Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Rwanda nỗ lực để trở thành quốc gia sạch nhật châu Phi

05/08/2020

    Nằm ở Trung và Đông Phi, với diện tích khoảng 26.338 km², Rwanda là một trong những quốc gia nhỏ nhất ở châu Phi, từng là thuộc địa của Bỉ và chịu nhiều đau thương sau nạn diệt chủng của người Tutsi vào năm 1994. Trong những năm qua, Rwanda đã có những bước phát triển mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, tỷ lệ đói nghèo giảm, năng suất nông nghiệp tăng, gắn liền với các chính sách quyết liệt về BVMT và bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH).

    Mặc dù là một nước nghèo ở châu Phi, nhưng Chính phủ Rwanda đã sớm nhận ra tầm quan trọng của BVMT và biến đổi khí hậu trong phát triển bền vững. Năm 2003, Rwanda đã ban hành Chính sách Môi trường quốc gia để triển khai công tác quản lý môi trường và tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững, trong đó đưa ra các nguyên tắc, mọi người dân Rwanda đều có quyền sống trong một môi trường an toàn, nhưng mặt khác, họ cũng phải BVMT, quản lý tài nguyên một cách bền vững; sự tăng trưởng kinh tế của đất nước phụ thuộc vào việc sử dụng tài nguyên hợp lý, lồng ghép với vấn đề môi trường; sự tham gia tích cực và hiệu quả của người dân trong quản lý, BVMT; đặc biệt là tăng cường giáo dục cho phụ nữ và thanh niên về BVMT; tiến hành các dự án phân tích, nghiên cứu về tác động môi trường của các dự án phát triển. Rõ ràng, chính sách môi trường đầu tiên đó đã thể hiện mong muốn và quyết tâm của Chính phủ Rwanda là theo đuổi con đường tăng trưởng xanh để phát triển bền vững. Cùng với đó, Chính phủ Rwanda cũng triển khai nhiều chính sách, giải pháp nhằm xây dựng Rwanda trở thành một quốc gia có môi trường trong sạch, có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Cụ thể, Rwanda đã thực hiện những biện pháp quan trọng sau:

Ban hành Lệnh cấm sử dụng túi ni lông

    Rwanda là quốc gia đang phát triển đầu tiên trên thế giới đưa Lệnh cấm sử dụng túi ni lông. Năm 2004, Bộ Môi trường Rwandan đã có nghiên cứu và khẳng định, túi ni lông đang đe dọa đến sự phát triển của ngành nông nghiệp, làm ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến các loài cá và động vật thủy sinh… Năm 2008, Chính phủ Rwanda đã cấm sản xuất, sử dụng, bán và nhập khẩu ttúi ni lông, khuyến khích người dân sử dụng túi giấy, túi vải thay thế. Sở dĩ để có quyết định đúng đắn đó là do trước đây, Rwanda đã từng đối mặt với những thách thức liên quan đến vấn nạn rác thải nhựa, đặc biệt là túi ni lông như các quốc gia nghèo đói khác ở châu Phi. Dù muốn xử lý tốt rác thải nhựa, nhưng Chính phủ không đủ ngân sách để xây dựng cơ sở vật chất và thuê nhân công để thu gom, xử lý rác thải nhựa, cũng như túi ni lông. Vì thế, Chính phủ Rwanda đã quyết định cấm hoàn toàn việc sử dụng túi ni lông. Lệnh cấm nêu rõ, mọi hoạt động liên quan đến mua bán, nhập khẩu, sản xuất và sử dụng túi ni lông đều bị xem là vi phạm pháp luật. Túi ni lông cũng bị cấm sử dụng trong đóng gói sản phẩm, trừ một số lĩnh vực đặc thù như y dược. Người dân Rwanda vi phạm quy định về sản xuất, buôn bán, sử dụng túi ni lông sẽ bị phạt tiền, phạt tù tùy theo mức độ và hành vi. Những kẻ buôn lậu túi có thể bị phạt lên tới 6 tháng tù giam, giám đốc của các công ty lưu giữ, hoặc sản xuất trái phép túi ni lông có thể bị phạt lên tới 1 năm tù giam. Các cửa hàng sử dụng túi ni lông để gói sản phẩm có thể bị phạt tiền, hoặc buộc đóng cửa. Cùng với Lệnh cấm, Chính phủ cũng đề ra chính sách ưu đãi thuế cho các doanh nghệp đầu tư thiết bị, công nghệ tái chế nhựa, hoặc sản xuất túi thân thiện với môi trường. Nhờ chính sách quyết liệt náy, mà Rwanda đã được đánh giá là quốc gia sạch nhất ở châu Phi, góp phần thúc đẩy ngành du lịch phát triển, tạo ra nhiều việc làm và thu nhập cho người dân, đặc biệt là giúp Chính phủ Rwanda tiết kiệm được một khoản ngân sách đáng kể vì không phải chi trả cho các hoạt động thu gom và xử lý túi ni lông. Cho đến nay, Rwandans chỉ sử dụng túi làm từ giấy, vải, lá chuối và giấy, các vật liệu phân hủy sinh học khác. Từ đó, tạo ra cơ hội để phát triển ngành công nghiệp bao bì thân thiện môi trường và ngành tái chế nhựa.

 

 

Xây dựng các luật liên quan đến môi trường và bộ máy quản lý môi trường

    Sau khi có Chính sách Môi trường đầu tiên vào năm 2003, năm 2005, Chính phủ Rwanda tiếp tục ban hành Luật Hữu cơ số 04/2005 để xác định các phương thức bảo vệ, bảo tồn và thúc đẩy quản lý môi trường. Tháng 4/2006, Rwanda ban hành Luật về cơ cấu, tổ chức, chức năng và trách nhiệm của Cơ quan Quản lý Môi trường Rwanda (REMA). Đến năm 2012, Chính phủ Rwanda tiếp tục xây dựng quy định về thánh lập, tổ chức, chức năng và nhiệm vụ hoạt động của Quỹ Môi trường quốc gia. Ngoài ra, Chính phủ cũng ban hành một số chính sách liên quan khác trong công tác quản lý môi trường và tài nguyên thiên nhiên, thúc đẩy phát triển các-bon thấp, bao gồm các luật về đất đai, lâm nghiệp, khai thác mỏ và địa chất, ĐDSH; hoặc các luật chi tiết trong quản lý môi trường như Luật điều chỉnh Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và hướng dẫn về đánh giá môi trường chiến lược (SEA), Luật điều chỉnh việc bảo tồn chất lượng không khí và ngăn ngừa ô nhiễm không khí, Luật Nước… Đồng thới, Chính phủ Rwanda cũng đã phê chuẩn các Hiệp định môi trường đa phương như: Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), Nghị định thư Kyoto, Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật và thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng (CITES), Công ước Basel, Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ôzôn và Công ước Rotterdam.

Tăng độ che phủ rừng và bảo tồn hệ sinh thái, ĐDSH

    Tại hầu hết các diễn đàn kinh tế thế giới, Chính phủ Rwanda đều khẳng định quyết tâm và nỗ lực phấn đấu trở thành một trong những quốc gia sạch nhất thế giới thông qua mục tiêu tăng diện tích rừng lên 30% so với tổng diện tích đất vào năm 2020. Để đạt được điều này, Rwandax đã thực hiện các chính sách, chương trình trồng cây, gây rừng, gia tăng các hoạt động đào tạo nông lâm lâm nghiệp, quản lý rừng cho người dân trên khắp cả nước.

    Ngoài ra, Chính phủ Rwanda cũng đưa ra các cam kết bảo vệ và phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái như vùng đất ngập nước, hồ và rừng tự nhiên. Bằng nhiều biện pháp như xây dựng chính sách phát triển du lịch sinh thái bền vững, giao khoán cho người dân bảo vệ, quản lý rừng, bảo tồn động, thực vật rừng, tăng cường các chính sách ưu đãi về sinh kế cho người có công sức giữ rừng, tuyên truyền để những kẻ săn bắt trộm động vật hoang dã hiểu được giá trị, lợi ích quan trọng của việc BVMT, bảo vệ ĐDSH… Nhờ đó mà rất nhiều trước đây từng là kẻ săn trộm thì giờ quay trở lại bảo vệ các loài nguy cấp quý hiếm, trong đó có khỉ đột, thậm chí một số người còn trở thành hướng dẫn viên du lịch, đưa khách du lịch vào rừng thăm quan. Với những biện pháp đó, các khu rừng như Nyungwe, Gishwati và Mukura – nơi có hệ động, thực vật phong phú, đa dạng dần đã được khôi phục và nâng cấp trở thành các công viên quốc gia, thu hút khách du lịch trong, ngoài nước đến thăm quan, góp phần vào sự tăng trưởng doanh thu của ngành du lịch. Bên cạnh đó, sự phục hồi của vùng đất ngập nước, hồ nước ở Rwanda cũng thúc đẩy ngành đánh cá của đất nước phát triển. Vì thế, Rwanda đã nhận được giải thưởng Quả cầu xanh năm 2010.

