Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Đánh giá nhận thức về quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và Đội xung kích Phòng chống thiên tai xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai

13/08/2024

Tóm tắt

    Thiên tai trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH) là một vấn đề cấp bách ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của con người. Tiếp cận cộng đồng trong quản lý rủi ro thiên tai là một giải pháp hiệu quả để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Nghiên cứu áp dụng phương pháp thu thập, tổng hợp tài liệu; Phương pháp phỏng vấn sâu; phương pháp khảo sát xã hội học nhằm đánh giá nhận thức về quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng (RRTT DVCĐ) của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) và Đội xung kích PCTT xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Kết quả cho thấy, nhận thức của các thành viên Ban chỉ huy, Đội xung kích PCTT xã Trịnh Tường về đánh giá RRTT DVCĐ và thực hiện kế hoạch phòng chống thiên tai có sự giám sát của cộng đồng còn hạn chế, trong đó kiến thức về các loại hình thiên tai, đặc điểm, xu thế, tác hại của từng loại hình thiên tai còn chưa đầy đủ... Nghiên cứu đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về quản lý RRTT DVCĐ cho Ban chỉ huy, Đội xung kích PCTT địa phương nhằm đáp ứng quy định, yêu cầu của Luật phòng chống thiên tai và Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý RRTT DVCĐ, đến năm 2030” của Chính phủ.

Từ khóa: Đánh giá nhận thức, Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, xã Trịnh Tường

Ngày nhận bài: 6/6/2024; Ngày sửa chữa: 16/6/2024; Ngày duyệt đăng: 30/7/2024.

Awareness assessment of community - based disaster risk management (cbdrm) of the commanding committee for natural disaster prevention and control search and rescue and the disaster response team in Trinh Tuong commune, Bat Xat district, Lao Cai province

Abstract:

    Amidst the intensifying effects of climate change, natural disasters pose an escalating threat to human well-being and economic activities. Community engagement in disaster risk management stands as an effective solution to minimize the detrimental consequences of these events. This study employs a mixed-method approach, utilizing document collection and synthesis, observation, in-depth interviews, and a sociological survey to assess the perception of community-based disaster risk management (CBDRM) among the Commanding Committee for Disaster Prevention, Rescue, and Search and Disaster Response Team of Trinh Tuong Commune, Bat Xat District, Lao Cai Province. The findings reveal that the awareness of the Commanding Committee and the Disaster Response Team of Trinh Tuong Commune regarding community-based disaster risk assessment, development, implementation, and monitoring and evaluation of community-based disaster preparedness plans remains limited. This includes inadequate knowledge of disaster types, characteristics, trends, and impacts, as well as limited organizational, command, and management skills in disaster preparedness. Additionally, the effectiveness of public education and awareness campaigns on disaster preparedness remains low. Nevertheless, some positive changes have been observed in recent times. The study proposes a number of solutions to enhance the awareness, knowledge, and skills of local Commanding Committees and Disaster Response Team in CBDRM to meet the requirements of the Law on Disaster Prevention and Control and the Government's Project "Enhancing Community Awareness and Community-Based Disaster Risk Management, by 2030."

Keywords: Awareness assessment, Community-based disaster risk management (CBDRM), Trinh Tuong commune.

JEL Classifications: Q54, O13,O44.

1. Đặt vấn đề

    Theo nhận định của Worlbank, Việt Nam là một trong số những quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi BĐKH trên thế giới, xếp hạng 127 trong số 182 quốc gia theo Sáng kiến Thích ứng BĐKH Toàn cầu Notre Dame (NDGAIN) và đứng thứ 13 trong số 180 quốc gia theo Chỉ số Rủi ro Khí hậu Toàn cầu Germanwatch giai đoạn 2000-2019 (Worldbank, 2022). Trước tình hình đó đòi hỏi phải có cách thức quản lý rủi ro thiên tai một cách hợp lý.

    Trong bối cảnh BĐKH, tình hình thiên tai tại Việt Nam đang ngày càng diễn biến cực đoan, trái quy luật, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Công tác nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý RRTT DVCĐ là một hoạt động quan trọng, được Luật Phòng chống thiên tai số 33/2013/QH13 ngày 19/6/2013 quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 15 và khoản 3, Điều 21. Các nghiên cứu và kinh nghiệm thực tế đã thống nhất nhận định, quản lý RRTT DVCĐ là một phương pháp tiếp cận hiệu quả để giảm thiểu rủi ro thiên tai và tăng khả năng ứng phó “tại chỗ” với thiên tai của cộng đồng (JICA, 2011). Đây là phương pháp có chi phí không lớn nhưng mang lại hiệu quả cao trong công tác phòng, chống thiên tai. Chính vì vậy, công tác này cần được thực hiện thường xuyên và xuyên suốt trong quá trình phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Việc nâng cao nhận thức không chỉ đối với người dân mà cần tăng cường nhận thức của các cán bộ làm công tác PCTT và các nhóm cộng đồng khác trong xã hội. Theo quy định của Chính phủ tại Nghị định số 66/2021/NĐ-CP ngày 6/7/2021, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) cấp xã được thành lập theo quyết định của Chủ tịch UBND cấp xã và có trách nhiệm tham mưu giúp UBND cấp xã trong việc kiểm tra, đôn đốc, chỉ huy, điều hành công tác PCTT và tìm kiếm cứu nạn trong phạm vi địa phương. Thành viên của Ban chỉ huy PCTT&TKCN cấp xã gồm lãnh đạo UBND xã, công chức cấp xã và trưởng các tổ chức chính trị, đoàn thể cấp xã (Chính phủ, 2021) . Đội xung kích PCTT cấp xã là lực lượng tại chỗ để thực hiện nhiệm vụ PCTT&TKCN theo kế hoạch và phương án phòng chống thiên tai của xã, do Chủ tịch UBND xã quyết định thành lập và được kiện toàn hàng năm. Lực lượng này đóng vai trò quan trọng, đặc biệt là trong thời điểm thiên tai mới xảy ra. Đây là lực lượng phản ứng nhanh, kịp thời xử lý các tình huống khẩn cấp trước khi có lực lượng bên ngoài tiếp cận.

