Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Nghiên cứu hiện trạng kim loại nặng tại một số cửa sông thuộc tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng

02/04/2024

Tóm tắt

    Nhằm đánh giá hiện trạng ô nhiễm kim loại nặng tại một số cửa sông thuộc tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng, nghiên cứu đã áp dụng các phương pháp thu mẫu thực địa; phân tích hàm lượng kim loại nặng trong mẫu nước, trầm tích; phương pháp xử lý số liệu. Nghiên cứu đã tiến hành phân tích hàm lượng một số kim loại nặng (Pb, Cr, Cd) tại các cửa sông Hàn, sông Cu Đê (Đà Nẵng) và sông Vu Gia - Thu Bồn (Quảng Nam) với tổng số 11 mẫu nước và trầm tích thu thập được. Hàm lượng các kim loại nặng được xác định thông qua hệ thống quang phổ hấp thụ nguyên tử AAS theo hướng dẫn của TCVN 6496-2009. Kết quả phân tích các mẫu trầm tích tại khu vực nghiên cứu cho thấy, hàm lượng kim loại nặng tại khu vực cửa sông Hàn, sông Cu Đê và sông Vu Gia - Thu Bồn khá thấp khi đều nằm trong giới hạn cho phép theo QCVN 43:2017/BTNMT Quy định về chất lượng trầm tích, do đó chưa có dấu hiệu bị ô nhiễm tại các khu vực nghiên cứu. Đối với kết quả phân tích kim loại nặng trong mẫu nước cho thấy, hàm lượng Cd2+ tương đối thấp ở tất cả các vùng cửa sông với giá trị đều nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 08:2023/BTNMT, tuy nhiên hàm lượng Cr6+ và Pb2+ khi phân tích trong mẫu nước được phát hiện vượt giới hạn cho phép của QVCN 08:2023/BTNMT về chất lượng nước mặt ở một số địa điểm thu mẫu, đặc biệt là Cr6+ khi ghi nhận vượt giới hạn cho phép tại 8/11 điểm thu mẫu trong nghiên cứu này. Qua đó có thể thấy những rủi ro về ô nhiễm kim loại Cr6+ và Pb2+ vẫn có nguy cơ tồn tại và cần có những cảnh báo sớm về nguy cơ ô nhiễm kim loại Crom và Chì tại các vùng cửa sông thuộc Đà Nẵng và Quảng Nam.

Từ khóa: Kim loại nặng, vùng cửa sông, Đà Nẵng, Quảng Nam, nước, trầm tích.

Ngày nhận bài: 21/20/2023; Ngày sửa chữa: 15/1/2024; Ngày duyệt đăng: 22/3/2024

THE CURRENT STATUS OF HEAVY METAL POLLUTION IN SOME RIVER MOUTHS IN QUANG NAM PROVINCE AND DA NANG CITY

Abstract

    In order to assess the current status of heavy metal pollution in the river mouths in Quang Nam province and Da Nang city, field sampling methods, analyzing heavy metal concentrations in water and sediment samples, and data processing were conducted. The study analyzed the content of some heavy metals (Pb, Cr, Cd) in some Quang Nam province and Da Nang city estuaries, carried out in three large estuaries: Han river estuary and Da Nang river. Cu De (Da Nang) and Vu Gia - Thu Bon (Quang Nam), with a total of 11 water and sediment samples, were collected from these areas. The analysis of sediment samples in the study area shows that the heavy metal content in sediments in the Han river estuary, Cu De river, and Vu Gia - Thu Bon river is quite low, all within the allowable limit according to the law. QCVN 43:2017/BTNMT Regulations on sediment quality, so there are no signs of pollution in the study area. The analysis of heavy metals in water samples shows that the Cd2+ content is relatively low in all estuarine areas with values within the allowable limits of QCVN 08:2023/BTNMT. However, the Cr6+ and Pb2+ analyzed in water samples were found to exceed the allowable limit of QVCN 08:2023/BTNMT on surface water quality at some sampling locations, especially Cr6+ when recorded exceeding the allowable limit in 8 collecting points (total in 11) in this study. From there, it can be seen that the risks of Cr6+ and Pb2+ metal pollution still exist, and early warnings about the risk of Chromium and Lead metal pollution in estuary areas of Da Nang and Quang Nam.

