Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Sử dụng kỹ thuật hiện đại để cứu tê giác trắng phương Bắc

17/03/2021

     Hiện nay, sự suy giảm các quần thể sinh vật hoang dã, trong đó có quần thể tê giác càng trở nên nghiêm trọng trên khắp các nơi từ châu Phi tới châu Á. Tất cả các loài tê giác trên thế giới đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng do nạn săn bắn lấy sừng làm dược liệu. Chính vì vậy để cứu lấy sự sống của quần thể tê giác, các nhà khoa học đã ứng dụng khoa học công nghệ phôi sinh học vào việc hồi sinh loài tê giác quý hiếm này. Đây là kết quả bước đầu được kỳ vọng là một bước tiến trong khoa học bảo tồn các loài động vật hoang dã.

Quá trình để cứu loài tê giác trắng sắp tuyệt chủng

     Vào tháng 12/2009, bốn con tê giác trắng phương Bắc đã được chuyển từ Sở thú Dvůr Králové ở Cộng hòa Séc đến Khu bảo tồn động vật hoang dã Ol Pejeta ở Kenya bằng phương tiện máy bay. Bốn cá thể bao gồm hai con đực tên là Suni, Sudan và hai con cái tên là Najin, Fatu, là một nửa số tê giác trắng phương Bắc còn sót lại. Loài tê giác này được phân biệt với tê giác trắng phương Nam bởi đôi tai có lông và sừng phía trước ngắn hơn. Theo Tổ chức Save the Rhino, vào cuối năm 1960, có khoảng 2.360 con tê giác trắng phương Bắc sinh sống ở các nước Tchad, Cộng hòa Trung Phi, Sudan, Cộng hòa Dân chủ Congo và Uganda. Nhưng đến năm 1984, chúng bị săn trộm tràn lan và chỉ còn khoảng 15 cá thể.

     Hai mươi lăm năm sau, vào năm 2009, chỉ còn lại 8 con tê giác trắng phương Bắc được nuôi ở Sở thú Dvůr Králové (Cộng hòa Séc) và Sở thú San Diego, trong đó 4 cá thể trong số này có khả năng sinh sản. Các nhà bảo tồn hy vọng rằng, việc vận chuyển bốn cá thể này đến Ol Pejeta ở châu Phi, nơi bản địa của chúng, với khí hậu ấm áp hơn và đồng cỏ rộng lớn, sẽ tạo điều kiện cho chúng sinh sản để phục hồi phân loài tê giác quý hiếm này.

     Tuy nhiên, sự thay đổi cảnh quan đã không thể biến những hy vọng của các nhà bảo tồn thành hiện thực. Mặc dù những người canh giữ tê giác đã chứng kiến ​​nhiều nỗ lực giao phối, nhưng Fatu và Najin vẫn không có khả năng mang thai. Trong khi đó, một vài cá thể tê giác khác đã bắt đầu qua đời. Năm 2011, Nesari, một cá thể tê giác lớn tuổi, đã chết tại Dvůr Králové. Kéo theo đó là sự ra đi lần lượt của bốn cá thể tê giác khác. Và cuối cùng, vào mùa xuân năm 2018, Sudan, con tê giác trắng đực phương Bắc cuối cùng trên trái đất đã chết. Kể từ đó, hai cá thể tê giác cái Fatu và Najin là đại diện duy nhất của loài tê giác trắng phương Bắc còn tồn tại.

Sử dụng những kỹ thuật hiện đại để cứu tê giác trắng phương Bắc

     Để cứu loài tê giác trắng phương Bắc, trong nhiều năm, các nhà khoa học tại Viện nghiên cứu động vật và động vật hoang dã Leibniz đã thu thập và đông lạnh tinh trùng của một số con tê giác trắng phương Bắc, trong đó có cá thể đực cuối cùng là Sudan. Năm 2014, khi biết rằng Fatu và Najin có khả năng vô sinh, các nhà khoa học (thuộc đại diện Sở thú Dvůr Králové, Dịch vụ Động vật hoang dã Kenya, khu bảo tồn Ol Pejeta và Phòng thí nghiệm sinh sản động vật của Ý Avantea) lập ra một kế hoạch tái tạo quần thể tê giác trắng phương Bắc thông qua thụ tinh trong ống nghiệm.

     Ngày 22/8/2020, các nhà khoa học đã lấy thành công 10 quả trứng từ Fatu và Najin, một kỳ tích mà trước đây chưa từng thử với tê giác trắng phương Bắc. Sau nhiều năm nghiên cứu, chuẩn bị và thực hành, đây là bước đầu tiên quan trọng trong nỗ lực lai tạo thành viên mới của phân loài tê giác cực kỳ nguy cấp này. Để chuẩn bị cho việc thử quy trình trên hai cá thể tê giác trắng phương Bắc duy nhất còn sót lại là Fatu và Najin, nhóm nghiên cứu đã thực hành thành thạo kỹ năng lấy trứng từ các cá thể tê giác trắng phương Nam. Năm 2018, Cesare Galli, bác sĩ thú y và phôi học người Ý, người từng nhân bản con ngựa đầu tiên, đã tiêm vào trứng của tê giác trắng phương Nam tinh trùng của một con tê giác trắng phương Bắc để tạo ra phôi thai. Điều này chứng tỏ rằng tinh trùng của tê giác trắng phương Bắc đang lưu trữ có thể tạo ra phôi.

     Sau khi lấy trứng thành công, nhóm nghiên cứu đã đặt nó vào một phòng thí nghiệm di động. Các nhà khoa học đã kiểm tra các tế bào qua kính hiển vi và đếm được 10 quả trứng, mỗi cá thể tê giác thu được năm trứng. Nhóm các nhà khoa học đã rất vui mừng vì điều đó và cẩn thận cấp đông những quả trứng và nhanh chóng mang chúng lên một chiếc trực thăng chờ sẵn và đi qua nhiều chặng máy bay khác nhau để đến Ý. Tại phòng thí nghiệm của Galli ở Cremona, nhóm nghiên cứu sẽ quan sát xem tế bào trứng nào trưởng thành và có thể thụ tinh với tinh trùng của tê giác trắng phương Bắc đang lưu trữ. Nếu trứng được thụ tinh phát triển thành phôi, các nhà khoa học sẽ bảo quản lạnh cho đến khi chúng đủ điều kiện để cấy phôi vào một con tê giác trắng phương Nam.

     Mặc dù đây là một bước quan trọng trong cuộc chiến để cứu tê giác trắng phương Bắc, nhưng các nhà khoa học vẫn thận trọng cho rằng vẫn còn quá sớm để ăn mừng. Theo ông Susie Ellis, Giám đốc điều hành của Tổ chức Rhino quốc tế, một tổ chức bảo tồn phi lợi nhuận, toàn bộ phương pháp này đang ở giai đoạn sơ khai. Cần một khoảng thời gian lâu dài từ việc phát triển một phôi thai để có một con tê giác và sau đó có một đàn tê giác trên mặt đất. Hiện hai cá thể tê giác trắng phương Bắc cuối cùng là Fatu và Najin có thể qua đời trước khi nghiên cứu này có kết quả. Nhưng các nhà khoa học hy vọng rằng, với vật liệu di truyền được bảo tồn, cái chết của chúng trong tương lai gần chỉ có nghĩa là một sự tạm dừng, không phải là kết thúc của phân loài tê giác quý hiếm này.

Phú Hà (WWF tại Việt Nam)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 2/2021)

Ý kiến của bạn