Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Chuyển đổi số tại Estonia và một số đề xuất cho Việt Nam

19/04/2024

    Chuyển đổi số (CĐS) là cụm từ được nhắc đến bên cạnh các khái niệm như điện toán đám mây (cloud computing), dữ liệu lớn (big data), blockchain... Theo Microsoft, CĐS là sự đổi mới kinh doanh, được thúc đẩy bởi sự bùng nổ của đám mây (cloud), trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT), cung cấp những cách mới để hiểu, quản lý và chuyển đổi cho các hoạt động kinh doanh. CĐS ứng dụng các tiến bộ về công nghệ số (CNS) như cloud, big data... vào mọi hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp (DN), nhằm mang lại hiệu suất cao, tăng doanh thu và tạo dựng thương hiệu. Không chỉ đơn thuần là thay đổi cách thức thực hiện công việc từ thủ công truyền thống (ghi chép sổ sách, họp trực tiếp...) sang vận dụng công nghệ để giảm thiểu sức người, mà trên thực tế, CĐS đóng vai trò thay đổi tư duy kinh doanh, phương thức điều hành, văn hóa tổ chức... CĐS hiện được xem là xu hướng tất yếu trên toàn thế giới, trong đó, Estonia là một trong những quốc gia tiên phong về ứng dụng CNS, lan tỏa CĐS. Bài viết khái quát quá trình, kinh nghiệm triển khai CĐS của Estonia, trên cơ sở đó đề xuất một số giải pháp góp phần thực hiện hiệu quả công cuộc CĐS ở Việt Nam trong thời gian tới.

    1. Hành trình CĐS của Estonia

    Tuy là một quốc gia nghèo ở Bắc Âu, tách ra từ Liên Xô (cũ) vào năm 1991, diện tích chỉ hơn 45.000 km2, dân số hơn 1,32 triệu người, nhưng Estonia đã ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào xây dựng, phát triển đất nước và vươn lên dẫn đầu thế giới về phát triển Chính phủ điện tử (CPĐT), quốc gia số. Đặc biệt, sau gần 30 năm thực hiện Chương trình “Bước nhảy của hổ” (Tiger Leap), CNTT, CNS đã biến đất nước nhỏ bé này trở thành “ngôi sao” về thành tựu CĐS, là nguồn cảm hứng cho các quốc gia trên thế giới học tập kinh nghiệm.

    1.1. Quốc gia dẫn đầu thế giới về quản trị nhà nước bằng CNS

    Estonia bắt đầu thực hiện Chiến lược CĐS trong lĩnh vực giáo dục, thông qua Đề án đưa máy tính vào giảng dạy phổ thông. Năm 1997, Estonia khởi động Chương trình quốc gia về tin học hóa trường học, với mục tiêu kết nối tất cả trường học bằng internet, trang bị máy tính, sử dụng CNTT vào quá trình dạy và học, hàm ý thông qua tin học hóa, đất nước Estonia nói chung và nền giáo dục nói riêng sẽ có bước nhảy mạnh mẽ trong tương lai. Đây là sáng kiến đầu tiên được Nhà nước hỗ trợ hoàn toàn kinh phí để triển khai thông qua việc cài đặt máy tính tại 560 trường học trên phạm vi cả nước, cung cấp truy cập internet cho 75% trường và đào tạo công nghệ cho hơn 10.000 giáo viên… đến năm 1998, tất cả trường học tại Estonia đều được trang bị máy tính có kết nối mạng [1] Mặc dù Chương trình chính thức chỉ kéo dài 4 năm và việc trao đổi các văn bản điện tử của Chính phủ Estonia vẫn còn hạn chế, nhưng nó đã mở đường cho một thế hệ công nghệ ở Estonia. Thông qua Chương trình, tỷ lệ người dân sử dụng internet ngày càng rộng, tính đến đầu năm 2023 đạt tỷ lệ 92,3%, tương đương khoảng 1,22 triệu người; tỷ lệ kết nối internet trên điện thoại di động đạt 146,8%, tương đương 1,94 triệu; 1,07 triệu người dùng mạng xã hội, tương đương 80,8% tổng dân số (Kết quả khảo sát về CPĐT toàn cầu năm 2022 của Liên hợp quốc). Đặc biệt, Chính phủ Estonia đưa ra nhiều chương trình ưu đãi, khuyến khích nhà đầu tư tham gia xây dựng “ngân hàng điện tử (e-banking)” và trung tâm máy tính ở thư viện thành phố hoặc trụ sở các cơ quan để người dân có thể sử dụng, được hỗ trợ tập huấn tin học cơ bản. Bên cạnh đó, xác định phổ biến CNTT cho toàn cộng đồng là bước đi nền tảng để thực hiện số hóa quản trị nhà nước, trong đó lòng tin của người dân là yếu tố quan trọng để thực hiện bước đi then chốt này, Chính phủ Estonia đã nghiên cứu thái độ của người dân và xây dựng lòng tin trên cơ sở minh bạch hóa.