    Ngày 6/4/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, đến năm 2030” tại Quyết định số 553/QĐ-TTg (gọi tắt là Đề án 553) trên cơ sở kế thừa những kinh nghiệm và bài học của Đề án 1002 ban hành năm 2009 về nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý RRTT DVCĐ với tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, Ban chỉ huy PCTT&TKCN và Đội xung kích PCTT là những đối tượng chính của Đề án 553.

    Xã Trịnh Tường thuộc huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai là một xã vùng cao của khu vực miền núi phía Bắc, chịu nhiều tổn thương trước tác động bất lợi từ thiên tai. Trong những năm qua, do tác động của BĐKH, xã Trịnh Tường xuất hiện nhiều loại hình thiên tai như mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, rét hại, sương muối và giông lốc, trong đó, loại hình lũ quét và trượt lở đất là nguy cơ lớn nhất. Tổng dân số của xã đến năm 2023 là 6.799 người thuộc 1453 hộ gia đình. Năm 2023, xã đã thành lập và kiện toàn Ban chỉ huy PCTT&TKCN và Đội xung kích PCTT cấp xã để tham mưu giúp UBND cấp xã trong việc kiểm tra, đôn đốc, chỉ huy, điều hành công tác PCTT&TKCN trong phạm vi địa phương. Tuy nhiên hiện nay, tình trạng cán bộ làm công tác PCTT tai tại địa phương còn thiếu về số lượng và hạn chế về năng lực, trình độ, kiến thức, kỹ năng phòng ngừa, giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Khả năng xây dựng kế hoạch PCTT, phương án ứng phó thiên tai, lồng ghép nội dung PCTT vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cấp xã cũng như triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng, quản lý RRTT DVCĐ còn nhiều hạn chế. Do đó, cần phải đánh giá đúng nhận thức, nhu cầu của cán bộ Ban chỉ huy PCTT&TKCN và Đội xung kích PCTT cấp xã về quản lý RRTT để có kế hoạch cụ thể nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ này. Nghiên cứu sử dụng thang đo lường cấp độ tư duy được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1956 bởi nhà tâm lý học giáo dục người Mỹ Benjamin Samuel Bloom (Bloom et al., 1956) để phân tích đánh giá thực trạng nhận thức về quản lý RRTT DVCĐ của Ban chỉ huy PCTT&TKCN và Đội xung kích PCTT xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Từ đó, khuyến nghị một số giải pháp nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về quản lý RRTT DVCĐ cho lực lượng làm công tác PCTT địa phương.

2. Phương pháp và đối tượng nghiên cứu 

2.1. Phương pháp thu thập, tổng hợp tài liệu:

    Nghiên cứu tiến hành trên nền tảng kế thừa, phân tích và tổng hợp các nguồn tài liệu sơ cấp và thứ cấp đã được thu thập. Các tài liệu, thông tin, dữ liệu cần thu thập gồm: các đề tài nghiên cứu; các báo cáo thống kê; các văn bản quy phạm pháp luật; các quyết định thành lập Ban chỉ huy PCTT&TKCN và Đội xung kích cấp xã; các thông tin liên quan tới khu vực nghiên cứu như tình hình thiên tai, điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội, điều kiện khí hậu, diễn biến của các yếu tố thời tiết khí hậu.

2.2. Phương pháp phỏng vấn sâu:

    Đối tượng được phỏng vấn gồm: cán bộ có thâm niên công tác trong lĩnh vực PCTT, quản lý RRTT DVCĐ cấp Ttrung ương và cấp tỉnh (cấp Trung ương: 1 người và cấp tỉnh: 1 người); Trưởng ban chỉ huy PCTT&TKCN xã và Đội trưởng Đội xung kích PCTT xã Trịnh Tường. Bộ câu hỏi phỏng vấn sâu đã xoáy sâu vào các lĩnh vực cần đánh giá như vai trò, trách nhiệm của Ban chỉ huy PCTT&TKCN và Đội xung kích, người dân địa phương trong quản lý RRTT DVCĐ, định hướng của Đảng và Nhà nước trong thực hiện quản lý RRTT DVCĐ, thực trạng triển khai công tác đánh giá RTT DVCĐ, lập kế hoạch PCTT cấp xã, những khó khăn, thách thức, rào cản trong quá trình triển khai.

2.3. Phương pháp khảo sát xã hội học

a. Phương pháp điều tra bằng bảng hỏi:

    Phiếu khảo sát bao gồm 20 câu hỏi được xây dựng dựa trên 6 bước quản lý RRTT DVCĐ. Phiếu hỏi được thiết kế nhằm thu thập thông tin về: Các thông tin chung: tuổi tác, nghề nghiệp, chức vụ công tác; Kiến thức chung về quản lý RRTT DVCĐ; Nhận thức về đánh giá RRTT DVCĐ, nhận thức về xây dựng, thực hiện kế hoạch phòng chống thiên tai cấp xã và giám sát, đánh giá kế hoạch có sự tham gia của cộng đồng.

b. Mẫu nghiên cứu:

    Nghiên cứu sử dụng phương pháp điều tra ngẫu nhiên phân tầng, áp dụng công thức Slovin để xác định tổng số quan sát mẫu nhằm đảm bảo tính đại diện của nghiên cứu. Theo Slovin (1984) , cỡ mẫu  được xác định theo công thức sau:

    Trong đó: n: Quy mô mẫu mong muốn; N: Quy mô tổng thể; e: Sai số cho phép. Ba tỷ lệ sai số thường sử dụng là: ± 0.01 (1%), ± 0.05 (5%), ± 0.1 (10%), Trong số này, mức sai số ± 0.05 (5%) được sử dụng rộng rãi nhất.

