Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Những ảnh hưởng từ lối sống dân cư toàn lưu vực tới sự lành mạnh của dòng sông Đồng Nai

28/09/2017

     Tóm tắt:

     Hiện trạng khai thác lưu vực sông (LVS) Đồng Nai đang đặt ra nhiều vấn đề rất cấp bách. Những tác động của con người vào lưu lượng, chất lượng nước, những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sinh thái của dòng sông…, là những vấn đề lớn cần bàn đến. Nghiên cứu lối sống và đời sống của dân cư toàn LVS Đồng Nai là một hướng cơ bản.Sản xuất và sinh hoạt của dân cư ở thượng nguồn còn ở trình độ thấp, nhiều Nhà máy thủy điện đã cản trở dòng chảy; ở hạ nguồn thì bị ô nhiễm từ xả thải của các khu công nghiệp, làng nghề. Giải pháp khắc phục: Cần tăng cường vai trò và trách nhiệm của Ủy ban sông Đồng Nai; phối hợp bảo vệ, tái tạo và phát triển môi trường tự nhiên giữa các tỉnh; xây dựng lối sống lành mạnh, tiến bộ trong dân cư toàn lưu vực.

     Từ khóa: Lưu vực, thượng nguồn, Sông Đồng Nai, Lối sống, dân cư.

     1. Đặt vấn đề

     Sông Đồng Nai là con sông nằm trọn trong nội địa dài nhất Việt Nam, lớn thứ nhì Nam bộ về lưu vực, chỉ sau sông Cửu Long. Dòng sông là nguồn cung cấp nước ngọt chủ yếu cho đời sống cư dân của 9 tỉnh Nam Tây nguyên và ĐôngNam bộ, với khoảng 17 triệu người, trong đó có vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, một vùng kinh tế năng động và có quy mô lớn nhất cả nước hiện nay. Vì vậy, dòng sông Đồng Nai có vai trò vô cùng quan trọng trong sự tồn tại và phát triển của cả vùng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhất là sau thời kỳ phát triển mạnh các khu công nghiệp ở phía hạ nguồn, sông Đồng Nai đang phải gánh chịu nhiều tác động rất xấu bởi các hoạt động sống của con người. Mức độ ô nhiễm, suy thái nguồn nước, sự biến đổi dòng chảy… của dòng sông Đồng Nai là rất nguy cấp và cần được xem xét dưới nhiều góc độ khác nhau để đánh giá đúng hiện trạng, sớm tìm ra những giải pháp nhằm cứu vãn tình thế, cứu cả dòng sông. Sẽ có nhiều cách tiếp cận để xem xét về thực trạng, nguyên nhân suy thoái dòng sông Đồng Nai. Song, để trả lại sự tự nhiên, trong lành và bền vững của con sông, để dòng sông sẽ mãi là “mạch nguồn” của sự sống xanh và phát triển bền vững cho khu vực, chúng tôi cho rằng rất cần tiếp cận vấn đề từ lối sống của chính dân cư LVS Đồng Nai.

     2. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu

     - Phương pháp: Tiếp cận từ góc độ triết học môi trường; thông qua những quan sát và điều tra thực tế lối sống của dân cư trên LVS Đồng Nai để kiến giải vấn đề.

     - Đối tượng: Bài viết bàn về “lối sống dân cư thuộc lưu vực và giải pháp đảm bảo sự lành mạnh của sông Đồng Nai”.

     3. Kết quả nghiên cứu

     3.1. Vài nét về lối sống dân cư, về sông Đồng Nai và vai trò của nó trong toàn vùng Nam Tây Nguyên và Đông Nam bộ

     a.Về khái niệm lối sống và vận dụng để kiến giải vấn đề trong bài viết

     + Khái niệm lối sống. Chúng tôi dựa theo định nghĩa của tác giả Phạm Hồng Tung về phạm trù lối sống: “Lối sống của con người là các chiều cạnh chủ quan của văn hóa, là quá trình hiện thực hóa các giá trị văn hóa thông qua hoạt động sống của con người. Lối sống bao gồm tất cả những hoạt động sống và phương thức tiến hành các hoạt động sống được một bộ phận lớn hoặc toàn thể nhóm hay cộng đồng người chấp nhận và thực hành trong một khỏang thời gian tương đối ổn định, đặt trong mối tương tác biện chứng của các điều kiện sống hiện hữu và trong các mối liên hệ lịch sử của chúng”1.