    Thành công trong quá trình CĐS của Estonia được công nhận lần đầu tiên vào năm 2000 khi quốc gia này vượt trội hơn nhiều so với các nước phát triển về cung cấp dịch vụ công trực tuyến và là quốc gia duy nhất trên thế giới có 99% dịch vụ công có sẵn trực tuyến 24/7 [2]. Năm 2002, Estonia ra mắt hệ thống ID quốc gia công nghệ cao, thẻ ID vật lý được ghép nối với chữ ký điện tử mà người dân sử dụng để nộp thuế, bỏ phiếu, truy cập vào các trang web, dịch vụ điện tử, thanh toán, giao dịch ngân hàng trực tuyến, truy cập hồ sơ chăm sóc sức khỏe... Tháng 3/2021, Đề án “Con đường tới thập kỷ KTS” do Ủy ban châu Âu (EC) khởi xướng đề ra mục tiêu, đến năm 2030, tất cả công dân EU phải được quyền truy cập vào hồ sơ y tế điện tử và EU phải đạt tỷ lệ 100% dịch vụ công trực tuyến sẵn có dành cho công dân, doanh nghiệp (DN) châu Âu; 80% công dân phải sử dụng một trong các giải pháp nhận dạng điện tử của châu Âu, trong khi đó, hiện nay 98% người dân Estonia đã có thẻ ID số và 70% dân số sử dụng thường xuyên thẻ này cho các dịch vụ công; 1,32 triệu công dân Estonia đang được hưởng một Chính phủ KTS 99,99% không giấy tờ, mọi thông tin cá nhân chỉ cần cung cấp một lần, cho một cơ quan được mặc định số hóa (Theo ICTVietnam). Việc truy cập thông tin cá nhân luôn bảo đảm tính minh bạch, người dân có thể thực hiện mọi giao dịch với chính quyền, chẳng hạn như bỏ phiếu, khai thuế, đăng ký khai sinh… bằng hình thức trực tuyến từ hầu hết mọi nơi trên thế giới, trừ ba vấn đề (kết hôn, ly hôn, mua bán bất động sản). Theo kết quả khảo sát về CPĐT toàn cầu năm 2022 do Liên hợp quốc công bố, các dịch vụ điện tử khu vực công của Estonia được đánh giá là tốt nhất trên thế giới.

    Trong phát triển kinh tế số, Estonia áp dụng thành công “Hạ tầng băng thông rộng - Dự án Network” (EstWin), do Bộ Kinh tế khởi động năm 2009 với mục đích cung cấp 6.600 km cáp quang ở các vùng nông thôn và khu vực có ít hơn 10.000 dân sinh sống. Đến năm 2020, 98% số hộ gia đình, DN, tổ chức không cách Estwin quá 1,5 km và tất cả nút mạng hiện có đều được kết nối với hệ thống mạng lõi. 85% số chi phí của Estwin được tài trợ bởi Quỹ Phát triển khu vực châu Âu (ERDF); 15% số chi phí xây dựng mạng được đồng tài trợ bởi các nhà khai thác mạng. Cùng với đó, việc thực hiện “Chương trình Nghị sự KTS 2020 cho Estonia” và “Chiến lược học tập suốt đời năm 2020” đã mang lại hiệu quả cao trong việc phổ cập kỹ năng số cho người dân [4]. Trong đó, Chiến lược học tập suốt đời “Tập trung KTS vào học tập suốt đời” là ưu tiên hàng đầu, vì đây là tiền đề của thị trường lao động toàn diện, góp phần cải thiện năng suất, tăng trưởng kinh tế bền vững, đồng thời, tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế số và CĐS của Estonia.