    Năm  2023, theo Quyết định của UBND xã Trịnh Tường về việc kiện toàn Ban chỉ huy PCTT&TKCN (UBND xã Trịnh Tường, 2023a) và Đội xung kích phòng chống thiên tai (UBND xã Trịnh Tường, 2023b), tổng số thành viên Ban chỉ huy PCTT&TKCN và Đội xung kích phòng chống thiên tai xã Trịnh Tường là 163 người. Ở biên sai số 5%, độ tin cậy 95%, áp dụng công thức trên, ta có số mẫu cần lấy cho nghiên cứu là 116 người. Hoạt động thu thập dữ liệu được tiến hành vào tháng 6/2023, thông qua phát phiếu khảo sát. Cụ thể: Ban chỉ huy PCTT và TKCN: 37 cán bộ; Đội xung kích PCTT xã Trịnh Tường là 79 cán bộ, trong đó chia đều mẫu điều tra về 16 tổ xung kích tại mỗi thôn là 79/16 thôn = 4 người/thôn.

2.4. Đối tượng nghiên cứu:

    Đối tượng nghiên cứu là 79 cán bộ của Ban chỉ huy PCTT&TKCN và Đội xung kích xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.

2.5. Thời gian nghiên cứu:

    Nghiên cứu được tiến hành từ tháng 5/2023-3/2024, với các số liệu nghiên cứu thu thập, phân tích trong khoảng thời gian từ 2010 đến 2023.

3. Kết quả nghiên cứu và thảo luận

3.1. Tổng quan về vấn đề nghiên cứu về quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng

    Theo nghiên cứu cho thấy, trên thế giới và tại Việt Nam đã có nhiều nghiên cứu liên quan tới quản lý RRTT DVCĐ. Các nghiên cứu đưa ra cơ sở lý thuyết và thực tiễn triển khai quản lý RRTT tại các địa bàn nghiên cứu tập trung vào đối tượng cộng đồng, người dân. Tuy nhiên, vẫn còn rất ít các nghiên cứu về đánh giá nhận thức, nhất là nhận thức của đội ngũ cán bộ làm công tác PCTT tại địa phương. Và cho đến nay, chưa có một công trình nghiên cứu xã hội học nào nghiên cứu về vấn đề này tại một xã miền núi của tỉnh Lào Cai thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai.

    Nhằm phân tích, luận giải và đánh giá mức độ nhận thức của cán bộ PCTT về quản lý RRTT DVCĐ, tác giả đã đi sâu vào phân tích các khái niệm cốt lõi liên quan như: thiên tai, rủi ro thiên tai, năng lực phòng chống thiên tai, tình trạng dễ bị tổn thương, quản lý RRTT DVCĐ, nhận thức và đánh giá. Trong nghiên cứu này, tác giả sử dụng các định nghĩa về quản lý RRTT DVCĐ, năng lực PCTT và tình trạng dễ bị tổn thương theo tài liệu “Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng dành cho cấp xã” được Bộ NN&PTNT ban hành Quyết định số 315/QĐ-TCTL-GNTT ngày 29/4/2014. Các khái niệm về thiên tai, rủi ro thiên tai được lấy theo Luật phòng chống thiên tai. Theo đó, “Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng là một quá trình trong đó người dân trong cộng đồng chủ động và tham gia tích cực vào việc xác định và phân tích các rủi ro thiên tai, lập kế hoạch, thực hiện, theo dõi và đánh giá các hoạt động nhằm mục đích giảm nhẹ tình trạng dễ bị tổn thương và tăng cường khả năng ứng phó, thích nghi của cộng đồng với tác động của thiên tai, đặc biệt trong bối cảnh BĐKH” (Bộ NN&PTNT, 2014). Quản lý RRTT DVCĐ gồm 6 bước, trong đó đánh giá RRTT DVCĐ là bước quan trọng nhất (Hình 1).

Hình 1. Các bước quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng

(Nguồn: Tài liệu Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng dành cho cấp xã, ban hành tại Quyết định số 315/QĐ-TCTL-GNTT ngày 29/4/2014)

    Dựa trên quy trình quản lý RRTT DVCĐ, tác giả đã xây dựng bộ câu hỏi khảo sát nhằm đánh giá nhận thức của Ban chỉ huy PCTT&TKCN và Đội xung kích cấp xã về các hoạt động: Đánh giá RRTT DVCĐ, xây dựng kế hoạch PCTT, thực hiện kế hoạch phòng chống thiên tai và giám sát, đánh giá kế hoạch có sự tham gia của cộng đồng

3.2. Nhận thức chung về quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng

    Kết quả khảo sát cho thấy, hơn 54% người tham gia nắm rõ khái niệm quản lý RRTT DVCĐ. Ngược lại, có một số bộ phận hiểu chưa đúng về bản chất của quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng. Theo khảo sát, 30,2% người tham gia cho rằng quản lý RRTT DVCĐ là trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc giảm nhẹ tính dễ bị tổn thương và nâng cao khả năng ứng phó, thích nghi của cộng đồng với thiên tai. Mặt khác, có 9,5 % số người được khảo sát khẳng định quản lý RRTT DVCĐ là quá trình giảm tình trạng dễ bị tổn thương và tăng cường năng lực của người dân để phòng ngừa, giảm nhẹ và ứng phó với thiên tai. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số thành viên đội xung kích không biết về bản chất của quản lý RRTT DVCĐ do chưa từng nghe nói về cụm từ này (6,0%).

    Bên cạnh đó, kết quả khảo sát cho thấy, sự khác biệt trong nhận thức của cán bộ Ban chỉ huy PCTT&TKCN và Đội xung kích PCTT cấp xã. Trong số người được khảo sát có nhận thức đúng về quản lý RRTT DVCĐ, có thể thấy tỷ lệ cán bộ trong Ban chỉ huy PCTT&TKCN xã chiếm tỷ lệ cao hơn thành viên đội xung kích PCTT cấp xã. Điều này phản ánh đúng thực tế của địa phương là thành viên Ban chỉ huy PCTT&TKCN cấp xã thường xuyên được tham  gia các lớp tập huấn về phòng chống thiên tai do Ban chỉ huy PCTT cấp tỉnh, huyện tổ chức.

