Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Nguy cơ các bệnh truyền nhiễm từ các trang trại nuôi sư tử vì mục đích thương mại tại Nam Phi

22/12/2020

     Theo các chuyên gia Sinh - Y học, từ giữa thế kỷ XX (năm 1960) đến nay, ngày càng có nhiều bệnh dịch do ký sinh trùng, vi rút, vi khuẩn lây lan từ động vật hoang dã (ĐVHD) sang con người, gây tổn thất nặng nề cho kinh tế và sức khỏe con người. Nhằm góp phần ngăn ngừa các loài sinh vật là tác nhân lây truyền các bệnh dịch từ ĐVHD, tác giả xin lược dịch và giới thiệu công trình nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Tổ chức Bảo vệ Động vật Thế giới và Tổ chức Blood Lion NPC, để thấy được tầm quan trọng của việc kiểm soát gây nuôi ĐVHD.

     Các rủi ro tiềm ẩn đối với sức khỏe cộng đồng và động vật

     Bệnh lây truyền từ ĐVHD sang người là bệnh truyền nhiễm do các tác nhân gây nhiễm (bao gồm vi khuẩn, ký sinh trùng, nấm, vi rút và prions (protein lệch tâm) có thể lây truyền giữa động vật có vú có xương sống và người. Sự bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm có nguồn gốc từ ĐVHD là nguyên nhân gây ra 2 tỷ trường hợp bệnh tật ở người và hơn 2 triệu người chết mỗi năm. Sự bùng phát dịch bệnh bắt nguồn từ ĐVHD cũng gây thiệt hại kinh tế hàng trăm tỷ đô la. Đại dịch toàn cầu vi-rút corona COVID-19 cũng được cho là bắt nguồn từ ĐVHD, gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế toàn cầu từ 5 - 9 nghìn tỷ đô la Mỹ.

     Tỷ lệ gia tăng các bệnh truyền nhiễm mới nổi được cho là kết quả của những thay đổi do con người gây ra trong quá trình sử dụng đất, khai thác tài nguyên thiên nhiên không bền vững, hệ thống chăn nuôi ĐVHD thiếu kiểm soát và buôn bán ĐVHD bất hợp pháp trên phạm vi toàn cầu. ĐVHD là vật chủ mang một lượng lớn các bệnh truyền nhiễm và không rõ nguồn gốc, đồng thời quá trình lây truyền bệnh từ ĐVHD sang người xảy ra khi ĐVHD sinh sống gần con người. Hầu hết, các đại dịch toàn cầu gần đây, bao gồm COVID-19, được cho là bắt nguồn từ vật chủ là ĐVHD. Một loạt các giải pháp có thể được áp dụng nhằm ngăn chặn dịch bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người trong tương lai. Tuy nhiên, trước mắt, nỗ lực giảm thiểu tiếp xúc giữa ĐVHD và con người có thể là cách tiếp cận thực tế, hiệu quả nhất nhằm giảm thiểu mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng toàn cầu do các bệnh truyền nhiễm mới nổi có nguồn gốc từ ĐVHD gây ra.

     Sử dụng ĐVHD vì mục đích thương mại, dù hợp pháp hay bất hợp pháp, đều khiến con người tiếp xúc trực tiếp với nhiều loài ĐVHD. Đặc biệt, các trang trại ĐVHD (hay được gọi là các cơ sở chăn nuôi các loài không được thuần hóa vì mục đích thương mại) có thể tạo điều kiện cho việc lây truyền mầm bệnh giữa ĐVHD và người chăm sóc do tiếp xúc thường xuyên trong quá trình chăn nuôi. Hơn nữa, các điều kiện gắn liền với các trang trại ĐVHD như mật độ cá thể cao, tình trạng vệ sinh kém và sự căng thẳng do sống trong điều kiện nuôi nhốt, có thể làm giảm khả năng chống lại tác nhân gây bệnh và tăng nguy cơ truyền bệnh.

     Trên thế giới, một số lượng lớn các loài ĐVHD được nuôi nhằm phục vụ cho mục đích thương mại như nuôi thú cưng độc lạ (trang trại rắn ở Tây Phi), làm thuốc cổ truyền (trại nuôi gấu lấy mật ở Trung Quốc và Đông Nam Á), lấy da (các trang trại nuôi cá sấu ở Hoa Kỳ), hoặc lông (các trang trại nuôi chồn và cáo ở châu Âu). Tuy nhiên, trên thực tế đã ghi nhận các bệnh truyền nhiễm phát sinh do lây truyền mầm bệnh giữa các loài ĐVHD được nuôi nhốt trong điều kiện trang trại trên toàn bộ phạm vi phân loại như sự lây truyền bệnh sán dây từ rắn sang chủ trang trại ở Gambia; gần đây là sự lây truyền nhanh chóng vi-rút corona COVID-19 giữa chồn và công nhân tại một trang trại nuôi chồn ở Hà Lan.

     Mối quan ngại từ các trang trại nuôi nhốt sư tử ở Nam Phi

     Sư tử châu Phi được nhân giống và nuôi nhốt vì mục đích thương mại trong các trang trại trên khắp Nam Phi. Hiện nay, số lượng sư tử được nuôi tại các trang trại ở Nam Phi đã tăng theo cấp số nhân trong hai thập kỷ qua với quần thể nuôi nhốt hiện tại lên đến 8.500 cá thể, được nuôi tại hơn 300 cơ sở. Quy mô rộng lớn của các cơ sở chăn nuôi tập trung này càng làm gia tăng số lượng người tiếp xúc gần với sư tử cũng như cơ hội truyền bệnh từ động vật sang người.

