Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Theo dõi diễn biến các loại rừng phân theo chức năng dưới góc nhìn từ công tác quản lý tại tỉnh Thanh Hóa

05/09/2023

    Tóm tắt:

    Theo dõi diễn biến rừng qua các năm là điều kiện quan trọng để phát triển kinh tế, xã hội, môi trường hiện nay. Nghiên cứu áp dụng phương pháp thu thập dữ liệu qua các năm từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh và các cơ quan quản lý liên quan để làm cơ sở phân tích đánh giá diễn biến rừng. Kết quả nghiên cứu cho thấy, tại Thanh Hóa, diện tích rừng đặc dụng và rừng sản xuất đều tăng trong giai đoạn 2016-2021 tương ứng 919,54 ha và 43.733,11 ha, trong khi đó diện tích rừng phòng hộ được giữ nguyên không thay đổi 163.538,25 ha. Do vậy, theo dõi diễn biến rừng cần tiếp tục quan tâm nhằm nâng cao trong công tác quản lý và có những điều chỉnh phù hợp gắn với diện tích rừng theo từng khu vực làm cơ sở xác định và đề xuất điều chỉnh có tính khoa học trong thời gian tới.

    Từ khóa: Rừng, kinh tế-xã hội, môi trường, diễn biến rừng.

    Ngày nhận bài: 3/8/2023; Ngày sửa chữa: 8/8/2023; Ngày duyệt đăng: 21/8/2023.

Monitoring the forest type trends in Thanh Hoa Province

    Abstract:

    Monitoring of changing forest over the years is an important condition for socio-economic and environmental development in  society today. Through the research method of collecting data over the years from the Provincial Forest Protection Department and related management agencies as a basis for analyzing and evaluating forest changes over the years as a basis for management. The results of research show that, Thanh Hoa province, special-use forests and production forests areas increased during this period of 2016-2021 by 919,54 hectares and 43.733,11 hectares respectively, while the area of ​​protection forests remained unchanged around 163.538,25 ha. Therefore, monitoring of changing forest needs to be considered in the process of improving management, there should be appropriate adjustments to forest areas to each location as a basis for identifying and proposing adjustments depending on science in the near future.

    Keywords: Forest, economic - society, environment, changing forest.

    JEL Classifications: P48, P18, Q15.

    1. Đặt vấn đề

    Rừng và cuộc sống của con người có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Bên cạnh những giá trị to lớn về môi trường và kinh tế - xã hội, rừng đang dần phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, góp phần cải thiện đời sống người dân, đặc biệt là đối với cộng đồng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa có điều kiện khó khăn. Rừng là nguồn tài nguyên, đồng thời là tư liệu sản xuất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và có khả năng tái tạo nếu biết sử dụng hợp lý. Đây cũng là tài sản và nguồn lực to lớn của đất nước, trong đó yếu tố môi trường sinh thái đóng vai trò quan trọng, góp phần giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo tồn đa dạng sinh học (Rừng và ngành Lâm nghiệp, 2019). Vì vậy, việc cập nhật diễn biến rừng hàng năm sẽ là cơ sở quan trọng để thực hiện công tác quản lý rừng và đưa ra các định hướng phát triển kinh tế, xã hội và môi trường (Forest Science Insitute of Vietnam (FSIV, 2009).

    Theo Wikipedia, 2002, tại Việt Nam hiện nay, để thuận tiện cho công tác quản lý và quy hoạch lâm nghiệp, nhà quản lý sử dụng hệ thống phân loại rừng và đất sản xuất trong lâm nghiệp theo các chức năng nhằm đơn giản hóa, cụ thể như: Rừng đặc dụng được thành lập với mục đích chủ yếu để bảo tồn thiên nhiên, mẫu chuẩn hệ sinh thái rừng của quốc gia, nguồn gen sinh vật rừng, nghiên cứu khoa học, bảo vệ di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh phục vụ nghỉ ngơi du lịch kết hợp với phòng hộ bảo vệ môi trường sinh thái. Rừng phòng hộ được sử dụng chủ yếu để bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, chống sa mạc hóa, hạn chế thiên tai, điều hòa khí hậu, bảo vệ môi trường. Rừng sản xuất được dùng chủ yếu trong sản xuất gỗ, lâm sản, đặc sản.

    Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2021-2025 xác định vị trí, vai trò của nền nông nghiệp làm nền tảng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh lương thực, cung cấp nguyên liệu... nhằm hỗ trợ để các ngành kinh tế khác phát triển. Trong đó, lâm nghiệp là một hợp phần có đóng góp quan trọng đối với kinh tế, môi trường tại địa phương. Hiện nay, việc quản lý rừng có ý nghĩa quan trọng nhằm định hướng, điều chỉnh phù hợp nhằm duy trì và bảo vệ môi trường sinh thái, phát huy hết chức năng hệ sinh thái của rừng đồng thời mang lại các giá trị kinh tế - xã hội ổn định và lâu dài, đặc biệt là những nơi có rừng thường là những vùng sâu, vùng xa, nơi có điều kiện khó khăn. Vì vậy, với điều kiện sẵn có nhằm phát triển kinh tế hiện nay, đất rừng và rừng là nguồn tài nguyên tái tạo quan trọng nhằm tạo ra nguồn sinh kế bền vững cho cộng đồng, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

    Cập nhật diễn biến rừng có vai trò quan trọng nhằm định hướng trong xây dựng kế hoạch, quy hoạch cho phát triển rừng. Nghiên cứu này nhằm đánh giá sự biến động về trạng thái rừng, đất quy hoạch phát triển rừng, chủ rừng và tổ chức được giao quản lý rừng, cần xác định, nguyên nhân biến động làm cơ sở quan trọng cho việc quản lý rừng có hiệu quả. Đặc biệt, đối với các loại rừng phân theo chức năng (rừng sản xuất, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng), từ đó góp phần định hướng điều chỉnh tăng giảm các diện tích rừng phù hợp theo từng giai đoạn đảm bảo sự phát triển bền vững trong kinh tế xã hội tại địa phương (cân bằng giữa kinh tế, xã hội và môi trường).

    2. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu

    2.1. Đối tượng và địa điểm nghiên cứu

    Hiện nay, toàn bộ diện tích rừng tại tỉnh Thanh Hóa được phân theo chức năng: Rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Trong đó, rừng là một hệ sinh thái vô cùng quan trọng hình thành, tích lũy các loài thực vật rừng, động vật rừng, nấm, vi sinh vật, trong đó thành phần chính là một hoặc một số loài cây thân gỗ, tre, nứa, cây họ cau có chiều cao được xác định theo hệ thực vật trên núi đất, núi đá, đất ngập nước, đất cát hoặc hệ thực vật đặc trưng khác; diện tích liên vùng từ 0,3 ha trở lên; độ tàn che từ 0,1 trở lên (Luật Lâm nghiệp, 2017).

    Nghiên cứu tiến hành thực hiện kiểm chứng thực địa nhằm đánh giá tình hình tài nguyên rừng tại 12 địa điểm (các xã: Đông Nam, Hoằng Châu, Hoằng Trường, Minh Sơn, Mỹ Tân, Nhi Sơn, Tam Lưu, Thành Mỹ; Thị trấn: Mường Lát, Rừng Thông, Vân Du).

  

 Hình ảnh 1. Vị trí tỉnh Thanh Hóa        Hình ảnh 2. Cập nhật ngoài thực địa - xã Mỹ Tân, huyện Ngọc Lạc

    2.2.Thời gian thực hiện: Từ tháng 6/2022 đến tháng 6/2023.

    2.3.Phương pháp nghiên cứu

    Thu thập số liệu từ cơ quan chuyên môn (Chi cục Kiểm lâm) của cấp tỉnh chịu trách nhiệm thường xuyên cập nhật diễn biến rừng hàng năm theo Thông tư số 33/2018/TT-BNN&PTNT. Chi cục Kiểm lâm tổ chức triển khai, hướng dẫn về chuyên môn kiểm kê, theo dõi diễn biến rừng cho Hạt Kiểm lâm cấp huyện và các chủ rừng. Tổ chức thu thập số liệu kết quả rừng tại các cơ quan trên địa bàn tỉnh như: Cục Thống kê, Hạt Kiểm lâm, Ban Quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng...

    Xử lý số liệu: Phân tích, đánh giá và xử lý số liệu thu thập sau khi nhập dữ liệu trên Excel làm cơ sở tổng hợp kết quả điều tra.

    3. Kết quả nghiên cứu và thảo luận

    3.1. Những biến động diện tích rừng theo chức năng

    Nghiên cứu thực hiện quá trình thu thập điều tra trong giai đoạn 2016-2021 để đánh giá sự thay đổi diện tích rừng đặc dụng theo các giai đoạn và có phân theo nguồn gốc đối với diện tích có rừng và diện tích đất chưa thành rừng. Kết quả cho thấy, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp được quy hoạch cho phát triển rừng đặc dụng bao gồm diện tích có rừng và diện tích đất chưa thành rừng giai đoạn 2016-2021 cơ bản được giữ ổn định, không có sự thay đổi đáng kể. Tuy vậy, diện tích đất có rừng phân theo nguồn gốc trong giai đoạn này tăng 919,54 ha, bình quân tăng 153,27 ha/năm. Nguyên nhân là diện tích đất chưa thành rừng giảm đi và chuyển sang đất có rừng, đây là kết quả hoạt động lâm sinh chuyển từ diện tích đất khoanh nuôi tái sinh tự nhiên sang diện tích rừng thứ sinh tăng. Việc tăng diện tích chủ yếu tập trung vào diện tích rừng tự nhiên là rừng thứ sinh (Bảng 1).

Bảng 1. Hiện trạng diện tích rừng đặc dụng giai đoạn 2016 - 2021

Đơn vị: Ha

Phân loại rừng

2016

2017

2018

2019

2020

2021

Tổng DT đất rừng ĐD:

82.123,44

82.123,44

82.123,44

82.123,44

82.123,44

82.123,44

Diện tích có rừng

79.366,84

79.551,50

79.551,50

79.993,05

79.923,91

80.286,38

Rừng phân theo nguồn gốc

79.366,84

79.551,50

79.551,50

79.993,05

79.923,91

80.286,38

Rừng tự nhiên

77.840,44

77.985,80

77.985,80

78.591,81

78.396,35

78.855,36

Rừng nguyên sinh

 

 

 

 

 

 

Rừng thứ sinh

77.840,44

77.985,80

77.985,80

78.591,81

78.396,35

78.855,36

Rừng trồng

1.526,40

1.565,70

1.565,70

1.401,24

1.527,56

1.431,02

Trồng mới trên đất chưa từng có rừng

806,00

845,30

845,30

664,38

790,70

673,95

Trồng lại sau khai thác rừng trồng đã có

715,20

715,20

715,20

731,80

731,80

757,07

Tái sinh tự nhiên từ rừng trồng đã khai thác

5,20

5,20

5,20

5,06

5,06

 

Trong đó:

4,10

 

 

2,59

2,59

2,59

Cây cao su

4,10

 

 

0,24

0,24

0,24

Cây đặc sản

 

 

 

2,35

2,35

2,35

Diện tích đất chưa thành rừng

2.756,60

2.571,94

2.571,94

2.130,39

2.199,53

1.837,06

Diện tích đã trồng chưa đạt tiêu chuẩn thành rừng

39,30

 

13,50

73,92

143,06

82,52

Diện tích khoanh nuôi tái sinh

985,30

985,30

985,30

838,25

838,25

558,77

Diện tích khác

1.732,00

1.586,64

1.573,14

1.218,22

1.218,22

1.195,77

    Tổng diện tích đất có rừng và đất chưa thành rừng được quy hoạch cho phát triển rừng phòng hộ cơ bản được giữ ổn định, không có sự biến động. Tuy vậy, diện tích có rừng sau 6 năm tăng 9.301,25 ha (1.550,21 ha/năm).