    Kết quả khảo sát nhận thức về quy trình quản lý RRTT DVCĐ và bước nào là bước quan trọng nhất trong quy trình đó cho thấy, tỷ lệ người tham gia khảo sát trả lời chính xác có 6 bước quản lý RRTT DVCĐ đạt 43,1%. Tuy nhiên có tới 42,2 % số người được phỏng vấn trả lời rằng quản lý RRTT DVCĐ bao gồm 5 bước và có 14,7% số người được phỏng vấn cho rằng quản lý RRTT DVCĐ gồm 4 bước. Sự chênh lệch về số người lựa chọn 6 bước và 5 bước trong quy trình quản lý RRTT DVCĐ là không lớn. Nhiều cán bộ khảo sát cho rằng trong 6 bước quản lý RRTT DVCĐ thì bước 1 (Giới thiệu chung) và bước 2 (Chuẩn bị kế hoạch thực hiện Đề án) có nội dung thực hiện khá tương đồng, tại địa phương khi thực hiện sẽ xem xét gộp luôn nội dung của 2 bước này.

3.3. Nhận thức về đánh giá rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng

3.3.1. Về mục đích và các công việc cần làm để đánh giá RRTT DVCĐ

    Việc đánh giá rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đóng vai trò then chốt trong các bước quản lý RRTT DVCĐ. Theo kết quả khảo sát, 45% số người tham gia hiểu rõ bản chất của đánh giá RRTT DVCĐ là quá trình thu thập, tổng hợp và phân tích thông tin có sự tham gia của cộng đồng, bao gồm cả nhóm đối tượng dễ bị tổn thương về các loại hình thiên tai, tình trạng dễ bị tổn thương và năng lực PCTT tại địa phương nhằm xác định mức độ rủi ro của cộng đồng. Tuy nhiên, điều đáng chú là 95% người được khảo sát đều chưa từng tham gia hoạt động về đánh giá RRTT DVCĐ tại địa phương. Để tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này, tác giả đã tiến hành phỏng vấn sâu cán bộ Văn phòng thường trực BCH PCTT&TKCN tỉnh Lào Cai. Kết quả phỏng vấn sâu cho thấy, từ năm 2009 đến nay trên địa bàn xã chưa tổ chức hoạt động đánh giá RRTT DVCĐ. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều xã miền núi thuộc địa bàn tỉnh Lào Cai do thiếu hụt các nguồn lực để triển khai hoạt động, bao gồm kinh phí, cán bộ có chuyên môn, trang thiết bị, sự tham gia của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể địa phương, các tổ chức phi chính phủ và tình trạng BĐKH làm gia tăng tần suất và cường độ của các hiện tượng thiên tai, khiến cho việc đánh giá rủi ro thiên tai trở nên khó khăn hơn. Vì vậy, cán bộ xã chưa được tập huấn nội dung đánh giá RRTT DVCĐ và chưa biết sử dụng các công cụ đánh giá để thu thập, phân tích, tổng hợp các thông tin về thiên tai từ cộng đồng để đề xuất các giải pháp phù hợp, dẫn đến việc lập kế hoạch PCTT chưa hiệu quả.

3.3.2. Về các loại hình thiên tai, xu hướng và tác động của thiên tai tới địa phương

    Để tìm hiểu nhận thức của Ban chỉ huy PCTT&TKCN và Đội xung kích PCTT cấp xã về các loại hình thiên tai, xu hướng, tác giả đã sử dụng bảng hỏi liệt kê những loại hình thiên tai, tần xuất xuất hiện và thời gian xảy ra trong năm. Cán bộ được khảo sát chọn phương án trả lời. Dữ liệu thu thập được từ khảo sát sau đó được đối chiếu với thông tin về diễn biến thiên tai, BĐKH tại địa phương, báo cáo của UBND xã, và báo cáo của Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Lào Cai về tình hình thiệt hại và công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn trong hơn 10 năm qua. Việc đối chiếu này nhằm mục đích đánh giá và kiểm chứng tính chính xác của kết quả khảo sát. Dữ liệu thu thập qua khảo sát được trình bày trong biểu đồ Hình 2.

Hình 2. Ghi nhận về các loại hình thiên tai thường xảy ra tại địa phương trong vòng 10 năm qua

(Nguồn: Khảo sát của tác giả, 2023)

    Theo kết quả khảo sát về các loại hình thiên tai xảy ra tại địa phương trong vòng 10 năm qua, mưa lớn và lũ quét là thiên tai có nhiều người quan sát thấy nhất. Điều này cũng phù hợp với nhận định của các cơ quan chức năng về diễn biến thiên tai, thời tiết khí hậu và tình hình thiệt hại tại địa phương.

    Nghiên cứu sử dụng bảng hỏi liệt kê các loại thiệt hại tại địa phương phân theo 3 lĩnh vực là An toàn cộng đồng; Sản xuất, kinh doanh; Sức khỏe, vệ sinh môi trường. Biểu đồ dưới đây minh họa kết quả nghiên cứu (Hình 3).

Hình 3. Các loại thiệt hại do thiên tai gây ra tại địa phương

(Nguồn: Khảo sát của tác giả, 2023)

    Biểu đồ trên cho thấy, Ban chỉ huy PCTT&TKCN và Đội xung kích PCTT xã Trịnh Tường đã có những quan sát và nhận thức khá tốt về những thiệt hại do các loại hình thiên tai gây ra trên địa bàn. Để làm rõ hơn vấn đề này, tác giả cũng đối chiếu kết quả này với các số liệu khảo sát hiện trường và thông tin, dữ liệu thu thập được tại địa phương về một số loại hình thiên tai điển hình và thiệt hai do thiên tai thống kê được trong những năm gần đây trên địa bàn xã cũng cho kết quả tương đồng.