     + Vận dụng vào xem xét lối sống của dân cư LVS Đồng Nai. Như trong định nghĩa trên, để khái quát về lối sống của con người thì cần chú trọng nghiên cứu lối sống của các nhóm, các cộng đồng người và của toàn xã hội. Chỉ những hoạt động sống và phương thức tiến hành các hoạt động sống nào lặp đi lặp lại, có tầm ảnh hưởng mạnh và độ phổ biến cao trong đa số cá thể của một nhóm, một cộng đồng người hay trong toàn xã hội thì mới được coi là lối sống và các biểu hiện của lối sống. Theo đó, sẽ xem xét lối sống của dân cư LVS Đồng Nai trên các mặt: Tập quán sản xuất, tiêu dùng...

     b. Đặc điểm về địa chất, thuỷ văn sông Đồng Nai và vai trò của nó

     + Đặc điểm về địa chất, thuỷ văn

     Sông Đồng Nai chảy qua các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông, Bình Thuận, Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh với chiều dài 586 km và có lưu vực rộng chừng 38.600 km². Khởi nguồn của sông Đồng Nai bắt đầu từ cao nguyên Lâm Viên, nên ở đây sông được gọi là Đa Dâng. Khi hợp lưu với sông Bé thì có đập chắn ngang tạo nên hồ nước nhân tạo lớn nhất miền Nam - hồ Trị An, là nơi sông La Ngà từ triền núi phía nam cao nguyên Di Linh dồn nước về,cung cấp nước cho Nhà máy thủy điện Trị An. Có thể coi đây là lưu vực thượng nguồn, với hàng trăm con suối dẫn nước từ các cánh rừng, các dãy núi đổ vào làm nên dòng chính của sông Đồng Nai. Chiều dài đoạn sông thượng nguồn này vào khoảng 400 km. Phần hạ nguồn, tính từ sau hồ Trị An trở ra biển. Sông chảy qua TP. Biên Hòa, đến Nhà Bè thì có thêm chi lưu là sông Sài Gòn. Nhánh rẽ theo sông Sài Gòn lên phía Tây Ninh có tên là Gia Định, còn nhánh theo dòng sông lên Biên Hòa gọi là Đồng Nai. Nhánh chính sông Đồng Nai ở khúc hạ lưu thường được gọi là sông Nhà Bè. Sông Đồng Nai hòa với nước của sông Vàm Cỏ, từ Long An đổ về, trước khi chảy ra biển Đông. 

     + Vai trò của sông Đồng Nai trong toàn vùng Nam Tây Nguyên và Đông Nam bộ

     Dòng sông Đồng Nai không chỉ đóng vai trò cung cấp nước ngọt, nguồn lợi thủy sản cho đời sống gần 20 triệu cư dân toàn lưu vực, nó còn như một “huyết mạch” trọng yếu trong giao thông, tiêu thoát lũ, thau chua, rửa mặn, bồi đắp phù xa cho những cánh đồng rộng lớn trong toàn lưu vực. Sông Đồng Nai còn góp phần cân bằng khí hậu, hệ sinh thái cho toàn lưu vực, trong đó có Đông Nam bộ-vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, năng động nhất cả nước hiện nay. Chính nó đã góp phần làm nên tính đặc thù của những tiểu vùng văn hóa thuộc lưu vực trong suốt chiều dài lịch sử. Dòng sông Đồng Nai cũng sẽ góp phần quan trọng làm nên những nét riêng trong sự phát triển bền vững của toàn vùng Nam Tây Nguyên và Đông Nam bộ trong thời gian tới.

     3.2. Hiện trạng quản lý, khai thác dòng chảy và ảnh hưởng của lối sống dân cư thuộc lưu vực tới môi trường sinh thái của sông Đồng Nai