    - Phần diện tích có rừng phân theo nguồn gốc: Diện tích tăng lớn nhất 8.050,85 ha vào năm 2017, giảm nhiều nhất 862,70 ha vào năm 2020 (Bảng 2); phần diện tích đất chưa thành rừng trong năm 2017 và 2021 không thực hiện hoạt động trồng rừng nên diện tích đất chưa thành rừng giảm tương ứng là 856,56 ha và 777,66 ha, còn lại các năm 2018, 2019, 2020 tăng lần lượt là 200,0 ha, 112,94 ha, 862,70 ha. Đặc biệt, hoạt động trồng lại sau khai thác rừng trồng đã có và tái sinh tự nhiên từ rừng trồng đã khai thác không diễn ra tại các năm 2017 và 2018.

    - Phần diện tích đất chưa thành rừng: Diện tích giảm cả giai đoạn này, trong đó diện tích đã trồng chưa đạt tiêu chuẩn thành rừng giảm 458,58 ha (76,43 ha/năm). Đặc biệt trong giai đoạn này phần diện tích đất khác trong lâm nghiệp (bao gồm: đất sông suối, đất lòng hồ thủy điện, đất sản xuất nông nghiệp, đất hạ tầng giao thông...) được thực hiện thống kê và quản lý đất lâm nghiệp theo hệ thống Tiểu khu, Khoảnh. Trong giai đoạn này,  ngành tài nguyên môi trường đã phối hợp kiểm kê rà soát lại các diện tích này và nhằm cập nhật chính xác thực trạng, từ đó phản ánh được vai trò đất rừng đối với vai trò phòng hộ. Do đó giai đoạn 2016-2021 đã thực hiện thống kê, kiểm kê cập nhật 8.185,54 ha đất khác trong lâm nghiệp đúng với quy định của Luật đất đai cũng như hướng dẫn của ngành tài nguyên môi trường. Diện tích thực hiện thống kê, kiểm kê lại qua các năm lần lượt: 2017 là 6.792,74 ha, 2018 là 157,26 ha, 2019 là 506,71 ha và 2021 là 728,83 ha. Việc thống kê, kiểm kê lại phần diện tích này nhằm thực hiện công tác quản lý đất đai đất đồng bộ, tránh chồng chéo giữa các ngành nhằm định hướng cụ thể hơn trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bảng 2. Hiện trạng diện tích rừng phòng hộ giai đoạn 2016 - 2021

Đơn vị: Ha

Phân loại rừng

2016

2017

2018

2019

2020

2021

Tổng DT đất rừng PH:

163.538,25

163.538,25

163.538,25

163.538,25

163.538,25

163.538,25

Diện tích có rừng

144.491,78

152.542,63

152.499,89

152.709,72

151.847,02

153.793,03

Rừng phân theo nguồn gốc

144.491,78

152.542,63

152.499,89

152.709,72

151.847,02

153.793,03

Rừng tự nhiên

120.285,28

133.558,00

133.516,23

133.004,22

132.012,29

133.603,51

Rừng nguyên sinh

 

 

 

 

 

 

Rừng thứ sinh

120.285,28

133.558,00

133.516,23

133.004,22

132.012,29

133.603,51

Rừng trồng

24.206,50

18.984,63

18.983,66

19.705,50

19.834,73

20.189,52

Trồng mới trên đất chưa từng có rừng

9.818,30

18.984,63

18.983,66

9.793,64

9.922,87

10.384,00

Trồng lại sau khai thác rừng trồng đã có

14.251,40

 

 

9.790,32

9.790,32

9.789,22

Tái sinh tự nhiên từ rừng trồng đã khai thác

136,80

 

 

121,54

121,54

16,30

Trong đó:

273,00

 

 

189,36

189,36

166,20

Cây cao su

196,80

 

 

79,51

79,51

41,79

Cây đặc sản

76,20

 

 

