Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Bài học từ đất nhiễm độc ở Trung Quốc

10/01/2014

     Nhân vụ Công ty CP Nicotex Thanh Thái đóng tại xã Cẩm Vân, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa chôn thuốc trừ sâu trong khu trụ sở Công ty gây hậu quả nghiêm trọng, xin giới thiệu tình hình đất nông nghiệp nhiễm độc nghiêm trọng ở Trung Quốc, coi như một tiếng chuông cảnh báo về sự nguy hại của nhiễm độc đất với con người và lên án hành vi ứng xử của con người không đúng với thiên nhiên và môi trường sinh thái.

     Tháng 6/2013, tại Hồ Nam, Trung Quốc, nơi được coi là vựa lúa và cá trù phú nay bỗng dưng phát hiện trong gạo Hồ Nam có hàm lượng chất Cd (Cadimi - một kim loại nặng) có hại đến sức khỏe của người tiêu dùng. Sự việc bắt đầu từ tháng 3/2013, trong khi kiểm tra chất lượng gạo tại nhà máy xát gạo hiện đại của ông chủ Lưu Tương Ký, thị trấn Đại Đồng Kiều, huyện Du, tỉnh Hồ Nam phát hiện chất Cd trong gạo của nhà máy vượt tiêu chuẩn cho phép. Kiểm tra nhiều lần về dây chuyền công nghệ của nhà máy từ khâu đầu đến đóng gói sản phẩm đều theo trình tự khép kín nên không thể sinh ra chất Cd. Như vậy, chất Cd chỉ có thể từ khâu sản xuất nông nghiệp trên đồng ruộng xâm nhập vào gạo.

     Theo điều tra, từ năm 2007, sau khi lấy 91 mẫu gạo bất kỳ bán ở thị trường tại 6 vùng (Hoa Đông, Đông Bắc, Hoa Trung, Tây Nam, Hoa Nam và Hoa Bắc), kết quả cho thấy, + 10% lượng gạo bán ở chợ đều vượt tiêu chuẩn hàm lượng Cd, gạo chủ yếu từ các vùng phía nam. Một điều tra khác cho biết, có đến 20 triệu ha đất canh tác (1/6 tổng diện tích đất canh tác) Trung Quốc bị ô nhiễm kim loại nặng (cadimi, thủy ngân, chì, crômi, thạch tín).

     Tại TP. Quảng Châu, trên trang điện tử của Cục Giám sát quản lý thực phẩm dược phẩm đã công bố kết quả xét nghiệm thực phẩm ăn uống quý I/2013, trong đó, một hạng mục có 44,4% sản phẩm từ gạo và chế phẩm từ gạo vượt tiêu chuẩn hàm lượng Cd. Cục đã lấy mẫu xét nghiệm 18 lần, trong đó có 8 lần không hợp tiêu chuẩn. Trong 31 mẫu gạo không hợp tiêu chuẩn do Văn phòng An toàn thực phẩm Quảng Đông công bố, 14 mẫu gạo xuất sứ Hồ Nam có hàm lượng Cd từ 0,26 g - 0,93g/1kg gạo. Tháng 2/2013, báo chí đã đưa tin đã có hàng vạn tấn gạo hàm lượng Cd vượt tiêu chuẩn của Hồ Nam đưa vào Quảng Đông từ năm 2009 đến nay. Như vậy có thể thấy, Hồ Nam trở thành vùng trọng điểm đất nhiễm độc.

     Từ sự việc này cho thấy, vấn đề đất bị nhiễm độc hết sức nghiêm trọng nhưng lâu nay không được công bố. Sau nhiều lần Đổng Chính Vĩ, một luật sư Bắc Kinh yêu cầu Bộ Môi trường công khai 4 điểm: Phương pháp điều tra, số liệu, nguyên nhân hình thành, giải pháp phòng trị tình trạng ô nhiễm thổ nhưỡng toàn quốc, vì liên quan đến quyền lợi sức khỏe của người dân và cải thiện sản xuất nông sản phẩm. Tuy nhiên, Bộ Môi trường cho rằng, đây thuộc về “bí mật quốc gia” nên không được phép công khai.

     Theo ông Đồng Tiềm Minh, chuyên gia Sở Nghiên cứu địa chất tỉnh Hồ Nam, tình hình ô nhiễm đất nông nghiệp Trung Quốc là hết sức gay go. Báo cáo “Nghiên cứu hiện trạng và đối sách phát triển an toàn chất lượng gạo Trung Quốc” công bố năm 2010 của Sở Nghiên cứu lúa gạo Trung Quốc và Trung tâm Giám sát kiểm nghiệm chất lượng chế phẩm lúa gạo Bộ Nông nghiệp nêu rõ, 1/5 đất canh tác của Trung Quốc đã bị ô nhiễm kim loại nặng, trong đó có 11 tỉnh và 25 vùng đất canh tác bị ô nhiễm Cd. Tại các vùng Hồ Nam, Giang Tây, phía nam Trường Giang vấn đề này đang nổi cộm. Vậy đất bị nhiễm độc do đâu?

     Thứ nhất, là do nơi đất đó vốn đã hàm chứa nhiều kim loại nặng.Theo thống kê của gần 5.000 bản luận văn trong hơn 30 năm qua đã chỉ rõ ở các vùng tập trung dân đông như xung quanh khu mỏ, khu nhà máy công nghiệp, thành phố thị trấn, hai bên đường cao tốc, khu công viên… hầu như thổ nhưỡng đều bị ô nhiễm với mức độ khác nhau. Kinh tế phát triển, ô nhiễm càng nghiêm trọng. Hồ Nam sở dĩ bị ô nhiễm kim loại nặng là do có lịch sử khai thác mỏ đã mấy trăm năm, dọc hai bờ sông Tương Giang và hai vùng Tương Tây, Tương Nam... Qua điều tra năm 2009, có đến 25% diện tích đất canh tác của tỉnh bị ô nhiễm kim loại nặng. Tương tự như vậy, 2 tỉnh Quảng Tây, Quảng Đông, tại các điểm điều tra chất lượng môi trường thổ nhưỡng có nhiều loại nguyên tố kim loại nặng đều vượt chuẩn cho phép. Trong 1/5 tổng diện tích đất canh tác Trung Quốc bị ô nhiễm kim loại nặng, có 2 triệu ha bị ô nhiễm vùng mỏ, khoảng 5 triệu ha bị ô nhiễm dầu lửa, khoảng 50.000 ha bị ô nhiễm các loại chất thải cứng, gần 10 triệu ha bị ô nhiễm các loại rác thải công nghiệp, trên 3,3 triệu ha bị ô nhiễm nước tưới ruộng. 7 hệ thống sông lớn đều bị ô nhiễm, trong đó Hải Hà (mức nặng); Hoàng Hà, Liêu Hà (mức trung bình); Tùng Hoa, Hoài Hà (mức nhẹ); Trường Giang, Chu Giang (còn tốt). Ngoài ra, các nhà máy công nghiệp cũ, các kho chứa hóa chất, nông dược đã di dời chỗ khác để lại nền đất bị ô nhiễm càng nặng ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của cư dân mới đến dựng nhà ở trên đó.

     Thứ hai, do thực hiện chế độ canh tác nông nghiệp ngày càng bất hợp lý: Quá trình dài lạm dụng phân hóa học, thuốc sâu, thuốc diệt cỏ, màng mỏng ni lông. Trong các hóa chất này đều hàm chứa kim loại nặng, nhất là trong nông dược. Lượng nông dược Trung Quốc sử dụng đến 1,3 triệu tấn gấp 2,5 lần mức bình quân của thế giới. Qua tính toán, lượng nông dược sử dụng hàng năm chỉ có xấp xỉ 0,1% có tác dụng trực tiếp phòng trừ sâu bệnh, còn lại 99,9% nông dược ảnh hưởng tới hệ sinh thái, gây ô nhiễm hữu cơ…

 

Ô nhiễm đất đai là một trong những yếu tố liên quan trực tiếp tới sự tồn tại

của hàng loạt "làng ung thư" tại Trung Quốc

 

     Lạm dụng hóa chất nông nghiệp thời gian dài làm cho các vi khuẩn có ích (những vi khuẩn có năng lực phân giải kim loại nặng) trong thổ nhưỡng bị giảm sút, chất lượng thổ nhưỡng giảm theo, năng lực tự làm sạch của thổ nhưỡng suy giảm, dẫn đến sản lượng và chất lượng cây trồng giảm sút. Theo thống kê của Bộ Môi trường, mỗi năm lương thực bị nhiễm kim loại nặng cao đến 12 triệu tấn, trực tiếp gây tổn thất kinh tế lên tới 20 tỷ nhân dân tệ. Quá trình dài sử dụng lượng lớn phân hóa học làm cho độ PH của đất ngày giảm thấp (tức độ chua tăng lên, mức độ chua hóa của đất chỉ 30 năm qua đã bằng mức chua hóa 300 năm trong điều kiên tự nhiên), càng tạo môi trường thuận lợi cho các kim loại nặng vốn có trong đất được giải phóng, làm tăng hàm lượng kim loại nặng trong đất.

     Do người nhiều đất canh tác ít, đã chạy theo năng suất sản lượng trên đơn vị diện tích, coi nhẹ việc bổ sung chất lượng đất, bỏ chế độ luân canh, áp dụng rộng rãi chế độ liên vụ, một năm làm nhiều vụ trong thời gian dài, không cho đất nghỉ, để đất có thời gian tự khôi phục năng lực tự làm sạch. Nước, độ phì, không khí và nhiều thứ nguyên tố trong chất lượng thổ nhưỡng là quan hệ với nhau, nhưng không được chăm sóc…

     Trong chăn nuôi lợn, để diệt giun sán lợn giúp tăng trọng nhanh và có thịt màu đỏ tươi đẹp, người ta đã cho thêm chế phẩm có chứa thạch tín (Asen) và axít sulphuric trong thức ăn lợn. Những chất này theo chất thải chăn nuôi ra đồng ruộng. Các cơ sở sản xuất, kho tàng nông dược nhỏ lẻ, công nghệ sản xuất, thiết bị bảo quản lạc hậu, tùy tiện xả thải ra môi trường dân cư, đồng ruộng.

     Nguồn nước tưới cây, tưới rau quả đã bị ô nhiễm kim loại nặng, khói bụi từ nhà máy công nghiệp khi gặp mưa rơi xuống đồng ruộng, làm cho đất bị ô nhiễm.

     Thứ ba, sự hiểu biết, nhận thức của con người về ô nhiễm đất và tác hại nghiêm trọng của ô nhiễm đất đến môi trường sinh thái, đến phát triển kinh tế - xã hội không đầy đủ trong thời gian dài.

     Về ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước, tiếng ồn dễ nhận biết, dễ thấy tác hại, còn ô nhiễm đất khó nhận biết, khó thấy tác hại trực tiếp, nhất là quan niệm về tiêu chuẩn nông sản phẩm sạch mới dừng lại ở cảm quan bề ngoài, chưa chú trọng về hàm lượng kim loại nặng ẩn chứa bên trong từng hạt gạo, cọng rau, trái cây, dễ bị “điếc không sợ súng”, nên đã có không ít nhận thức và hành vi “ô nhiễm đi trước, trị lý đi sau…

     Trong kế hoạch 5 năm lần thứ 12 của Trung Quốc, vấn đề khắc phục và giảm thiểu ô nhiễm đất được đặt ra quyết liệt, mạnh mẽ, nhưng cũng gặp không ít khó khăn, cụ thể là các vấn đề:

     Kỹ thuật, công nghệ xử lý, làm sạch đất khó hơn gấp nhiều lần làm sạch không khí, sạch nước, bởi vì kim loại nặng khó tách khỏi thổ nhưỡng, khác hẳn với các chất thải hữu cơ. Nơi bị ô nhiễm nhẹ cũng phải mất 3 - 5 năm vẫn chưa thể khôi phục được hoàn toàn như cũ. Hiện nay trên thế giới đưa ra nhiều phương pháp, nhưng chủ yếu dựa trên hai nguyên lý: kiềm chế và loại bỏ bằng các giải pháp chôn cách ly, kiên cố hóa ổn định, phân ly bằng nhiệt, ổn định hóa học, thay đất mới, tẩy rửa thổ nhưỡng, biện pháp sinh học. Nhưng mỗi giải pháp đều có hạn chế nhất định trong áp dụng và nảy sinh vấn đề khác càng khó khắc phục hơn.

     Phương diện kỹ thuật vẫn trong tình trạng lạc hậu, không có hệ thống giám định hữu hiệu, không kịp thời cập nhật tình hình, chưa có phương án khôi phục chuẩn xác. Ngay như hiện nay, Trung Quốc đánh giá “địa lực” (sức của đất), thường dùng hàm lượng chất hữu cơ của thổ nhưỡng, nhưng trong thực tế giám định lại dùng toàn lượng chất hữu cơ, chứ không phải chất hữu cơ hoạt tính, nên khó phản ánh đúng diễn biến địa lực và thổ nhưỡng của đất canh tác.

     Về kinh tế, ai bỏ ra khoản chi phí lớn này, cũng là vấn đề tranh cãi. Lý Quốc Tường, nghiên cứu viên, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho rằng, từ góc độ chuối an toàn thực phẩm để xét, phải tăng cường kiểm soát đầu nguồn là quan trọng nhất. Tổn thất do ô nhiễm công nghiệp gây ra không thể đổ lên đầu nông dân gánh chịu, mà phải do cơ sở công nghiệp thải ra gánh chịu, cần xác định rõ chủ thể chịu trách nhiệm. Có ý kiến đưa ra nguyên tắc “ai gây ra ô nhiễm, người đó phải xử lý”, nhưng phần lớn các nhà máy công nghiệp là của Nhà nước, hơn nữa quá trình gây ô nhiễm trong thời gian dài, qua nhiều đời lãnh đạo nhà máy, nên cuối cùng lại phải lấy tiền Nhà nước để giải quyết…

     Trong nông nghiệp chủ yếu là nông dân làm theo chế độ canh tác do Nhà nước hướng dẫn, hơn nữa ruộng đất là thuộc sở hữu Nhà nước, nông dân chỉ nhận khoán sản lượng, chứ không nhận khoán giữ chất lượng đất, nên nông dân không thể bỏ tiền ra xử lý ô nhiễm. Cũng có ý kiến đề nghị tổ chức bảo hiểm đất, nhưng cũng khó thực hiện.

     Về luật pháp, vẫn còn nhiều bất cập, chưa thành hệ thống bao quát được các khâu của quá trình giám sát, ngăn ngừa, phát hiện, điều tra, xử lý, trừng phạt hành vi gây ô nhiễm, có hiệu lực thực sự.

     Từ chuyện ô nhiễm đất của Trung Quốc, chúng ta có thể suy ngẫm nhiều điều. Để có được danh hiệu đứng thứ hai thế giới về GDP, với sự trả giá nhiều mặt, phá hoại chất lượng đất nông nghiệp, phá hoại từ đầu nguồn của chuỗi sản xuất cung cấp thực phẩm không an toàn cho hàng tỷ người sử dụng. Xã hội ngày càng phát triển hiện đại, nhưng lâu nay lại không nhận thức rõ hiện đại là con dao hai lưỡi. Nếu hiện đại rơi vào tay con người có tầm kiến thức và tầm văn hóa tương ứng với hiện đại, thì sẽ phát huy sức mạnh tích cực cho xã hội phát triển. Nếu ngược lại, hiện đại nắm trong tay con người thiếu hiểu biết, thiếu tầm văn hóa tương ứng lại càng phát huy sức mạnh tiêu cực phá hoại của hiện đại đối với xã hội và con người. Chúng ta đi sau, đúng là lạc hậu với thiên hạ, nhưng nếu chúng ta biết tìm học những bài học phản diện của thiên hạ đi trước, để mình tránh lặp lại cái giá phải trả của thiên hạ, để tìm ra cách đi của mình đúng đắn phù hợp với tình hình của mình, phù hợp với cơ hội mới, điều kiện mới của thời đại là rất cần thiết.

 

            Đặng Đình Lựu

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 11/3013

 

 

 

Ý kiến của bạn