 Umuganda

    Nhắc đến Rwanda, những ai đã từng đặt chân đến đây đều phải nói đến từ này - Umuganda (theo tiếng Kinyarwanda có nghĩa là những người đến với nhau với một mục đích chung) - một hoạt động BVMT, dọn dẹp đường phố, thu gom rác thải cộng đồng, được khởi xướng vào năm 1998 nhầm góp phần nỗ lực tái thiết đất nước sau cuộc diệt chủng năm 1994 chống lại người Tutsi của người dân Rwanda. Chương trình được triển khai trên toàn quốc. Dần dần, Umuganda trở thành một ngày lễ đặc biệt của Rwanda, diễn ra vào ngày thứ bảy cuối cùng hàng tháng. Việc tham gia Chương trình Umuganda là bắt buộc theo luật và nếu ai không tham gia sẽ bị phạt. Umuganda được Chính phủ Rwanda chính thức hóa từ năm 2000, mục tiêu ban đầu là nỗ lực làm sạch Thủ đô Kigali, đồng thời thúc đẩy ý tưởng về sự gắn kết dân tộc. Tổng Thống Rwanda và các thành viên trong Nội cách cũng phải tham gia hoạt động này. Đến năm 2009, Chương trình Umuganda để BVMT được phát triển mạnh mẽ và đã mang lại sự cải thiện môi trường rõ rệt ở Rwanda. Mặc dù, lúc đầu, sự kiện này vốn không được mọi người dân ủng hộ. Một số người cho rằng, Umuganda là hành động ép buộc lao động bởi một chế độ khắc nghiệt. Các chủ cửa hàng ở Tủ đô Kigali phản đổi vì việc kinh doanh bị ảnh hưởng trong thời gian diễn ra hoạt động Umuganda, còn du khách cảm thấy bất tiện vì lệnh cấm lái xe. Tuy nhiên, với quy định nghiêm ngặt và số tiền phạt cao, mọi người dân Rwanda đều phải chấp hành nghiêm túc và đến giới, Umuganda vẫn tiếp tục được duy trì.

Phát triển kinh tế xanh

   Là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu, Rwanda nhận thức sâu sắc về những thách thức của vấn đề náy. Do đó, Chính phủ Rwanda đã đề ra mục tiêu xây dựng nền kinh tế xanh và chống chịu khí hậu. Đầu tiên, Rwanda đã thành lập Qũy​ xanh - một quỹ đầu tư đột phá, lớn nhất về phát triển các dự án các-bon thấp ở châu Phi. Quỹ được thành lập với mục đích hỗ trợ các dự án thân thiện với môi trường, phát triển năng lượng xanh với cam kết đóng góp xây dựng nền kinh tế xanh. Nhờ sự hỗ trợ của Quỹ, rất nhiều hoạt động, dự án ở Rwanda có được thành công như Dự án khách sạn sử dụng năng lượng mặt trời và nhà nghỉ sinh thái; Dự án phát triển hoạt động nuôi ong lấy mật để giúp người dân địa phương ổn định sinh kế thay cho hoạt động khai thác gỗ rừng; Dự án cung cấp năng lượng mặt trời cho các cộng đồng ở vùng sâu, vùng xa không có điện lưới quốc gia; Dự án thu gom nước mưa và tái sử dụng để làm vườn cho người nghèo đô thị ở vùng đầm lầy ngoại ô Kigali…

Chiến lược xanh của Chính phủ

   Hơn tất cả, để một quốc gia đạt được sự phát triển bền vững, điều quan trọng nhất là phải có một bộ máy chính quyền ổn định với tầm nhìn xa, cùng hệ thống chính sách, pháp luật và các chương trình BVMT tiến bộ. Trong những năm qua, Chính phủ Rwanda đã thể hiện rõ con đường chiến lược phát triển đất nước là phát triển kinh tế xanh để đảm bảo sự phát triển hài hòa giữa kinh tế với BVMT, đặt môi trường và biến đổi khí hậu vào trung tâm của sự phát triển. Nhờ quyết tâm và những nỗ lực của Chính phủ Rwanda đã giúp đất nước này thu hút các dự án tài chính quốc tế hỗ trợ cho biến đổi khí hậu đáng kể, góp phần duy trì tăng trưởng kinh tế nhanh chóng trên con đường tiết kiệm tài nguyên, các-bon thấp và chống chịu khí hậu. Đồng thời, từ đó, Rwanda có vốn đầu tư các công nghệ mới, hiện đại, thay thế các công nghệ cũ, gây ô nhiễm môi trường và xây dựng một nền kinh tế xanh, bền vững, mang lại sự thịnh vượng cho các thế hệ mai sau.

 

Hương Trần (Theo Green Climate Fund)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 7/2020)

Ý kiến của bạn