Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Sự trở lại của loài hổ ở Nepal và Bhutan

25/10/2023

    Năm 2010, tại Hội nghị Thượng đỉnh về Hổ diễn ra ở Nga, 13 quốc gia có phân bố tự nhiên của hổ, bao gồm: Nepal, Bhutan, Bangladesh, Campuchia, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Nga, Thái Lan và Việt Nam đã cam kết tăng gấp đôi số lượng hổ hoang dã (Tx2) trên thế giới vào năm 2022 - năm Hổ theo lịch âm. Sau hơn 1 thập kỷ, vào Ngày Hổ toàn cầu năm 2022, Nepal tuyên bố đã vượt mục tiêu này - tăng gần gấp ba dân số từ 121 lên 355 con hổ hoang dã; sau đó vào năm 2023, Bhutan tuyên bố quần thể hổ tiếp tục gia tăng từ 103 lên tới 131 con hổ (tăng 27%). Câu chuyện thành công lịch sử này mang đến thông điệp hy vọng và trấn an về sự tồn tại lâu dài của loài hổ ở Nepal và Bhutan.

Các nhân viên kiểm lâm của Bhtan tại trụ sở chính của Công viên Quốc gia Jigme Singye Wangchuck nghiên cứu hình ảnh những con hổ được chụp bằng bẫy ảnh trong khu vực

    Là loài mèo lớn nhất thế giới và là kẻ săn mồi đỉnh cao, hổ đóng một vai trò quan trọng trong cấu trúc và chức năng của hệ sinh thái mà cả con người và động vật hoang dã đều dựa vào. Những con mèo mạnh mẽ này sinh sống trong các cảnh quan đa dạng, từ rừng nhiệt đới đến đồng cỏ, thảo nguyên đến rừng ngập mặn và môi trường sống ở độ cao, vì vậy chúng đóng vai trò quan trọng trong nhiều hệ sinh thái cung cấp nước, thức ăn, tạo cảnh quan để dạo chơi cho thiên nhiên và con người.

    Sau hơn 1 thập kỷ, số lượng hổ ở Nepal và Bhutan đã tăng lên đều đặn. Các đánh giá dân số định kỳ trong 4 năm cho thấy, số lượng hổ ở Nepal tăng lên 198 con vào năm 2014; 235 con vào năm 2018; 355 con vào năm 2022. Tại Bhutan, khảo sát vào năm 2015 là 103 con đến nay có 131 con hổ (tăng 27%). Những kết quả đáng kinh ngạc này làm nổi bật tầm quan trọng của việc bảo vệ các hành lang và môi trường sống chính của hổ cũng như hợp tác với các cộng đồng địa phương sống cùng với hổ. Có thể khẳng định rằng, với các quần thể động vật hoang dã trên khắp thế giới đang suy giảm, việc phục hồi thành công một loài là có thể thực hiện được với các hành động bảo tồn phù hợp.

    Tại Nepal, Ngày Hổ toàn cầu đầu tiên được tổ chức vào ngày 29/7/2010. Để tạo môi trường sống cho hổ, Nepal thành lập thêm các vườn quốc gia. Năm 2011, một con hổ có vòng cổ vệ tinh được chuyển từ Vườn quốc gia Chitwan đến Vườn quốc gia Bardia. Năm 2012, máy bay không người lái (UAV) được thử nghiệm ở Công viên quốc gia Chitwan để tăng cường nỗ lực chống săn trộm. Cũng trong năm này, khảo sát quốc gia về hổ lần thứ hai của Nepal cho thấy, số lượng hổ tăng 63%, từ 121 lên 198, chứng minh cho thế giới thấy có thể nhân đôi số lượng hổ hoang dã với sự hỗ trợ chính trị. Năm 2013, WWF-Nepal cách mạng hóa cách tiếp cận chống săn trộm với việc giới thiệu phần mềm Công cụ Báo cáo và giám sát không gian (SMART). Nó được thiết kế để giúp kiểm lâm và quản lý công viên có lợi thế bằng cách tích hợp dữ liệu từ các cuộc tuần tra, phân tích xu hướng săn trộm tại địa phương và đánh giá hiệu quả của việc thực thi. Nền tảng SMART bao gồm một bộ phần mềm và công cụ phân tích được thiết kế để giúp các nhà bảo tồn quản lý, bảo vệ động vật hoang dã và các địa điểm hoang dã. SMART có thể giúp chuẩn hóa và hợp lý hóa việc thu thập, phân tích và báo cáo dữ liệu, giúp những người ra quyết định dễ dàng lấy thông tin chính từ hiện trường. Năm 2014, Nepal kỷ niệm 365 ngày chấm dứt nạn săn trộm hổ.

