Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Nghiên cứu, đề xuất cơ chế giải quyết tranh chấp môi trường ngoài tòa án ở Việt Nam

03/07/2015

   Over the past years, many environmental complaints and disputes have arisen, for example Vedan, Miwon, TungKwang, Sanadezi, Nicotex and Thanh Thai. Resolving these environmental conflicts seems too much administration oriented, leading to long complaints, public outrages and difficulties for enterprises. In other countries, due to complex procedures including those involved in collecting damage evidence, negotiations and mediations have been applied instead of making a case to courts. These are referred to as Alternative Dispute Resolution (ADR) or non-court resolution.
This paper presents results of an Asia Foundation sponsored study in 2013 by ISPONRE and proposes ADR in Vietnam

   Trong thời gian qua, ở Việt Nam đã phát sinh nhiều vụ khiếu nại, tranh chấp về môi trường, điển hình như các vụ Vê-đan, Mi-won, Tung Kuang, Sonadezi, Nicotex Thanh Thái… Tuy nhiên, việc giải quyết, xử lý các tranh chấp môi trường (TCMT) còn mang nặng tính hành chính, dẫn đến trình trạng khiếu nại kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân và khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
   Trong khuôn khổ nghiên cứu của Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT (ISPONRE) thực hiện năm 2013 với sự hỗ trợ của Quỹ châu Á, bài viết đề xuất cơ chế giải quyết TCMT ngoài Tòa án ở Việt Nam. Trên thế giới, do những bất cập về thủ tục xử lý như thu thập chứng cứ chứng minh thiệt hại nên nhiều nước đã sử dụng phương thức thương lượng, hòa giải để xử lý các TCMT thay cho giải quyết bằng Tòa án. Các hình thức xử lý này thường được gọi là “giải quyết tranh chấp lựa chọn” (ADR) hay là giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án.

   Một số kinh nghiệm quốc tế về giải quyết TCMT ngoài Tòa án

   Trên thế giới, phương thức giải quyết TCMT ngoài tòa án có thể triển khai thông qua các hình thức: Thương lượng (có luật sư hay không có luật sư); Hòa giải; Trung gian (trợ giúp định hướng tố tụng); Trọng tài hoặc tham vấn Tòa án.

   Cơ chế giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án thường tồn tại dưới 2 dạng: Thông qua một cơ quan độc lập (ví dụ, trung tâm giải quyết tranh chấp hay các tổ chức luật sư); Thông qua hội nghị tiền xét xử với sự tham gia của Hội đồng thẩm phán và Tòa án, với mục đích là thu hẹp vấn đề trong tranh chấp giữa các bên và tìm kiếm khả năng giải quyết vấn đề trong giai đoạn tiền xét xử.

   Tại một số quốc gia, việc thương lượng, hòa giải các TCMT thường được thực hiện bởi 2 loại hình cơ quan/tổ chức: Cơ quan chức năng do Chính phủ thành lập và cơ quan/tổ chức tư vấn độc lập.

   Đối với cơ quan chức năng giải quyết TCMT được Chính phủ thành lập, thường độc lập về mặt hành chính với cơ quan chính quyền các cấp. Ví dụ, ở Mỹ, đối với những vụ tranh chấp lớn, Ủy ban giải quyết TCMT sẽ chủ trì giải quyết. Tại Hàn Quốc, Ủy ban giải quyết TCMT được lập ở 2 cấp quốc gia và địa phương. Trong đó, Ủy ban cấp quốc gia chỉ giải quyết các vụ việc tranh chấp mà một bên là chính quyền (trong phạm vi từ 2 tỉnh trở lên) và giá trị tài nguyên/tài sản là hậu quả của tranh chấp trên 100 triệu Won. Tại Nhật Bản, Ủy ban điều phối giải quyết TCMT được thành lập ở cấp quốc gia để xử lý những vụ việc mà phạm vi ảnh hưởng từ 2 tỉnh trở lên, có tính chất nghiêm trọng và ảnh hưởng trên diện rộng. Ở cấp tỉnh, các Hội đồng giải quyết tranh chấp được Chủ tịch tỉnh bổ nhiệm, chịu trách nhiệm hòa giải những vụ việc không thuộc phạm vi của Ủy ban điều phối giải quyết TCMT.

   Về thành phần, tổ chức giải quyết TCMT thường bao gồm đại diện chính quyền, luật sư, nhà khoa học, chuyên gia môi trường..., trực tiếp chịu sự quản lý của Bộ trưởng hoặc Chủ tịch tỉnh, song hoạt động độc lập với các cơ quan hành chính khác thuộc Bộ hoặc thuộc Ủy ban tỉnh/TP.

   Đối với các tổ chức tư vấn độc lập được thành lập để đóng vai trò trung gian thương lượng, hòa giải trong giải quyết TCMT như: Viện Giải quyết các xung đột môi trường (Mỹ); Trung tâm đánh giá và giải quyết TCMT (CEDAR) của Đại học New South Wales (Ôxtrâylia)...

   Ở một số nước, hoạt động giải quyết TCMT được thể chế hóa ở cấp độ luật. Ví dụ, ở Mỹ, các quy định về giải quyết TCMT được quy định tại Luật Xử lý hành chính TCMT, Đạo Luật về đàm phán, Luật về chính sách môi trường và giải quyết xung đột, Pháp lệnh về hợp tác bảo tồn… Tại Hàn Quốc, Luật giải quyết TCMT được xây dựng từ năm 1990 và đến nay đã qua 7 lần bổ sung, sửa đổi. Ở một số nước khác, các thủ tục, phương thức giải quyết TCMT được quy định trong các văn bản dưới luật như ở Trung Quốc, các vấn đề TCMT được quy định tại một số văn bản hướng dẫn Luật Dân sự, Luật BVMT, trong khi ở Singapo, các quy định liên quan được đề cập trong Luật BVMT.

   Tuy nhiên, cho dù những quy định về giải quyết TCMT được ban hành ở nhiều cấp độ khác nhau, nhưng các thủ tục, quy trình, các bước và phương pháp hòa giải đều được hướng dẫn rõ ràng với nghĩa vụ và trách nhiệm của bên tranh chấp, cũng như vai trò và quyền của chủ thể trung gian trong xử lý tranh chấp. Vì vậy, các vụ TCMT đã được xử lý với hiệu quả cao như ở Nhật Bản, kể từ khi thành lập năm 1970 đến tháng 3/2001, Ủy ban điều phối TCMT đã thụ lý 743 vụ, trong đó 736 vụ được giải quyết triệt để. 

 

Nguyễn Trung Thắng, Hoàng Hồng Hạnh, Dương Thị Phương Anh

Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT, Bộ TN&MT

(Toàn văn đăng trên Tạp chí Môi Trường số 6/2015)

Ý kiến của bạn