Bảng 1. Các loại hình rủi ro thiên tai tại địa phương

Loại thiên tai

Thời gian xảy ra trong năm

Tần suất lặp lại (hàng năm, nhiều năm)

Địa điểm và phạm vi xảy ra

Mưa lớn

Tháng 7, 8, 9

Hàng năm

Toàn xã, lượng mưa có xu hướng tăng ở khu vực địa hình cao

Lũ, lũ quét

Tháng 7, 8, 9

Chu kỳ 5-10 năm

Bản Trung, Tùng Chỉn 2, Nà Lặc.

Sạt lở đất

Tháng 7, 8, 9

Hàng năm

Tùng Chỉn 2, Tùng Chỉn 3, Sín Chải, Lao Chải, Tả Cổ Thàng, Dền Thàng.

Ngập úng

Tháng 7, 8, 9

Chu kỳ 5-10 năm

Tân Quang, Tân Tiến

Giông, lốc

Tháng 5, 6

Hàng năm

Toàn xã, trong đó các thôn ảnh hưởng nhiều: Lao Chải, Sín Chải, Tả Cổ Thàng, Phìn Ngan, Tùng Chỉn 2, Tùng Chỉn 3, San Hồ, Nà Lặc, Bản Lầu

Rét đậm, rét hại

Tháng 1, 2 và 12

Hàng năm

Toàn xã, các thôn Sín Chải, Tả Cồ Thàng, Lao Chải có khả năng xảy ra mưa tuyết

Sương muối

Tháng 1, 2

 

Sín Chải, Lao Chải, Tùng Chỉn 3

Hạn hán

Tháng 3, 4, 5

Chu kỳ 5 năm

Bản San

Nắng nóng

Tháng 5, 6, 7

Chu kỳ 3-5 năm

Phố Mới 1, Phố Mới 2, Tân Quang, Tân Tiến, Vĩ Lầu, Bản Lầu, Nà Lặc, Bản Mạc, Trung Tiến, Tùng Chỉn 2

 
Nguồn: Tổng hợp của tác giả, 2023

3.3.3. Về tình trạng dễ bị tổn thương

    Trong đánh giá RRTT DVCĐ, vai trò của cán bộ và người dân địa phương trong việc nhận diện và đánh giá tình trạng dễ bị tổn thương, điểm yếu tại nơi sinh sống đóng vai trò vô cùng quan trọng. Nhờ vậy, họ có thể hiểu rõ hơn những nguyên nhân cơ bản (trực tiếp, gián tiếp, chủ quan, khách quan, ...) và nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng dễ bị tổn thương; xác định các công trình hạ tầng xung yếu như đê điều, hồ đập, đường, trạm, trại, nơi trú ẩn; các khu vực dễ bị tổn thương như nhà tạm của khu dân cư, các công trình công cộng chưa được kiên cố; và các hoạt động dễ bị tổn thương như đánh bắt thủy hải sản thiếu trang thiết bị an toàn, vớt củi gỗ trên sông trong khi có lũ cao, người dân cố tình ở lại các chòi canh nuôi trồng thủy sản khi có bão,…

    Để đánh giá nhận thức của Ban chỉ huy PCTT&TKCN và Đội xung kích PCTT xã Trịnh Tường về tình trạng dễ bị tổn thương, tác giả đã tiến hành khảo sát kết hợp phỏng vấn sâu một số cán bộ xã để tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến các thiệt hại nêu trên về các lĩnh vực: An toàn cộng đồng; Sản xuất, kinh doanh và Sức khỏe, vệ sinh môi trường. Tương ứng với từng lĩnh vực, các nguyên nhân dẫn tới thiệt hại thiên tai trên địa bàn được xem xét toàn diện theo 3 khía cạnh: Vật chất, Tổ chức xã hội, Nhận thức kinh nghiệm, thái độ, động cơ. Kết quả thu được thể hiện ở Hình 4,5,6.

Hình 4. Nguyên nhân dẫn tới thiệt hại liên quan tới lĩnh vực an toàn cộng đồng trên địa bàn xã Trịnh Tường

Hình 5. Nguyên nhân dẫn tới thiệt hại liên quan tới lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trên địa bàn xã Trịnh Tường

Hình 6. Nguyên nhân dẫn tới thiệt hại liên quan tới lĩnh vực Sức khỏe, vệ sinh, môi trường trên địa bàn xã Trịnh Tường

(Nguồn: Khảo sát của tác giả, 2023)

    Qua biểu đồ cho thấy, các nguyên nhân dẫn tới thiệt hại do thiên tai gây ra được thành viên Ban chỉ huy và Đội xung kích xác định và chỉ ra một cách cụ thể. Việc cán bộ hiểu được tình trạng dễ bị tổn thương, nhận diện được các điểm yếu có ý nghĩa quan trọng đối với nhiều khía cạnh trong công tác PCTT của họ tại địa phương, giúp cán bộ nắm bắt được nguy cơ tiềm ẩn tại địa bàn, từ đó có biện pháp phòng ngừa kịp thời, hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra.

3.3.4. Về năng lực phòng chống thiên tai

    Năng lực phòng chống thiên tai hay còn gọi là điểm mạnh, là đặc tính sẵn có của cộng đồng (bao gồm con người, cơ sở vật chất và tài chính) có thể được huy động và sẵn sàng sử dụng khi cần thiết. Một cộng đồng có nhiều năng lực và càng ít yếu tố dễ bị tổn thương thì cộng đồng đó sẽ ít bị rủi ro thiên tai và ngược lại. Tác giả đã tiến hành thu thập, tổng hợp và phân tích thông tin về các nguồn lực (nhân lực, cơ sở vật chất, tài chính), giải pháp công trình và phi công trình tại địa bàn, đồng thời đánh giá kinh nghiệm và kỹ năng sẵn có của mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng trong việc ứng phó trước, trong và sau thiên tai. Nhờ đó, tác giả nhận thấy các thành viên Ban chỉ huy PCTT&TKCN và Đội xung kích có nhận thức tốt về các điểm mạnh và nguồn lực sẵn có trên địa bàn.