    1.2. Bài học kinh nghiệm

    Với những kết quả nổi bật nêu trên, hành trình CĐS của Estonia là bài học kinh nghiệm cho các quốc gia khác trên thế giới học tập, thể hiện ở những mặt sau:

    Thứ nhất, tầm nhìn và tư duy đổi mới, nhất quán, dài hạn trong các hoạt động CĐS quốc gia. Với tầm nhìn đúng đắn, phát triển đất nước từ CNTT và bằng CNTT, Estonia đã có những bước đi trước thời đại, năm 2000 biến quyền truy cập internet thành quyền con người; năm 2007 là quốc gia đầu tiên trên thế giới cho phép bầu cử trực tuyến trong tổng tuyển cử và số hóa hầu hết mọi dịch vụ công… Ngày nay, Estonia là một trong những nước tiên tiến nhất về công nghệ, vượt qua cả Mỹ, Anh và một số nước Tây Âu; hệ thống CPĐT đứng đầu thế giới, mọi thứ đều số thức hóa, từ e-banking, e-paying (thanh toán điện tử), e-vote (bỏ phiếu điện tử), e-health (y tế điện tử), e-tax mobile (nộp thuế điện tử); Chính phủ số (CPS) cũng không ngừng đổi mới, cải tiến để phục vụ tốt nhất cho người dân…

    Thứ hai, vai trò, ý chí lãnh đạo của người đứng đầu. Thực tiễn cho thấy, quá trình xây dựng, phát triển quốc gia số tại Estonia đạt được nhiều thành tựu phần lớn là nhờ vào vai trò của người đứng đầu, trong đó phải kể đến nguyên Thủ tướng Mart Laar - Người đầu tiên đặt ra mục tiêu cùng với những bước đi đúng đắn trong hành trình CĐS của Estonia. Ngoài ra, đội ngũ lãnh đạo trẻ với tinh thần đổi mới, sáng tạo, là nhân tố nuôi dưỡng quyết tâm và thúc đẩy quá trình CĐS của quốc gia đi đến những thành công vượt bậc.

    Thứ ba, Chính phủ Estonia xây dựng niềm tin của người dân về CPS bằng những bước đi nhỏ nhưng mang tính quyết định trong gần 30 năm qua, từ việc mang máy tính đến trường học vào những năm 1990 đến việc triển khai hệ thống e-vote, e-health… Đặc biệt, nỗ lực của Chính phủ Estonia trong khắc phục sự cố của CPS năm 2017 là minh chứng cho nhận định này. Cụ thể, tháng 8/2017, Cơ quan quản lý hệ thống thông tin Estonia nhận được thông báo về một điểm yếu bảo mật làm ảnh hưởng đến khoảng 800.000 thẻ căn cước công dân. Quyết định đầu tiên của Chính phủ là không che giấu mà chủ động thông tin, chia sẻ cho người dân về tình hình sự cố, cũng như những rủi ro trong việc tìm cách giải quyết. Đồng thời, tất cả các cơ quan liên quan lập tức tìm cách khắc phục, các nhà chức trách thì nhanh chóng cung cấp phương tiện để gia hạn từ xa ½ số thẻ căn cước bị ảnh hưởng. Kết quả, chỉ vài tháng sau vụ việc, các cuộc bầu cử địa phương đã thu hút ​​số lượng lớn cử tri tham gia, điều này cho thấy niềm tin của người dân vào Nhà nước. Bên cạnh đó, một nhân tố quan trọng khác là tính minh bạch của cơ sở hạ tầng số. Mọi công dân của Estonia đều được cấp một định danh số duy nhất, an toàn để truy cập vào tất cả dịch vụ như hồ sơ sức khỏe, đăng ký ô tô, thuế, hồ sơ tài sản… và việc truy cập, can thiệp vào cơ sở dữ liệu công sẽ được ghi lại, đánh dấu thời gian dựa trên blockchain; nếu cá nhân/tổ chức khác truy cập, can thiệp vào hồ sơ của người khác thì sẽ được coi là hành vi phạm tội hình sự… điều này tạo niềm tin giữa công dân đối với Nhà nước và dịch vụ điện tử.