     a.Các tác động từ phía quản lý, khai thác dòng chảy thuộc LVS

     + Thượng nguồn đang dần suy kiệt. Lưu vực thượng nguồn sông Đồng Nai bao gồm toàn bộ tỉnh Lâm Đồng, với diện tích 9897 km2, với một phần của tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk và 2 huyện của tỉnh Đồng Nai. Hiện nay, ở thượng nguồn, sông Đồng Nai không còn là dòng sông nguyên thủy nữa, mà đã bị chặt khúc thành nhiều hồ nước, những đoạn sông “chết” bởi các bậc thang thủy điện khá dày trên dòng chính lẫn các chi lưu.Việc xây dựng quá nhiều công trình thủy điện như Đa Nhim, Hàm Thuận-Đa Mi, Đại Ninh, Đồng Nai 2, 3, 4, 5… trên cùng một LVS sẽ làm mất đi dòng chảy tự nhiên, ảnh hưởng đến hệ động - thực vật lưu vực thượng và hạ lưu. Các thủy điện cùng với việc khai thác cát bừa bãi đã gây xói lở, rửa trôi, sạt lở đất, thay đổi chế độ thủy văn, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước… Mặt khác, gần như toàn bộ lượng phù sa đều tích tụ lại lòng hồ, làm giảm độ màu mỡ vùng hạ du. Một số công trình thủy điện chuyển nước sang lưu vực khác, hoặc công trình có kênh dẫn đã làm mất cân bằng lượng nước phía sau đập và vùng hạ du, tác động xấu tới môi trường, gây ra nhiều đoạn sông “chết”.

     + Hạ nguồn ô nhiễm, suy thoái môi trường tự nhiên: Từ năm 2010 các nhà khoa học đã cảnh báo:“ Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ có 74 KCN-KCX đi vào hoạt động. Nếu như tất cả các khu công nghiệp này được lấp đầy diện tích thì mỗi ngày hệ thống sông Đồng Nai sẽ phải tiếp nhận khoảng 1,54 triệu m3 nước thải công nghiệp, trong đó có khoảng 278 tấn cặn lơ lửng, 231 tấn BOD5, 493 tấn COD, 89 tấn nitơ tổng, 12 tấn Phospho và nhiều kim loại nặng cùng với các tác nhân ô nhiễm độc hại khác. Đồng thời, mỗi ngày còn có khoảng 1,73 triệu m3 nước thải sinh hoạt, trong đó có khoảng 702 tấn cặn lơ lửng, 421 tấn BOD5, 756 tấn COD, 59 tấn nitơ tổng, 15 tấn Phospho tổng, 243 tấn dầu mỡ phi khoáng và nhiều vi trùng gây bệnh khác cũng sẽ được xả thẳng ra hệ thống sông Đồng Nai”2.Thực tế hiện nay, số KCN đã lên tới hơn 110; có rất nhiều chỉ số ô nhiễm môi trường đã vượt khá xa so với những cảnh báo nói trên và ngày càng xuất hiện thêm những dấu hiệu suy thoái mới.Trong phiên họp sáng 6/11/2015 tại TP. Biên Hòa, Đồng Nai, Ủy ban BVMT lưu vực hệ thống sông Đồng Nai cho biết: “Đổ vào con sông này có khoảng 4.500 điểm xả thải từ hơn 10.174 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, 400 làng nghề, cùng các loại hình sản xuất nông nghiệp có phát thải độc hại. Bình quân một ngày lưu vực sông tiếp nhận trên 480.000 m3 nước thải từ các khu công nghiệp và các cơ sở sản xuất công nghiệp phân tán trên lưu vực. Dọc LVS tồn tại hơn 220 bệnh viện nhưng nhiều nơi không có hệ thống xử lý nước thải tập trung; cùng với hàng ngàn cơ sở chăn nuôi dọc LVS, mỗi ngày xả ra khoảng 150.000 m3 nước thải, gần 1 triệu m3 nước thải sinh hoạt”.3.

     b. Hiện trạng lối sống của cư dân thuộc LVS tác động tới dòng sông và những hậu quả xấu từ những hoạt động sản xuất, sinh hoạt gây ra cho dòng sông

     + Lối sống của dân cư ở khu vực thượng nguồn LVS Đồng Nai.Lưu vực thượng nguồn sông Đồng Nai có địa hình cao nguyên, nhiều núi cao, với các cánh rừng già che phủ lâu đời. Vì thế, trước năm 1975 cư dân bản địa chủ yếu là các dân tộc thiểu số, như: K’ho, Mạ, Churu, M’Nông, Châu Ro…, với một số lượng chỉ khoảng hơn 100.000 người. Sau ngày thống nhất đất nước năm 1975, cùng với chính sách di dân, phát triển vùng kinh tế mới, hàng triệu người kinh thuộc các vùng khác trong cả nước đã đến đây khai hoang, lập nghiệp, tạo ra nhiều làng xã phủ khắp các phần đất thuận lợi, màu mỡ thuộc lưu vực sông. Đồng thời, đồng bào một số dân tộc thiểu số như người Tày, Dao và nhất là H’Mông từ các tỉnh miền núi phía Bắc di cư tới lập làng sinh sống. Từ khoảng 25 năm trở lại đây đã hình thành một “làn sóng” di cư tự do ồ ạt tới Tây Nguyên nói chung, vùng lưu vực thượng nguồn sông Đồng Nai nói riêng. Sau 40 năm, dân số toàn lưu vực thượng nguồn sông Đồng Nai ước tính đã vào khoảng gần 2 triệu người. Dân cư đã lấn sâu vào các vùng núi cao, các cánh rừng già vốn rất hiểm trở, trước kia hầu như chưa có người khai phá. Nhiều khu dân cư mọc lên, nhiều con đường được mở ra đồng nghĩa với việc nhiều con suối, sông bị lấp, chặn; nhiều cánh rừng bị mất, làm mất đi những nguồn cung cấp nước thường xuyên cho dòng sông chính Đồng Nai.

     Trên địa bàn các tỉnh Đăk Nông, Lâm Đồng, trong những năm qua, sự phát triển kinh tế đã tạo ra nhiều sức ép đối với môi trường nước ở thượng nguồn lưu vực hệ thống sông Đồng Nai. Đặc biệt là các hoạt động khai thác khoáng sản, phát triển đô thị, du lịch, công nghiệp, nông nghiệp... gây ra suy kiệt rừng, ô nhiễm cục bộ tại nhiều nơi. Theo các điều tra, khảo sát, nhiều doanh nghiệp sản xuất có phát sinh nước thải ra sông Đồng Nai chủ yếu thuộc địa bàn TP Bảo Lộc, huyện Bảo Lâm (khai thác Bô-xuýt, các nhà máy dệt, nhuộm, phân bón); huyện Đức Trọng, Lâm Hà (chế biến cà phê); huyện Đạ Tẻh và Cát Tiên (khai thác cát, sỏi) đang âm thầm “giết” sông Đồng Nai từng ngày. Trong vòng 60 năm lại đây, diện tích rừng ở Lâm Đồng đã mất tới gần 40%, thay vào đó là những vùng chuyên canh cây cà phê, trà, dâu tằm, rau, là những cây trồng có chiều cao không quá 4 m, cùng với khoảng 90.000 ha đất trống, đồi núi trọc, thực chất đã là một diện tích tiền sa mạc hóa. Tất cả những việc đó đã dẫn tới tốc độ rửa trôi diễn ra rất nhanh. Nước trôi nhanh gây thiếu hụt nước về mùa khô, ảnh hưởng tới đời sống của nhiều triệu dân ở TP.Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Dương.

     Bên cạnh việc rửa trôi làm cạn kiệt và nhiễm bẩn nguồn nước, phải kể đến sự ô nhiễm do dư lượng thuốc trừ sâu, vốn được sử dụng với số lượng rất lớn và khá tuỳ tiện của các vùng chuyên canh rau tại TP.Đà Lạt, các huyện Đức Trọng, Đơn Dương và các huyện trồng cây công nghiệp khác trong thượng nguồn lưu vực. Do canh tác theo lối cổ truyền trên đất gần với các thảm thực vật của rừng nên khả năng nhiễm sâu bệnh ở rau, hoa, cà phê là rất lớn. Cho đến nay, biện pháp ngăn chặn chủ yếu vẫn chỉ là phun thuốc hóa học trừ sâu. Ngoài ra, để cho cây trồng, vật nuôi tăng trưởng nhanh, mau thu lợi, người dân còn dùng các loại thuốc kích thích có nguồn gốc hoá học gây độc hại cho người. Tất cả dư lượng của chúng được các cơn mưa rửa trôi và dồn về các hồ chứa là nơi cung cấp nước ăn và tưới tiêu cho cây trồng. Theo Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng cho biết hằng năm địa phương này sử dụng hơn 500.000 tấn phân bón vô cơ, 3.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật... Toàn bộ dư lượng các hóa chất này đều đổ vào các hồ chứa, sông suối, theo dòng chảy sẽ đổ ra sông Đồng Nai.