    Ngay sau đó, Tiêu chuẩn bảo tồn hổ (CA|TS) được đảm bảo đã đo lường mức độ thân thiện của các khu bảo tồn đối với hổ, theo đó công nhận Vườn quốc gia Chitwan là khu bảo tồn tốt nhất để bảo vệ hổ trên thế giới. CATS hiện đang được xem xét cho các loài mèo lớn khác như báo tuyết và báo đốm Mỹ. Năm 2017, Công viên quốc gia Parsa và Công viên quốc gia Shukla được mở rộng để cung cấp môi trường sống cho quần thể hổ ngày càng tăng. Vào Ngày hổ toàn cầu năm 2022, Nepal tuyên bố ước tính có khoảng 355 con hổ hoang dã. Nepal đã vượt quá mục tiêu TX2, tăng gần gấp ba số lượng hổ hoang dã chỉ trong 12 năm. Tiếp đó, cảnh quan vòng cung Terai - một hành lang trải dài qua biên giới phía Nam của Nepal với Ấn Độ và kết nối 16 khu vực được bảo vệ để cho phép hổ di chuyển tự nhiên - được Liên hợp quốc công nhận là “Lá cờ phục hồi thế giới”. Danh hiệu này được trao cho những mô hình đầu tiên, tốt nhất về phục hồi hệ sinh thái dài hạn trên khắp thế giới.

    Tại Bhutan, chương trình bảo tồn hổ đã được triển khai tích cực với việc tổ chức theo dõi và nghiên cứu quần thể hổ của đất nước, thông qua việc đeo vòng vô tuyến để nghiên cứu sự chuyển động của chúng và tiến hành các cuộc khảo sát về hổ quốc gia. Vào năm 2016, Bhutan đã áp dụng trên toàn quốc Tiêu chuẩn bảo tồn hổ được đảm bảo (CA|TS). Công viên quốc gia Royal Manas và Jigme Singye Wangchuck được CA|TS công nhận là các khu vực được bảo vệ tốt nhất. Để đạt được những thành công trong chương trình bảo tồn hổ, lực lượng kiểm lâm cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ động vật hoang dã và các khu vực được bảo vệ của Bhutan, đảm bảo quần thể hổ được an toàn trước các mối đe dọa của những kẻ săn trộm. Tuần tra SMART, một công cụ giám sát và báo cáo, đã được triển khai trên toàn quốc vào năm 2016 và đã cải thiện đáng kể hiệu quả của các đội kiểm lâm trên toàn quốc. Ngoài ra, một chương trình kiểm lâm về thực thi pháp luật đối với động vật hoang dã đã được thiết lập và triển khai trên khắp Bhutan. Cuộc khảo sát quốc gia về hổ giai đoạn 2021-2022 đã mở ra những hiểu biết mới về số lượng hổ ngày càng tăng ở quốc gia này. 

    Ngay cả khi số lượng đang tăng lên, môi trường sống của hổ vẫn tiếp tục giảm, hổ bị giới hạn ở mức dưới 5% trong phạm vi lịch sử của chúng, buộc chúng phải tiếp xúc gần hơn với con người và phải cạnh tranh để giành lấy không gian và tài nguyên. Tại Nepan và Bhutan, mặc dù số lượng hổ khỏe mạnh và ngày càng tăng, nhưng công tác bảo tồn hổ cũng gặp những thách thức khi xảy ra sự gia tăng xung đột giữa người và hổ, nạn săn trộm và giết hổ. Theo dữ liệu của Trung tâm hổ Bhutan cung cấp năm 2022, tại quận Trongsa, từ tháng 7/2019 đến tháng 7/2021, tổng cộng 560 gia súc của người dân đã bị hổ giết chết. Mặc dù số lượng gia súc bị hổ giết rất cao, nhưng các vụ giết hổ để trả đũa ở đây rất thấp. Sự khoan dung này đối với loài hổ một phần xuất phát từ giá trị và lòng từ bi mà Phật giáo khuyến khích đối với thiên nhiên. Cuộc khảo sát đã tiếp cận 610 hộ gia đình ở bốn địa phương của quận Trongsa và cho thấy hầu hết sinh kế của cộng đồng đều phụ thuộc vào chăn nuôi. Nghiên cứu cho thấy, các cộng đồng ở đây không muốn nhìn thấy nhiều hổ hơn trong khu vực vì họ là những người phải chịu chi phí kinh tế - xã hội cao do xung đột hổ gia tăng. Tác động tâm lý của việc sống trong không gian chung với những con mèo to lớn này cũng là một mối quan tâm được ghi nhận rõ ràng trong cuộc khảo sát. Các nghiên cứu so sánh vẫn chưa được thực hiện trên khắp Bhutan nhưng có khả năng các cộng đồng khác ở Bhutan đang phải đối mặt với xung đột giữa người và hổ ngày càng gia tăng.

    Trong vài năm qua, WWF tại các khu vực này đã hỗ trợ Chính phủ hai nước và các cộng đồng sống trong và xung quanh các công viên quốc gia nhằm khôi phục môi trường sống và cung cấp cho các nhà khoa học công dân chuyên môn kỹ thuật để theo dõi quần thể hổ ngày càng tăng, đồng thời làm việc với các cộng đồng ở địa phương để giải quyết thiệt hại mà cuộc xung đột giữa người và hổ đang gây ra đối với sinh kế của họ. Nhưng tình hình rất phức tạp và mức độ chịu đựng này không bền vững. Một cuộc khảo sát gần đây do WWF-Bhutan thực hiện chỉ ra rằng sự khoan dung ở đây đang giảm xuống và công việc hợp tác với các cộng đồng cần phải được tăng cường để đảm bảo tương lai của loài mèo lớn mang tính biểu tượng này. Thành công ở Nepan và Bhutan cho thấy, với sự hỗ trợ của chính phủ, các biện pháp can thiệp bảo tồn phù hợp, lực lượng kiểm lâm hùng hậu và quan hệ đối tác cộng đồng, quần thể hổ có thể phục hồi. Cuộc khảo sát về hổ quốc gia đã thu được nhiều kết quả tích cực với việc ghi lại được bức tranh tổng thể về sự phong phú của động vật hoang dã sống bên cạnh loài mèo lớn mang tính biểu tượng này. 

    Để đảm bảo một tương lai khả thi cho hổ là rất khó khăn, nhưng thành công ở Nepan và Bhutan là câu chuyện truyền cảm hứng cho tất cả các quốc gia có phân bố hổ tự nhiên. Đây cũng là cơ hội để tăng quần thể hổ hoang dã và đưa hổ trở lại phạm vi lịch sử của chúng. Để duy trì và phát triển quần thể hổ trong thời gian dài, cần phải bảo vệ cảnh quan nơi hổ sinh sống hiện tại và kết nối hổ với những nơi chúng cần đến trong tương lai. Trong 12 năm tiếp theo của công việc bảo tồn hổ cho đến năm 2034, năm con Hổ tiếp theo theo lịch âm, WWF không chỉ tập trung vào việc tăng số lượng hổ mà còn quyết tâm giải quyết các mối đe dọa liên quan đến mất môi trường sống và xung đột giữa người và hổ đang đe dọa tương lai của chúng. Chương trình hổ toàn cầu của WWF có bốn mục tiêu đầy tham vọng cho năm 2034, đó là: Kết nối và mở rộng môi trường sống của hổ; Cải thiện sự chung sống; Chấm dứt nạn săn trộm và buôn bán, cũng như nhu cầu về hổ; Giải phóng vốn với việc xây dựng ý chí chính trị, đầu tư tài chính và hỗ trợ của xã hội dân sự cho việc bảo tồn hổ sẽ tăng lên. Hy vọng rằng với các nỗ lực trên cùng với ý chí chính trị mạnh mẽ tại các quốc gia, quần thể hổ sẽ tăng trở lại ở các quốc gia phân bố hổ tự nhiên.

Nguyễn Hằng (Tổng hợp)

Ý kiến của bạn