Estonia được biết đến là quốc gia dẫn đầu về phát triển CPĐT, quốc gia số

    Thứ tư, chú trọng phát triển nguồn nhân lực số. Năm 2020, các chuyên gia CNTT - Truyền thông (CNTT-TT) của Estonia chiếm tới 6,5% dân số có việc làm (trong khi EU chỉ chiếm 4,3%); sinh viên CNTT-TT chiếm 8% tổng số sinh viên tốt nghiệp vào năm 2019, cao hơn đáng kể mức trung bình của EU là 3,9%. Năm 2021, Estonia đứng ở vị trí thứ 5, là một trong những quốc gia hàng đầu châu Âu về lĩnh vực kỹ năng số, với 62% người dân có ít nhất các kỹ năng số cơ bản (trên mức trung bình của EU) [3]. Estonia cũng luôn quan tâm phát triển nguồn nhân lực số khi chú trọng đào tạo CNS cho thế hệ trẻ, theo đó, trẻ em từ 6 tuổi đã bắt đầu học toán và logic để áp dụng vào ngôn ngữ lập trình Scratch - nền tảng ban đầu để trở thành công dân số. Estonia cũng xây dựng các chương trình, kế hoạch nhằm giảm sự thiếu hụt chuyên gia CNTT-TT, đảm bảo mọi công dân có thể hưởng lợi từ số hóa thông qua việc tổ chức các khóa đào tạo trực tuyến cho hơn 11.000 người, trong đó 1/3 số người tham gia liên quan đến CNTT-TT (năm 2020). Trong kế hoạch xây dựng Chiến lược giáo dục đến năm 2035, Estonia đặt mục tiêu, 90% người trong độ tuổi từ 16 - 24 có các kỹ năng số trên mức cơ bản, đưa tỷ lệ người dân có kỹ năng số cơ bản tăng lên 60%, so với mức 37% (năm 2019) và dự kiến đào tạo thêm 7.000 chuyên gia CNTT-TT vào năm 2027 [5]; thành lập Học viện Công nghệ Thông tin và phát triển nghiên cứu để giải quyết tình trạng thiếu chuyên gia CNTT-TT. 

    2. Chính sách, tiềm năng và một số đề xuất thúc đẩy CĐS ở Việt Nam

    2.1. Chính sách và tiềm năng thực hiện CĐS tại Việt Nam

    Tại Quyết định số 505/QĐ-TTg ngày 22/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 10/10 hàng năm là Ngày CĐS quốc gia [6]. Trước đó, Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư xác định mục tiêu cho từng thời điểm năm 2025, năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 “đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất, dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thuộc nhóm dẫn đầu khu vực châu Á; có năng suất lao động cao; đủ năng lực làm chủ, áp dụng công nghệ hiện đại trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh” [7]. Tiếp đó, Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đề ra mục tiêu “phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ, mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN, phương thức sống, làm việc của người dân; phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp” [8]. Ngoài ra, tại Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 1/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050” cũng xác định thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài. Tăng trưởng xanh dựa vào thể chế và quản trị hiện đại, khoa học - công nghệ tiên tiến, định hướng đầu tư vào công nghệ, CĐS, kết cấu hạ tầng thông minh, bền vững.

