Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Nghiên cứu chế tạo màng mỏng TiO2 ở nhiệt độ thấp nhằm nâng cao hiệu suất cho pin nhiên liệu DMFC

06/07/2017

     Tóm tắt:

     Chế tạo màng điện giải polymer trong pin nhiên liệu methanol trực tiếp (DMFC) bằng cách phủ lên màng Nafion 117 một lớp nano titanium dioxide TiO2 pha anatas. Vật liệu nano TiO­2 được tạo ra từ những điều kiện tối ưu bằng phương pháp sol - gel ở nhiệt độ thấp 60°C. Phương pháp phủ quay được sử dụng để phủ nano TiO2 lên màng Nafion 117. Trên cơ sở phân tích nhiễu xạ tia X, kính hiển vi điện tử truyền qua (TEM) cho kết quả nano TiO2 có đường kính hạt 8 - 15nm. Các phép đo độ thấm methanol và độ dẫn proton trên màng cho kết quả khi hàm lượng TiO2 tăng thì độ thấm methanol giảm từ 5 - 32%, đồng thời độ dẫn proton cũng giảm.

     Từ khóa: DMFC (Direct Methanol Fuel Cell), sol-gel, TiO2 anatase, Nafion.

LOW-TEMPERATURE SYNTHESIS OF NANO TIO2 ANATASE THIN FILM FOR ENHANCING THE EFFICIENCY OF DMFC FUEL BATTERY

Võ Công Toàn

Can Tho University

Nguyễn Mạnh Tuấn

Institute of Applied Materials Science, Vietnam Academy of Science and Technology

Graduate University of Science and Technology, Vietnam Academy of Science and Technology

Dương Thị Hà Trang

University of Science, Ho Chi Minh City

     Abstract

   Low-temperature synthesis of anatase nanocrystalline titanium dioxide TiO2 using sol-gel technique on Nafion membrane for DMFC electrolyte is investigated and characterized. The best precursor to solvent weight ratio titan tetraisopropoxide (TTIP) for sol-gel technique is used for the synthesis of nano-TiO2 particles at low temperature of 60°C. The spin-coating method was used for preparing of nano TiO2 thin film on Nafion 117. The X-ray diffractograms and TEM images show the formation of anatase structure of nanocrystalline TiO2 with average particle size 8 - 15nm. Methanol permeability and proton conductivity measurements on the membrane resulted in an increase in TiO2 content, the methanol permeability decreased from 5 to 32%, and the proton conductivity also decreased critically.

     KeywordsDMFC (Direct Methanol Fuel Cell), sol-gel, TiO2 anatase, Nafion.

     1. Giới thiệu

     Pin nhiên liệu là thiết bị cung cấp năng lượng đầy triễn vọng và được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực thực tế đời sống. Pin nhiên liệu là nguồn nhiên liệu sạch, có hiệu quả kinh tế, không gây tiếng ồn và không làm hại môi trường. Việc thay thế, nạp thêm nguyên liệu để duy trì hoạt động cũng dễ dàng và thuận lợi. Đặc biệt, pin nhiên liệu dùng methanol trực tiếp (Direct methanol fuel cell - DMFC) là nguồn năng lượng có tiềm năng để sử dụng cho các thiết bị di động như laptop, điện thoại, máy chụp ảnh..., vì nó có trong lượng thấp và hoạt động đơn giản. Tuy nhiên để DMFC được thương mại hóa thì vẫn cần nhiều nổ lực nghiên cứu và phát triễn.

     Trong DMFC thành phần chính là màng trao đổi proton. Hiện nay màng Nafion của hãng Dupont được xem là màng thương mại tốt nhất cho DMFC. Tuy nhiên, do đặc trưng cấu trúc của màng Nafion, một nhược điểm cần khắc phục là làm giảm lượng methanol lỏng thấm qua màng trong quá trình hoạt động của pin. Lượng methanol thấm qua màng sẽ kéo theo electron di chuyển theo, đồng thời ở cực âm lượng methanol thấm qua sẽ bị oxy hóa thành carbon dioxide làm tăng nhiệt độ, gây tổn thất điện áp, làm giảm hiệu suất làm việc chung của pin DMFC.

     Để khắc phục vần đề, các nhà nghiên cứu tập trung vào việc tạo ra màng trao đổi proton bằng vật liệu mới hoặc làm biến tính màng Nafion bằng các vật liệu vô cơ, hữu cơ. Trong nghiên cứu này, để hạn chế lượng thấm của methanol qua màng chúng tôi sử dụng nano TiO2 phủ lên màng Nafion 117 bằng phương pháp phủ quay. Hạt sol nano TiO2 pha anatase được tổng hợp bằng phương pháp sol - gel ở nhiệt độ thấp 60°C. Dựa vào các phép đo độ thấm methanol, độ dẫn proton để đánh giá kết quả đạt được. [1, 6]

     2. Thực nghiệm

     2.1. Quy trình tạo sol TiO2

     Hóa chất bao gồm titanium-tetraisoproposide (TIIP) 98%, dung dịch ethanol 99,7%, dung dịch HCl 37%, nước và PEG 600 (polyethylene glycol với trọng lượng phân tử trung bình là 600). Đầu tiên cho TIIP (2,5ml) vào hỗn hợp gồm 10ml ethanol và 0,25ml HCl, khuấy từ (khuấy bằng cá từ) trong 30 phút ở nhiệt độ phòng. Tiếp theo cho 10ml nước vào hỗn hợp trên và khuấy từ tiếp trong 1,5 giờ, sau đó được nung 80°C trong 30 phút. Hỗn hợp trên được cho thêm 0,2ml PEG 600 và khuấy từ 10 phút ở 80°C để thu được sol nano TiO2 pha tạp PEG.

     Trong quy trình trên HCl đóng vai trò là chất xúc tác, ethanol là dung môi, PEG 600 đóng vai trò là chất hoạt động bề mặt để ổn định dung dịch sol. [3, 7]

     2.2. Tạo màng nano TiO2 trên Nafion 117

     Màng Nafion 117 trước khi sử dụng được xử lý nhằm loại bỏ tạp chất trên bề mặt, làm tăng độ bám dính của lớp phủ TiO2. Hóa chất xử lý màng gồm dung dịch H2O2 3%, nước cất, dung dịch H2SO4 0,5M.

     Hạt nano TiO2 được phủ lên màng Nafion 117 bằng phương pháp phủ quay. Độ dày màng phủ được điều chỉnh bằng cách  thay đổi tốc độ quay rotor hoặc tăng số lần phủ. Màng sau khi phủ xong được xử lý nhiệt bằng máy sấy chân không ở nhiệt độ thấp 60°C trong 12 giờ. Quá trình xử lý nhiệt rất quan trọng nhằm loại bỏ hết dung môi, đồng thời hình thành màng có cấu trúc đồng nhất và tăng cường hình thành pha anatase.

     2.3. Đo độ thấm methanol qua màng

     Để đo độ thấm methanol qua màng, chúng tôi thiết kế và chế tạo hệ pin nhiên liệu hai ngăn như Hình 1.

 

Hình 1: Hệ pin nhiên liệu hai ngăn.

 

     Hai ngăn A và B có thể tích 20ml được cho lần lượt methanol và nước. Nồng độ methanol dược thay đổi lần lượt là 1M, 2,5M và 5M. Nồng độ methanol trong ngăn B sẽ tăng tuyến tính theo thời gian do lượng methanol thấm từ ngăn A qua màng Nafion 117. Sau 20 phút, dùng ống bơm hút 500µl từ ngăn B để đo nồng độ methanol. Các mẫu này được đo bằng máy phân tích sắc ký khí (Aligent Technologies 6890N) để xác định nồng độ methanol.