    Nhìn chung, Ban chỉ huy PCTT&TKCN và Đội xung kích PCTT xã Trịnh Tường nhận thức được tầm quan trọng của đánh giá RRTT DVCĐ trong công tác PCTT tại địa phương. Họ cơ bản nhận diện được điểm mạnh, điểm yếu và các rủi ro thiên tai trên địa bàn, đồng thời có sự phối hợp với các tổ chức cộng đồng trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên do thiếu kinh nghiệm thực tế trong việc triển khai đánh giá RRTT DVCĐ và thiếu nguồn lực để triển khai đánh giá hiệu quả nên việc tham gia của cộng đồng vào công tác phòng chống thiên tai, quản lý RRTT DVCĐ ở địa phương còn chưa cao.

3.4. Nhận thức về xây dựng và thực hiện Kế hoạch PCTT cấp xã, giám sát và đánh giá Kế hoạch phòng chống thiên tai có sự tham gia của cộng đồng

3.4.1. Về xây dựng và thực hiện Kế hoạch PCTT cấp xã

    Kết quả khảo sát cho thấy, có tới 87% số người được phỏng vấn chưa biết tới nội dung “Xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai trên cơ sở kết quả đánh giá rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng” được quy định tại văn bản nào. Nhiều người được hỏi cho rằng nội dung này được quy định tại hướng dẫn xây dựng kế hoạch PCTT các cấp địa phương hoặc Chiến lược quốc gia PCTT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 hoặc không biết câu trả lời.  Khi tiến hành khảo sát nhận thức của Ban chỉ huy PCTT&TKCN và Đội xung kích PCTT xã Trịnh Tường về trình tự xây dựng và nội dung của bản Kế hoạch Phòng chống thiên tai, đa số người được phỏng vấn trả lời đúng trình tự xây dựng Kế hoạch phòng chống thiên tai và nêu được những nội dung chính của bản kế hoạch PCTT cấp xã theo hướng dẫn tại Thông tư số 02/2021/TT-BNNPTNT ngày 7/6/2021 hướng dẫn xây dựng Kế hoạch PCTT các cấp ở địa phương của Bộ NN&PTNT. Tuy  nhiên, qua khảo sát thực tế và quan sát, trao đổi của tác giả với cán bộ được khảo sát tại địa phương, tác giả nhận thấy rằng một số thành viên đội xung kích PCTT cấp xã còn hiểu chưa đúng hoặc có sự nhầm lẫn giữa kế hoạch PCTT và phương án ứng phó thiên tai. Họ cho rằng hai văn bản này là một, hoặc nhầm lẫn nội dung của hai văn bản. Về cơ bản, các cán bộ tại địa phương đã nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai cấp xã. Việc này được thể hiện qua việc địa phương đã ban hành các văn bản chỉ đạo, thành lập Ban Chỉ huy PCTT&TKCN cấp xã, phê duyệt Kế hoạch PCTT và bố trí kinh phí cho hoạt động PCTT. Tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế nhất định khi một số cán bộ chưa được tập huấn đầy đủ kiến thức về phòng chống thiên tai, dẫn đến việc xây dựng kế hoạch PCTT chưa sát với thực tế, chưa huy động được sự tham gia của các tổ chức, người dân trên địa bàn và thiếu cập nhật các thông tin biến đối khí hậu và các nguy cơ thiên tai tiềm ẩn.

    Trên cơ sở bản kế hoạch PCTT tai được UBND xã phê duyệt, địa phương tiến hành tổ chức hội nghị để triển khai và thông báo nội dung kế hoạch đến người dân. Đồng thời, địa phương cũng kêu gọi người dân tích cực tham gia thực hiện các hoạt động phòng chống thiên tai theo đúng kế hoạch đã đề ra. Tuy nhiên trong quá trình triển khai, qua phỏng vấn sâu cán bộ Ban chỉ huy PCTT&TKCN xã cho biết việc huy động người dân tham gia địa phương cũng gặp một số khó khăn như thiếu hụt kinh phí cho công tác PCTT để mua sắm trang thiết bị, tập huấn, tuyên truyền; thiếu hụt cán bộ có trình độ, chuyên môn về PCTT ảnh hưởng đến hiệu quả tham mưu, chỉ đạo và điều hành công tác PCTT; Quy trình, thủ tục giải ngân kinh phí cho PCTT còn rườm rà, phức tạp; Một bộ phận người dân còn thiếu nhận thức về nguy cơ và tác hại của thiên tai, chưa chủ động tham gia vào các hoạt động PCTT; Biến đổi khí hậu khiến cho tình hình thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, gây nhiều khó khăn trong việc triển khai kế hoạch PCTT tại địa phương.

3.4.2. Về giám sát và đánh giá Kế hoạch phòng chống thiên tai có sự tham gia của cộng đồng

    Qua khảo sát cho thấy, thành viên Ban chỉ huy PCTT&TKCN và Đội xung kích PCTT xã Trịnh Tường nhận thức được tầm quan trọng của việc giám sát và đánh giá Kế hoạch phòng chống thiên tai có sự tham gia của cộng đồng. Kết quả khảo sát cho thấy 85% người tham gia đều đồng ý rằng việc giám sát và đánh giá kế hoạch phòng chống tệ thiên tai đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo thực hiện kế hoạch hiệu quả, đúng tiến độ và đạt được mục tiêu đề ra. Nhờ có hoạt động giám sát, đánh giá, các vấn đề phát sinh và vướng mắc trong quá trình thực hiện có thể được kịp thời điều chỉnh, góp phần rút ra bài học kinh nghiệm cho việc xây dựng kế hoạch PCTT trong các năm tiếp theo. Tuy nhiên thực tế tại địa phương hiện nay vẫn chưa có kế hoạch cụ thể cho việc giám sát, đánh giá kế hoạch PCTT. Do đó, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội và người dân địa phương chưa được chia sẻ thông tin, phối hợp thực hiện hoạt động này.

