để giảm thiểu rủi ro thiên tai và hỗ trợ thích ứng với BĐKH. Hay nói cách khác, các dự án thuận thiên có thể bảo vệ xã hội khỏi một số những hậu quả nặng nề nhất của BĐKH, đó là giảm thiểu sự thiệt hại về kinh tế và số lượng người cần nhân đạo quốc tế hỗ trợ do thiên tai liên quan đến khí hậu và thời tiết. Chính vì vậy, các dự án thuận thiên đang ngày càng nhận được sự quan tâm ở quy mô quốc gia, với việc các Chính phủ thúc đẩy thực hiện các bước để hỗ trợ và thực hiện các dự án để giảm thiểu rủi ro thiên tai và thích ứng với BĐKH. Bên cạnh đó, các dự án thuận thiên cũng đã thu hút được nguồn tài chính tài trợ ngày càng tăng của các tổ chức quốc tế với các mục tiêu xã hội và sự phát triển bền vững.

Nguyễn Thị Phú Hà

WWF tại Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 6/2022)

 

 

Ý kiến của bạn