    Với quy mô dân số 100,3 triệu người (năm 2023), tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh trong khu vực châu Á, Việt Nam được đánh giá có tiềm năng rất lớn để thực hiện CĐS; Chính phủ cũng đã và đang nỗ lực xây dựng CPĐT, hướng tới tương lai CPS, nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi nền kinh tế số hóa, thể hiện ở việc thành lập Ủy ban CPĐT (năm 2018) với nhiệm vụ đề xuất chiến lược, chính sách, tạo môi trường pháp lý xúc tiến thành lập CPĐT. Theo Báo cáo khảo sát xếp hạng mức độ phát triển CPĐT năm 2020 của Liên hợp quốc công bố ngày 10/7/2020, doanh thu của các DN số trong nước tăng gần 10%, đưa xếp hạng chỉ số phát triển CPĐT của Việt Nam tăng thêm 3 bậc so với năm 2016. Hiện Việt Nam nằm trong Top 10 quốc gia có bước nhảy vọt về chỉ số phát triển CPĐT và đang phấn đấu lọt Top 4 quốc gia hàng đầu khu vực ASEAN trước năm 2025; nằm trong nhóm 50 nước dẫn đầu về CPĐT thế giới vào năm 2030.

    Mặt khác, theo thống kê của Cơ quan sáng tạo hàng đầu về mạng xã hội (We are Social), tính đến tháng 1/2023, Việt Nam có khoảng 77,93 triệu người dùng internet, tương đương 79,1% dân số, xếp thứ 13/20 quốc gia phủ sóng internet. Báo cáo SEA 2023 do Google và Temasek (Tập đoàn đầu tư của Chính phủ Singapo) công bố nhận định, thị trường Việt Nam với nền kinh tế kỹ thuật số đang trên đà phát triển, dự kiến đạt 45 tỷ USD vào năm 2025. Hiện Việt Nam có khoảng 72% dân số sử dụng điện thoại thông minh, 70% số thuê bao di động sử dụng 3G - 4G và đang đẩy nhanh các phương án triển khai dịch vụ 5G, tạo cơ sở hạ tầng cho việc kết nối theo xu hướng IoT, mở ra cơ hội kinh doanh cho các DN số.

    2.2. Một số đề xuất

    Để thực hiện hiệu quả CĐS trong thời gian tới, Việt Nam cần tập trung vào các nội dung sau:

    Thứ nhất, phải xác định CĐS là xu thế tất yếu, đòi hỏi khách quan, là nhiệm vụ chính trị quan trọng của Đảng, Nhà nước, từ đó kiên định tầm nhìn, mục tiêu và hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách về CĐS quốc gia. Yêu cầu này đòi hỏi Chính phủ, lãnh đạo các cấp, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, đoàn thể, tổ chức, DN phải quyết tâm thực hiện mục tiêu mà Chương trình CĐS quốc gia đề ra, nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ trong triển khai thực hiện, từng bước xóa bỏ “khoảng cách số” [9] giữa địa phương, cơ quan, đơn vị. Đồng thời, Việt Nam cần hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách, trước hết là khung thể chế, chính sách cho CĐS quốc gia, tạo hành lang pháp lý trên ba trụ cột chính: CPS, kinh tế số và xã hội số, thể hiện quyết tâm “xây dựng Việt Nam hùng cường” thông qua thông điệp “Make in Vietnam”, mở ra một “cuộc cách mạng” trong bối cảnh phát triển mới, tiến tới hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách, cơ chế cho từng ngành, từng lĩnh vực, nhất là những ngành, lĩnh vực tạo đột phá cho phát triển CNS như định danh điện tử, dữ liệu số, AI…

    Thứ hai, nâng cao năng lực quản trị của Chính phủ, hướng tới xây dựng CPS, đây là giải pháp then chốt. Theo đó, Chính phủ, các cơ quan hành chính nhà nước phải đi đầu trong CĐS và nâng cao năng lực quản trị số cho từng cán bộ, công chức, viên chức. Trước mắt, cần xây dựng đề án đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có đủ năng lực thực hiện quản trị số phù hợp với lộ trình xây dựng CPS; phát huy vai trò, xác định trách nhiệm cụ thể của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong xây dựng chính quyền số. Cùng với đó, cần đẩy mạnh phát triển, ứng dụng AI, các giải pháp thông minh vào hoạt động quản trị, trong đó, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có khả năng sử dụng, ứng dụng thành thạo AI để tham vấn chính sách, lắng nghe ý kiến người dân, vì mỗi công dân là một “cảm biến xã hội” [9]. Ngoài ra, các cấp chính quyền cần chú trọng cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 để tiết kiệm thời gian, nguồn lực cho người dân và DN.