    Bên cạnh đó, qua phỏng vấn sâu cán bộ địa phương cũng cho thấy cán bộ xã chưa nhận thức được vai trò của cộng đồng trong việc giám sát cũng như cách thức để cộng đồng tham gia vào quá trình này

    Nhìn chung, kết quả khảo sát cho thấy Ban chỉ huy PCTT&TKCN và Đội xung kích cấp xã cơ bản nhận thức được tầm quan trọng của Kế hoạch PCTT trong công tác phòng chống thiên tai tại địa phương. Họ cũng hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc xây dựng Kế hoạch PCTT. Tuy nhiên một số hạn chế trong quá trình xây dựng, thực hiện kế hoạch và giám sát việc thực hiện kế hoạch PCTT còn tồn tại do thiếu kiến thức, thiếu kinh nghiệm, thiếu nguồn lực và thiếu sự tham gia của cộng đồng trong quá trình xây dựng, giám sát và đánh giá việc thực hiện kế hoạch.

4. Giải pháp nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về quản lý RRTT DVCĐ cho Ban chỉ huy, Đội xung kích PCTT địa phương

    Thứ nhất, xây dựng tài liệu hướng dẫn phục vụ đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng: Xem xét rà soát, điều chỉnh tài liệu hướng dẫn tổ chức thực hiện Đề án được ban hành năm 2011 và Tài liệu hướng dẫn quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng ban hành năm 2014, nhằm hoàn thiện khung đào tạo, tập huấn, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, năng lực PCTT, quy trình thực hiện quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, công cụ đánh giá rủi ro thiên tai, để phù hợp với thực tiễn và yêu cầu mới được quy định trong Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, đến năm 2030”.

    Thứ hai, tổ chức đào tạo, tập huấn, truyền thông: Tăng cường tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng cho đội ngũ giảng viên cấp trung ương và tập huấn viên cấp tỉnh để triển khai hiệu quả các hoạt động tập huấn tại địa phương. Theo đó, một số điểm quan trọng cần lưu ý cho đội ngũ giảng viên, tập huấn viên trong quá trình đào tạo, tập huấn bao gồm: Chú trọng giải thích các khái niệm cơ bản (Giảng viên, tập huấn viên cần đảm bảo học viên nắm vững các khái niệm nền tảng về quản lý RRTT DVCĐ, BĐKH); Sử dụng bài tập thực tế (Việc áp dụng các bài tập, ví dụ cụ thể sẽ giúp học viên dễ dàng tiếp thu kiến thức và rèn luyện kỹ năng nhận diện rủi ro thiên tai, tình trạng dễ bị tổn thương, năng lực phòng chống thiên tai); Làm rõ mối liên hệ chặt chẽ giữa nội dung hoạt động đánh giá RRTT DVCĐ với việc xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án và Kế hoạch PCTT. Nhờ đó, học viên có thể hiểu rõ tầm quan trọng của việc đánh giá RRTT DVCĐ trong việc xây dựng các kế hoạch phòng chống thiên tai hiệu quả.

    Bên cạnh đó cần tăng cường tập huấn, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng PCTT cho Ban chỉ huy PCTT cấp xã và Đội xung kích cấp xã. Nội dung tập huấn tập trung vào một số nội dung sau như: Khái niệm cơ bản về phòng chống thiên tai, quản lý RRTT DVCĐ, bình đẳng giới và hòa nhập đối tượng DBTT; Giới thiệu Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý RRTT DVCĐ, đến năm 2030” và hướng dẫn tổ chức, thực hiện Đề án; Hướng dẫn nội dung, các bước quản lý RRTT DVCĐ, đánh giá RRTT DVCĐ phù hợp với đặc điểm thiên tai, văn hóa, KTXH của địa phương; Hướng dẫn phương thức, kỹ năng tập huấn, tuyên truyền cho các đối tượng, đặc biệt đối tượng dễ bị tổn thương về nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý RRTT DVCĐ; Lồng ghép giới, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới và hoà nhập đối tượng dễ bị tổn thương trong PCTT, quản lý RRTT DVCĐ; Kiến thức về hành động sớm dựa trên cảnh báo sớm, các hành động sớm  cần triển khai thực hiện và lồng ghép hành động sớm vào công tác PCTT, quản lý RRTT DVCĐ; Quản lý RRTT DVCĐ trong xây dựng nông thôn mới an toàn trước thiên tai: Huy động nguồn lực xã hội và lồng ghép nội dung, hoạt động Đề án 553 vào tiêu chí 3.2 “Đảm bảo yêu cầu chủ động về phòng chống thiên tai theo phương châm 4 tại chỗ”; Giới thiệu mô hình xã, thôn điển hình về quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng gắn với nông thôn mới, phát triển sinh kế.

    Đồng thời, huy động nguồn lực, bố trí kinh phí tổ chức, tăng cường tập huấn, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng PCTT cho Ban chỉ huy PCTT cấp xã và Đội xung kích cấp xã; Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, giáo dục về quản lý RRTT DVCĐ như: Hội nghị, tập huấn; Loa truyền thanh; Phát tờ rơi, áp phích; Tăng cường phối hợp giữa Ban chỉ huy PCTT&TKCN, Đội xung kích PCTT xã với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể địa phương trong công tác quản lý RRTT cũng như với các tổ chức phi Chính phủ, cộng đồng trong việc triển khai các hoạt động quản lý RRTT.

5. Kết luận

    Thông qua nghiên cứu, hệ thống hóa cơ sở lý luận và thực tiễn về quản lý RRTT DVCĐ, nghiên cứu đã đánh giá thực trạng nhận thức hiện nay về quản lý RRTT DVCĐ của Ban chỉ huy PCTT&TKCN và Đội xung kích PCTT xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.

