Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Quản lý rác thải nhựa đại dương ở một số nước và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

30/12/2022

    Rác thải nhựa (RTN) đại dương là một trong những vấn đề môi trường nghiêm trọng, cấp bách và mang tính toàn cầu. RTN đại dương để lại nhiều hệ lụy đến kinh tế - xã hội và môi trường. Thời gian qua, một số quốc gia đã bước đầu hoạch định cơ chế, chính sách để ngăn ngừa, giảm thiểu RTN đại dương. Tìm hiểu quản lý RTN đại dương của một số nước là điều cần thiết cho việc rút ra bài học kinh nghiệm trong quản lý RTN ở Việt Nam hiện nay.

    Quản lý RTN đại dương ở một số nước trên thế giới

    Tại Nhật Bản: Trước thực trạng RTN đại dương ngày càng gia tăng, Nhật Bản đã đưa ra hàng loạt quy định, sáng kiến nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu RTN đại dương.

    Đạo luật Khuyến khích lưu thông tài nguyên nhựa được ban hành tháng 6/2021 với việc quy định các biện pháp luân chuyển tài nguyên nhựa ở các giai đoạn khác nhau của các sản phẩm bằng nhựa, từ thiết kế, sản xuất, bán và thu hồi đến tái chế nhằm thúc đẩy việc giảm thiểu, thu gom và tái chế chất thải nhựa. Theo đó, Chính phủ đưa ra các hướng dẫn thân thiện với môi trường đối với các sản phẩm nhựa ở giai đoạn thiết kế và sản xuất. Các sản phẩm nhựa được sản xuất theo hướng dẫn được Chính phủ chứng nhận, ưu tiên mua sản phẩm và hỗ trợ các cơ sở tái chế, khuyến khích các nhà sản xuất tạo ra các sản phẩm thân thiện với môi trường. Ở giai đoạn phân phối, các cửa hàng bán lẻ nhỏ sẽ giảm việc cung cấp các sản phẩm nhựa dùng một lần. Ở giai đoạn thu gom và tái chế, khuyến khích các thành phố phân loại và thu gom rác thải nhựa và chuyển cho các doanh nghiệp tái chế để tái chế.

    Ngay từ năm 1995, Nhật Bản đã ban hành Đạo luật Tái chế bao bì nhằm phân loại chất thải, thu gom chất thải đã phân loại, tái chế thùng chứa và chất thải bao bì (trong đó bao gồm RTN). Đạo luật quy định trách nhiệm của các bên liên quan đối với hộp đựng và gói sản phẩm, các thùng và gói được chỉ định, chất thải bao bì và thùng chứa: Người tiêu dùng có trách nhiệm phân loại rác; chính quyền đô thị có trách nhiệm thu gom rác đã phân loại; các doanh nghiệp có trách nhiệm tái chế rác.

    Nhật Bản còn ban hành các Chiến lược: Chiến lược về RTN với việc tiếp cận là tăng cường việc thu thập và các giải pháp phù hợp cho vấn đề RTN; giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế RTN trên cơ sở đổi mới, vận động và tích lũy khoa học của quốc gia. Chiến lược lưu thông tài nguyên nhựa xác định các mục tiêu: Giảm tích lũy 25% lượng nhựa sử dụng một lần đến năm 2030; thiết kế việc tái sử dụng, tái chế vào năm 2025; tái sử dụng, tái chế 60% thùng chứa và bao bì vào năm 2030; sử dụng hiệu quả 100% nhựa đã qua sử dụng vào năm 2035; tăng gấp đôi việc sử dụng lượng tái chế vào năm 2030; tối đa hóa việc sử dụng nhựa sinh khối lên khoảng 2 triệu tấn vào năm 2030.

    Nhật Bản cũng đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về rác thải nhựa đại dương với việc xác định 8 nội dung cần thực hiện, bao gồm: (1) Thúc đẩy hệ thống quản lý chất thải phù hợp; (2) Ngăn chặn việc xả rác, đổ rác bất hợp pháp và rò rỉ chất thải vô ý ra đại dương; (3) Thu gom rác thải vương vãi trên đất liền; (4) Thu gom RTN trên đại dương; (5) Đổi mới trong việc phát triển các sản phẩm thay thế vật liệu; (6) Hợp tác với các bên liên quan; (7) Hợp tác quốc tế với các quốc gia bằng cách chia sẻ các phương pháp hay nhất; (8) Nghiên cứu tình hình thực tế và sự phát triển của kiến thức khoa học. Đặc biệt, năm 2021, Nhật Bản đưa ra sáng kiến biển trong khuôn khổ “tầm nhìn đại dương Osaka” nhằm mục đích giảm bổ sung ô nhiễm từ RTN đại dương xuống 0 vào năm 2020 như đã công bố tại G20 Osaka với các biện pháp cụ thể.

