Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp quản lý chất thải rắn nông nghiệp tại xã Vũ Quý, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình

19/10/2022

Tóm tắt

    Giống như nhiều xã, huyện khác trong tỉnh Thái Bình, xã Vũ Quý có diện tích đất sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong tổng diện tích đất tự nhiên. Các hoạt động sản xuất nông nghiệp góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội tại địa phương. Tuy nhiên, việc quản lý môi trường trong sản xuất nông nghiệp hiện nay chưa được quan tâm đúng mức; công tác quản lý, giám sát, cảnh báo, khắc phục ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp còn bị bỏ ngỏ, các chính sách BVMT trong sản xuất nông nghiệp chưa được triển khai kịp thời trong khi định hướng phát triển của xã trong 10 năm tiếp theo là phát triển nông nghiệp kết hợp công nghiệp. Vì vậy, việc nghiên cứu “Đánh giá hiện trạng và đề xuất các giải pháp quản lý chất thải rắn (CTR) nông nghiệp trên địa bàn xã Vũ Quý, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình” là việc làm cần thiết, vừa có ý nghĩa về mặt khoa học, vừa góp phần BVMT. Kết quả của nghiên cứu này cũng là bài học bổ ích cho các địa phương khác trên cả nước tham khảo trong quản lý CTR nông nghiệp.

Từ khoá: Vũ Quý, CTR nông nghiệp.

Nhận bài: 8/9/2022; Sửa chữa: 16/9/2022; Duyệt đăng: 20/9/2022.

1. Mở đầu

    Vũ Quý là xã đồng bằng thuộc hạ lưu sông Hồng nằm về phía Bắc huyện Kiến Xương, phía Nam tỉnh Thái Bình. Tổng diện tích tự nhiên của xã là 282 ha chiếm 1,42% tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh và có diện tích nhỏ nhất trong huyện. Nhìn chung, khí hậu của xã Vũ Quý thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, song sự phân hóa của thời tiết theo mùa với những hiện tượng của thời tiết như giông bão, vòi rồng, gió mùa Đông Bắc khô hanh đòi hỏi có các biện pháp phòng chống lụt, hạn hán [3].

    Xã Vũ Quý có số dân là 5.191 người, có 1.730 hộ. Dân cư phân chia làm 5 thôn gồm thôn 1 (687 người), thôn 2 (1.093 người), thôn 3 (1.012 người), thôn 4 (1.284 người), thôn 5 (1.105 người). Loại hình sản xuất, phát triển kinh tế tại xã chủ yếu là nông nghiệp, diện tích đất phục vụ nông nghiệp là 196,6 ha chiếm 69,7% tổng diện tích đất toàn xã; sau đó là công nghiệp có diện tích 24,5 ha chiếm 8,7%.

2. Phương pháp nghiên cứu

    Hệ số phát sinh phụ phẩm (CTR) được ước tính cho cây lúa, khoai lang và đậu tương và được tham khảo từ Báo cáo công tác BVMT ngành nông nghiệp năm 2019 do Viện Môi trường và Nông nghiệp thực hiện. Chất thải rắn phát sinh từ chăn nuôi được tính toán trên tổng lượng đầu con nhân với hệ số phát sinh CTR trung bình của đầu con/kg/ ngày [1].

    Ngoài phương pháp đánh giá dựa trên hệ số phát thải, nhóm nghiên cứu cũng sử dụng các phương pháp khác như phương pháp phân tích xử lý số liệu, phân tích SWOT, thu thập và kế thừa tài liệu, điều tra, khảo sát, phỏng vấn người dân, các cán bộ quản lý môi trường tại địa phương, qua đó tiếp nhận, khai thác thông tin cần thiết phục vụ đề tài nghiên cứu. Các kết quả từ các phiếu điều tra được xử lý bằng phần mềm Excel.

3. Kết quả và thảo luận

3.1. Hiện trạng sản xuất nông nghiệp tại xã Vũ Quý

3.1.1. Hiện trạng chăn nuôi

    Qua kết quả điều tra, khảo sát và theo báo cáo nông nghiệp tại xã Vũ Quý cho thấy lượng trâu, bò, lợn đều đang giảm qua các năm, trong khi đó lượng gia cầm lại tăng lên đáng kể, trong đó năm 2020, số lượng gia cầm là 12.028 con, lợn là 207 con [4,5,6].