     Độ thấm methanol qua màng được xác định bằng công thức:

 

            

 (2.1)

     Trong đó CB là nồng độ methanol trong ngăn B, VB là thể tích ngăn nhận B, P là độ thấm methanol qua màng, d là độ dày của màng Nafion, CA là nồng độ methanol trong ngăn A, S là diện tích của màng và k là độ dốc của đồ thị hàm số CB(t) theo thời gian t. [3, 4, 5]

     2.4. Đo độ dẫn proton của màng

     Độ dẫn proton của màng thực hiện bằng phép đo phổ tổng trở trên máy Autolab PGSTAT30 với phạm vi tần số 10kHz - 10mHz và điện áp xoay chiều dao động từ 50 - 500mV.

Công thức xác định độ dẫn proton:

 

(2.2) 

     Trong đó s là độ dẫn proton của màng (S.cm-1), d là độ dày màng (cm), S là diện tích màng (cm2). [4, 5]

     3. Kết quả và thảo luận

     3.1. Phân tích nhiễu xạ tia X và kính hiển vi điện tử truyền qua TEM

     Các mẫu sol tạo ra bằng cách thay đổi số mol HCl tham gia phản ứng để độ pH trong dung dịch là 1 và 2. Từ 2 mẫu sol TiO2 tạo ra tiến hành phủ quay trên đế thủy tinh sau đó đem sấy chân không 60°C trong 12 giờ thì mẫu sol có pH = 2 có độ bám dính kém và bề mặt có nhiều vết nứt. Do đó, chúng tôi chỉ quan tâm đến mẫu sol TiO2 có pH = 1 để tiến hành các thí nghiệm.

 

Hình 2: Phổ nhiễu xạ tia X mẫu sol TiO2.

 

     Từ kết quả nhiễu tạ tia X (hình 2), chúng tôi nhận thấy các hạt nano TiO2 sau khi sấy chân không ở 60°C trong 12 giờ sẽ xảy ra sự tinh thể hóa, có cấu trúc dạng anatase và kích thước hạt trung bình khoảng 9 - 15nm. Góc nhiễu xạ 2q = 25,8° là góc đặc trưng cho pha anatase của TiO2.

    Hình 3 và 4 cho thấy, kích thước các hạt nano được tạo ra ở pH thấp có đường kính trung bình tương đối nhỏ (8 – 15nm), các hạt phân bố khá đồng đều. Kích thước hạt tập trung nhiều từ 10 - 11nm chiếm khoảng 35%.

 

Hình 3: Ảnh TEM mẫu sol TiO2 có pH = 1

 

Hình 4: Sự phân bố các hạt nano TiO2 theo kích thước với pH = 1.

 

     Từ các kết quả trên chúng tôi nhận thấy vật liệu nano TiO2 được tổng hợp trong những điều kiện như trên có kích thước hạt phù hợp, có độ đồng đều khá tốt với phân bố kích thước hạt được thấy như ở Hình 4, hầu như không kết đám phù hợp để phủ lên đế màng Nafion 117 trong pin nhiên liệu. Các kết quả khảo sát XRD cũng cho thấy, màng mỏng chứa các hạt nano TiO2 tạo ra tồn tại ở dạng pha anatase phù hợp với yêu cầu.

     3.2. Xác định đặc trưng bề mặt màng Nafion 117

     Khảo sát đặc trưng bề mặt bằng kính hiển vi điện tử quét (SEM)

 

 

Hình 5: Ảnh SEM của màng Nafion 117.

 

Hình 6: Ảnh SEM của màng Nafion 117 sau khi được phủ nano TiO2.

 

     Từ các Hình 5 và 6 ta thấy, màng Nafion 117 khi chưa được phủ có bề mặt ghồ ghề, nhiều rãnh hở, dễ dàng cho methanol thấm qua. Khi màng được phủ lớp mỏng nano TiO2  thì bề mặt mịn hơn, không còn rãnh hở, hứa hẹn làm lượng methanol thấm qua sẽ ít hơn. Từ đó có thể nâng cao hiệu suất của pin nhiên liệu DMFC.