    Về đánh giá rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, kết quả nghiên cứu cho thấy, nhận thức của thành viên Ban Chỉ huy và Đội xung kích PCTT xã Trịnh Tường về đánh giá RRTT DVCĐ còn hạn chế, trong đó kiến thức về các loại hình thiên tai, đặc điểm, xu thế, tác hại của từng loại hình thiên tai còn chưa đầy đủ. Kỹ năng tổ chức, chỉ đạo, điều hành công tác PCTT&TKCN còn hạn chế, hiệu quả tuyên truyền, giáo dục về PCTT cho người dân chưa cao. Tuy nhiên, đã có một số chuyển biến tích cực trong thời gian qua. Về cơ bản, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN và Đội xung kích PCTT xã cũng đã  nhận diện được điểm mạnh, điểm yếu,  rủi ro thiên tai trên địa bàn và có sự phối hợp với các tổ chức cộng đồng trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên do thiếu kinh nghiệm thực tế trong việc triển khai đánh giá RRTT DVCĐ, thiếu tập huấn, bồi dưỡng về PCTT, quản lý RRTT DVCĐ và thiếu nguồn lực để triển khai đánh giá hiệu quả nên việc tham gia của cộng đồng vào công tác phòng chống thiên tai, quản lý RRTT DVCĐ ở địa phương còn chưa cao.

    Về xây dựng, thực hiện kế hoạch phòng chống thiên tai và giám sát, đánh giá kế hoạch có sự tham gia của cộng đồng: Nghiên cứu đã chỉ ra rằng về cơ bản các cán bộ tại địa phương đã nhận thức được tầm quan trọng của Kế hoạch PCTT trong công tác PCTT tại địa phương và hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc xây dựng Kế hoạch PCTT. Tuy nhiên quá trình xây dựng, thực hiện kế hoạch và giám sát việc thực hiện kế hoạch PCTT còn một số hạn chế do thiếu kiến thức, thiếu kinh nghiệm, thiếu nguồn lực và thiếu sự tham gia của cộng đồng trong quá trình xây dựng, giám sát, đánh giá việc thực hiện kế hoạch.

    Dựa trên đánh giá nhận thức về quản lý RRTT DVCĐ và các thành tố cốt lõi trong quy trình quản lý RRTT DVCĐ, nghiên cứu xác định mức độ hiểu biết, năng lực của cán bộ địa phương, những điểm mạnh, điểm yếu, những hạn chế trong nhận thức của cán bộ địa phương về phòng chống thiên tai, quản lý RRTT DVCĐ. Từ đó, nhóm nghiên cứu đề xuất giải pháp nâng cao nhận thức, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng phù hợp để giúp cán bộ địa phương thực hiện tốt hơn vai trò và trách nhiệm của mình trong công tác PCTT, quản lý RRTT DVCĐ, cụ thể như: (1) Xây dựng tài liệu hướng dẫn phục vụ đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng; (2) Tổ chức đào tạo, tập huấn, truyền thông.

    Tuy vậy, do hạn chế về mặt thời gian và kinh phí, tác giả vẫn chưa thể cụ thể hóa các giải pháp, đề xuất ở mức chi tiết hơn vì việc thực hiện mỗi giải pháp đều đòi hỏi nguồn lực về kỹ thuật, tài chính và thời gian. Như vậy, việc nghiên cứu sâu hơn, với các giải pháp đề xuất chi tiết sẽ là những nội dung cần được tiếp tục xem xét và thực hiện cho phù hợp với đặc điểm tự nhiên, kinh tế - xã hội của xã Trịnh Tường. Bên cạnh đó, một số hướng mở mới cho nghiên cứu như mở rộng quy mô nghiên cứu với mẫu đại diện hơn để tăng tính chính xác của kết quả cũng như kết hợp các phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng để có cái nhìn toàn diện hơn về vấn đề này. So sánh nhận thức giữa các nhóm đối tượng khác nhau và với các địa phương khác để rút ra kết luận có ý nghĩa thực tiễn. Hoàn thiện khung đánh giá nhận thức để bao hàm đầy đủ các khía cạnh quan trọng liên quan đến quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng. Khả năng đánh giá rủi ro thiên tai ở cấp độ địa phương. Năng lực ứng phó với thiên tai của Ban Chỉ huy và Đội xung kích. Mức độ phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong công tác phòng chống thiên tai.

Đỗ Thị Hồng Nhung1, Phạm Thị Tâm2

1Trung tâm Chính sách và Kỹ thuật phòng, chống thiên tai

2Tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số Chuyên đề tiếng Việt II/2024)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bloom, B. S., Englehart, M. D., Furst, E. J., Hill, W. H., & Krathwohl, D. R. (1956). Taxonomy of educational objectives, handbook I: the cognitive domain. New York: David McKay Co. In: Inc.

2. Bộ NN&PTNT. (2014). Tài liệu "Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng dành cho cấp xã" theo Quyết định số 315/QĐ-TCTL-GNTT ngày 29/4/2014.

3. Chính phủ. (2021). Nghị định 66/2021/NĐ-CP ngày 06 tháng 7 năm 2021 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.

4.  JICA. (2011). Thực tiễn thực hiện quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng (Dự án Nâng cao năng lực thích ứng với thiên tai tại miền Trung Việt Nam, Issue.

5. Slovin, M. B., & Sushka, M. E. (1984), A note on the evidence on alternative models of thebanking firm: A cross section study of commercial loan rates, Journal of Banking & Finance,8(1), 99-–108.

6. UBND xã Trịnh Tường. (2023a). Quyết định số 56/QĐ-UBND ngày 04  tháng 5 năm 2023 về việc kiện toàn Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xã Trịnh Tường.

7. UBND xã Trịnh Tường. (2023b). Quyết định số 58 /QĐ-UBND ngày 4/5/2023 của UBND xã Trịnh Tường về việc kiện toàn Đội xung kích phòng, chống thiên tai xã Trịnh Tường.

8. Worldbank. (2022). Báo cáo quốc gia về khí hậu và phát triển.

Ý kiến của bạn