3.1.2. Hiện trạng trồng trọt

    Theo kết quả điều tra, khảo sát và báo cáo nông nghiệp xã Vũ Quý cho thấy sản lượng lúa tăng dần qua các năm (năm 2019 tăng hơn 1,5 lần so với 2018 và năm 2020 là 1.398,7 tấn, tăng 1,7 lần so với 2018), tổng sản lượng khoai lang và đậu tương ổn định không có sự chênh lệch lớn. Sản lượng ngô do không được trồng nhiều chỉ có ở một vài hộ dân nên không được tổng hợp [4,5,6].

3.2. Hiện trạng phát sinh CTR nông nghiệp tại xã Vũ Quý

3.2.1. CTR trong chăn nuôi

    Kết quả điều tra cho thấy, tổng CTR từ trâu, bò năm 2019, 2020 không còn do lượng trâu nuôi lấy sức kéo được thay bằng máy móc. Bên cạnh đó, CTR từ bò, lợn giảm qua các năm do hai loại vật nuôi này tạo ra nhiều CTR hơn và do ảnh hưởng của dịch Covid nên tổng số con bò và lợn đã giảm. Ngược lại tổng lượng gia cầm năm 2020 tăng rõ rệt, khoảng 13% so với năm 2019; 43% so với năm 2018.

Hình 1: Tổng CTR do chăn nuôi xã Vũ Quý ba năm 2018, 2019, 2020

3.2.2. CTR trong trồng trọt

    Tổng lượng chất thải trồng trọt (một số loại cây chính) trong năm theo kết quả nghiên cứu trên địa bàn xã Vũ Quý được thể hiện trong Bảng 1.

    Kết quả tình toán cho thấy, phụ phẩm của đậu tương đã giảm dần qua các năm do đậu tương cho năng suất thấp nên diện tích trồng đậu tương năm 2020 có xu hướng giảm đi 50% so với 2019 và 21% so với năm 2018. Đối với khoai lang do năm 2019 nhiều hộ gia đình chuyển sang trồng khoai tây thay thế (giảm 22%) nhưng lượng khoai tây không tiêu thụ nhiều nên đến năm 2020 người dân quay lại trồng khoai lang. Đối với lúa có sự chênh lệch không đáng kể qua các năm, Bảng 1.

Bảng 1: Tổng lượng CTR trồng trọt tại xã Vũ Quý trong ba năm 2018, 2019, 2020 [4, 5, 6]

STT

Loại cây trồng

Phụ phẩm

Tổng CTR (tấn/năm)

2018

2019

2020

 

 

1

 

 

Lúa

Rơm rạ

1.671,4

1.811

1.781

Vỏ trấu

339,16

367,51

361,4

 

2

 

Khoai lang

 

Dây

65,92

51,47

55,08

 

3

 

Đậu tương

Thân lá

20,93

32,7

16,35

Vỏ

7,04

11

5,5

 

3.2.3. Hiện trạng sử dụng bao bì hóa chất BVTV

    Trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV) là không tránh khỏi, góp phần phòng trừ sinh vật gây hại và qua đó giữ ổn định năng suất cây trồng. Theo kết quả điều tra, khảo sát trong các năm 2018, 2019, 2020, lượng bao bì, vỏ chai hóa chất BVTV thải ra môi trường là không nhiều, khoảng 11,5 -14,2 kg, do địa phương vẫn đang sử dụng các loại phân chuồng, phân ủ và dần dần chuyển sang sử dụng nhiều phân hữu cơ. Tuy nhiên, đây là loại hình chất thải nguy hại nên cần có giải pháp quản lý phù hợp.

Bảng 2: Khối lượng bao bì thuốc BVTV tại địa phương [4, 5, 6]

Năm

Lượng bao bì hoá chất BVTV sử dụng (kg)

Năm 2018

14,2

Năm 2019

13,7

Năm 2020

11,5

 

3.3. Hiện trạng quản lý CTR nông nghiệp tại xã Vũ Quý

3.3.1. Hiện trạng quản lý CTR chăn nuôi

    Theo kết quả điều tra, phỏng vấn do đặc thù của chăn nuôi tại xã Vũ Quý là mô hình hộ gia đình nên đối với các gia đình có ao, vườn thì 20% người dân để CTR chảy ra vườn, ao gây ô nhiễm môi trường trong khi chỉ có 40% sử dụng để ủ phân và 40% còn lại làm hầm biogas.