     Những cá thể sư tử bị nuôi nhốt có thể tiếp xúc trực tiếp với con người thông qua nhiều hoạt động, bao gồm trải nghiệm du lịch tương tác, săn bắn giải trí để giành “chiến lợi phẩm” và xuất khẩu xương sang châu Á để phục vụ quá trình sản xuất thuốc cổ truyền. Hoạt động xuất khẩu xương và chiến phẩm sư tử cũng đòi hỏi một số “người trung gian” phải tiếp xúc trực tiếp với sư tử, hoặc xử lý các sản phẩm dẫn xuất chúng trong quá trình vận chuyển, giết mổ, xử lý. Mức độ tiếp xúc trực tiếp này tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình lây truyền bệnh.

Môi trường nuôi nhốt sư tử tại Nam Phi thường không đảm bảo vệ sinh, tiềm ẩn nguy cơ các bệnh truyền nhiễm

     Một nghiên cứu đánh giá các bệnh xuất hiện ở sư tử tại Công viên Kruger trong những năm 1970 đã cung cấp thông tin quan trọng về nhiều loại bệnh truyền nhiễm có thể ảnh hưởng đến quần thể trong tự nhiên (như các bệnh: giun xoắn, giun chỉ, ghẻ, nhiễm ký sinh trùng pentastoma, nhiễm sán echinococciasis, giun sán, hepatozoonosis do bọ ve gây ra), bệnh than và bệnh sốt ve do kí sinh trùng babesia, trong số này, có một số bệnh được cho là có thể lây truyền trực tiếp hoặc gián tiếp sang người. Tương tự, các nghiên cứu khoa học cũng đã ghi nhận tình trạng lây truyền bệnh truyền nhiễm có nguồn gốc từ động vật giữa người và sư tử bị nuôi nhốt. Cụ thể, vào năm 2015, một cá thể sư tử con trong vườn thú bị mắc bệnh “nấm da” - căn bệnh do nhiễm các loại nấm gây bệnh có tên Epidermophyton, Microsporum, hoặc Trichophyton, và chính người trông coi vườn thú chăm sóc cá thể sư tử cũng bị nhiễm bệnh này do có quá trình tiếp xúc liên tục với sư tử con.

     Trong nghiên cứu mới đây của Tổ chức Bảo vệ động vật thế và Tổ chức Blood Lions, các nhà khoa học đã tiến hành tìm kiếm một cách có hệ thống các tài liệu học thuật, xác định 148 nghiên cứu được thẩm định và sử dụng các nghiên cứu này để tóm tắt phạm vi tác nhân gây bệnh và ký sinh trùng có ảnh hưởng đến sư tử châu Phi. Các nhà khoa học đã ghi nhận tổng cộng 63 sinh vật gây bệnh khác nhau, có thể ảnh hưởng đến sư tử. Hơn một nửa số sinh vật gây bệnh được ghi nhận là ký sinh trùng (35, 56%), bao gồm bọ ve (Ixodida) (4, 6%), tiếp theo là vi rút (17, 27%) và vi khuẩn (11, 17%), không có loại nấm gây bệnh nào được ghi nhận. 63 sinh vật gây bệnh này thuộc 35 chi khác nhau trên 30 họ phân loại. Ba sinh vật gây bệnh mới thuộc các loài không xác định và chưa được mô tả cũng đã được ghi nhận. Nghiên cứu cũng xác định tổng cộng 83 triệu chứng lâm sàng và các bệnh liên quan đến các sinh vật gây bệnh này. Kết quả nhận được đã nêu bật phạm vi mối đe dọa nguy hiểm đến sức khỏe mà những sinh vật này gây ra cho vật chủ.

     Nghiên cứu này được đưa ra trong bối cảnh có nhiều quan ngại về khả năng Chính phủ Nam Phi sẽ công bố hạn ngạch (quota) xuất khẩu xương sư tử mới. Nam Phi là quốc gia cho phép xuất khẩu hợp pháp xương sư tử hàng năm đến khu vực châu Á vì mục đích thương mại. Con số này đã tăng lên đáng kể từ 800 bộ xương (năm 2017) lên tới 1.500 bộ xương (năm 2018). Những bộ xương sư tử này sau đó thường được sử dụng phục vụ cho nhu cầu bào chế các phương thuốc cổ truyền từ ĐVHD (ĐVHD), mặc dù chưa có bất kỳ bằng chứng khoa học nào chứng minh lợi ích của chúng.

     Nhìn chung, các yếu tố văn hóa xã hội, chính trị, kinh tế, bảo tồn đã và đang tạo ra một cuộc tranh luận phức tạp, nhiều sắc thái xung quanh ngành công nghiệp nuôi nhốt sư tử vì mục đích thương mại tại Nam Phi. Tuy nhiên, nếu không tính đến khía cạnh kinh tế, đạo đức và môi trường, kết quả trong nghiên cứu đã chỉ ra ngành công nghiệp nuôi nhốt sư tử tiềm ẩn nguy cơ đối với sức khỏe ĐVHD và sức khỏe cộng đồng. Vì vậy, các cơ quan hữu quan cần kiểm tra, xem xét kỹ chính sách và quy trình hiện hành liên quan đến hoạt động nuôi nhốt sư tử vì mục đích thương mại, đặc biệt là dưới lăng kính an toàn sinh học, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra đối với việc triển khai và thực thi ở mỗi quốc gia.

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh
Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 11/2020)

 

Ý kiến của bạn