     + Hoạt động sống của dân cư lưu vực hạ nguồn gây ra ô nhiễm cho dòng sông: Hoạt động sống của cư dân hạ nguồn rất sôi động, các ngành sản xuất diễn ra với quy mô lớn, nhiều nơi còn mang tính tự phát rất cao. Nhiều doanh nghiệp không xây dựng hệ thống xử lý chất thải hoặc đã có hệ thống xử lý chất thải nhưng không vận hành, vận hành không thường xuyên để đối phó với cơ quan chức năng khi kiểm tra.Hoặc dùng thủ đoạn xây dựng hệ thống xả thải bí mật ngoài thiết kế đã được phê duyệt, thẩm định để xả nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn ra sông, kênh, rạch.Sự phát triển của các làng nghề cũng đặt môi trường trong tình trạng báo động.Theo thống kê của các tỉnh/TP phía hạ lưu hiện có hơn 400 làng nghề gồm nhiều lĩnh vực như sản xuất dệt nhuộm, thuộc da, tái chế giấy, phế liệu, chế biến củ mì, cao su;trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô lớn,…Đa phần các làng nghề nằm xen kẽ với khu dân cư, ít vốn, quy  mô sản xuất nhỏ nên chưa xây dựng hệ thống xử lý chất thải, nước thải. Nước thải từ hoạt động của các làng nghề và các trại chăn nuôi, cùng với lượng lớn nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý đã được xả trực tiếp ra các dòng suối, sông phụ lưu, rồi đổ vào sông Đồng Nai hàng ngày gây ô nhiễm rất nghiêm trọng. Từ đầu 2013 đến giữa năm 2015, lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường trên 11 tỉnh/TP thuộc LVS Đồng Nai đã phát hiện 2.116 vụ vi phạm và xử phạt hơn 100 tỉ đồng, khởi tố 15 vụ. Đây mới chỉ là một phần nhỏ trong tổng số các vụ vi phạm thường xuyên.

     c. Nguyên nhân của những tác độngtiêu cực của dân cư thuộc lưu vực dẫn tới sự suy thoái sông Đồng Nai hiện nay

     Từ góc độ chủ quan- dân cư, có hai nhóm nguyên nhân chủ yếu:

     Thứ nhất, từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Sản xuất của người dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số, còn ở trình độ rất thấp, còn mang nặng tính tự phát và chạy theo phong trào, chủ yếu trong sản xuất nông nghiệp. Các cách làm đó, cùng với việc đào đãi vàng, thiếc, bô xuýt theo kiểu thủ công, công nghệ thấp đã phá vỡ sự liên kết tự nhiên trên bề mặt của đất, dẫn tới việc rửa trôi rất mạnh, làm sói mòn lớp đất mặt, gây bồi lắng nghiêm trọng các sông suối đầu nguồn.

     Thứ hai, từ các tập quán sinh hoạt, cách thoả mãn các nhu cầu sống của dân cư lưu vực thượng nguồn sông Đồng Nai. Trước hết, phải kể đến những tập quán lạc hậu trong sinh hoạt, sản xuất và ý thức pháp luật kém của người dân cũng gây hại đáng kể cho môi trường. Tập quán chăn thả tự nhiên với các đàn gia súc dễ gây ra dịch bệnh và ô nhiễm sinh hoá cho nguồn nước các sông suối. Tập quán đốt rừng làm rẫy, cùng với nhu cầu dùng củi và than củi. Tiếp theo phải kể đến là con số hơn 50% dân số và lao động mới chuyển đến từ các tỉnh đồng bằng, chưa kịp có được những kinh nghiệm cần thiết... Họ không có được những kinh nghiệm và sự tôn trọng cần thiết với rừng. Do vậy, họ đã tàn phá rừng, đất rừng một cách rất tàn nhẫn.Đây là những nhân tố cơ bản làm gia tăng những tác động xấu tới sinh thái lưu vực đầu nguồng sông Đồng Nai.

