Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Hệ lụy của hoạt động khai thác vàng ở Inđônêxia

15/09/2015

     Inđônêxia là một trong những nước giàu khoáng sản ở Đông Nam Á bao gồm các loại như than đá, vàng, nhôm và niken, trong đó có những mỏ vàng có trữ lượng lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, tại những mỏ vàng, các cánh rừng bị tàn phá, các dòng sông bị ô nhiễm, người lao động và cộng đồng dân cư trong khu vực khai thác bị ảnh hưởng sức khỏe là cái giá phải trả cho việc khai thác vàng trái phép có sử dụng thủy ngân.      Sâu trong khu rừng nhiệt đới Ulu Masen ở miền bắc Sumatra, Inđônêxia là cảnh tượng tan hoang do hoạt động khai thác vàng trái phép của hàng nghìn người. Họ khai thác vàng bằng phương pháp thủ công đơn giản, với những dụng cụ rất thô sơ. Đầu tiên họ phá núi để lấy quặng, các khối quặng được đưa vào máy nghiền nát, sau đó được đổ vào xô rồi cho thủy ngân và nước vào tạo thành một hỗn hợp. Hỗn hợp này sau đó được đun nóng để thủy ngân bay hơi, còn lại vàng và nước thải có chứa thủy ngân được trực tiếp thải ra các dòng sông.      Thủy ngân là một kim loại nặng có tính độc hại cao, nó có thể gây ra những tổn thương lên não, phổi, hệ thần kinh, gây mất trí nhớ, co giật, đau đầu và giảm trí lực. Ở Nhật Bản, vào năm 1939, Nhà máy Chisso đã đổ xuống vịnh Minamata một khối lượng chất xúc tác phế thải chứa thủy ngân và kim loại nặng. Khối lượng phế thải này bị dìm xuống đáy vịnh, làm cho nước vịnh và các loài hải sản sống trong vịnh bị ô nhiễm thủy ngân nặng. Con người, động vật ở đây đã ăn hải sản từ vịnh. Hậu quả là cộng đồng dân cư sống quanh vịnh đã mắc phải một căn bệnh quái ác - gọi là bệnh Minamata. Trẻ em sinh ra đã bị bại liệt, hàng nghìn người chết vì mắc bệnh.      Hình ảnh kinh hoàng của những người dân Minamata không làm cho những người khai thác vàng trái phép ở Inđônêxia run sợ, họ vẫn tiếp tục dùng thủy ngân để khai thác vàng mỗi ngày. Ông Bukari, một người dân địa phương đã có nhiều năm khai thác vàng theo cách thức này, khi được hỏi ông có lo ngại thủy ngân có hại không, ông đã nhún vai trả lời: "Nếu một ngày việc sử dụng thủy ngân vẫn mang lại lợi ích cho hoạt động đãi vàng thì tôi vẫn sử dụng.”      Những dòng sông chết      Chất độc của thủy ngân được thải ra môi trường, làm ô nhiễm đất và nguồn nước các con sông. Theo ước tính, để có được 1kg vàng khai thác thì có đến 1,3 kg thủy ngân thất thoát vào môi trường. Chưa kể là những khu rừng nhiệt đới có giá trị đa dạng sinh học cao bị tàn phá nặng nề, đe dọa cuộc sống của các loài động vật quý hiếm. Trợ lý Bộ trưởng Bộ Môi trường Inđônêxia, ông Halimah Syafrul cho biết: "Ô nhiễm đã ảnh hưởng đến môi trường, đầu độc các con sông, dòng suối, hủy hoại nhiều khu rừng, phá nát nhiều ngọn núi. Nạn khai thác vàng trái phép đã lan sang nhiều tỉnh thành của đất nước. Ở Inđônêxia, không chỉ một ngôi làng mà cả nước cùng lâm nạn. Gần như tỉnh thành nào cũng có hoạt động khai mỏ và điều này được xem là một thảm họa quốc gia”. Nhưng điều nghiêm trọng hơn là nhiều công ty khai khoáng không xây đập chứa phế thải mà thải trực tiếp ra sông để tiết kiệm chi phí. Chất thải cực độc này có trong nước sông đã làm cá chết hàng loạt.      Vậy mà, Chính phủ Inđônêxia vẫn chưa tiến hành các nghiên cứu về môi trường và mức độ độc hại của thủy ngân tại các vùng khai thác nên càng khiến cho họ “điếc không sợ súng”. Lượng thủy ngân thải ra môi trường mỗi ngày một nhiều hơn.      Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), trong năm 2011, ước tính có khoảng 70 tấn thủy ngân đã được thải ra môi trường. Nhưng con số này chỉ dựa trên số liệu nhập khẩu hợp pháp thủy ngân vào Inđônêxia, còn số lượng thủy ngân nhập khẩu bất hợp pháp thậm chí còn nhiều hơn. Hiện nay, Inđônêxia được xếp vào nước có mức độ ô nhiễm thủy ngân cao nhất trên thế giới, lên đến 1.000 mg trong mỗi 1 kg đất.   Mỏ vàng Lombok ở Inđônêxia        Vào tháng 11/ 2011, vàng được tìm thấy tại núi Botak, đảo Buru, tỉnh Mollucas, Inđônêxia. Từ năm 2012, thủy ngân đã được những người khai thác vàng sử dụng để trích xuất vàng, đồng thời thải lượng lớn nước thải có chứa thủy ngân ra sông Wamsait và vịnh Kayeli, dẫn đến lắng đọng thủy ngân tạo thành một hồ chứa chất thải độc hại. Tổng số thủy ngân trong hồ chứa chất thải khoảng 680mg/kg. Trong trầm tích ở cửa sông địa phương và một con lạch nhỏ, lượng thủy ngân là hơn 3.00mg/kg và > 7.66 mg/kg. Sông Wamsait đã trở thành dòng sông chết như nhiều dòng sông khác ở Inđônêxia, các loài động vật thủy sinh cũng bị nhiễm độc thủy ngân hoàn toàn. Vì thế, người dân trong làng buộc phải đi rất xa để mua nước sạch về sử dụng.      Vấn nạn quốc gia      Giá vàng càng tăng là lý do để lôi kéo hàng nghìn người từ nơi khác đến các mỏ vàng để sinh sống và khai thác vàng “chui”. Bất cứ ở đâu có mỏ vàng là có hoạt động khai thác vàng trái phép. Thống kê có khoảng 250.000 đến 1 triệu người tham gia khai thác trái phép và sản lượng vàng họ khai thác được mỗi năm (khoảng 60 tấn), trong khi, kim ngạch xuất khẩu vàng của Inđônêxia là 100 tấn/năm.      Tại Sumbawa, miền Nam Inđônêxia, các thiết bị, máy móc để đãi vàng được nhìn thấy trên khắp các con đường, còn trên đảo Buru, hay một vài đảo nhỏ khác đang nổi lên những "cơn sốt vàng". Ở Kalimantan, hoạt động khai thác vàng có sử dụng thủy ngân làm môi trường bị tàn phá nặng nề, rừng nguyên sinh bị hủy diệt, vốn là nơi sinh sống của đười ươi và chim mỏ sừng. Phía đông của Bali, trên hòn đảo Lombok, những người khai thác vàng trái phép sử dụng thủy ngân trộn với xyanua trong quá trình khai thác. Theo các chuyên gia môi trường, hoạt động khai thác vàng trái phép trong hơn một thập kỷ qua là nguyên nhân lớn nhất gây ô nhiễm khí thải thủy ngân ở Inđônêxia. Tại mỏ vàng ở tỉnh Bogor, gần thủ đô Jakarta, ước tính mỗi năm khoảng 17.000 kg thủy ngân phát thải ra môi trường trong quá trình khai thác vàng, còn ở Kalimantan, hơn 50.000 kg thủy ngân được phát thải ra môi trường mỗi năm.      Không chỉ ô nhiễm môi trường, hủy diệt các hệ sinh thái, nơi nào có hoạt động khai thác vàng thì an ninh trong khu vực đó luôn trong tình trạng bất ổn. Mâu thuẫn xung đột thường xuyên xảy ra giữa nhân công, dân địa phương và lực lượng an ninh mỏ. Ngày 9/10/2003, tại mỏ vàng lớn nhất thế giới Grasberg ở Tây Papua, Inđônêxia bị sập cướp đi sinh mạng của 8 nhân công và làm bị thương 5 người khác. Điều tra của chính quyền cho thấy, vài ngày trước khi xảy ra vụ sập, công ty khai thác đã thu được dữ liệu địa chấn dự báo có thể gây sập mỏ trong thời gian ngắn và đã chuyển hết máy móc ra khỏi những khu vực trong diện nguy hiểm, nhưng không hề cảnh báo cho nhân công. Người dân địa phương bị mất môi trường sống, cùng với làn sóng của dân nhập cư dẫn đến nhiều tệ nạn xã hội như rượu chè, hút chích, mại dâm, giết người và bạo động. Mặc dù, hậu quả xảy ra từ hoạt động khai thác vàng không nhỏ, thế nhưng các cơ quan chức năng vẫn chưa có giải pháp nào để giải quyết triệt để nạn khai thác vàng “lậu”.      Hành động của Chính phủ      Trước vấn nạn khai thác vàng trái phép diễn ra ồ ạt và có chiều hướng gia tăng, Chính phủ Inđônêxia đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm để kiểm tra các điểm khai thác khoáng sản quy mô nhỏ, nhằm ngăn chặn tình trạng khai thác vàng trái phép có sử dụng thủy ngân và xyanua.      Tuy nhiên, các hành động ngăn chặn khai thác vàng bất hợp pháp, thậm chí là giám sát ô nhiễm môi trường diễn ra không thường xuyên và chưa đủ mạnh nên việc khai thác vàng bất hợp pháp vẫn được thực hiện. Theo ông Abdul Harris, Cơ quan Đánh giá và Ứng dụng công nghệ (BPPT), hoạt động khai thác vàng trái phép tại nhiều địa phương trên cả nước diễn ra khá phức tạp một phần là do sự “bảo kê” của chính quyền địa phương khi họ nhận tiền của cả công ty khai khoáng lẫn những người khai thác vàng trái phép. Thậm chí một số quan chức còn là chủ sở hữu của 1, 2 cơ sở khai thác, chế biến vàng tại địa phương. Trước những áp lực từ dư luận, năm 2009, Quốc hội Inđônêxia đã buộc phải thông qua một đạo luật quy định những người khai thác mỏ riêng lẻ, hay các công ty tư nhân đều phải xin giấy phép của cơ quan chính quyền địa phương. Đạo luật thực thi một hệ thống cấp phép mà các chính quyền địa phương có quyền tự chủ trong đàm phán cấp giấy phép và buộc họ phải có trách nhiệm hơn trong quản lý môi trường.      Đồng thời, Chính phủ Inđônêxia cũng ban hành nhiều chính sách liên quan đến ngành công nghiệp khai khoáng để bảo đảm việc duy trì nguồn tài nguyên quốc gia cũng như loại bỏ dần vai trò độc tôn của các doanh nghiệp nước ngoài. Cụ thể như quy định về xuất khẩu tài nguyên thô, theo đó, các đơn vị khai thác mỏ trong nước chỉ được phép xuất khẩu 14 loại khoáng sản thô trong trường hợp đáp ứng đủ 5 điều kiện: Nộp thuế xuất khẩu ở mức trung bình 20%, công ty đạt tiêu chuẩn được cấp giấy chứng nhận "minh bạch và sạch” phải thanh toán đầy đủ tất cả các loại thuế và nghĩa vụ về thuế, phải nộp cho cơ quan quản lý nhà nước kế hoạch chế biến và tinh chế khoáng sản, cam kết không xuất khẩu khoáng sản thô từ năm 2014 và BVMT.      Đặc biệt, trước những thách thức từ ô nhiễm môi trường do sử dụng thủy ngân trong khai thác vàng, năm 2013, Chính phủ Inđônêxia là một trong những nước đầu tiên đã tham gia Công ước Minamata về thủy ngân, với cam kết sẽ loại bỏ việc sử dụng thủy ngân trong khai thác vàng vào năm 2018. Tuy nhiên, những biện pháp này chưa thật sự “mạnh tay” để ngăn chặn việc dùng thủy ngân, nếu Chính phủ Inđônêxia không sớm đưa ra các lệnh cấm sử dụng các loại chất thải độc hại trong khai thác mỏ thì tất cả những dòng sông quanh các mỏ vàng sẽ trở thành những thảm họa ô nhiễm trong hàng nghìn năm.   Phương Linh (Theo Mongabay.com) Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 9/2014      
Ý kiến của bạn