    Thứ ba, huy động, ưu tiên ngân sách nhà nước cho CĐS quốc gia; tổ chức triển khai CĐS quốc gia tại từng Bộ, ngành, địa phương, đảm bảo mang lại giá trị thiết thực cho chính quyền, người dân, DN. Đồng thời, xác lập cơ chế vận động từ nhiều kênh khác nhau; tăng cường quản lý để sử dụng và kiểm soát hiệu quả nguồn lực đầu tư cho CĐS quốc gia.

    Thứ tư, quan tâm, khuyến khích các DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo về CNTT, CNS, nhằm biến thông điệp “Make in Vietnam” trở thành nguồn lực thực tiễn của CĐS quốc gia [9]. Hỗ trợ DN phát triển các ứng dụng, giải pháp thông minh phục vụ cho CĐS an toàn, thân thiện với người dân; phát triển các khu đô thị sáng tạo, ứng dụng AI để thúc đẩy CĐS.

    Thứ năm, để thực hiện thành công Chương trình CĐS quốc gia, một trong những điều kiện cần và đủ là phát triển nguồn nhân lực số (chuyên gia, kỹ sư CNS, công dân số). Do đó, Việt Nam cần xác lập cơ chế pháp lý, cơ chế làm việc linh hoạt để thu hút các chuyên gia CNS, nhất là đội ngũ chuyên gia người Việt đang làm việc ở nước ngoài; nghiên cứu, triển khai đào tạo CNS trong các chương trình giáo dục phổ thông, nghề nghiệp và đại học.

Nguyễn Thị Thu Hương

Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Nguyệt Minh

Tài liệu tham khảo

    [1], [3]. ThS. Trịnh Thị Hiền - Viện Nghiên cứu Châu Âu, Tạp chí Thông tin và Truyền thông, phát triển kinh tế số ở Estonia và gợi mở chính sách cho Việt Nam, https://ictvietnam.vn/phat-trien-kinh-te-so-o-estonia-va-goi-mo-chinh-sach-cho-viet-nam-56800.html.

    [2]. Phạm Văn Nghĩa, Tạp chí Thông tin và Truyền thông, số 17+18 tháng 12/2020, chặng đường phát triển chính phủ số Estonia, https://ictvietnam.vn/chang-duong-phat-trien-chinh-phu-so-estonia-29406.html.

    [4]. https://www.quanlynhanuoc.vn/2021/06/29/xay-dung-va-phat-trien-kinh-te-so-cua-mot-so-quoc-gia-tren-the-gioi-va-kinh-nghiem-cho-viet-nam/.

    [5]. European commission (2021). “Digital Economy and Society Index (DESI) 2021 Estonia”, https://digital-strategy.ec.eu..., truy cập ngày 1/3/2022. 

    [6]. Thủ tướng Chính phủ, 2022, Quyết định số 505/QĐ-TTg ngày 22/4/2022 về Ngày CĐS quốc gia.

    [7]. Bộ Chính trị 2019, Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị (khóa XII) về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

    [8]. Thủ tướng Chính phủ, 2020, Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 phê duyệt Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

    [9]. TS. Bùi Ngọc Hiền, Học viện Cán bộ TP. Hồ Chí Minh, kinh nghiệm của một số quốc gia trong CĐS và hàm ý chính sách cho Việt Nam (https://www.quanlynhanuoc.vn/2021/04/20/kinh-nghiem-cua-mot-so-quoc-gia-trong-chuyen-doi-so-va-ham-y-chinh-sach-cho-viet-nam/).

Ý kiến của bạn