     3.3. Các nhóm giải pháp xây dựng lối sống lành mạnh cho dân cư, góp phần bảo vệ, khai thác hợp lý, đảm bảo sự lành mạnh chosông Đồng Nai

     a. Nhóm giải pháp về quản lý Nhà nước đảm bảo phát triển hài hòa, an toàn và bền vững toàn LVS Đồng Nai

     Cần tăng cường vai trò và trách nhiệm của Ủy ban sông Đồng Nai trong việc giải quyết các vấn đề môi trường liên vùng, liên tỉnh; thực thitốt vai trò giám sát của Ủy ban đối với các dự án tác động đến môi trường, như các dự án nạo vét khai thông luồng lạch... Trong đó, nhiệm vụ thống kê, xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn thải và đề xuất kế hoạch quản lý, xử lý sẽ là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2017-2020.Cần tiếp tục hoàn thiện và thực thi nghiêm túc hệ thống pháp luật trong quản lý toàn diện lưu vực sông Đồng Nai hướng tới phát triển bền vững toàn lưu vực. Đồng thời, các tỉnh, thành phố trong lưu vực nên lồng ghép các mục tiêu, nội dung của Đề án sông Đồng Nai vào Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW và một số chương trình mục tiêu quốc gia có liên quan.

     b. Nhóm giải pháp phối hợp bảo vệ, tái tạo và phát triển môi trường tự nhiên giữa các tỉnh trong toàn LVS Đồng Nai

     Ô nhiễm môi trường trên LVS Đồng Nai chỉ có thể được giải quyết khi có sự phối hợp hữu cơ giữa các tỉnh thuộc lưu vực.Các địa phương cần thống nhất xây dựng một kế hoạch theo dõi, quan trắc và cơ chế chia sẻ thông tin về các nguồn thải để phục vụ kịp thời và có hiệu quả cho công tác quản lý nhà nước về môi trường; đẩy nhanh tiến độ giải quyết các điểm nóng ô nhiễm môi trường nước liên tỉnh ở hạ nguồn.Giải pháp có tính căn cơ, bền vững nhất chính là cần tập trung giữ vững và từng bước gia tăng diện tích rừng đặc dụng phòng hộ đầu nguồn ở lưu vực thượng nguồn dòng Đồng Nai. Cần tiếp tục triển khai tốt Quyết định số: 380/QĐ-TTg, ngày 10 /4/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc đóng góp, chi trả tái tạo môi trường rừng. Các tỉnh thuộc lưu vực hạ nguồn cần thực hiện thu, đóng góp đủ, phối hợp với các tỉnh lưu vực thượng nguồn đảm bảo việc giữ và gia tăng diện tích che phủ rừng. Các tỉnh thuộc lưu vực thượng nguồn cần coi việc gia tăng diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn là ưu tiên số một trong phát triển kinh tế - xã hội.

     c. Nhóm giải pháp phát huy vai trò của Khoa học xã hội-nhân văn (KHXH-NV) trong xây dựng lối sống lành mạnh, tiến bộ trong dân cư toàn lưu vực sông Đồng Nai:

     Theo chúng tôi, những hướng mà KHXH-NV cần tập trung chủ yếu gồm:

     Một là, các nhà KHXH-NV cần tập trung tìm đúng những nguyên nhân dẫn đến sự thiếu lành mạnh, gây nguy hại trong sự tác động của dân cư tới dòng sông Đồng Nai thời gian qua. Tăng cường sự liên kết chặt chẽ giữa KHXH-NV với khoa học tự nhiên-công nghệ và các nhà quản lý để phát huy vai trò của bản thân KHXH-NV khi hoạch định chính sách phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương, cả vùng ở từng giai đoạn, thời kỳ trong việc khai thác, tác động vào dòng sông Đồng Naiphục vụ dân sinh và sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa. Tập trung nghiên cứu, làm rõ các nội dung, điều kiện và cách thức thực thi lối sống lành mạnh trong dân cư như là phương thức để phát triển bền vững trong hoàn cảnh nước ta hiện nay nói chung, toàn LVS Đồng Nai nói riêng.

     Hai là, các nhà KHXH-NV cần đề xuất được những giải pháp khoa học tác động vào dân cư trong toàn lưu vực sông Đồng Nai, theo hướng: Tăng cường sự can dự của các nhà KHXH-NV vào quá trình quy hoạch, vận hành các loại hình sản xuất, hợp tác đầu tư…, theo vị trí đặc thù của từng địa phương. Các nhà KHXH-NV cần được tham gia ngay từ khâu lập các dự án đầu tư tại các khu công nghiệp để nêu ra các yêu cầu về phát triển lành mạnh, phát hiện và ngăn chặn những biểu hiện chạy theo lợi nhuận thuần tuý kinh tế, cố tình vi phạm các quy chuẩn về an toàn ở mọi khía cạnh của nhà đầu tư. Họ cũng sẽ tư vấn cho nhà quản lý, cho những người lao động về giá trị, nội dung của sự lành mạnh; khơi dậy ý thức tự giác và quyết tâm vươn tới sự lành mạnh hoá trong đời sống, sản xuất ở những cộng đồng doanh nghiệp và dân cư.

     Ba là, tăng cường giáo dục để nâng cao nhận thức về bảo vệ an toàn dòng sông, định hướng cho các nhu cầu lành mạnh, nhất là với dân cư lưu vực thượng nguồn. Phải làm cho họ biết yêu rừng, bảo vệ và phát triển rừng như với chính cuộc sống của mình. Giáo dục đạo đức cho người sản xuất; đề cao quyền tự vệ của người tiêu dùng, ý thức trách nhiệm với tương lai của mình và cộng đồng để chống lại việc gây ô nhiễm, độc hại. Cần có niềm tin, sự trung thành với các quy trình, quy phạm chuẩn mực trong sản xuất, không phá vỡ các cam kết an toàn, dẫn đến làm nguy hại đến môi trường.

     4. Kết luận

     Việc bảo vệ an toàn, lành mạnh cho sông Đồng Nai là hết sức quan trọng và cấp bách. Tiếp cận vấn đề từ góc độ lối sống dân cư thuộc lưu vực sông sẽcho ta thấy rõ cơ sở khoa học của vấn đề đặt ra. Bởi lẽ, lối sống lành mạnh của dân cư, được thực hành bởi dân cư, là tiền đề cho phát triển bền vững. Chính lối sống của dân cư làm xuất hiện thường xuyên sự thiếu lành mạnh, cần được nghiên cứu và điều chỉnh.Với sông Đồng Nai, có nhiều giải pháp để bảo vệ sự trong lành, song giải pháp có tính bền vững nhất hiện nay chính là cần tập trung xây dựng lối sống lành mạnh trong dân cư lưu vực, giữ vững và từng bước gia tăng diện tích rừng phòng hộ ở lưu vực thượng nguồn. Đây là việc rất khó tìm tiếng nói chung, nhất là với cư dân các tỉnh lưu vực thượng nguồn. Song, để phát triển bền vững toàn vùng nhất thiết phải làm và càng làm sớm sẽ càng giảm bớt được những hậu quả, cả trước mắt và lâu dài.

     TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Phạm Hồng Tung. Nghiên cứu về lối sống: Một số vấn đề về khái niệm và cách tiếp cận.Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Khoa học Xã hội và Nhân văn 23 (2007) 271-278.

2. Trang thông tin điện tử Chính phủ. Khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (13:17 27/4/2008); Cảnh báo về thảm họa môi trường tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (08:10 04/04/2007);

3. Ủy ban sông Đồng Nai. Biên bản các cuộc họp lần thứ 7 và thứ 9 (2014-2015);

4. Địa chí địa phương do UBND các tỉnh: Lâm Đồng, Đắk Nông, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước xuất bản.

5. Thủ tướng CP, Quyết định chính sách thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng. Số: 380/QĐ-TTg; ngày 10/4/2008 và Quyết định số 1788/QĐ-TTg ngày 1/10/2013;

 

The impacts of the population’s living style throughout the basin to the healthy of Dong Nai river

PGS. TS. Bùi Trung Hưng

Dong Nai Technology University

     Abstract

     In fact, exploiting watershed of Dong Nai River is giving an emergency problem. The big problems we should discuss are effects of people at watershed area, water quality, the negative effects on the river’s environment. Study of the way to live and the life of residents in Dong Nai river watershed area is a basic method.  Upstream residents’ production and daily life is limited, many factory has been hindered line-stream and downstream has been polluted by industrial zones as well as handcraft village.Solutions: Enhance the role and respond of Dong Nai manage committee; corporate to protect, regenerate and develop natural environment among provinces; building progressive and good lives for residents at watershed area.

     Key words: river watershed area, upstream, Dong Nai river, lives, residents

 

PGS. TS. Bùi Trung Hưng

Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai

(Tạp chí Môi trường số chuyên đề II năm 2017)

 

Ý kiến của bạn