    3.3. Kết quả khảo sát độ thấm methanol qua màng và độ dẫn proton của màng

    Bằng cách khảo sát độ thấm methanol qua màng Nafion 117, màng nano TiO2/Nafion 117 phủ 1 lớp (dày khoảng 190nm) và phủ 2 lớp (dày khoảng 380nm) với nồng độ methanol cung cấp ở ngăn A lần lượt là 1M, 2,5M và 5M. Kết quả nồng độ methanol trong ngăn nhận CB theo thời gian t được biểu diễn trên hình 7.

 

Hình 7: Đồ thị biểu diễn sự phụ thuộc của nồng độ methanol trong ngăn B theo thời gian.

 

     Từ các đồ thị tuyến tính ở Hình 7 chúng tôi lần lượt suy ra độ dốc k của từng đồ thị, kết hợp với công thức (2.1) có thể tính toán được độ thấm methanol qua màng.

 

Bảng 1 : Kết quả tổng hợp đo độ thấm methanol qua màng điện giải Nafion

Loại màng

Độ thấm methanol

[10-6 cm2.s-1]

CA = 1M

CA = 2.5M

CA = 5M

Nafion 117

2.24

2.48

2.67

nano TiO2/Nafion

1 lớp

1.84

2.36

2.50

nano TiO2/Nafion

2 lớp

1.52

2.11

2.22

 

 

     Màng Nafion 117 khi được phủ nano TiO2 thì độ thấm qua của methanol giảm một lượng khá lớn từ 18 - 32% tại nồng độ 1M, từ 5 - 15% tại nồng độ 2.5M và từ 6 - 17% tại nồng  độ 5M như trình bày ở Bảng 1. Các kết quả này hoàn toàn phù hợp với mục tiêu của bài báo và có ý nghĩa thực tiễn cho việc sử dụng làm giàm thấm nhiên liệu methanol cho pin nhiên liệu. Như vậy, màng khi được biến tính với TiO2 thì ngăn cản lượng methanol thấm tốt nhất với nồng độ methanol thấp 1M. Nếu nồng độ methanol càng cao (2.5M và 5M) thì lượng methanol thấm qua màng hầu như không giảm nhiều. Nồng độ methanol trong ngăn A cao (2.5M và 5M) thì độ thấm methanol qua màng cũng sẽ cao so với nồng độ thấp (1M). Các kết quả này được khảo sát và đánh giá phù hợp với nhu cầu thực tiễn.

 

Hình 8: Độ thấm methanol qua màng phụ thuộc vào nồng độ methanol CM.

 

Hình 9: Đồ thị so sánh độ thấm methanol theo số lớp phủ của TiO2.

 

     Lượng methanol thấm qua màng thay đổi theo số lớp phủ của TiO2, tức phụ thuộc vào hàm lượng TiO2 (Hình 9). Do các hạt TiO2 có kích thước nano đã phủ lên các vết nứt trên màng Nafion 117. Tuy nhiên không phải phủ lượng TiO2 càng nhiều thì độ thấm sẽ càng giảm nhiều mà còn phụ thuộc vào các khiếm khuyết trên màng Nafion đã được lấp kín hết chưa.

     Kết quả độ dẫn proton của màng được trình bày ở hình 10 và hình 11. Độ dẫn proton màng giảm khi phủ lượng TiO2 tăng lên, điều này cho thấy sự di chuyển của proton gặp khó khăn khi đi qua lớp TiO2 mặc dù vật liệu TiO2 trong trường hợp này được biết là có cấu trúc tinh thể anatas theo khảo sát XRD từ hình 2 [7]. Chúng tôi nhận thấy khi lượng TiO­2 phủ tăng thì độ dẫn proton cũng giảm rất nhanh khoảng 2 lần. Như vậy, lượng TiO2 phủ khoảng 1 lớp độ dày ít hơn 190nm là đạt hiệu quả cao nhất. Độ dẫn proton giảm lại là kết quả không mong muốn cho nội dung nghiên cứu. Tuy nhiên việc kết hợp với giảm thấm sẽ cho kết quả cuối cùng của nội dung nghiên cứu.