    Triển khai Kế hoạch hành động quốc gia về RTN đại dương, một số địa phương của Nhật Bản đã tổ chức các hoạt động thu gom, xử lý RTN trên biển; sản xuất túi mua sắm tái sử dụng; ngừng cung cấp đồ uống đóng chai nhựa tại các cuộc họp của chính quyền và thay vào đó cung cấp đồ uống trong lon kim loại có thể tái chế hoặc lon làm bằng bìa cứng.

    Tại Canađa: Năm 2018, Canađa đã thông qua Chiến lược toàn quốc nhằm hướng tới loại bỏ hoàn toàn RTN. Chiến lược được xây dựng dựa trên các chương trình hiện có về giảm lượng rác thải tại bãi chôn lấp và trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất để tận dụng nhựa trong nền kinh tế nhưng loại bỏ nhựa ra khỏi môi trường. Chiến lược phản ánh các ưu tiên của hệ thống quản lý chất thải, vận động nhiều ngành và đối tác cùng tham gia để loại bỏ hoàn toàn RTN thông qua việc xác định 10 nội dung gồm: thiết kế sản phẩm, nhựa dùng một lần, hệ thống thu gom, năng lực tái chế, nhận thức của người tiêu dùng, các hoạt động thủy sản, nghiên cứu và giám sát, làm sạch và hành động toàn cầu. Tiếp đó là phối hợp giữa các bên liên quan ở liên bang với chính quyền cấp bang để xác định giải pháp, thống nhất kế hoạch hành động. Sau đó là việc thực hiện quy định, cam kết tự nguyện của doanh nghiệp, giáo dục và đầu tư.

    Bên cạnh đó, Canađa còn ban hành, thực thi luật pháp và quy định để bảo vệ vùng nước và hệ sinh thái khỏi các nguồn gây ô nhiễm khác nhau; hỗ trợ sáng kiến địa phương và dự án cộng đồng như làm sạch bờ biển và đại dương. Đến tháng 1/2018, các sản phẩm vệ sinh có chứa vi nhựa như sữa tắm, sản phẩm vệ sinh cơ thể, làm sạch da, kem đánh răng đã bị cấm. Lệnh cấm hoàn toàn đã có hiệu lực vào tháng 7/2019.

    Tại Inđônêxia: Để giảm thiểu RTN đại dương, Inđônêxia đã ban hành và triển khai chính sách, pháp luật quản lý RTN (bao gồm cả RTN đại dương): Sắc lệnh của Tổng thống số 97/2017 về Chính sách và Chiến lược quốc gia về quản lý rác thải sinh hoạt và rác thải tương tự hộ gia đình; Sắc lệnh số 83/2018 về Quản lý rác thải biển. Trên cơ sở các Sắc lệnh này, dưới sự chủ trì của Bộ Điều phối các vấn đề hàng hải và đầu tư, năm 2019, Đối tác hành động quốc gia về nhựa được ra đời với hơn 150 tổ chức thành viên và doanh nghiệp, làm nền tảng cho sự hợp tác công tư trong giải quyết vấn đề về nhựa, trong đó có RTN đại dương.

    Inđônêxia cũng đã ban hành Kế hoạch hành động Chiến lược quốc gia về quản lý rác thải sinh hoạt và rác thải tương tự hộ gia đình với mục tiêu giảm thiểu phát thải RTN ra biển xuống 70% vào năm 2025 và gần bằng không vào năm 2040, chuyển đổi RTN sang nền kinh tế tuần hoàn. Kế hoạch xác định khung hành động cụ thể cho Chính phủ Trung ương, chính quyền địa phương và các bên liên quan (Khu vực phi Chính phủ). 

    Inđônêxia còn ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về rác thải biển giai đoạn 2017 - 2025. Đây là quốc gia đầu tiên trong khu vực ASEAN xây dựng kế hoạch kiểm soát RTN biển. Kế hoạch bao gồm các nội dung: phối hợp giữa các cơ quan trong quản lý rác thải, bao gồm cả việc tăng cường năng lực cho các ngành, lĩnh vực, địa phương có liên quan; ứng dụng công nghệ trong kiểm soát RTN và việc áp dụng phương thức quản lý dựa trên cơ sở khoa học;  quán triệt về tầm quan trọng của các nỗ lực xã hội trong giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng RTN đối với thế hệ trẻ. 

    Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

    Từ việc nghiên cứu quản lý RTN ở Nhật Bản, Canađa, Inđônêxia, có thể rút ra được những bài học kinh nghiệm cho quản lý nhà nước về RTN đại dương ở Việt Nam như sau:

    Thứ nhất, về hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý RTN đại dương

    Trước bối cảnh ô nhiễm RTN đại dương đang là vấn nạn mang tính toàn cầu cần kiểm soát thì việc hoàn thiện chính sách, pháp luật quản lý RTN đại dương là cần thiết đối với nước ta. Đặc biệt, trong xu hướng thế giới hướng đến nền kinh tế tuần hoàn, việc xây dựng chính sách, pháp luật quản lý RTN ại dương cần tạo cơ chế về khuyến khích lưu thông tài nguyên nhựa nhằm thúc đẩy việc giảm thiểu, thu gom và tái chế RTN đại dương; cơ chế về thúc đẩy các sáng kiến xử lý vấn đề ô nhiễm RTN đại dương; cơ chế về ưu tiên phát triển khoa học và ứng dụng công nghệ để quản lý RTN đại dương.

    Thứ hai, về xây dựng và triển khai Chiến lược, kế hoạch quản lý RTN đại dương

    Chiến lược, kế hoạch quản lý RTN đại dương cần xây dựng cụ thể về mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp. Trong đó, xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, nguồn lực thực hiện. Đồng thời, Chiến lược, kế hoạch quản lý RTN đại dương cũng cần phát huy vai trò của các bên liên quan trong kiểm soát RTN đại dương như khu vực ngoài nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư.

    Thứ ba, về hợp tác quốc tế trong quản lý RTN đại dương

    Ô nhiễm RTN đại dương là dạng ô nhiễm môi trường xuyên biên giới, có tính chất toàn cầu. Do vậy, cần có sự hợp tác chặt chẽ với quốc tế trong việc chia sẻ thông tin, dữ liệu, phương pháp điều tra, đánh giá RTN đại dương, ứng dụng khoa học, công nghệ để quản lý. Đồng thời, hợp tác quốc tế cũng giúp chúng ta tận dụng được nguồn lực phục vụ công tác quản lý RTN đại dương ở Việt Nam.

Trần Thị Tâm

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng,

Bộ TN&MT

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 12/2022)

    Tài liệu tham khảo

    1. Minh Nguyệt (2019), Rác thải nhựa đại dương - Bài 2: Canada với Chiến lược loại bỏ hoàn toàn RTN, Báo điện tử Tin tức

    2. Coordinating Ministry for Maritime Affairs of Indonesia (2017), National Plan of Action marine plastic debris management, The second iora Ministerial blue econmy conference, Jakarta.

    3. Hidayat (2020), Monitoring of Plastic Litter Transport in River Citarum, Indonesia, ASEAN Regional Conference “Science-based Solutions for Reduction of Plastic Pollution in ASEAN”, Vietnam Administration of Seas and Islands – Norsk institutt for vannforskning – Center for Southeast Asian Studies – Association of Southeast Asian Nations, Danang, Vietnam.

    4. Kathinka Furst (2020), Socio - economic driver and effects from implementation of technical, economic, social or regulatory measures for plastic pollution reduction locally, ASEAN Regional Conference “Science-based Solutions for Reduction of Plastic Pollution in ASEAN”, Vietnam Administration of Seas and Islands – Norsk institutt for vannforskning – Center for Southeast Asian Studies – Association of Southeast Asian Nations, Danang, Vietnam.

    5. Ministry of the Environment, Japan (2020), Japan’s Actions for Marine Plastic Litter, UNEA AHEG Asia Pacific Regional Consultation Meeting, Tokyo.

    6. Ministry of Environment and Forestry (2020), National Plastic Waste Reduction Strategic Actions for Indonesia, Republic of Indonesia

    7. https://www.ishes.org/en/happy_news/2021/hpy_id002945.html

    8. https://wedocs.unep.org/handle/20.500.11822/32898

9.https://www.oecd.org/ocean/topics/ocean-pollution/marine-plastics-pollution-Indonesia.pdf

Ý kiến của bạn