Keywords: Heavy metals, rivers, estuary area, Da Nang, Quang Nam, water, sediment.

JEL Classifications: Q51, Q53, Q55.

1. Giới thiệu

    Các cửa sông có vai trò quan trọng đối với môi trường nhằm góp phần lọc các chất ô nhiễm như thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ và kim loại nặng có trong dòng chảy từ vùng thượng lưu và trung lưu của sông đổ về (Gavhane S.K., 2021) (Tran et al., 2021). Hơn thế nữa, các cửa sông được xem là khu vực quan trọng với môi trường sống đa dạng bao gồm vùng nước mở, rạn san hô, trầm tích, bãi cát và bùn, cỏ biển, cũng như rừng ngập mặn, là nơi sinh sống của nhiều loài cá, thực vật và động vật biển. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, ô nhiễm kim loại nặng có dấu hiệu gia tăng ở nhiều vùng nước nội địa cũng như hệ sinh thái cửa sông (Fred, 2019). Xu hướng các chất ô nhiễm thường bị rửa trôi xuống các thủy vực xung quanh, một phần chúng tích tụ lại thủy vực, một phần bị rửa trôi theo các dòng chảy sông ngòi đổ vào vùng biển ven bờ (Dũng, 2013), do đó vùng cửa sông thường là nơi tích tụ và chịu tác động của các chất ô nhiễm đổ vào lưu vực.

    Tại khu vực TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam với sự phát triển của nền công nghiệp hiện đại bao gồm các ngành như dệt nhuộm, xi mạ kim loại, gang thép có thể gây nên những rủi ro về ô nhiễm kim loại nặng cho các lưu vực sông tại địa phương. Một số nghiên cứu trước đây của tác giả Nguyễn Văn Khánh về sự tích lũy kim loại nặng trong các loài động vật hai mảnh vỏ đã cho thấy hàm lượng kim loại nặng tích lũy cao và vượt quá quy chuẩn cho phép của Bộ Y tế (Khánh và cs, 2014), điều đó thể hiện những nguy cơ về ô nhiễm kim loại nặng tồn tại trong các lưu vực thuộc TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các nghiên cứu về sự tích lũy kim loại nặng và những rủi ro đối với sức khỏe hệ sinh thái tại các khu vực cửa sông như Vu Gia - Thu Bồn, sông Cu Đê và sông Hàn ít được quan tâm và thực hiện so với trước đây. Các nghiên cứu chủ yếu tập trung vào lượng kim loại nặng tồn tại trong trầm tích và sinh vật, do hàm lượng kim loại nặng trong nước thường thấp nên việc phân tích kim loại nặng hay bị bỏ qua, do đó những cập nhật thông tin mới về tình trạng chất lượng môi trường tại các khu vực trên chưa thực sự đầy đủ và toàn diện. Vì vậy, nghiên cứu này đánh giá hiện trạng ô nhiễm kim loại nặng tại một số cửa sông thuộc tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng, từ đó cung cấp những dữ liệu khoa học hỗ trợ cho việc giám sát, quản lý chất lượng môi trường tại địa phương cũng như các nghiên cứu chuyên sâu tiếp theo về đánh giá sức khỏe hệ sinh thái của các khu vực cửa sông được thực hiện trong nghiên cứu này.

2. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu

    2.1 Đối tượng

    Nghiên cứu tiến hành phân tích hàm lượng các kim loại nặng bao gồm: Cr6+, Pb2+, Cd2+ có trong mẫu trầm tích và mẫu nước tại các khu vực cửa sông Hàn, sông Cu Đê (Đà Nẵng) và sông Vu Gia - Thu Bồn (Quảng Nam).

    2.1. Phương pháp thu mẫu thực địa

Mẫu nước và mẫu trầm tích được thu thập tại ba vùng cửa sông lớn là sông Hàn, sông Cu Đê (Đà Nẵng) và sông Vu Gia - Thu Bồn (Quảng Nam) với tổng cộng 11 điểm thu được lựa chọn. Thời gian thu mẫu được tiến hành từ tháng IV đến tháng VII năm 2023. Vị trí cụ thể các địa điểm thu mẫu được thể hiện trong bảng 1 và hình 1.

Bảng 1. Tọa độ các vị trí thu mẫu

STT

Ký hiệu mẫu

Tên vị trí

Toạ độ

1

H1

Sông Hàn

16°05'54"N 108°13'25"E

2

H2

Sông Hàn

16°05'22"N 108°13'36"E

3

H3

Sông Hàn

16°04'32"N 108°13'42"E

4

H4

Sông Hàn

16°05'07"N 108°13'22"E

5

C1

Sông Cu Đê

16°07'20"N 108°07'23"E

6

C2

Sông Cu Đê

16°07'01"N 108°06'54"E

7

C3

Sông Cu Đê

16°06'56"N 108°06'12"E

8

V1

Sông Vu Gia- Thu Bồn

15°52'09"N 108°22'37"E

9

V2

Sông Vu Gia- Thu Bồn

15°52'24"N 108°21'20"E

10

V3

Sông Vu Gia- Thu Bồn

15°51'21"N 108°21'50"E

11

V4

Sông Vu Gia- Thu Bồn

15°51'49"N 108°19'53"E

 

Hình 1. Bản đồ thu mẫu tại khu vực nghiên cứu

    Trong đó mẫu nước được tiến hành thu theo hướng dẫn của TCVN 6663-6:2018 (ISO 5667-6:2014) Phần 6: Hướng dẫn lấy mẫu của sông và suối; Phần 4: Hướng dẫn lấy mẫu từ hồ ao tự nhiên và nhân tạo. Mẫu được bảo quản theo TCVN 6663-6:2018 (ISO 5667-6:2014) Phần 14: Hướng dẫn đảm bảo chất lượng và kiểm soát chất lượng lấy mẫu nước môi trường và xử lý mẫu nước môi trường. Đối với mẫu trầm tích được thu theo hướng dẫn của TCVN 6663-6:2018 (ISO 5667-6:2014) Phần 12: Hướng dẫn lấy mẫu trầm tích đáy. Mẫu trầm tích được bảo quản theo TCVN 6663-6:2018 (ISO 5667-6:2014) Phần 15: Hướng dẫn bảo quản và xử lý mẫu bùn và trầm tích.

    2.2. Phân tích hàm lượng kim loại nặng trong mẫu nước, trầm tích

    Mẫu nước được lọc trước qua giấy lọc sợi thủy tinh (whatman), sau đó được phân hủy bằng acid nitric (HNO3) và xác định hàm lượng kim loại nặng (Cd, Cr, Pb) bằng máy quang phổ hấp thụ nguyên tử (AAS). Kim loại nặng trong mẫu trầm tích được phân tích theo các hướng dẫn trong TCVN 6496-2009. Hàm lượng kim loại nặng trong trầm tích được đánh giá theo quy chuẩn: QCVN 43:2017/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng trầm tích. Hàm lượng kim loại nặng trong mẫu nước được đánh giá theo quy chuẩn: QCVN 08-MT:2023/BTNMT- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt.

    2.3. Phương pháp xử lý số liệu

    Đường chuẩn kim loại nặng được xây dựng dựa trên phần mềm Excel. Phân tích thống kê sự khác biệt về kết quả hàm lượng kim loại nặng trong mẫu giữa các nhóm thủy vực khác nhau được phân tích theo ANOVA trên phần mềm SPSS.

3. Kết quả nghiên cứu

    ​3.1. Hàm lượng một số kim loại nặng trong mẫu nước tại các khu vực nghiên cứu

    Giá trị hàm lượng trung bình của một số kim loại nặng tại các vùng cửa sông thuộc TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam được phân tích và thể hiện thông qua bảng 2 cho thấy không có sự khác biệt có ý nghĩa đối với hàm lượng các kim loại Pb2+, Cr6+ và Cd2+ giữa các vùng cửa sông (với P_value<0,05). Tuy nhiên, tại các khu vực cửa sông Vu Gia - Thu Bồn thuộc tỉnh Quảng Nam có xu hướng cao hơn về hàm lượng trung bình của Cd+2 và Pb+2 so với cửa sông thuộc TP. Đà Nẵng. Ngược lại, khu vực cửa sông Cu Đê (105,742 ± 20,197 µg/L) và sông Hàn (85,269 ± 49,188 µg/L) có hàm lượng trung bình Cr6+ cao hơn so với cửa sông Vu Gia - Thu Bồn (65,144 ± 34,23 µg/L). Dựa vào kết quả phân tích hàm lượng kim loại nặng trong mẫu nước ở từng địa điểm nghiên cứu (bảng 3) có thể thấy ở tất cả các địa điểm thu mẫu đều có hàm lượng Cd thấp và nằm trong giới hạn cho phép theo QCVN 08:2023/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt khi có hàm lượng Cd đều thấp hơn 1µg/L. Kết quả phân tích hàm lượng Pb2+ trong mẫu nước ở các khu vực nghiên cứu cho thấy lượng Pb2+ đo được dao động chủ yếu trong khoảng 3,386 ± 0,591 µg/L đến 17,319 ± 3,738 µg/L, có thể thấy hầu hết các địa điểm thu mẫu đều có hàm lượng kim loại Pb2+ nằm trong giới hạn cho phép, riêng vị trí V1 (cửa sông Vu Gia - Thu Bồn) có lượng Pb2+ bị vượt 1,23 lần so với giới hạn cho phép của QCVN với hàm lượng Pb2+ đo được là 24,577 ± 16,397 µg/L. Tuy nhiên, trong nghiên cứu của Md Saiful Islam và cộng sự về hàm lượng một số kim loại nặng tồn tại trong nước sông Korotoa thuộc Bangladesh (Islam và cs, 2015) cho thấy hàm lượng Pb2+ trung bình đo được ở cả mùa đông và mùa hè (mùa đông: 35 ± 19 µg/L, mùa hè: 27 ± 15 µg/L) đều cao hơn so với các vùng cửa sông thuộc Đà Nẵng và Quảng Nam trong nghiên cứu này. Ngoài ra, kết quả phân tích kim loại nặng còn cho thấy hàm lượng Cr6+ bị vượt ở nhiều khu vực như cửa sông Hàn (H1, H2, H4), tất cả các điểm thuộc cửa sông Cu Đê (C1, C2, C3) và một số điểm thuộc cửa sông Vu Gia - Thu Bồn (V2, V3). Nhìn chung, đối với hàm lượng Cr+6 trong nước tại tất cả các khu vực nghiên cứu đều có hàm lượng cao dao động từ 31,611 ± 1,526 µg/L đến 155,397 ± 38,985 µg/L.

 Bảng 2. Hàm lượng kim loại nặng trung bình trong mẫu nước theo các khu vực cửa sông khác nhau

 

Cd (µg/L)

Cr (µg/L)

Pb (µg/L)

Cửa sông Hàn

0,096 ± 0,042

85,269 ± 49,188

11,3 ± 5,536

Cửa sông Cu Đê

0,144 ± 0,129

105,742 ± 20,197

12,553 ± 4,497

Cửa sông Vu Gia-Thu Bồn

0,297 ± 0,196

65,144 ± 34,23

16,302 ± 7,293

P_value

0,168

0,416

0,551

 

Bảng 3. Hàm lượng kim loại nặng trong mẫu nước tại các vị trí thu mẫu

 

Cd (µg/L)

Cr (µg/L)

Pb (µg/L)

H1

0,112 ± 0,016

155,397 ± 38,985

3,386 ± 0,591

H2

0,061 ± 0,040

83,356 ± 15,496

15,43 ± 3,765

H3

0,147 ± 0,067

48,879 ± 21,477

11,595 ± 0,871

H4

0,062 ± 0,026

53,445 ± 14,167

14,788 ± 5,968

C1

0,11 ± 0,023

127,125 ± 33,163

17,319 ± 3,738

C2

0,035 ± 0,014

86,989 ± 21,197

11,956 ± 2,738

C3

0,287 ± 0,131

103,113 ± 27,021

8,384 ± 2,245

V1

0,306 ± 0,026

31,611 ± 1,526

24,577 ± 16,397

V2

0,556 ± 0,24

106,824 ± 10,725

6,807 ± 1,763

V3

0,084 ± 0,016

78,681 ± 17,591

17,234 ± 0,114

V4

0,241 ± 0,135

43,459 ± 6,475

16,589 ± 4,081

QCVN 08:2023/BTNMT

5 (µg/L)

50 (µg/L)

20 (µg/L)

 

    3.2. Hàm lượng một số kim loại nặng trong mẫu trầm tích tại các khu vực nghiên cứu

    Thông qua kết quả phân tích hàm lượng kim loại nặng trung bình trong mẫu trầm tích tại các vùng cửa sông (bảng 4) cho thấy không có sự khác biệt có ý nghĩa đối với hàm lượng các kim loại Cd2+, Pb2+, Cr6+ giữa các vùng cửa sông (P_value> 0,05) điều đó cho thấy sự tương đồng về chất lượng trầm tích tại các vùng cửa sông thuộc TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Hàm lượng một số kim loại nặng gồm Cd2+, Cr6+, và Pb2+ trong trầm tích tại từng vị trí thu mẫu thuộc khu vực cửa sông Hàn, sông Cu Đê và sông Vu Gia - Thu Bồn được thể hiện trong bảng 5 cho thấy trầm tích tại các khu vực nghiên cứu chưa có dấu hiệu bị ô nhiễm kim loại nặng khi hàm lượng các kim loại nặng (Cd2+, Cr6+, và Pb2+) đều nằm trong giới hạn cho phép của QCVN về chất lượng trầm tích (QCVN 43:2017/BTNMT). Cụ thể, đối với hàm lượng Cd2+ tại các khu vực cửa sông có giá trị dao động từ 0,038 ± 0,011 mg/kg đến 0,255 ± 0,014 mg/kg, đối với kim loại Pb2+ có hàm lượng dao động từ 3,292 ± 0,744 mg/kg đến 10,375 ± 1,454 mg/kg và hàm lượng Cr6+ dao động từ 6,222 ± 2,079 mg/kg đến 37,465 ± 1,499 mg/kg.

Bảng 4. Hàm lượng kim loại nặng trung bình trong mẫu trầm tích theo các khu vực cửa sông khác nhau

 

Cd (mg/kg)

Cr (mg/kg)

Pb(mg/kg)

Cửa sông Hàn

0,095 ± 0,038

12,106 ± 5,161

6,681 ± 2,51

Cửa sông Cu Đê

0,167 ± 0,106

28,882 ± 13,425

6,161 ± 1,755

Cửa sông Vu Gia-Thu Bồn

0,107 ± 0,096

18,387 ± 8,1747

7,061 ± 3,846

P_value

0,441

0,328

0,131

 

Bảng 5. Hàm lượng kim loại nặng trong mẫu trầm tích tại các vị trí thu mẫu

 

Cd (mg/kg)

Cr (mg/kg)

Pb (mg/kg)

H1

0,108 ± 0,027

15,947 ± 2,221

8,985 ± 1,25

H2

0,051 ± 0,008

6,222 ± 2,079

3,816 ± 0,034

H3

0,14 ± 0,023

9,356 ± 1,941

5,345 ± 0,103

H4

0,08 ± 0,014

16,899 ± 0,129

8,578 ± 1,34

C6

0,049 ± 0,004

13,411 ± 1,663

4,183 ± 1,276

C7

0,255 ± 0,014

37,465 ± 1,499

7,536 ± 0,125

C8

0,198 ± 0,049

35,77 ± 1,243

6,762 ± 0,538

V1

0,094 ± 0,012

30,626 ± 2,494

10,375 ± 0,462

V2

0,247 ± 0,153

14,141 ± 0,698

10,375 ± 1,454

V3

0,049 ± 0,004

13,792 ± 4,703

4,199 ± 0,228

V4

0,038 ± 0,011

14,989 ± 2,290

3,292 ± 0,744

QCVN

43:2017/BTNMT

4,2 mg/kg

160 (mg/kg)

112 (mg/kg)

 
    Trong nghiên cứu trước đây của Lê Thị Trinh về sự tích lũy kim loại nặng trong trầm tích cửa sông Hàn tại TP. Đà Nẵng giai đoạn năm 2014 với hàm lượng trung bình của kim loại Cd2+, Pb2+, Cr6+ lần lượt là 0,083 mg/kg, 23,2 mg/kg, 52,5mg/kg (Lê, 2017) so với kết quả phân tích trong nghiên cứu này thì hàm lượng Pb2+ và Cr6+ tương đối cao hơn. Do đó có thể thấy, có sự cải thiện hơn trong chất lượng mẫu trầm tích tại khu vực cửa sông Hàn so với trước đây. Dựa vào bảng so sánh hàm lượng kim loại Cd2+, Pb2+, Cr6+ trong trầm tích ở một số vùng hạ lưu sông tại Việt Nam (Bảng 6) cho thấy hàm lượng Pb2+ và Cr6+ tại các khu vực hạ lưu sông Hàn (Pb2+: 3,816-8,985; Cr6+: 6,222-16,899 mg/kg), sông Cu Đê (Pb2+: 4,183-7,536; Cr6+: 13,411-37,465mg/kg) và sông Vu Gia - Thu Bồn (Pb2+: 3,292-10,375; Cr6+: 13,792-30,626 mg/kg) tương đối thấp hơn so với các lưu vực khác như hạ lưu sông Hồng (Pb2+: 7,97-55; Cr6+: 48,1-20,9 mg/kg), sông Đáy (Pb2+: 15,6-82,6; Cr6+: 16,1-97,3 mg/kg), sông Sài Gòn (Pb2+: 15,6-82,6; Cr6+: 16,1-97,3 mg/kg).

Bảng 6. So sánh hàm lượng kim loại Cd, Pb, Cr trong trầm tích ở một số vùng hạ lưu sông tại Việt Nam

Lưu vực

Giá trị

(mg/kg)

Kim loại

Nguồn tài liệu

Cd

Pb

Cr

Sông Hàn

Cao nhất

0,14

8,985

16,899

Trong nghiên cứu này

Thấp nhất

0,051

3,816

6,222

Trung Bình

0,095

6,681

12,106

Sông Cu Đê

Cao nhất

0,255

7,536

37,465

Thấp nhất

0,049

4,183

13,411

Trung Bình

0,167

6,161

28,882

Sông Vu Gia - Thu Bồn

Cao nhất

0,247

10,375

30,626

Thấp nhất

0,038

3,292

13,792

Trung Bình

0,107

7,061

18,387

Sông Hồng

Cao nhất

0,426

55,0

48,1

(Thắm và cs, 2022)

Thấp nhất

0,005

7,97

20,9

Trung Bình

0,218

32,2

34,0

Sông Đáy

Cao nhất

2,43

82,6

97,3

(Lê và cs, 2018)

Thấp nhất

0,189

15,8

16,1

Trung Bình

1,0

39,4

52,4

Sông Sài Gòn

Cao nhất

0,24

63,1

41,5

(Thuy và cs, 2007)

Thấp nhất

0,03

3,31

19,5

Trung Bình

0,1

23,8

28,0

4. Kết luận

    Từ kết quả nghiên cứu cho thấy, hàm lượng kim loại nặng trong trầm tích tại khu vực cửa sông Hàn, sông Cu Đê và sông Vu Gia - Thu Bồn khá thấp và chưa có dấu hiệu bị ô nhiễm. Tuy nhiên, những rủi ro về ô nhiễm kim loại Cr6+ và Pb2+ vẫn có nguy cơ tồn tại khi kết quả phân tích hàm lượng Cr6+ và Pb2+ trong mẫu nước được phát hiện vượt giới hạn cho phép của QVCN 08:2023/BTNMT về chất lượng nước mặt ở một số địa điểm thu mẫu, đặc biệt là Cr6+ khi ghi nhận vượt giới hạn cho phép tại 8/11 điểm thu mẫu trong nghiên cứu này. Vì vậy cần có những cảnh báo sớm về nguy cơ ô nhiễm kim loại Crom và Chì tại các vùng cửa sông thuộc Đà Nẵng và Quảng Nam. Để đánh giá một cách tổng quan và chính xác hơn tình trạng tích lũy kim loại nặng tại các khu vực hạ lưu sông cần có thêm những nghiên cứu về sự tích lũy kim loại nặng trong hệ sinh vật thủy sinh tại khu vực, cũng như nghiên cứu thêm về các loại kim loại nặng khác có khả năng tích lũy trong môi trường thuộc lưu vực các sông tại địa phương.

Lời cảm ơn: Nghiên cứu này được thực hiện từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đề tài có mã số: B2023-DNA-16.

Đàm Minh Anh*, Phạm Thị Phương, Trần Ngọc Sơn, Trịnh Đăng Mậu, Nguyễn Khắc Hưng

Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 3/2024)

Tài liệu tham khảo

1. Dũng, L. Q. (2013). Hàm lượng một số kim loại nặng trong hàu đá (Saccostrea glomerata) và ngao (Meretrix lyrata) vùng biển ven bờ Hải Phòng. Tạp chí Khoa học và Công nghệ Biển, 268-275.

2. Fred A. O., (2019). 50-year review on heavy metal pollution in the. African Journal of Environmental Science and Technology, 220-227.

3. Gavhane S.K., S. J. (2021). Impact of Heavy Metals in Riverine and Estuarine Environment: A review. Research Journal of Chemistry and Environment, 226-233.

4. Islam, M. S., Ahmed, M. K., Raknuzzaman, M., Habibullah-Al-Mamun, M., & Islam, M. K. (2015). Heavy metal pollution in surface water and sediment: a preliminary assessment of an urban river in a developing country. Ecological indicators, 48, 282-291.

5. Khánh, N. V., Kính, K. T., & Vinh, D. C. (2014). Tích lũy kim loại nặng trong trầm tích và loài ngao dầu (Meretrix meretrix Linnaeus) ở một số cửa sông miền Trung, Việt Nam. Tạp chí Khoa học và Công nghệ Đại học Đà Nẵng.

6. Khánh, N. V., & Vinh, T. D. (2014). Hàm lượng kim loại nặng (Hg, Cd, Pb, Cr) trong các loài động vật hai mảnh vỏ ở một số cửa sông tại khu vực miền trung, Việt Nam (Contents of heavy metals Hg, Cd, Pb, Cr in bivalves from estuaries in central Viet Nam).

7. Lê, T. T. (2017). Đánh giá sự tích lũy và rủi ro sinh thái một số kim loại nặng trong trầm tích cửa sông Hàn, TP. Đà Nẵng.

8. Lê, T. T., Kiều, T. T. T., Nguyễn, T. T., Nguyễn, K. L., & Trịnh, T. T. (2018). Đánh giá sự tích lũy và rủi ro sinh thái một số kim loại nặng trong trầm tích mặt khu vực hạ lưu sông Đáy.

9. Thắm, T. T., & Lê Thị Trinh, T. T. T. (2022). Rủi ro sinh thái một số kim loại nặng trong trầm tích tại khu vực hạ lưu sông Hồng. Bản B của Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam, 64(11).

10. Thuy, H. T. T., Vy, N. N. H., & Loan, T. T. C. (2007). Anthropogenic input of selected heavy metals (Cu, Cr, Pb, Zn and Cd) in the aquatic sediments of Hochiminh City, Vietnam. Water, Air, and Soil Pollution, 182, 73-81.

11. Tran, Ngoc-Son, Mau Trinh-Dang, and Anton Brancelj  (2021). Two New Species of Parastenocaris (Copepoda, Harpacticoida) from a Hyporheic Zone and Overview of the Present Knowledge on Stygobiotic Copepoda in Vietnam" Diversity 13, no. 11: 534.

Ý kiến của bạn