109,85

109,85

124,41

Diện tích đất chưa thành rừng

19.046,47

10.995,62

11.038,36

10.828,53

11.691,23

9.745,22

Diện tích đã trồng chưa đạt tiêu chuẩn thành rừng

3.312,58

2.456,02

2.656,02

2.768,96

3.631,66

2.854,00

Diện tích khoanh nuôi tái sinh

1.879,60

1.478,05

1.478,05

1.661,99

1.661,99

1.222,47

Diện tích khác

13.854,29

7.061,55

6.904,29

6.397,58

6.397,58

5.668,75

    Trong giai đoạn 2016 - 2021 (Bảng 3), tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp được quy hoạch cho phát triển rừng sản xuất tăng khá lớn 43.733,11 ha (7.288,85 ha/năm), trong đó diện tích đất có rừng 28.953,23 ha (4.825,54 ha/năm), diện tích đất chưa thành rừng là 14.779,88 ha (2.463,31 ha/năm). Đây là chủ trương của tỉnh là tăng diện tích rừng sản xuất trong phát triển kinh tế - xã hội, trong đó năm 2019 đã đưa những diện tích đất chưa sử dụng ngoài quy hoạch đất lâm nghiệp vào quy hoạch phát triển rừng sản xuất nhằm nâng cao diện tích phục vụ cho mục tiêu hoạt động lâm nghiệp.

    Trong diện tích đất chưa thành rừng: Phần diện tích đã trồng chưa đạt tiêu chuẩn thành rừng cả giai đoạn tăng 15.311,52 ha (2.551,92 ha/năm). Cụ thể, diện tích đất đã trồng chưa thành rừng năm 2021 tăng thấp nhất 1.234,73 ha và năm 2019 tăng lớn nhất 4.711,38 ha. Kết quả này có vai trò quan trọng trong quản lý và chăm sóc rừng trồng nhằm nâng cao hiệu quả rừng trồng thuộc các chương trình trồng rừng sản xuất, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội khu vực được triển khai. Trong giai đoạn này, các chủ rừng đã thực hiện biện pháp kỹ thuật lâm sinh bằng hình thức khoanh nuôi tái sinh tự nhiên, nên diện tích khoanh nuôi tái sinh ngày càng giảm và tăng vào diện tích rừng thứ sinh tự nhiên là 871,13 ha (145,22 ha/năm) tại Bảng 3. Nhìn chung, hoạt động trồng rừng tiếp tục còn gặp nhiều thách thức đối với rừng sản xuất, do vậy đối với diện tích đã trồng chưa đạt tiêu chuẩn thành rừng của giai đoạn tăng lên theo các năm.

    ​Bảng 3. Hiện trạng diện tích rừng sản xuất giai đoạn 2016 - 2021

Đơn vị: Ha

Phân loại rừng

2016

2017

2018

2019

2020

2021

Tổng DT đất rừng SX:

401.748,38

401.394,29

401.228,55

447.644,37

450.772,79

445.481,49

Diện tích có rừng

332.010,28

325.187,11

325.302,82

360.824,34

362.404,85

360.963,51

Rừng phân theo nguồn gốc

332.010,28

325.187,11

325.302,82

360.824,34

362.404,85

360.963,51

Rừng tự nhiên

184.984,54

172.539,01

172.580,78

181.768,56

182.955,22

180.901,07

Rừng nguyên sinh

 

 

 

 

 

 

Rừng thứ sinh

184.984,54

172.539,01

172.580,78

181.768,56

182.955,22

180.901,07

Rừng trồng

147.025,74

152.648,10

152.722,04

179.055,78

179.449,63

180.062,44

Trồng mới trên đất chưa từng có rừng

89.514,34

89.012,60

89.086,54

112.963,44

113.357,29

112.926,68

Trồng lại sau khai thác rừng trồng đã có

55.364,20

62.619,00

62.619,00

63.863,80

63.863,80

65.019,43

Tái sinh tự nhiên từ rừng trồng đã khai thác

2.147,20

1.016,50

1.016,50

2.228,54

2.228,54

2.116,33

Trong đó:

7.084,90

7.084,90

7.084,90

13.588,58

13.588,58

11.243,00

Cây cao su

6.895,70

6.895,70

6.895,70

13.383,05

13.383,05

10.649,88

Cây đặc sản

189,20

189,20

189,20

205,53

205,53

593,12

Diện tích đất chưa thành rừng

69.738,10

76.207,18

75.925,73

86.820,03

88.367,94

84.517,98

Diện tích đã trồng chưa đạt tiêu chuẩn thành rừng

35.079,76

38.836,25

40.812,29

45.523,67

49.156,55

50.391,28

Diện tích khoanh nuôi tái sinh

3.071,30

3.258,54

3.223,27

2.828,70

2.828,70

2.200,01

Diện tích khác

31.587,04

34.112,39

31.890,17

38.467,66

36.382,69

31.926,69

    3.2. Một số nguyên nhân làm thay đổi diện tích

    Trên cơ sở phân tích những biến động diện tích rừng theo chức năng, có thể thấy một số nguyên nhân khách quan và chủ quan.

    Nguyên nhân khách quan: Thời thiết cực đoan dưới tác động của biến đổi khí hậu đã gây ra lũ lụt, gió bão, hạn hán, nắng nóng kéo dài dẫn đến sạt lở, cây cối gãy đổ, cháy rừng là nguyên nhân gây mất rừng. Bên cạnh đó, trong quần thể hệ sinh thái rừng, một số loài cây có vòng đời sinh trưởng ngắn (5-10 năm) như rừng Giang, rừng Nứa, rừng Le … khi kết thúc giai đoạn sinh trưởng, các loài cây hay cả quần thể này sẽ chết hàng loạt làm thay đổi diện tích rừng.

    Nguyên nhân chủ quan: Khai thác trái phép tài nguyên rừng để lấy gỗ, lâm sản ngoài gỗ…; Phá rừng làm nương rẫy, trồng cây công nghiệp và cây đặc sản mở rộng diện tích canh tác theo phương thức truyền thống; Cháy rừng do đốt nương làm rẫy, sử dụng lửa bừa bãi, mất kiểm soát gây ra mất rừng. Trong quản lý diện tích giữa các loại rừng phân theo chức năng, cơ quan chức năng rà soát và tiến hành điều chỉnh ranh giới nhằm phát huy vai trò của rừng theo nhu cầu cấp thiết của địa phương. Từ đó, đưa diện tích đất khác chưa sử dụng vào quy hoạch cho phát triển rừng sản xuất góp phần phát triển lĩnh vực lâm nghiệp trong giai đoạn tiếp theo. Bên cạnh đó là các hoạt động liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội như xây dựng thủy điện, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, phát triển khu tái định cư, phát triển khu thị...

    Cụ thể, trong giai đoạn 2016 - 2021, Sở NN&PTNT đã tham mưu giải quyết 195 hồ sơ (dự án) chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích đất phi nông nghiệp với diện tích rừng chuyển đổi 1.567,45 ha. Trong đó có 1 hồ sơ thuộc thẩm quyền của Quốc hội với diện tích rừng chuyển đổi là 586,45 ha (phân theo nguồn gốc: rừng tự nhiên 532,3 ha, rừng trồng 54,15 ha; phân theo chức năng: rừng phòng hộ 239,17 ha, rừng sản xuất 347,28 ha) để xây dựng hồ chứa nước Bản Mồng trên địa bàn huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa; 3 hồ sơ thuộc thẩm quyền của Thủ tướng với diện tích rừng chuyển đổi là 2,86 ha (phân theo nguồn gốc: rừng tự nhiên 2,86 ha; phân theo chức năng: rừng đặc dụng 1,00; rừng phòng hộ 1,10 ha, rừng sản xuất 0,76 ha) để xây dựng bậc thang thủy điện Sơn Lư và bậc thang thủy điện Tam Thanh trên Sông Lò (huyện Quan Sơn); xây dựng đường giao thông Làng Mài, huyện Như Xuân và xây dựng thủy điện Sông Âm, huyện Lang Chánh; 191 hồ sơ thuộc thẩm quyền của tỉnh với diện tích rừng chuyển đổi là 978,14 ha (phân theo nguồn gốc: rừng trồng 978,14 ha; phân theo chức năng: rừng phòng hộ 110,90 ha, rừng sản xuất 867,24 ha), chủ yếu là để phục vụ khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

    3.3. Một số giải pháp đảm bảo ổn định diện tích các loại rừng

    Các cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch lại 3 loại rừng đảm bảo giữ vững, ổn định diện tích rừng tự nhiên hiện có nhằm bảo tồn nguồn gen và đa dạng sinh học, bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng chắn sóng lấn biển..., tăng diện tích rừng sản xuất đảm bảo phát triển kinh tế rừng gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững trên cơ sở thực tiễn và khoa học. Đảm bảo đủ diện tích rừng với các vai trò khác nhau nhằm phát huy chức năng của mỗi loại rừng hiện nay.

    Tiếp tục xây dựng cơ chế giao, cho thuê và thu hồi rừng và đất rừng trong cả quá trình thực hiện, đảm bảo việc sử dụng rừng và đất rừng có hiệu quả. Thường xuyên có cơ chế kiểm tra, đánh giá hiệu quả đối với từng loại rừng phân theo chức năng, đặc biệt đối với rừng sản xuất và đất rừng sản xuất.

    Kiểm soát từng loại rừng thông qua những quy chế pháp lý riêng biệt, tiếp tục nâng cao trách nhiệm của từng chủ rừng trong công tác quản lý và có các biện pháp lâm sinh phù hợp, đặc biệt là rừng sản xuất và rừng phòng hộ nhằm nâng cao giá trị rừng, góp phần tích cực hơn trong các vấn đề kinh tế - xã hội tại địa phương.

    Thiết lập hệ thống quản lý, bảo vệ rừng từ trung ương đến địa phương nhằm cập nhật thường xuyên diễn biến rừng kịp thời và liên tục. Phân công và phối hợp trách nhiệm giữa các cơ quan có liên quan với diện tích rừng trên địa bàn quản lý hành chính. Tiếp tục tuyên truyền phổ biến để thực hiện tốt công tác quản lý và bảo vệ rừng trên địa bàn.

4. Kết luận

    Trong giai đoạn 2016-2021, diện tích rừng sản xuất tại Thanh Hóa đã có sự thay đổi và điều chỉnh trong công tác quản lý, rừng đặc dụng và rừng phòng hộ được giữ nguyên đảm bảo khả năng ổn định môi trường sinh thái mang tính quy mô tổng thể toàn tỉnh. Với quy mô diện tích đất lâm nghiệp hiện nay đảm bảo chiếm 62,18% diện tích tự nhiên, như vậy tương đương với tỷ lệ độ che phủ rừng giữ ổn định ở mức trên 53% là điều kiện cần thiết cơ bản để ngành lâm nghiệp tỉnh thực hiện công tác quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng tài nguyên rừng bền vững gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng chống giảm nhẹ thiên tai (UNDP, 2017). Trong nghiên cứu tiếp theo cần phân tích đánh giá các nguyên nhân về điều kiện tự nhiên và phát triển kinh tế - xã hội làm ảnh hưởng đến diện tích rừng.

    Lời cảm ơn: Bài báo được hoàn thành trong khuôn khổ của Đề tài “Nghiên cứu, xác định tỷ lệ che phủ rừng phù hợp phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Chúng tôi xin cảm ơn Sở Khoa học và Công nghệ Thanh Hóa đã tài trợ kinh phí để thực hiện đề tài và lãnh đạo địa phương thuộc các huyện/xã đã tạo điều kiện, hỗ trợ, cung cấp thông tin và cử cán bộ tham gia điều tra cùng đoàn.

Nguyễn Đình Hải, Trịnh Duy Giang, Lê Xuân Bắc

Viện Nông nghiệp Thanh Hóa

Đỗ Ngọc Dương, Lê Khắc Đông

Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu

Hà Thị Thu Huế

Viện Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 8/2023)

Tài liệu tham khảo

  1. Forest Science Insitute of Vietnam (FSIV). 2009. “Vietnam Forestry Outlook Study,” 72.
  2. Luật lâm nghiệp. 2017. Luật Lâm Nghiệp.
  3. “Rừng và Ngành Lâm Nghiệp.” 2019. Open Development Vietnam. https://vietnam.opendevelopmentmekong.net/vi/topics/forest-and-forestry/.
  4. UNDP. 2017. “Livelihood Improvement Linked To Forest Protection and Development Practices and Policy Recommendations.” Gef Sgp.
  5. Wikipedia. 2002. “Phân Loại Rừng ở Việt Nam”. https://vi.wikipedia.org/wiki/Phân_loại_rừng_ở_Việt_Nam.
Ý kiến của bạn