Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Luật Bảo vệ môi trường, các chính sách và mô hình quản lý môi trường hiệu quả tại Hàn Quốc

02/09/2013

Hàn Quốc là quốc gia thuộc Đông Á, nằm ở nửa phía Nam của bán đảo Triều Tiên; phía Bắc giáp với Bắc Triều Tiên, phía Đông giáp với biển Nhật Bản, phía Tây là Hoàng Hải. Hàn Quốc có diện tích 100,032 km2, với khí hậu ôn đới và địa hình chủ yếu là đồi núi. Hàn Quốc có nguồn tài nguyên hạn chế, nên mục tiêu của Chính phủ là hướng tới tăng trưởng kinh tế tối đa trong thời gian tối thiểu. Quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa mạnh mẽ đã dẫn đến có một thời kỳ lâu dài, Hàn Quốc phải đối mặt với ô nhiễm môi trường. Chính vì vậy, Chính phủ Hàn Quốc đã rất quan tâm và đầu tư vào công tác BVMT, sớm thành lập Bộ Môi trường, xây dựng Luật khung, các luật vệ tinh và các chính sách liên quan đến BVMT trong thời gian qua. Đặc biệt, Hàn Quốc là nước tiên phong về Tăng trưởng xanh trong việc giải quyết biến đổi khí hậu và công bố kế hoạch giảm khí thải nhà kính vào năm 2020.

            Giới thiệu lịch sử hình thành Bộ Môi trường Hàn Quốc

            Bộ Môi trường của Hàn Quốc, bắt nguồn từ một bộ phận quản lý ô nhiễm của Bộ Y tế và Xã hội thành lập vào năm 1967, đã được mở rộng phân công trong quản lý môi trường, vào năm 1973. Sau khi cải cách và mở rộng quản lý môi trường, Bộ Y tế và Xã hội thành lập Cục Quản lý Môi trường vào năm 1980. Năm 1990, Cục Quản lý Môi trường được tách ra và phát triển thành Bộ Môi trường thuộc Văn phòng của Thủ tướng Chính phủ, để điều phối và quản lý chung các vấn đề môi trường. Trong tháng 12/1994, Bộ Môi trường đã được trao thẩm quyền lớn hơn để thiết lập và thực hiện các chính sách riêng của mình. Sứ mệnh của Bộ Môi trường là bảo vệ lãnh thổ quốc gia khỏi các mối đe dọa ô nhiễm môi trường và cải thiện chất lượng cuộc sống để người dân được sống trong môi trường có bầu khí quyển trong lành.

            Nhiệm vụ của Bộ Môi trường bao gồm ban hành và sửa đổi, bổ sung pháp luật và các quy định môi trường; xây dựng chính sách quản lý môi trường; soạn thảo và thực hiện giải pháp BVMT trung và dài hạn; thiết lập các tiêu chuẩn môi trường; hỗ trợ hành chính và tài chính quản lý môi trường cho chính quyền địa phương và hợp tác quốc tế về môi trường.

            Một số nét chính về hệ thống luật BVMT của Hàn Quốc

            Hiện nay, ở Hàn Quốc có 1 Luật khung chính sách môi trường và có khoảng 46 Luật vệ tinh riêng cho từng lĩnh vực liên quan đến môi trường.

            Pháp luật về môi trường ở Hàn Quốc ra đời khá sớm. Năm 1963, Luật Phòng chống ô nhiễm môi trường được ban hành. Năm 1977 Luật này được thay thế bằng Luật BVMT. Năm 1990, Luật BVMT được tách ra thành các luật riêng biệt:  Luật khung về chính sách môi trường, Luật bảo tồn chất lượng không khí, Luật bảo tồn chất lượng nước, Luật kiểm soát tiếng ồn và độ rung. Đến nay, nhằm chuyên môn hóa mục tiêu quản lý, Bộ Môi trường Hàn Quốc đã xây dựng 46 luật về các lĩnh vực: Tăng trưởng xanh; Chất lượng nước và hệ sinh thái dưới nước; Cấp thoát nước - đất - nước ngầm, Không khí và biến đổi khí hậu; Chất thải và tái chế; Y tế/hóa chất; Thiên nhiên và vườn quốc gia; Hợp tác quốc tế …

LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG, CÁC CHÍNH SÁCH VÀ MÔ HÌNH QUẢN LÝ 1.tif

            Luật khung về chính sách môi trường (FAEP) là cơ sở pháp luật về môi trường của Hàn Quốc. FAEP gồm 6 chương và 44 điều, được ban hành năm 1990 và sửa đổi gần đây nhất vào năm 2008. Tại điều 1 của Luật có quy định về mục đích của Luật này “là để tất cả mọi người có thể tận hưởng cuộc sống khỏe mạnh và dễ  chịu, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường và thiệt hại về môi trường và quản lý, BVMT một cách hợp lý, bền vững thông qua việc xác định quyền và nghĩa vụ của công dân và Chính phủ về BVMT và xác định các vấn đề cơ bản cho các chính sách môi trường”. Nội dung của Luật khung này bao gồm: Chương 1: Các vấn đề chung, Chương 2: Thiết lập kế hoạch BVMT, Chương 3: Các công cụ về luật pháp và tài chính, Chương 4: Ủy ban tư vấn BVMT, Chương 5: Các điều khoản bổ sung, Chương 6: Điều khoản xử phạt hình sự.

            Một số luật vệ tinh được ban hành và sửa đổi:

            Luật Bảo tồn môi trường tự nhiên gồm 7 chương, 66 điều, được ban hành vào năm 1991, lần sửa đổi gần nhất năm 2008 với mục tiêu BVMT tự nhiên, giúp con người sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên. Trong Luật này có lồng ghép một số công cụ kinh tế như thuế, phí, trợ cấp tài chính vào các điều luật.

            Ngày 15/1/2009, Chính phủ Hàn quốc ban hành Luật về Cacbon thấp và Tăng trưởng xanh. Mục đích là thể chế hóa mục tiêu “cacbon thấp” và “Tăng trưởng xanh” thông qua hệ thống thuế thân thiện với môi trường cũng như hỗ trợ cho các hoạt động sản xuất kinh doanh xanh. Luật này cũng là giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu.

 

LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG, CÁC CHÍNH SÁCH VÀ MÔ HÌNH QUẢN LÝ 2.tif

            Trước tiên, Bộ đặt hàng cho đơn vị nghiên cứu tập trung nghiên cứu và xây dựng, chi tiết nội dung, sau đó kết quả được thẩm định nội bộ, tiếp đến là lấy ý kiến cộng đồng và ý kiến của các Bộ, ngành liên quan, sau cùng trình Quốc hội thẩm định. Sau khi Quốc hội thông qua thì mới ra quyết định ban hành. Chính điều này, giúp cho các Luật được ban hành có tính khả thi cao.

            Một số chính sách và công cụ kinh tế được áp dụng hiệu quả trong BVMT

            Hiện nay, Hàn Quốc đã và đang áp dụng hiệu quả  một số chính sách quản lý BVMT, trong đó, phải kể đến các chính sách như:

            Phân loại rác thải tại nguồn (đã triển khai được 10 năm): Giúp tái chế rác thải, tiết kiệm tài nguyên, tạo năng lượng mới, sản phẩm có ích như phân bón, khí metal phục vụ sản xuất điện.

            Khuyến khích áp dụng các biện pháp giảm thiểu khí CO2 như tiết kiệm năng lượng điện, than đá, dầu mỏ hay dùng các công nghệ ít tạo ra khí thải. Cụ thể: Người dân, khi sử dụng, mua các sản phẩm được gắn mác cacbon thấp sẽ được tích điểm thẻ đến cuối năm được quy đổi thành tiền, kinh phí này do Nhà nước chi trả (nhưng loại tiền của thẻ chỉ dùng mua các sản phẩm gắn mác cacbon thấp, kích thích tiêu dùng sản phẩm thân thiện môi trường).

            Hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp, cộng đồng tham gia thực hiện các chính sách, công cụ kinh tế trong quản lý và BVMT:

            + Công khai thông tin về khu vực đầu tư như chính sách, chế độ ưu đãi, quy hoạch, tình trạng ô nhiễm môi trường khu vực…

            + Có chính sách áp dụng thu phí thu gom rác thải thông qua việc bán túi đựng rác (được quy định loại túi, chất liệu làm túi có thể tái chế theo quy định của nhà nước).

            + Khuyến khích người dân dùng túi đựng rác có thể tái chế phù hợp với quy định của nhà nước.

            Một số công cụ kinh tế trong quản lý và BVMT tại Hàn quốc đang áp dụng như:

            Phí BVMT không khí: Được áp dụng cho các đối tượng như xe ô tô lớn, nhà xưởng có nhiều chất thải công nghiệp.

            Phí BVMT nước: Các cơ quan hành chính địa phương phải nộp cho Nhà nước phí khai thác nguồn nước ngầm của khu vực.

            Phí quản lý rác thải: Được thu từ việc bán túi ni lông đựng rác thải (loại túi đựng rác được nhà nước quy định). Kinh phí này sẽ được sử dụng cho tái chế và xử lý chất thải không tái chế được.

            Một số dự án Cơ chế phát triển sạch (CDM) đã được thực hiện tại Hàn Quốc. Chứng chỉ giảm phát thải (CERs) từ các dự án CDM đã được bán giữa các công ty tư nhân. Năm 2009, Hàn Quốc đã thiết lập đơn vị thương mại phát thải tự nguyện và thị trường thương mại cacbon. Mặc dù các thành phần tham gia không bắt buộc, các công ty sẽ được chứng nhận là giảm nhu cần sử dụng năng lượng. Chính phủ sẽ khuyến khích kinh doanh khí nhà kính ở mức độ vừa phải thông qua thuế cacbon. Từ năm 2010, chính phủ Hàn Quốc lên kế hoạch về phương thức quản lý chương trình thị trường phát thải thử nghiệm.

            Những chính sách trên đều được quy định rõ trong các điều khoản của Luật. Các mức thu phí được quy định chi tiết tại các thông tư và được điều tiết bởi Luật Tài chính Môi trường.

            Phân công, phân cấp nhiệm vụ quản lý môi trường ở Hàn Quốc

            Bộ Môi trường Hàn Quốc (MOE) có trách nhiệm chủ trì thực thi những đạo Luật về môi trường. Các chính quyền địa phương cũng có vai trò quan trọng trong công tác thực thi các Luật này.

            Tòa án hành chính, dân sự và hình sự có trách nhiệm thi hành các Luật về môi trường thông qua quá trình xét xử của tòa án.

            Chính quyền địa phương được trao quyền ban hành các tiêu chuẩn môi trường địa phương với mức độ chi tiết, chặt chẽ hơn tiêu chuẩn môi trường quốc gia.

            Chính quyền địa phương có quyền cấp hầu hết các giấy phép hoặc các phê duyệt và cưỡng chế thi hành các sắc lệnh. Các sắc lệnh hành chính bao gồm đình chỉ hoạt động kinh doanh, thu hồi giấy phép, đóng cửa các cơ sở. Thu hồi giấy phép thường được ban hành khi các vi phạm bị tái phạm liên tục và sau khi đã thông báo trước. Nhiều Luật môi trường quy định các hình thức phạt bao gồm phạt tù hoặc phạt tiền đối với các trường hợp vi phạm.

LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG, CÁC CHÍNH SÁCH VÀ MÔ HÌNH QUẢN LÝ.tif

Hàn Quốc khuyến khích các thành phố giảm thiểu khí CO2 như tiết

kiệm năng lượng điện, than đá, dầu mỏ để BVMT

            Công tác quản lý, giám sát ô nhiễm được triển khai tốt. Điển hình như quản lý, giám sát tình trạng ô nhiễm nước thải. Trước tiên, là đánh giá ngưỡng chịu tải lưu vực, lắp đặt các thiết bị quan trắc tại đầu ra các nhà máy, khu công nghiệp để kiểm soát nồng độ chất thải, lưu lượng thải ra khu vực. Từ đó, có thể ngăn chặn kịp thời, hoặc xử phạt kịp thời những hành vi vi phạm, buộc các cơ sở sản xuất, khu công nghiệp phải thực hiện nghiêm túc việc áp dụng các biện pháp xử lý triệt để chất thải đảm bảo tiêu chuẩn quy định trước khi đổ thải ra môi trường khu vực.

            Nhận xét chung

            So với Việt Nam, Hàn Quốc thành lập Bộ Môi trường độc lập từ rất sớm (năm 1994). Công tác quản lý môi trường được giao cho Bộ Môi trường quản lý, mặc dù công tác quản lý môi trường có nguồn gốc từ bộ phận môi trường của Bộ Y tế. Còn ở Việt Nam, năm 1992 có Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, trong đó có Cục Bảo vệ Môi trường và đến năm 2002, thành lập Bộ TN&MT. Tuy nhiên, hiện nay ở Việt Nam, môi trường chỉ là một trong 7 lĩnh vực quản lý của Bộ TN&MT. Vì vậy, có thể thấy rằng công tác quản lý nhà nước về môi trường của Hàn Quốc được quan tâm rất sớm và được thể chế hóa theo hình thức tập trung chức năng quản lý vào một Bộ.

            Bộ luật liên quan đến môi trường ở Hàn Quốc được xây dựng theo mô hình đạo Luật, bao gồm 1 Luật Khung và nhiều luật vệ tinh liên quan đến môi trường. Bộ Luật này ở Hàn Quốc được xây dựng và có hiệu lực từ năm 1990. Còn ở Việt Nam thì mới chỉ có Luật BVMT và bắt đầu có hiệu lực từ 10/1/1994. Vì vậy, có thể nói Luật BVMT ở Việt Nam có nhiều cơ hội học hỏi kinh nghiệm của nước bạn. Trong điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay của Việt Nam, việc xây dựng Luật khung chính sách về môi trường theo mô hình của Hàn Quốc là chưa khả thi, vì để xây dựng luật theo hướng này cần có tổ chức xây dựng luật chuyên nghiệp cũng như hệ thống đảm bảo thực thi luật hoàn chỉnh, đồng bộ.

            Các chính sách, công cụ kinh tế được áp dụng hiệu quả trong công tác BVMT, khuyến khích được cộng đồng tham gia và tiết kiệm tài nguyên, giảm thiểu ô nhiễm, chất thải như: Phí nước thải; khí thải; chất thải rắn (thông qua việc quy định loại túi đựng rác thải và phí được thu trích từ phần tiền bán loại túi đó cho người dân); thẻ tích điểm giảm thiểu khí CO2 thông qua tiết kiệm tài nguyên (khuyến khích người dân sử dụng sản phẩm có gắn mác cacbon thấp) và được nhà nước quy đổi trả thành tiền vào cuối năm. Tính pháp lý của các chính sách, công cụ kinh tế đều được quy định trong văn bản Luật ở Hàn Quốc.

            Hàn Quốc đang hướng tới Tăng trưởng xanh trong giai đoạn hiện nay và trong tương lai. Tập trung chủ yếu nghiên cứu các công nghệ xanh, công nghiệp xanh, sản phẩm thân thiện môi trường nhằm tái sử dụng nguồn tài nguyên, biến chất thải thành nguồn tài nguyên có thể sử dụng được.

            Một kinh nghiệm của Hàn Quốc khi xây dựng một bộ  Luật: Vì luật có tính cơ bản mang tính lâu dài, không thể thay đổi trong thời gian dài. Nên 1 bộ luật ra đời phải được nghiên cứu và xây dựng kỹ càng, kết quả được thẩm định nội bộ, lấy ý kiến cộng đồng, lấy ý kiến của các Bộ, ngành liên quan, được Quốc hội thẩm định thông qua rồi mới ban hành. Chính điều này, giúp cho Luật được ban hành có tính khả thi cao.

ThS. Bùi Hoài Nam

ThS. Nguyễn Thị Quỳnh Hương

Viện Khoa học quản lý môi trường, Tổng cục Môi trường

Nguồn: Tạp chí MT, số 6/2013

 

Ý kiến của bạn