 

Hình 10: Đồ thị sự phụ thuộc của độ dẫn proton vào số lớp phủ.

 

                                                                

Hình 11: Tỉ số f giữa độ dẫn proton và độ thấm methanol qua màng.

 

     Tham số f được đưa ra để đánh giá hiệu suất của màng. Tham số f chứa 2 hệ số vật lý: một là độ khuếch tán proton và methanol, hai là mật độ proton và nồng độ methanol. Hình 11 cho thấy màng Nafion khi phủ TiO2 đạt thông số hoạt động tốt nhất khi phủ 1 lớp khoảng 190nm và nồng độ methanol khoảng 1M.

     4. Kết luận

     Màng mỏng với hạt nano TiO2 được tạo ra bởi phương pháp sol - gel ở nhiệt độ thấp 60°C. Phần lớn chúng ở dạng pha anatase. Độ thấm methanol qua màng giảm khi lượng TiO2 phủ tăng nhưng độ dẫn proton cũng giảm theo. Để nâng cao hiệu suất cho DMFC khi phủ màng Nafion bằng nano TiO2 thì bề dày màng phủ khoảng 190nm và nồng độ methanol đạt từ 1 - 2,5M.

     5. Lời cảm ơn:

     Nhóm tác giả chân thành cảm ơn sự hỗ trợ của Chương trình đề tài nghiên cứu khoa học của Sở KH&CN TP. Hồ Chí Minh và Chương trình nghiên cứu cấp cơ sở của Viện Khoa học Vật liệu ứng dụng.

     Tài liệu tham khảo

     A. K. Sahu,  S. Pitchumani,  P. Sridhar and  A. K. Shukla (2009), Nafion and modified-Nafion membranes for polymer electrolyte fuel cells: An overview, Bull.  Mater.  Sci, Vol.  32,  No.  3,  pp.  285–294.

     Antonino Salvatore Aricò, Vincenzo Baglio, and Vincenzo Antonucci (2009), Direct Methanol Fuel Cells: History, Status and Perspectives, ISBN: 978-3-527–32377-7.

     B. S. Shirke, P. V. Korake, P. P. Hankare, S. R. Bamane, K. M. Garadkar (2011), Synthesis and characterization of pure anatase TiO2 nanoparticles, J.Mater Sci: Mater Electron 22, pp 821 - 824.

    Jisu Choi, Il Tae Kim, and Sung Chul Kim, Young Taik Hong (2005), Nafion-Sulfonated Poly(arylene ether sulfone) Composite Membrane for Direct Methanol Fuel Cell, Macromolecular Research, Vol. 13, No. 6, pp 514 - 520.

    M.H.D. Othman, A.F. Ismail, A. Mustafa (2007), Physico-Chemical Study of Sulfonated Poly(Ether Ether Ketone) Membranes for Direct Methanol Fuel Cell Application, Malaysian Polymer Journal (MPJ), Vol 2, No 1, p 10 - 28.

     Vladimir Neburchilov, Jonathan Martin, Haijiang Wang, Jiujun Zhang (2007), A review of polymer electrolyte membranes for direct methanol fuel cells, Journal of Power Sources 169, 221–238.

      Zhaolin Liu, Bing Guo, Junchao Huang, Liang Hong, Minghan, Leong Mingan (2006), Nano - TiO2 coated polymer electrolyte membrane for direct methanol fuel cells, Journal of power sources 157, 207 - 211.

 

Võ Công Toàn 1

Đại học Cần Thơ

Nguyễn Mạnh Tuấn 2,3

Viện Khoa học Vật liệu ứng dụng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Học Viện Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Dương Thị Hà Trang 4

Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM

(Tạp chí Môi trường số chuyên đề I năm 2017)

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn