Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Giảm thiểu khí thải giao thông: góc nhìn từ Đài Loan

30/07/2021

     Trong vài thập niên trước đây, trưởng kinh tế nhanh chóng của Đài Loan đã giúp đời sống, mức thu nhập của người dân ngày càng được nâng cao, kéo theo đó là sự gia tăng các phương tiện giao thông đường bộ. Với diện tích hạn chế, mật độ dân số cao, khí thải giao thông được xem là nguồn gây ô nhiễm không khí chính tại các đô thị của Đài Loan. Để giảm thiểu ô nhiễm khí thải giao thông, Đài Loan đã đưa ra nhiều biện pháp khắc phục nhằm hướng tới giao thông xanh, thân thiện với môi trường.

     Giải pháp kiểm soát ô nhiễm không khí từ khí thải phương tiện giao thông

     Khí thải từ các phương tiện giao thông được xác định là nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí tại các đô thị của Đài Loan. Với dân số hơn 23 triệu người, trong khi có đến hơn 21 triệu xe máy, đưa Đài Loan trở thành nơi có lưu lượng xe máy thuộc hàng cao nhất thế giới. Ngoài ra, tính từ năm 2016 đến năm 2020, bình quân mỗi năm số lượng xe ô tô tăng mới khoảng 440.000 chiếc (tăng bình quân 1-3%/năm).

     Tuy nhiên, việc có quá nhiều xe máy khiến chất lượng không khí của Đài Loan đi xuống nghiêm trọng. Theo số liệu giám sát lượng khí thải của Đài Loan (năm 2018), ô nhiễm bụi mịnh (PM2.5) do các phương tiện giao thông chiếm đến 36% (cao hơn nhiều so với mức khí thải công nghiệp, khoảng 25%). Trong một nghiên cứu gần đây của Đại học Quốc gia Đài Loan, nồng độ bụi mịn PM2.5 ở các thành phố lớn của Đài Loan trung bình là 20µg/m3 (cao hơn 5 µg/m3 so với tiêu chuẩn của Đài Loan và 10µg/m3 tiêu chuẩn của WHO). Bên cạnh đó, hạt PM2.5 bay lơ lửng còn có chứa kim loại nặng nguy hiểm khác như: lưu huỳnh, sắt. Nguyên nhân quan trọng gây nên tình trạng ô nhiễm không khí đó chính là khí thải giao thông. Vì vậy, giảm thiểu khí thải giao thông được xem là giải pháp cấp thiết đối với Đài Loan trong vấn đề BVMT, giảm phát thải khí nhà kính. Do đó, Đài Loan đã triển khai nhiều đồng bộ giải pháp nhằm kiểm soát ô nhiễm không khí từ khí thải phương tiện giao thông.

     Kiểm soát chặt chẽ khí thải các phương tiện giao thông

     Theo Luật Kiểm soát ô nhiễm không khí (sửa đổi năm 2018) và Quy chuẩn khí thải giao thông (sửa đổi năm 2020), tất các tất cả các phương tiện giao thông đang lưu hành sử dụng động cơ xăng, dầu, diesel phải thực hiện nghiêm các tiêu chuẩn về khí thải; Đánh thuế đối với các loại xe ô tô có dung tích xi lanh lớn tiêu tốn nhiều nhiên liệu, ít thân thiện với môi trường; Khuyến khích các loại ô tô thân thiện môi trường hoặc tuân thủ đầy đủ các quy định về tiêu chuẩn khí thải; Tiến hành kiểm tra định kỳ hàng năm khí thải từ xe ô tô động cơ xăng và diesel. Đối với xe máy, việc kiểm tra được thực hiện tại các trạm kiểm định do Cơ quan BVMT Đài Loan (EPAT) ủy thác. Kể từ năm 1993, Đài Loan áp dụng hệ thống kiểm tra khí thải I/M. Việc kiểm tra tại chỗ khí thải từ xe mô tô, xe ô tô chạy động cơ diesel do Cục BVMT địa phương tiến hành. Ngoài ra, EPAT còn tiến hành lắp đặt hệ thống đo nhiệt độ của khí thải (sử dụng một số nhiệt kế đo chuyên dụng) đối với xe động cơ diesel tại 33 làn đường ở 22 thành phố, quận, huyện trên toàn Đài Loan. EPAT hỗ trợ lắp đặt bộ lọc hạt diesel trên các xe vệ sinh và xe buýt trong thành phố tại ba thành phố lớn là Đài Bắc, Đài Trung và Cao Hùng.

     Bên cạnh đó, Đài Loan còn áp dụng hệ thống giám sát khí thải tự động được sử dụng để kiểm tra khí thải từ xe ô tô động cơ xăng lưu thông trên đường. Hệ thống này sẽ sàng lọc những phương tiện giao thông có lượng khí thải vượt mức tiêu chuẩn. Chính quyền cũng khuyến khích người dân thông báo đối với các loại xe ô tô, xe máy có lượng khí thải vượt quá tiêu chuẩn cho phép, gây ô nhiễm môi trường khi tham gia giao thông.

    Thúc đẩy các giải pháp thay thế nhiên liệu sạch

     Nhằm khuyến khích người dân sử dụng nhiên liệu LPG thay thế nhiên liệu truyền thống như xăng, dầu, EPAT đã thông qua chính sách trợ giá LPG từ tháng 10 năm 2001, mỗi lít LPG được hỗ trợ giá là 3 Đài tệ (khoảng 2.500 đồng). Đồng thời để tạo điều kiện cho việc đẩy mạnh tiêu thụ năng lượng ít gây ô nhiễm môi trường, nhiều trạm nạp LPG cũng đã được xây dựng. Các xe ô tô công vụ của chính quyền cũng dần được thay thế bằng xe sử dụng LPG. Khuyến khích sử dụng nhiên liệu dầu diesel sinh học và xăng ethanol.

     EPAT cũng đã thiết lập các biện pháp kiểm soát chất lượng nhiên liệu như giảm hàm lượng lưu huỳnh trong xăng, dầu diesel. Theo đó, hàm lượng lưu huỳnh cho phép trong dầu diesel được giảm dần từ 5.000 ppm năm 1989 xuống còn 10ppm năm 2011; đối với xăng, giới hạn 10ppm được áp dụng từ đầu năm 2012. Với nhiên liệu diesel 10 - 15ppm lưu huỳnh, bộ lọc hạt rắn có khả năng giảm hàm lượng bụi hơn 95%. Ngoài ra, EPAT thực thi chương trình phí kiểm soát ô nhiễm không khí dựa trên thu phí kiểm soát ô nhiễm trên mỗi lít xăng và dầu diesel; ban hành và thực thi “Hướng dẫn hình phạt đối với các phương tiện giao thông do vi phạm Đạo luật khiểm soát ô nhiễm không khí”. Người điều khiển xe ô tô động cơ diesel phải chịu mức phạt tối đa là 75.000 Đài tệ (khoảng 2.700 USD) nếu sử dụng các sản phẩm nhiên liệu bất hợp pháp.

     Khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông ít gây ô nhiễm môi trường

     Vận động người dân sử dụng xe máy ít gây ô nhiễm môi trường thông qua trợ giá khi mua xe đạp điện. Chính sách trợ giá được chính quyền Đài Loan phê duyệt vào năm 2001, theo đó mỗi xe đạp điện được hỗ trợ 3.000 Đài tệ (khoảng 110 USD), bình quân mỗi năm có khoảng 3.000 - 4.000 xe được hưởng mức giá trợ cấp này.

     EPAT cũng đang nghiên cứu xây dựng Dự thảo Khuyến khích sử dụng xe hybrid (thường được gọi là xe lai điện, kết hợp hoạt động của động cơ đốt trong và động cơ điện sao cho tối ưu). Cục Năng lượng (Bộ Kinh tế Đài Loan) cùng phối hợp đề xuất một số biện pháp thúc đẩy sử dụng xe hybrid như: Giảm ½ thuế nhập khẩu, giảm ½ thuế hàng hóa, giảm thuế thu nhập, miễn thuế nhiên liệu… khuyến khích các cơ quan chính quyền mua hoặc thuê xe hybird. Để khuyến khích người dân sử dụng xe đạp, chính quyền địa phương đã thiết lập làn đường dành cho xe đạp; thúc đẩy sử dụng phương tiện giao thông công cộng; thiết lập các khu vực “không khí sạch” cấm bất kỳ phương tiện xe cơ giới nào được lưu thông tại đây... là những biện pháp giúp cải thiện chất lượng không khí tại nhiều thành phố của Đài Loan.

      Kiểm soát, thu hồi xe cũ và trợ giá xe mới ít tiêu hao nhiên liệu

      Nhằm tiến tới cấm lưu thông đối với các phương tiện xe ô tô cũ, xe mô tô động cơ hai thì, EPAT phối hợp với Bộ Giao thông và Bộ Tài chính nghiên cứu tăng thuế trước bạ đối với các loại xe cũ trên 10 năm nhằm đẩy nhanh tiến độ loại bỏ xe ô tô, xe máy tiêu hao nhiều nhiên liệu, ô nhiễm môi trường.

     Để khuyến khích người dân loại bỏ xe ô tô cũ, tiêu hao nhiều nhiên liệu, gây ô nhiễm môi trường, EPAT còn đưa ra biện pháp hỗ trợ giá khi mua xe mới, xe động cơ diesel có trọng lượng trên 3,5 tấn và sản xuất trước ngày 30/6/1999 được nhận khoản trợ giá từ 50.000 - 400.000 Đài tệ (1.632 - 13.053 USD). Theo thống kê của EPAT, từ năm 2017 đến tháng 6/2020, Đài Loan đã loại bỏ gần 38.000 xe chạy dầu diesel cũ, 1.230.000 xe máy cũ. Đối với xe động cơ diesel sản xuất sau ngày 30/9/2006, bắt buộc phải lắp bộ lọc khí thải. Trong trường hợp chủ phương tiện muốn đổi xe mới, EPAT sẽ hỗ trợ từ 70.000 - 150.000 Đài tệ (khoảng 2.500 - 5.400 USD). Nhằm giảm bớt áp lực kinh tế cho người dân, EPAT còn phối hợp với “Quỹ bảo lãnh tín dụng Doanh nghiệp vừa và nhỏ” cung cấp những khoản vay với lãi suất chỉ từ 3%-5%/năm (sẽ giảm dần chỉ còn 0,55% vào năm 2022).

Hoạt động kiểm định khí thải đối với xe máy tại Đài Loan

     Đặc biệt, Chương trình trợ cấp thay thế xe động cơ diesel trọng tải lớn được thực hiện trong 3 năm với 3 giai đoạn cụ thể. Ngân sách phục vụ cho Chương trình này được trích từ ngân sách công, Quỹ ô nhiễm không khí và các nguồn tài chính khác. Một điếm nhấn trong Chương trình trợ cấp của chính quyền đó là, các mức giá trợ cấp sẽ giảm dần theo từng năm. Ví dụ, nếu mua xe tải động cơ diesel trọng tải 26 tấn, giai đoạn 1 được trợ cấp là 250.000 Đài tệ; giai đoạn 2 là 125.000 Đài tệ; giai đoạn 3 giảm xuống chỉ còn 100.000 Đài tệ. Điều này sẽ tạo động lực khiến chủ phương tiện cần phải nhanh chóng chuyển đổi sang xe mới để được hưởng nhiều ưu đãi từ phía chính quyền. Nhờ vậy, mục tiêu giảm 50% khí thải carbon đến năm 2050 sẽ dần đạt được kết quả khả quan. Việc thay thế các xe ô tô chạy dầu diesel, theo ước tính của EPAT sẽ giảm lượng khí thải PM2.5 hàng năm khoảng 4.000 tấn.

     Kết quả và những hạn chế

     Với các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt với khí thải giao thông, đặc biệt là tại các đô thị lớn - nơi có mật độ lưu thông cao, chất lượng không khí đã dần có nhiều chuyển biến tích cực. Đơn cử như tại thành phố Đài Bắc (theo số liệu giám sát của IQ Air.com) năm 2017, nồng độ PM 2.5 là 15,8µg/m3; năm 2018 giảm xuống còn 14,9µg/m3; năm 2019 là 13,9µg/m3 (riêng trong tháng 8, 9 nồng độ PM2.5 đã đạt dưới mức 10µg/m3); năm 2020 tiếp tục giảm xuống còn 11,5µg/m3. Đối với các thành phố, địa phương khác trên toàn Đài Loan, nồng độ hạt bụi mịn PM2.5 từ năm 2007 cho đến năm 2020 cũng có nhiều kết quả khả quan (hình 1). Ngoài ra, các thông số chất lượng không khí khác cũng có sự cải thiện tích cực: bụi PM10 là 30,2µg/m3; SO2 là 2,13µg/m3; NO2: 11,16µg/m3; CO: 0,35µg/m3 (năm 2020). Việc lắp đặt bộ hạt diesel trên các xe vệ sinh và xe buýt trong thành phố đã giảm một lượng lớn khí thải độc hại ra môi trường. Tại thành phố Đài Trung, tỷ lệ khói đen đã được loại bỏ lên đến 99,2%.

Hình 1. Nồng độ PM 2.5 của Đài Loan (2009 - 2020)

Nguồn: Cơ quan BVMT Đài Loan, 2020

     Việc khuyến khích người dân sử dụng xe đạp điện đã nhận được sự đồng tình và tham gia tích cực của cộng đồng. U-bike - loại hình xe đạp điện công cộng được chính quyền Đài Loan triển khai rộng khắp, nhất là tại các thành phố lớn. U-bike chính thức được triển khai từ tháng 3/2009, lúc đầu chỉ có khoảng 500 chiếc, với 11 địa điểm cho thuê (thường gần những nơi tập trung đông người như công viên, trường học…); đến năm 2016, toàn thành phố Đài Bắc đã có tổng cộng 258 điểm cho thuê với 8.518 chiếc xe đạp, trung bình mỗi chiếc sử dụng 6,65 lần/ngày, đạt tần suất sử dụng cao nhất thế giới. U-bike thực sự đã trở thành phương tiện giao thông xanh, một điểm nhấn ấn tượng của Đài Loan và đem đến một nguồn lợi nhuận khoảng 300 triệu Đài tệ năm 2019.

     Bảng 1. Lộ trình triển khai điện khí hóa phương tiện giao thông ở Đài Loan

2030

Điện khí hóa xe công vụ, xe buýt công cộng

- Mỗi năm thay thế 500 – 600 xe công vụ, thúc đẩy phương thức cho thuê;

- Thay thế 1.000 xe buýt đô thị, trợ giá cho mỗi xe điện công cộng từ 4 – 6 triệu Đài tệ.

2035

Điện khí hóa toàn bộ xe máy

- Năm 2019, thay thế toàn bộ 1,5 triệu xe máy hai kỳ;

- Năm 2019, loại bỏ 80.000 xe máy một kỳ, hai kỳ chạy dầu diesel cũ, lắp bộ lọc khói cho 38.000 xe máy chạy dầu diesel ba kỳ.

2040

Điện khí hóa toàn bộ xe ô tô

- Ưu tiên cải thiện chất lượng xăng cho các dòng xe sử dụng trên 10 năm;

- Khuyến khích thay thế các dòng xe tải lớn loại 1 và loại 2 bằng các khoản vay ưu đãi.

Nguồn: Viện Nghiên cứu kinh tế Đài Loan, 2020

     Bên cạnh xe đạp điện thân thiện môi trường, tỷ lệ xe ô tô điện (electric vehicles - EV) cũng có nhiều dấu hiệu khả quan. Tính đến tháng 9/2020, đã có hơn 4.000 xe ô tô điện Tesla đang lưu thông ở Đài Loan, chiếm đến hơn 93,5% thị phần xe ô tô điện.

     Thực tế, không phủ nhận những thành công của Đài Loan trong việc nỗ lực giảm thiểu khí thải giao thông thời gian qua. Tuy nhiên, để hướng tới một hệ thống “giao thông xanh” vẫn còn nhiều vấn đề mà hòn đảo đang phải đối mặt. Trước hết, việc sử dụng xe đạp điện công cộng U-bike mới chỉ chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn, còn ở những vùng, miền khác gần như không được chú trọng. Mặt khác, ngay tại các thành phố lớn xe đạp điện công cộng mới chỉ đạt được mục tiêu cung cấp dịch vụ đi lại với khoảng cách ngắn trong nội đô, còn chưa thể đáp ứng được số lượng lớn nhu cầu đi lại ở khoảng cách xa hơn. Vì thế, mặc dù U-bike là một giải pháp hợp lý, song tính phổ biến lại chưa đem lại hiệu quả tương ứng. Mặc dù chính quyền Đài Loan khuyến khích người dân hạn chế sử dụng xe máy, tăng cường kiểm tra khí thải định kỳ đối với xe máy, loại bỏ xe máy cũ… song, tỷ lệ xe máy ở Đài Loan vẫn quá cao so với tỷ lệ dân số.

     Đối với các dòng xe thân thiện môi trường như xe ô tô điện, xe hybrid vẫn còn nhiều hạn chế. Những ưu đãi đối với việc sử dụng xe hybrid vẫn chưa được triển khai; đối với xe ô tô điện, hiện vẫn chưa có những biện pháp ưu đãi cụ thể như, miễn thuế, trợ cấp giá… Việc xây dựng các trạm sạc điện nhanh cũng còn chậm, điều này khiến người dân cân nhắc hơn khi mua xe ô tô điện. Hơn nữa, nút thắt quan trọng nhất khiến cho vấn đề EV ở Đài Loan khó có thể giảm phát khí thải nhà kính, đạt được mục tiêu theo Thỏa thuận Paris, đó chính là gần 80% nguồn điện của Đài Loan được cung cấp bởi nhiên liệu hóa thạch (than đá, khí ga tự nhiên), trong khi, năng lượng tái tạo chỉ chiếm 7,4%.

     Cùng với đó, số lượng trạm quan trắc chất lượng không khí giao thông tự động vẫn còn thiếu chưa đáp ứng đủ yêu cầu. Hiện nay, giám sát nồng độ hạt bụi mịn PM2.5 trong khí thải giao thông trên toàn Đài Loan, mới chỉ có 10 trạm quan trắc cố định của EPAT, phần lớn tập trung ở phía Bắc với 7 trạm, trong khi miền trung chỉ có 1 trạm ở Đài Trung và miền Nam có 2 trạm ở thành phố Cao Hùng. Điều này cũng ảnh hưởng đến phần nào việc giám sát chất lượng không khí giao thông giữa các vùng, miền trên toàn Đài Loan.

     Gợi mở một số giải pháp cho Việt Nam

     Thời gian qua, ô nhiễm không khí tại nhiều địa phương trên cả nước vẫn có chiều hướng gia tăng, nhất là tại các thành phố lớn, như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và sức khỏe cộng đồng. Trong đó, một trong những nguyên nhân chính là do bụi, khí thải từ các phương tiện giao thông. Do vậy, để tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, giảm thiểu tác động bất lợi đến sức khỏe người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 18/01/2021 về tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí. Theo đó, các Bộ, ngành và địa phương cần có lộ trình, giải pháp thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới cũ nát, lạc hậu, không đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành gây ô nhiễm môi trường.

     Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với Đài Loan, đặc biệt là việc sử dụng các phương tiện xe máy cá nhân. Thống kê của Bộ Giao thông vận tải, số lượng xe máy tại Việt Nam khoảng 60 triệu xe (cuối năm 2019), xếp thứ 4 trong danh sách các nước tiêu thụ xe máy nhiều nhất thế giới (sau Ấn Độ, Trung Quốc và Inđônêxia). Trong đó, khoảng 1/2 số lượng xe máy là xe đã sử dụng lâu năm, hoặc xe đã cũ nát, xuống cấp, không đảm bảo điều kiện về an toàn kỹ thuật và là nguy cơ lớn gây ô nhiễm môi trường. Bài học thành công của Đài Loan trong việc kiểm soát khí thải, thu hồi xe máy cũ nát không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải sẽ giúp ích trong các hoạt động kiểm soát khí thải phương tiện xe máy tại Việt Nam hiện nay.

     Việc kiểm soát hoạt động cũng như kiểm soát khí thải của xe mô tô, xe gắn máy đã, đang trở thành mối quan tâm của chính quyền các thành phố đặc biệt là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, việc thu hồi với xe máy cũ nát gặp khó khăn vì không có quy định niên hạn, chưa quy định phải kiểm soát khí thải, nên không có cơ sở xác định và biện pháp để thu hồi. Vì vậy, trong thời gian tới, cần bổ sung nội dung này vào trong Luật Giao thông đường bộ sửa đổi. Trên cơ sở quy định của Luật, Bộ TN&MT và Bộ Giao thông Vận tải cần xây dựng tiêu khí thải, lộ trình kiểm định khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy để triển khai đồng bộ trên phạm vi cả nước. Đây là hàng rào kỹ thuật và là cơ sở pháp lý quan trọng để xác định, tiến tới thu hồi xe cũ nát, không đảm bảo tiêu chuẩn về khí thải.

     Về lâu dài, Việt Nam cần xây dựng các chính sách, thực hiện việc kiểm soát khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đồng bộ từ khâu sản xuất lắp ráp và nhập khẩu mới, đến kiểm soát khí thải phương tiện đang lưu hành, góp phần đáng kể trong việc cải thiện chất lượng không khí. Đẩy nhanh việc thực hiện phát triển hệ thống giao thông công cộng, ưu tiên phương tiện sử dụng năng lượng sạch, không phát thải. Tuyên truyền, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, giảm phương tiện cá nhân.

TS. Vũ Thùy Dương

Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 7/2021)

     Tài liệu tham khảo

  1. Institute for Transportation & Development Policy (2019), Environmental Impact Assessment: Taming Taiwan’s wild roads.
  2. Environmental Protection Administration Taiwan (2020). Control of mobile sources of air pollution.
  3. Lin Chia-nan, (2018), New car subsidy for diesel owners extended,
  4. IQ Air (Air quality in Taipei) 2021, https://www.iqair.com/th-en/taiwan/taipei
  5. Chris Chang (2020), Eco-conscious EV drivers unlikely to transform Taiwan’s emissions.
Ý kiến của bạn