3.3.2. Hiện trạng quản lý CTR trồng trọt

    Theo kết quả điều tra, phỏng vấn, đối với rơm rạ, hiện nay xã đang xử lý bằng các phương pháp khác nhau tùy vào mục đích như đốt phân tán theo các khu vực khác nhau (20%), ủ phân (50%) hoặc làm thức ăn cho gia súc (30%). Đây đều là các phương pháp đã được áp dụng nhiều năm tại địa phương. Đối với vỏ trấu, theo kết quả điều tra, người dân vẫn đang xử lý bằng phương pháp như dùng làm chất đốt (55%), sử dụng làm giá thể cho cây trồng (25%) hoặc vứt cùng rác thải (20%).

    Đối với dây khoai lang và thân, lá, vỏ của đậu tương hiện nay người dân chỉ dùng phương pháp duy nhất là ủ phân.

    ​Hiện trạng xử lý bao bì phân bón, hóa chất BVTV

    Với đặc thù là sản xuất nông nghiệp từ xưa đến nay người dân xã Vũ Quý vẫn sử dụng phương pháp đốt là chủ yếu chiếm đến 60% gây ô nhiễm không khí, chỉ có 10% là tiến hành thu gom cho vào bể chứa bao bì phân bón, hoá chất BVTV sau sử dụng để xử lý đúng cách, có tới 30% không xử lý mà vứt bừa bãi ra đường.

    Năm 2018, xã Vũ Quý đã cùng với nhà máy sản xuất bao bì (Công ty Dệt may bao manh pp Thanh Tân - xã Thanh Tân - huyện Kiến Xương - tỉnh Thái Bình) thực hiện thu gom bao bì hóa chất BVTV để đưa về nhà máy tái sản xuất. Song do lượng bao bì thu được không đủ nhiều và người dân không thực hiện thu gom, thay vào đó vẫn giữ thói quen vứt bừa bãi hoặc đốt nên phương pháp xử lý không được tiếp tục thực hiện.

4. Đề xuất giải pháp quản lý CTR nông nghiệp tại xã Vũ Quý

    Để quản lý CTR nông nghiệp tại xã Vũ Quý hiệu quả cần có các giải pháp như

4.1. Áp dụng giải pháp 3R cho chất thải nông nghiệp

    Địa phương cần áp dụng các giải pháp 3R cho chất thải nông nghiệp như giảm chất thải phát sinh. Đối với chất thải chăn nuôi, sử dụng ủ phân biogas và phần bã thải chăn nuôi còn lại được sử dụng cho cho cá. Tái sử dụng, tái chế phụ phẩm cây trồng làm nguyên liệu để sản xuất nấm; sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản xuất phân bón hoặc làm nguyên liệu cho các ngành sản xuất khác.

4.2. Giải pháp về nhân lực

    UBND xã cần bổ sung thêm 1 nhân lực chuyên trách về mảng môi trường đã được đào tạo bài bản về vấn đề BVMT nói chung và quản lý CTR nông nghiệp nói riêng do hiện nay cán bộ địa chính của xã vẫn kiêm môi trường và chưa có cán bộ chuyên trách về môi trường.

4.3. Giải pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức

    Có nhiều thói quen chưa tốt của người nông dân trong sản xuất nông nghiệp gây ảnh hưởng xấu tới môi trường như: xả chất thải chăn nuôi chưa được xử lý ra môi trường, vứt bao bì phân bón, hóa chất BVTV ngoài đồng ruộng, gia súc gia cầm chết thải ra kênh mương, ao hồ trong xây dựng và bố trí công trình vệ sinh, chuồng trại trong khuôn viên gia đình. Do vậy, UBND xã cần tổ chức các nội dung tuyên truyền đa dạng với phương thức tuyên truyền hiệu quả nhằm thu hút sự tham gia của nhiều người dân trong quản lý CTR nông nghiệp. Nội dung tuyên truyền tập trung vào vấn đề các loại hình chất thải nông nghiệp và các tác động của chúng đến môi trường, các biện pháp giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng chất thải nông nghiệp. Hình thức tuyên truyền là các khóa tập huấn chuyên sâu, các buổi nói chuyện hoặc thông qua các tờ rơi, pano, áp phích, hệ thống loa truyền thanh.

5. Kết luận

    Qua điều tra, nghiên cứu về thực trạng quản lý CTR nông nghiệp trên địa bàn xã Vũ Quý. Nhóm nghiên cứu đã rút ra được một số kết luận sau:

    Lượng CTR nông nghiệp trên địa bàn xã Vũ Quý trong ba năm 2018, 2019, 2020 bao gồm chất thải trồng trọt và chất thải chăn nuôi có xu hướng tăng theo thời gian.

    Kết quả nghiên cứu cho thấy, phương pháp xử lý CTR chăn nuôi phổ biến là làm hầm biogas 40%, ủ phân 40%, chảy ra ao, vườn 20%; phương pháp xử lý chất thải rơm rạ là 50% ủ phân, 30% làm thức ăn cho gia súc, 20% đốt phân tán; phương pháp xử lý vỏ trấu là 25% làm giá thể trồng nấm; 55% làm chất đốt, 25% vứt cùng rác thải và phương pháp xử lý bao bì là đốt 60%; thu gom 10%, vứt bừa bãi 40%.

    Mức độ quan tâm về công tác quản lý CTR tại xã Vũ Quý chưa đúng mức nên những năm gần đây tỷ lệ người dân quan tâm đến vấn đề môi trường nói chung và CTR nông nghiệp nói riêng đang tăng. Do đó, để công tác quản lý CTR nông nghiệp được tốt hơn thì cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho người dân nhiều hơn nữa, kêu gọi toàn dân tham gia.

    Trên cơ sở đó, nghiên cứu đã đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý CTR nông nghiệp tại xã Vũ Quý như sau: Áp dụng giải pháp 3R, chính sách, công nghệ, xây dựng quy chế quản lý CTR (cấp xã), giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng trong vấn đề quản lý CTR nông nghiệp. Bài học kinh nghiệm về thực trạng và quản lý CTR nông nghiệp của xã Vũ Quý cũng được tham khảo cho các địa phương khác trên cả nước.

Tài liệu tham khảo

1. Viện Môi trường Nông nghiệp (2020), “Báo cáo công tác BVMT ngành nông nghiệp năm 2019”, Hà Nội.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2011), “Báo cáo môi trường Quốc gia 2011 - CTR”, Hà Nội.

3. Phạm Nguyên Đức (2016), “Nghiên cứu các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý CTR tại khu công nghiệp Phúc Khánh - TP. Thái Bình - tỉnh Thái Bình”, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Hà Nội.

4. UBND xã Vũ Quý, “Báo cáo nông nghiệp của xã Vũ Quý - huyện Kiến Xương - tỉnh Thái Bình năm 2018”, Thái Bình

5. UBND xã Vũ Quý, “Báo cáo nông nghiệp của xã Vũ Quý - huyện Kiến Xương - tỉnh Thái Bình năm 2019”, Thái Bình.

6. UBND xã Vũ Quý (2020), “Báo cáo nông nghiệp xã Vũ Quý - huyện Kiến Xương - tỉnh Thái Bình năm 2020”, Thái Bình.

7. Sở NN&PTNT Thái Bình (2020), “Báo cáo nông nghiệp tỉnh Thái Bình tháng 5 năm 2020”,.

Đào Văn Hiền, Đỗ Lan Chi

Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội 

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tiếng việt III/2022)

 

ASSESSMENT OF THE CURRENT STATUS AND PROPOSES SOLUTIONS FOR AGRICULTURAL SOLID WASTE MANAGEMENT IN THE AREA OF VU QUY COMMUNE, KIEN XUONG DISTRICT, THAI BINH PROVINCE

Dao Van Hien, Do Lan Chi

University of Science, Vietnam National University, Hanoi

Summary

    Like many other communes and districts in Thai Binh province, Vu Quy commune has agricultural land which accounts for a large proportion of the total natural land area. Agricultural production activities make an important contribution to local socio-economic development. However, the current environmental management in agricultural production has not been given suitable attention; the management, monitoring, warning and remedy of environmental pollution in agricultural production are still limited, the environmental protection policies in agricultural production are not implemented in a timely manner while the development orientation of the commune in the next 10 years is to develop agriculture in combination with industry. Therefore, the study "Assessment of the current status and proposes solutions for agricultural solid waste management in the area of Vu Quy commune, Kien Xuong district, Thai Binh province" is a necessary and effective work and of scientific and practical significance. The results of this study are also useful lessons for other localities across the country to study.

Keywords: Vu Quy, agricultural solid waste.

Ý kiến của bạn