Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Bảo vệ môi trường - Bài học từ phụ nữ Nhật Bản

10/01/2014

     Trong xã hội Nhật Bản, người phụ nữ có vai trò rất quan trọng, do vậy, khi thiết kế chương trình phát triển cộng đồng, Chính phủ luôn chú trọng đến vai trò của người phụ nữ. Hiện nay ở Nhật Bản có khoảng 25.000 tổ chức phụ nữ hoạt động trong các lĩnh vực xã hội khác nhau có liên hệ chặt chẽ với Liên đoàn các tổ chức phụ nữ Nhật Bản. Vì vậy, sự tham gia của phụ nữ vào công tác BVMT mang đến sự thay đổi quan trọng trong việc thực hiện các quy định về BVMT trong cộng đồng và mỗi gia đình.

     Phụ nữ Nhật Bản rất tiết kiệm và không xả rác nơi công cộng, công sở. Khi đi làm công sở, họ thường mang theo túi đựng rác sinh hoạt hàng ngày. Hết giờ làm việc, họ mang túi đựng giác đó ra đúng nơi quy định và việc làm này trở thành thói quen hàng ngày. Phụ nữ Nhật Bản chú ý đến việc phân loại rác sinh hoạt theo rác cháy và không cháy, rác kích thước lớn và rác tái tạo. Rác cháy bao gồm tất cả các thức ăn dư thừa khi ăn trưa ở nơi làm việc, giấy vụn... Rác không cháy bao gồm các đồ dùng bằng kim loại hỏng hóc, pin đã qua sử dụng, chai lọ thủy tinh, kim loại… Đối với các loại rác có kích thước lớn (kích thước mỗi bề khoảng hơn 60 cm) như máy điều hòa, ti vi, tủ lạnh, máy giặt, máy vi tính không sử dụng thì phải liên hệ với trung tâm xử lý rác kích thước lớn và mất phí xử lý. Việc phân loại và vứt rác đúng ngày, đúng nơi quy định là một trong những quy tắc sống của người phụ nữ Nhật Bản.

 

Phân loại rác đã trở thành thói quen của người dân Nhật Bản

 

     Đặc biệt, họ không có thái độ e ngại khi sử dụng đồ cũ, hàng tái chế bởi ở đây có những cửa hàng chuyên thu mua đồ dùng có thể tái sử dụng. Sau khi trải qua quá trình tẩy rửa, chỉnh sửa, các vật dụng được phục hồi gần như mới và bày bán cho mọi người có nhu cầu. Vật dụng gia đình dạng này rẻ hơn, hấp dẫn nhiều phụ nữ lựa chọn mua về sử dụng trong gia đình. Thậm chí, khi hàng có ít, người mua nhiều, họ còn phải tổ chức bắt thăm lựa chọn khách hàng may mắn được sở hữu món đồ tái chế. Tâm lý không e ngại sử dụng đồ cũ của phụ nữ Nhật Bản sẽ giảm bớt lượng rác thải phải xử lý, đồng thời tận dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên, giảm chi phí cho các gia đình, nhà máy xử lý rác thải ở Nhật Bản.

     Trong gia đình Nhật Bản, vai trò của người phụ nữ rất quan trọng, do đó người phụ nữ được khuyến khích tham gia những buổi tập huấn về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho bản thân và các thành viên khác trong gia đình bởi các tổ chức an sinh xã hội. Khi tham gia vào các khóa tập huấn kỹ năng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe gia đình, phụ nữ có điều kiện tiếp cận với thông tin mới, đồng thời trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm để vận dụng trong cuộc sống gia đình. Do vậy, có rất nhiều chương trình BVMT, bảo vệ sức khỏe cho người dân của Chính phủ được phụ nữ Nhật Bản thực hiện thành công như Chương trình thúc đẩy mở rộng và khuyến khích việc sử dụng những sản phẩm thân thiện với môi trường. Ở Nhật Bản, nếu doanh nghiệp nào không quan tâm đến BVMT, sẽ bị người tiêu dùng tẩy chay và điều tất yếu các sản phẩm mà doanh nghiệp đó sản xuất sẽ tự bị đào thải khỏi thị trường. Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản đã phát động chiến dịch khuyến khích người dân đi ngủ sớm một giờ đồng hồ và cũng dậy sớm một giờ đồng hồ để giảm phát thải khí CO2 tại các hộ gia đình. Chương trình kêu gọi mọi người sử dụng ánh sáng mặt trời buổi sớm để nâng cao chất lượng cuộc sống bằng các hoạt động như chạy bộ, tập yoga và ăn một bữa ăn giàu dinh dưỡng... Những chương trình trên đều có sự tham gia vào cuộc tích cực của phụ nữ Nhật bởi họ là người chăm lo những bữa ăn, sức khỏe cho cả gia đình.

      Kinh nghiệm ở Nhật Bản cho thấy, khi vai trò của người phụ nữ được khẳng định và đề cao trong cuộc sống thì trách nhiệm BVMT sẽ đi vào đời sống thực tiễn, tạo thành thói quen, tính cách của người Nhật Bản. Phụ nữ Nhật Bản và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng của người phụ nữ Á Đông với các đức tính chăm chỉ, cẩn thận, chu đáo chăm lo cho gia đình. Những kinh nghiệm từ việc làm nhỏ nhưng hiệu quả cao ở phụ nữ Nhật Bản là những bài học giúp cho phụ nữ Việt Nam trong việc nâng cao ý thức phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, sử dụng tiết kiệm năng lượng và cả tâm lý sử dụng đồ cũ ngày một tốt hơn.

 

ThS. Đỗ Xuân Đức

Đại học Quốc gia Hà Nội

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 11/2013

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn